Hotline: 0968133153
Tin tức hoạt động được Trung tâm cập nhật liên tục
Hình ảnh vụ lợi, nhắng nhít, có một nói mười, không từ bất kỳ sự lợi dụng nào ở những hạn chế trong nhận thức của người khác để mưu lợi, mưu danh tuyệt nhiên không phải cái đáng để tôn vinh hay mù quáng chấp hành...
Ảnh chụp tại Đình Thôn-Mỹ Đình 2012.
Trước khi đặt bút viết những dòng này, tôi có dư 15 năm để quan sát và chiêm nghiệm, một việc có thể làm trong phạm vi trình độ, năng lực của mình trước khi làm được những việc gì đó khá hơn cho đề tài này.
Đầu năm nay tôi quay lại thôn Đình Thôn, Mỹ Đình Hà Nội. Nơi tôi đã từng sống ở đây, hồi năm 1972, cách đây gần bốn chục năm.
Năm nay, Mỹ Đình có nhiều đổi khác, nó đang có tầm vóc của một khu phố tân tiến, uy nghi hơn đứt mấy thành phố tầm tầm ở Đông Nam Á.
Nhưng, nét đặc biệt là, nó càng vươn lên về kiến trúc, tầm vóc đô thị bao nhiêu thì nó càng tụt lại bấy nhiêu để trở lại thủa hoang sơ, thủa con người còn dựa vào đủ mọi thế lực linh thần để bảo vệ cuộc sống vốn rất nhiều trở lực của họ thủa ấy.
Ngày tuần tuyết, hai bên đường cả dãy phố dài hàng nửa km mỗi nhà bày một mâm cỗ theo hình thức “ván xôi con gà” trang trọng cùng hoa trái, thắp nhang khói mù mịt ngoài mặt tiền.
Vốn đã là dân của khu phố quen thuộc này, khi trở lại làm đề tài này, tôi không khó để thâm nhập và làm một sơ kết nhỏ: trong một trăm nhà “đầu tư” một trăm con gà, một trăm ván xôi cúng ai đó hôm nay thôi thì đủ loại, có loại xem như cũng nhận được ơn mưa móc của bậc chí tôn, trả nghĩa cho con gà to đùng kia hẳn vài cái xe hơi với một cơ đồ giàu hơn cả thường dân Mỹ, Pháp.
Nhưng cũng có không ít hơn 40 % số này, cũng thành kính lẩm nhẩm trình bày hoàn cảnh, nguyện vọng với bề trên khi “kính” ván xôi gà kia nhưng nghèo vẫn nghèo, có nhà hai đứa con chết vì heroin trong một năm.
Có điều, cả kẻ giàu và người nghèo đang làm cái việc rất mới, có lẽ du nhập từ phía nam rồi “sáng tạo” thêm món đồ mặn (ở miền Nam cúng Thổ thần không dùng lễ mặn, chỉ có thanh bông hoa quả và để bệt xuống đất). Hàng trăm năm trước, Mỹ Đình tuyệt nhiên không có lệ này.
Ở xã Tây Cốc huyện Đoan Hùng tỉnh Phú Thọ. Có hai đại gia ở cách nhau một cây cầu, họ đều là những người biết làm ăn, giàu có, sang trọng.
Điều khác biệt là nhà ông H. một trung niên là thương nhân, hầu như không mấy ngày không có lễ bái. Ông sống bằng triết lý “Sống vì mồ vì mả, không ai sống bằng cả bát cơm”, những gì ta làm được, phần lớn nhờ ơn trên nên hễ làm ăn phát đạt là thành kính dâng lễ đáp tạ tổ tiên chu đáo.
