Hotline: 0968133153
Tin tức hoạt động được Trung tâm cập nhật liên tục
Ra đường thấy vịt cũng lùa - thấy Chúa cũng vái - thấy chùa cũng tu.
Một lần anh bạn tôi về quê ngoài Bắc để lo việc lớn của gia đình. Khi bàn đến việc gì, cho dù thấu đáo đến đâu nhưng cuối cùng, vài người bề trên vẫn nhấn lại một câu: Để hỏi lại thầy Tiến cái đã.
Vì lâu ngày mới về quê xứ, phần vì tính cả nể nên anh bạn có vẻ như thả lỏng cho họ hàng làm gì thì làm.
Nửa tháng sau, anh này hết chịu nổi khi thấy “thầy Tiến” can dự gần như toàn bộ mọi vấn đề của gia đình.
Ngày giỗ đầu của một người vừa khuất, cũng bị thầy “nắn” lại. Thầy nói: ngày chính rất độc, nếu cứ làm, sẽ có vài mạng “đi” theo.
Mỗi khi có việc gì, thầy lĩnh hết từ khâu chấm giờ cho đến khâu chuẩn bị lễ lạt. Có cái “lễ” là khoảng một mét khối vàng mã, ngựa nghẽo khi đốt, hai người được phân công “chiến đấu” hết gần một giờ đồng hồ, khói bụi nồng nặc tràn ngập cả mấy nhà lân cận.
Khi hành sự thầy quyết: phải đúng tám giờ hai mươi phút, không hơn, không kém một phút.
Ngày giỗ cụ Tổ nhà này, được ghi trong gia phả từ lâu, cũng bị thầy “điều chỉnh lại” hẳn vài tháng.
Anh bạn thấy tình hình nghiệm trọng, đã để tâm tìm hiểu thì thấy nổi lên một căn nguyên:
Năm năm trước, một thanh niên con cháu dòng họ này thi vào đại học, anh ta bị thiếu một điểm. Anh này là người đầu tiên của dòng họ này mấp mé vào đại học. Do có sự chỉ dẫn, bà mẹ anh này đã tìm đến thầy Tiến để nhờ thầy xoay chuyển tình thế.
Và thầy đã xoay chuyển được.
Sau khi nhận lễ, cúng bái xong, thầy nói cứ yên tâm, thầy sẽ “làm” cho cậu này trúng tuyển. Nửa tháng sau, cậu kia nhận được giấy gọi nhập học của trường đại học mà cậu vừa thi.
Từ đó, như hiệu ứng lan tỏa, nhà kia trở thành nguồn tiếp thị hữu hiệu cho sự nghiệp của thầy. Cả họ nhà này nằm vào vòng “quản lý” của thầy như vừa nói. Tất cả bạn hữu của bà mẹ cậu kia đều trở thành “hàng” của thầy.
Cho đến một ngày kia, anh bạn tôi cần mẫn tìm hiểu, điều tra kỹ qua một vị đại tá giám đốc một bệnh viện lớn, một tiến sĩ chuyên nghiên cứu về khoa học thần bí thì mới biết “hàng” của thầy toàn hàng giả.
Theo nguyên tắc, một cung giờ trong thần học là hai giờ đồng hồ (ví như giờ Sửu là từ 3 giờ đến 5 giờ) toàn thế giới chấp hành theo quy tắc này. Ngay trong thuật tử vi, khi chấm lá số, thầy tử vi cũng chỉ lấy dữ liệu đến đơn vị “giờ” là cùng.
Bởi lẽ đó, việc khởi hành “đúng 8 giờ 20 phút” là lòi cái dốt của thầy ra. Trong cách lập giờ, bảy giờ mười lăm phút hay tám giờ bốn mươi lăm phút không khác gì nhau cả!.
Có một thuyết khác định là giờ tý khởi từ 00 giờ kết thúc vào 02 giờ. Trong trường hợp ấy 8 giờ 20 hay 8 giờ 40 đều như nhau cả, không có gì húy kị đến múc phải “bó sát” 8 giờ 20 phút.
