Hotline: 0968133153
Tin tức hoạt động được Trung tâm cập nhật liên tục
Nếu xếp “Từ loại” cho chữ “Lo” của tiếng Việt hoặc làm một chuyên khảo về từ này, e là tốn nhiều giấy mực của giới học giả. Từ việc “lo ăn”, lo chạy trường cho con, lo chạy chức cho chồng, lo vợ chồng cho con cái, lo hậu sự… Bài viết này chỉ xin bàn đến tâm thế của một số người khi họ “sống để lo” mà thôi!
Tấc đất, tấc vàng!. Câu thành ngữ này rất sát với tình hình đất đai vào những năm tháng khoảng từ 1990 đến 2013, thời điểm bài viết này ra đời. Nó càng có ý nghĩa hơn khi biết giá trị thật của miếng đất là khoảng hơn hai trăm triệu VND, bằng bốn ngôi nhà tình nghĩa lúc này nhưng giá trị đó chỉ là giá trị của dưới chục mét vuông, vị trí đất cách khu New City nổi tiếng của tỉnh Bình Dương, một tỉnh phát triển mạnh nhất Nam bộ.
Hiện nay, chủ đất này đánh tiếng cho vài người nhưng không mấy ai muốn nhận vì không… thích hợp, có người thì còn trách cứ người cho, cho rằng người này… chúc đểu với mình!.
Thế mới phiền.
Số là cách nay ba năm, một lão bà vào tuổi thất tuần, đã tự “lo” cho mình một phần việc tối quan trọng nhất là tìm cho mình một phần mộ để yên nghỉ.
Thế là, ma đưa lối, cò đất, google dẫn đường, bà tìm được một thửa đất mà ở đó, “Công nghệ nghĩa trang” đang phát triển, họ tự đặt cho khu này bằng những cái tên nghe cứ rổn rảng cả tai: Rồng vàng, Hươu bạc, Nai tía v.v…
Lần đi xem đất, bà được những tay hướng dẫn viên của công ty nghĩa trang kia bỏ nhỏ vào tai là nếu mua được miếng đất này, ăn nghỉ tại đó là con cái sau này sẽ phát như diều, sẽ bốc như lốc v.v…
Bà vui vẻ bỏ ra 250 triệu mua đứt cái chỗ… môi con rồng trong tưởng tượng này và yên tâm về nó.
Trước đó, bà đã vài lần đưa tiễn bạn đồng niên đồng tuế, thấy người mà nghĩ đến ta, cứ lạnh cả gáy!. Người thì trải qua phút hỏa thiêu khủng khiếp, người thì bị dìm xuống lỗ đất đào đến đâu, nước đến đấy, khi cỗ quan nằm xuống là khi nước ruộng ào ào, đem theo cả cua, đỉa, rác sến vào theo…
Về nhà, bà đem câu chuyện mới có chỗ ở cái “Hàm rồng” kia kể với bạn bè cao niên, có ý mời người ta đến làm hàng xóm sau này cho …vui nhưng mời không được, không có mấy ai hưởng ứng.
Người thì nói sẽ về quê hương bản quán.
Người thì thích biến thành một hũ tro rồi lên chùa tọa gần các bề trên hiển linh.
Riêng cậu em trai bà, tuổi ngoài sáu chục trả lời thẳng thừng: Em không hơi đâu để lo việc ấy. Em có ba đứa con, chúng là những đứa có ăn học, hiếu hạnh, việc chôn cất cha mẹ là bổn phận của chúng. Khi được lo việc này, chúng sẽ trưởng thành thực thụ. Nếu chúng làm tệ hại, chính chúng phải chịu trách nhiệm trước thiên hạ và con cháu chúng. Nếu chúng làm tốt, đó chính là cái phúc chúng được hưởng.
Hôm bà ra Nha Trang, đem chuyện này nói vui với bà bạn đồng niên thì bà này lại có cách nhìn mới: Sinh hữu hạn, tử bất kỳ, mình muốn lo cũng không được. Đã có trời lo.
Đúng lúc đó, bên hàng xóm có một đám tang, người mất cũng là bạn xưa của hai người nên hai bà lão này cũng nán lại coi và đưa tiễn người bạn tốt về với bề trên.
Gần một tuần, người bệnh là một Lão ông hơn tám mươi tuổi nằm bệnh viện ở TP Nha Trang.
Tại đó người ta thấy có hai người con, một người là con ruột, một người là con rể canh chừng, chăm sóc ông cụ.
Tưởng cụ hiếm muộn đường con cái, nhiều người nằm chăm sóc bệnh nhân kế bên thăm hỏi thì người ta mới biết Lão ông này có gần chục đứa con.
Con cái cụ, toàn những kỹ sư, tiến sỹ, Tổng giám đốc doanh nghiệp giỏi giang đang sinh sống ở Sài Gòn, Đan Mạch, Mỹ v.v...
Điều làm mọi người ngạc nhiên hơn là vài năm dưỡng bệnh tại Cam Ranh, cụ phải sống ở nhà… con rể út, một nông dân hiền hậu, chịu khó và cô con cái út của cụ.
Anh con rể thì phải lật đật kiếm sống bằng đủ thứ việc nặng nhọc bởi học hành ít. Cô con gái út phải chăm sóc cụ tất tần tật, kể cả việc phụ cho cha đi vệ sinh, tắm rửa hay đi kèm ra bệnh viện những lúc bệnh hoạn.
