Hotline: 0968133153
Tin tức hoạt động được Trung tâm cập nhật liên tục
Một người bạn của anh Thạch gọi máy cho anh, muốn gì thì gì, tối nay anh phải đi với em. Câu nói như một lời khẩn cầu, một lời đề nghị khẩn thiết, có vẻ như không đi không được.
Người gọi máy là cô Thanh, một trung niên gần bốn chục tuổi, chồng cô mất chừng bốn năm nay để lại hai đứa con, các cháu khá ngoan và học hành cũng được.
Cô Thanh tốt bụng lắm, ai nhờ vả, vay mượn gì, nếu khả năng giúp đỡ được gì, là cô giúp ngay.
Anh Thạch là cán bộ Mặt trận Tổ quốc xã, trong những đợt quyên góp ủng hộ bà con vùng lũ lụt, hoạn nạn thì anh vẫn phải nhờ đến cô, tiếng nói của cô rất có trọng lượng. Tóm lại, cô là một người khả mến.
Bởi vậy, cô nhờ là anh phải đi, hơn nữa chiều nay đi, đêm về mà để cô đi một mình trong chặng đường gần hai chục km từ hạ huyện Cẩm Khê tỉnh Phú Thọ lên xã P thượng huyện, cũng khá xa cách và nguy hiểm.
Đọc đường, cô Thanh thủ thỉ kể về mục đích chuyến đi thì anh Thạch thất vọng.
Đây là lần thứ gần một chục, cô Thanh nhờ anh chở đến hết ông Thầy này đến bà cốt nọ. Ai khánh thành cái am, cái miếu, khu mộ tổ, nhà thờ họ v.v... là cô bỏ hết công việc mò đến.
Có vẻ như đây là niềm vui lớn nhất của cô.
Có lần, cô đi một lễ hội lớn ba ngày ở một ngôi chùa lớn nhất nhì miền bắc. Chuyến đi tiêu tốn cả chục triệu bạc và nom cô yếu mệt hẳn đi vì phải lội bộ từ điểm đậu xe vào chùa dài cả gần chục km. Lý do là vì người dẫn cô đi nói rằng, phải đi đủ 10 ngàn bước chân thì Phật mới “tiếp” và cầu mới ứng.
Khi từ nơi đệ nhất Phật linh này về, cô hồ hởi sang nhà anh báo tin, khoe với anh về những điều kỳ vỹ của ngôi chùa được đầu tư hàng trăm tỉ đồng, mỗi năm đón vài triệu khách đến thăm viếng này.
Đặc biệt, món quà cô biếu, làm anh Thạch vừa thương cô, vừa tức cười vô cùng: Đó là một mớ những cái dải vải đính mặt khảm trai giả, có đính vài cái tua đỏ vàng bên dưới, còn trong trung tâm, là hình… Chúa Giêsu!
Có lần, cô lại nhờ anh chở cô về Lâm Thao, dự cái lễ khánh thành một khu mộ tổ của một chi họ Lê nào đó, “nghe nói” vị này rất “linh”, trước đây, cứ ai chịu đến khẩn vái thì gặp nhiều may mắn.
Trên đường về, khi vào quán nước nghỉ giải lao, anh Thạch hỏi cô xem cô có biết ngôi mộ tổ họ Đỗ của chính cô ở gần Thị Xã Hà Đông không thì cô tịt, không biết gì!
Hôm nay, sau gần một giờ hỏi thăm mới đến được ‘điện” của vị Thầy nghe nói là tuyệt linh ở xã PX huyện Cẩm Khê tỉnh Phú Thọ.
Vừa đến đầu khu lò gạch Tuynen ở đồng Sủng, nơi kế cận hai xã Phùng Xá và Phương Xá thì bất ngờ anh Thạch gặp anh B. là bạn bộ đội chiến đấu trên Hà Giang hồi năm 1979.
Sau khi hàn huyên cho hả câu chuyện sau bao nhiêu năm xa cách, anh Thạch hỏi đến nhà bà Thày kia thì anh B cười sặc sụa, cười đỏ cả mắt và kéo hai người về nhà mình.