Trở lại “thành tựu” của “ngài” khi “xử lý” chuyện thằng cháu đầu tiên của dòng họ vào được đại học, không gì đơn giản hơn.
Khi cậu kia trở về từ trường thi, Cậu là một thanh niên nhà quê, lần đầu ra “kinh đô: ứng thí, cách nay 10 năm chưa sành sỏi như bây giờ nên cậu không biết rằng với cách tự chấm theo quy tắc, công thức công bố sau kỳ thi đăng trên báo chí thì cậu và những anh chị đi trước chấm giùm, tối đa cũng thiếu một điểm, cậu rất buồn. Nhưng, vì lần đầu vào sân chơi đại học cậu đâu biết, là dân vùng sâu, cậu được cộng thêm một điểm nữa và vừa đủ trúng tuyển!
Nhưng do “của người phúc tôi”, chính sách xã hội của nhà nước lập tức biến thành “công" của thầy. Không những thế, nó thành “con dấu chất lượng cao” đóng vào mọi “sản phẩm” về sau thầy bán cho nhà này.
Cho nên, thầy đã cả gan tiến một bước ghê gớm.
Năm 2007, họ nhà này có một người chết ở tuổi 49 do tai biến mạch máu não.
Sau khi đưa tiễn người chết, thầy “bỏ nhỏ” vào tai một chị vai vế là em người đã khuất rằng: Cụ tổ về bắt người xuống hầu hạ, lẽ ra “bắt” chồng chị này nhưng cụ đã nhầm (?!) và vơ đại anh kia. Bây giờ muốn sống, phải chịu lễ để thầy bao bọc cho.
Từ đó, vị này trở thành “khách hàng hạng nhất” của thầy.
Một nguyên tắc sơ giản, được thiết lập bền vững với giới gốc nông nghiệp là “một chữ bất tín, vạn sự bất tin” nên “một điều xác tín, vạn điều sẽ đúng” là chuyện bình thường.
Để giúp bạn đọc thư giãn một chút, xin trình bày một câu chuyện xảy ra tại nhà bác ruột của vị thân chủ hạng nhất, là mẹ của anh sinh viên “may mắn” kia.
Ông bác chết, trước khi chết ông là tay thợ mộc trứ danh.
Sau đó ít lâu con trai ông bác chết. Thầy được triệu đến.
Trong không khí lung linh thần diệu, thầy phán rất nhiều. Lời của thầy là những lời nhân từ, như bất cứ người sống nào khác răn dạy con em mình.
Đó đây có những giọt nước mắt.
Thầy phán tiếp: “Mấy cái tủ đứng này bố đóng là để con dùng làm vốn, không được bán đi dù bất kỳ hoàn cảnh nào!”.
Đến đây, trong đám trung niên lớn tuổi, đã nổi lên tiếng xì xào thắc mắc. Cái tủ và những đồ mộc có giá trị ở phòng khách không phải do ông bác đóng mà sau khi ông qua đời một năm, ông con đóng.
Thầy vẫn ngất ngư trong tấm vải đỏ trùm đầu, hương khói tràn ngập gian nhà.
Một lúc sau “hồn” phán tiếp: "Chúng bay đâu, lấy cho bố điếu thuốc lào, từ ngày về cõi tiên, thèm quá mà không có, khi cúng bái chả đứa nào nhớ mà cúng thuốc xái cho bố cả!”
Đến đây thì gần như cả họ òa lên, họ nhận thấy “hồn” nói láo.
Ông bác còn sống không biết hút thuốc lào, mặc dù lớp người như tuổi ông ở xóm này hầu như ai cũng biết dùng món này.
Một anh con cháu đứng gần, rút ngay cái phất trần, đẹt cho thầy một cái vào mông: “Ông này cút ngay, khi còn sống thì mẫu mực, nay chết rồi sinh đổ đốn, hút xách lôi thôi!”.