Gần ngày cụ lâm chung, anh con thứ hai, một người “Bình dân” nhất trong đàn con cụ, bỏ công ăn việc làm từ Sài Gòn ra phụ em rể, túc trực chăm sóc cha cả tuần nay.
Còn khoảng bảy tám người khác, các “Mr, Mrs” ở TP HCM, Mỹ, Đan Mạch thì thi thoảng… gọi điện hoặc gửi tiền về Nha Trang, thăm bố.
Những người quan tâm, thì cho rằng, nên thông cảm vì các anh chị này ở xa xôi hoặc quá bận bịu vì chức phận của họ với xã hội nên chăm sự nhờ các em.
Nhưng, sau đám ma, nhiều điều được hé mở.
Sáng sớm hôm cụ qua đời, thông tin được gửi gấp đến tất cả con cái ngay lập tức.
Người con cả từ Sài Gòn ra đi từ sáng bằng xe riêng. Nhưng đến chiều tối, khi người ta đưa cụ về đến nhà, tẩm liệm xong vẫn chưa thấy ai đến. Điện thoại hỏi, anh trả lời vì… lái xe chạy chậm. (Đoạn đường từ Sài Gòn ra Cam Ranh, đi bằng xe du lịch thường chỉ hết 6 giờ) nhưng anh đi hết 12 giờ. (Trong lúc đó, nhiều người cháu của cụ, cũng từ Sài Gòn, nghe tin đã ra trước dăm tiếng đồng hồ bằng… xe đò).
Ra đến nơi, ngó cha nằm trong cỗ quan một chút rồi tìm nhà nghỉ cho vợ con, biến luôn.
Vì phải đợi những người ở xa nên ông cụ được nằm trong một quan tài có điều hòa, dự cảm là khoảng một tuần để đợi .
Dăm ngày sau, người ta được tin là cả đoàn đã về đến Sài Gòn và ngày hôm sau sẽ có mặt để chuẩn bị tiễn biệt cụ.
Ngày hôm sau, tất thảy những người thân thiện mong mỏi mắt những người thân yêu của mình từ xa về, đây cũng là cơ hội hiếm hoi để những người thân yêu để gặp gỡ nhau, để lo cho cha.
Mọi người được biết, buổi sáng hôm sau họ đã lên đường đi Cam Ranh.
Nhưng, mọi người đã thất vọng.
Đến Phan Thiết, cả đoàn ghé vào một khách sạn bốn sao khu Mũi Né nghỉ lại, như một đợt nghỉ mát.
Hôm sau họ tới và lễ Hỏa táng được chuẩn bị bắt đầu.
Trước đó, khi nhiều ý kiến bàn bạc chôn cụ ở chỗ gần cụ bà đi trước đó mươi năm nhưng anh con lớn gạt đi, anh đã quyết hỏa táng cụ.
Lý do anh đưa ra thì nhiều nhưng những người thân hiểu rằng, với cách này, về sau đỡ phiền. Hài cốt họ mang đi rồi, việc lui tới xứ này “nhàn” hẳn, không phải quan tâm.
Chín giờ sáng, chiếc xe tang chở cụ ông lên con đèo Rù Rì, rẽ vào nhà hỏa táng.
Sau vài nghi lễ chừng mươi phút, cỗ quan mới được hạ xuống cái “huyệt” giả, là chỗ mấy người phu hỏa thiêu đang làm việc ở tầng dưới, họ đón cụ xuống, đẩy cụ vào lò.
Trên mặt “Huyệt” anh con lớn hô: Nào, ai xả tang thì xả đi!.
Nói rồi, anh cởi bỏ bộ đồ tang vứt theo cỗ quan bên dưới. Những người khác làm theo.
Năm phút sau, ba chiếc xe khách, xe du lịch và đoàn người rời “nghĩa trang” và đám tang chấm dứt.
Theo dõi toàn bộ đám tang này, hai bà lão trở về nhà. Bà lão đang có ngôi mộ tương lai ở “Hàm rồng” cám cảnh: Sao đời đen bạc vậy. Cụ ông kia đã trải qua gần sáu chục năm lận đận, truân chuyên để sinh hạ, nuôi dạy chừng đấy đứa con mà sau đến lúc chết, cơ cực thế!.
Bà lão chủ nhà rủ rỉ chia sẻ cùng bạn, như nói với chính mình:
Thôi bà ạ. Cái việc này, với lớp người già chúng ta thì là việc tối quan trọng, nhưng với lũ trẻ, nó cũng thường thôi.
Với chúng, việc chung chi tiền bạc nuôi ông cụ bấy lâu nay, việc ăn học thành tài, việc nuôi dạy con của chúng tốt, theo chúng, đó là bao hiếu và chắc rằng, ông cụ cũng hài lòng.
Hơn nữa, với lớp người “tân tiến” thì việc thực hiện những thủ tục rườm ra, bi khốc, tốn kém, dềnh dàng không phù hợp. Chúng còn bao nhiêu việc phải làm, còn phải tất bật mưu sinh, quyết liệt dựng xây sự nghiệp.
Vì vậy, chúng coi nhẹ hay ít quan tâm đến việc này, cũng không phải điều gì khó hiểu lắm.
Hai bà lão thở dài, ngoài biển Cam Đức, những ngọn sóng cũng rai rẳng thầm thì, thầm thì tiếp bao nhiêu điều nữa cùng nhân thế.
Kỳ sau: Đất cho không ai nhận.
Nguyễn Huy Cường.