Nhà anh B ở cách căn nhà hoành tráng, nguy nga của “Thầy” khoảng 30 mét. Anh cho biết, cách nay dăm năm, nhà này còn nghèo đói, ăn bữa nay lần bữa mai, mới khá lên từ khi làm “thầy”.
Vào nhà, uống nước hỏi thăm xong, anh cho con mời bà S.T sang chơi. Bà này ở cổng đối diện với nhà Bà Thầy.
Khi nghe chủ nhà tóm tắt xong, bà S.T nói, giọng nói của một nông dân, thẳng thắn, to lời, hơi dung tục làm cả nhà được một trận cười vỡ bụng.
Câu chuyện mới xảy ra gần đây.
Con gái bà ST, chừng hăm lăm tuổi, nghĩ làm lạ vì nó quá biết “Cô H” này từ khi cô còn nhỏ đến nay, một chữ nho bẻ đôi không biết, lấy chồng về đây, ở sát rào thì nó lạ gì nữa.
Thế là cô bé tinh nghịch này hóa trang sơ sơ, chờ một hôm đông khách nó chen vào xem về đường tình duyên. Nó nói rằng, qua hai ba đám mà nay vẫn khó lấy chồng quá.
Bà H nhìn sơ, làm vài thủ tục, thò tay vơ dăm chục tiền quẻ rồi phán xanh rờn:
- Cô không thể lấy chồng được bởi cô có một mối duyên âm, cô đã kết duyên với một người rất cao sang dưới âm phủ nên không thể lấy được chồng. Nếu bây giờ, muốn lấy chồng, phải nộp tiền tiếp để bà thầy làm thủ tục “cắt duyên âm” với anh dưới kia, mới xong.
Cô gái phá lên cười, bỏ chạy về nhà.
Tối hôm đó, cô kể cho cả nhà nghe.
Cả nhà được bữa cười no nê.
Riêng bà ST, là nông dân, bà không chịu mất oan 50 ngàn tiền mồ hôi kia được.
Bà lập tức chạy sang nhà “thầy” H.
Bà chỉ thẳng tay vào mặt đòi tiền quẻ. Bà nói:
- Chị kia, bịp ai ở đâu thì bịp nhé, con tôi hôm cưới mời cả chị, chị còn ghé ăn cưới mà sao chị nói nó không thể lấy chồng là sao…?, trả năm chục đây!
Sau đó, để khỏi mất công cho chặng đường mưa gió gần hai chục km, anh Thạch dẫn cô Thanh sửa soạn lễ quà sang nhà bà Thầy trẻ kia, gọi là “thăm bụt, đến chùa”.
Đến nơi, phiền cho anh, là phải chờ đợi. Hiện ở “điện” bà, còn năm đoàn khách từ Nha Trang, Sài Gòn, Nghệ An xếp hàng.
Một giờ sau đến lượt anh vào đặt quẻ.
Anh trình bày với Thầy về việc vợ anh mất tích hai tuần nay và nhờ thầy chỉ vẽ.
Thầy không một giây chờ đợi, suy đoán mà phán ngay rằng: Vợ anh theo chân chúng bạn sang Trung Quốc buôn bán rồi, cô này sẽ lấy chồng bên đó, khả năng chở về là rất thấp… Muốn cô về, phải làm thế này... thế này… thầy sẽ giúp.
Anh Thạch bấm nhẹ vào tay cô Thanh, hai người cảm ơn Thầy rồi ra về.
Chặng đường về dài đằng đẵng.
Anh Thạch dành cho cô hàng xóm tốt bụng một sự tĩnh lặng cần thiết để cô suy nghĩ về tất cả những gì vừa xảy ra.
Nhất là câu chuyện về vợ anh vừa mất tích.
Đúng lúc đó chuông điện thoại reo. Đầu dây bên kia, vợ anh vừa gọi anh về sớm để tối đi họp phụ huynh cho con, dạo này chị mệt, không đi được.
Loạt bài “Những người thích vịt” này, là những chuyện có thật, còn hai bài nữa, bàn sâu về vấn đề thái độ con người đương đại với các tôn giáo, những thái quá, hệ lụy của nó ảnh hưởng đến sự trưởng thành của mỗi con người ra sao, xin bạn đọc đón coi.
Xem tiếp Những người thích vịt: Kỳ 2
Nguyễn Huy Cường.