Thầy bỏ cả tiền quẻ chạy một hơi.
Các bạn thân mến,
Đọc đến đây, hẳn có bạn nghĩ rằng: tác giả đang thực hiện một loạt bài chống mê tín dị đoan tầm thường.
Thưa không,
Cái cần quan tâm, là để có cái nhìn thật sâu, đến mức nào đó và để có sự trân trọng những giá trị thật của những tiềm năng quý của con người, của những bậc cao lão đã dày công dùi mài kinh sử, đã đúc kết những giá trị vô cùng quý giá trong đời sống tinh thần sẽ đề cập ở những bài sau.
Nhưng chúng ta phải hơn một lần, nhìn thấy tất thảy những biểu hiện chưa thấu đáo, những giá trị bị lợi dụng, những quỷ thuật của giới tà đạo bám vào cõi ảo huyền này kiếm chác, làm méo mó những giá trị nguyên thể và dẫn con người vào những lầm lạc ghê gớm.
Trong loạt bài này, tác giả chỉ có tham vọng lột tả một trạng thái tinh thần rất phổ biến của một lượng người không nhỏ của thời nay, lượng người đã “thấy” tấm hình thần thánh, thấy giọt nước mắt trên phiến tượng bê tông, thấy cái “giỏi” của một ông thầy từ Hà Nội biết được màu của bông hoa nhỏ bên nấm mộ xa 1800km, thấy sự thần kỳ khi thầy “cho” con mình vào đại học.
Những người chưa hẳn là “theo” chủ nghĩa duy tâm trăm phần trăm nhưng tâm hồn họ, tinh thần họ, tư tưởng họ đã hình thành trạng thái “cận duy tâm”, một trạng thái rất tai hại khi tiếp cận một khoa học cao siêu, một thể khoa học mà nhiều nhà khoa học bỏ bao nhiêu tâm lực, trí tuệ cũng chưa dễ nắm bắt được.
Trong kho tàng ngạn ngữ Việt Nam, có câu: Một sự bất tín, vạn sự bất tin.
Câu văn này có giá trị răn dạy con người gắng sống trung thực, tránh tiền hậu bất nhất sẽ được người đời tin cậy.
Ngoài điều đó ra, nếu quy chiếu ở bề mặt của một phản đề thì nó lại tao nên một nét cần bàn.
Đó là công thức: Một sự đã tín, vạn sự tin luôn.
Trong những người bị khủng hoảng lớn nhỏ trong đời sống, phải lần tìm đến “cửa thánh”, thường mắc phải nhiều bi kịch bởi “chân lý” này.
Khi tiếp cận, Thầy phán vài câu, thấy đúng, tin luôn.
Hoặc có ai đó, là người tử tế nói thầy đúng, thầy tốt, tin luôn.
Thế là từ lòng tin ấy, buổi đi xem bói nhanh chóng trở nên buổi nói chuyện thân tình. Một bên là bọn thầy bà láu cá, mẹo mực ghê người, đủ chiêu trò tinh quái với cách tra hỏi rất khôn ngoan. Một bên là người đang tin (cũng giống như người đang yêu) nên rất dễ dàng lôi tuốt tuồn tuột cả lòng gan, lá lách mình ra cho thầy nắm hết. Thầy hỏi cũng nói, không hỏi cũng nói, những thân chủ này nhiều khi coi “Điện” của thầy là chỗ xả hết bức xúc dồn nén từ gia đình. Từ đó, thầy tha hồ phán, phán đâu trúng đó.
Kể cả trong thời gian phán, có vài điều sai trái, thì người nghe cũng dễ thể tất hoặc đổ cho bao nhiêu lý do khác còn thầy vẫn là siêu phàm, siêu giỏi!
(còn tiếp)
Kỳ tiếp: Những người thích vịt (kỳ 6)
Nguyễn Huy Cường