Bên này cây cầu, nhà ông Tr.S là một “Tập đoàn” mạnh nhất vùng mày. Ông sinh đẻ hơi nhiều, có gần chục người con, nay ai cũng đã trưởng thành, gia sản trị giá nhiều tỷ đồng từ lâu rồi, nay có cả bất động sản ở Việt Trì, Hà Nội nhưng trong nhà ông này không có bàn thờ mặc dù tứ thân phụ mẫu đều đã quy tiên. Miễn bình luận!
Biển số những chiếc xe “khủng”.
Ông bạn tôi giao nhiệm vụ cho tay trợ lý đi lập thủ tục đăng ký xe, ông cẩn thận dặn dò: phải lựa bằng được “số đẹp”. Khi thuộc cấp hỏi ông nêu ý: Nếu được mười “nút” thì tốt, không thì phải đạt được bảy, tám nút.
Sau đó, lính của ông phải ra tiền triệu để ông có được… mười nút.
Trên trang quảng cáo báo chí, nhiều người rao bán xe, quàng thêm luôn lời giao: “biển số đẹp, 8 nút”.
Tôi đem mớ ảnh của mình tích cóp được để phục vụ đề tài này cho ông coi.
Tôi chỉ ra cho ông những chiếc xe mà giá trị xe của ông với 700 triệu bạc chỉ mua được …một bánh xe của họ nhưng biển số xe ấy chỉ… hai nút. Có chiếc MAYBACK trị giá chục tỷ nhưng biển số ở nút “tử”.
Trong ý niệm duy tâm, người ta tính “nút” theo hướng là vòng SINH - LÃO - BỆNH - TỬ.
Như vậy, ta dễ thấy: 1 nút, 5 nút, 9 nút là “trực” sinh. 4 nút, 8 nút là trực “tử”. Bởi vậy, lời mời mua xe 8 nút, với một số người am tường món này, chính là mời họ mua món «tử»!.
Ấy vậy mà, để có số nút «đẹp», mà cũng là đẹp theo một quan niệm gần tư tưởng tiểu nông, cứ càng to càng tốt bà con ta đã chi bạc tỷ cho những cố gắng «ngoại giao» để có nó. Khi tổ chức một buổi đàm đạo trước khi viết bài này, tôi tổ chức một cuộc triển lãm mini trước các thân hữu và gia đình mình, đó là hai nhóm «vật chứng» rất đáng tin cậy, rất thực tế.
Thứ nhất là hai chục tấm hình chụp các chú xe bị tai nạn giao thông, trong đó có chiếc giá vài tỷ đồng nay rúm ró tang thương nhưng trên tấm biển méo mó khổ hạnh là hàng số mà cộng vào tính «nút» thì đẹp mê hồn!.
Thứ hai, tôi lấy ngay từ danh bạ điện thoại của mình ra hai chục số có chủ ý.
Đó là số của những người sang cả, thành đạt và có sự nghiệp rất bền vững, phát triển.
Có điều, số của họ thì tứ lung tung, chẳng có trật tự nào cả, cái «đẹp» theo kiểu dễ nhớ cũng không, đẹp theo kiểu tịnh tiến cũng không, đẹp theo kiểu cộng «nút» cũng không luôn. Điện thoại, chỉ là một phương tiện cần, với họ, sự nghiệp được tạo bởi lao động, sáng tạo, cách sống và khả năng làm chủ cuộc sống rất cao.
Tư duy nào cho những lựa chọn?
Ngày xưa, có một thời tôi quen một gia đình Hoa kiều ở Lãn Ông - Hà Nội. Dần dà tôi «cập nhật» được một vài quy phạm sống theo cung cách của họ.
Có những điều tốt, tôi còn giữ đến hôm nay nhưng có điều, tôi chỉ «chấp hành» được hai năm, ví như quy phạm về ngày gội đầu, cắt tóc.
Mùng một đoản mệnh, mùng hai phú quý, mùng ba phát nhất, mùng bốn tốt sắc, mùng năm tốt tóc, mùng sáu như thường… mmười hai đa ách… mười bốn chiêu tài, mười sáu đại hung… hai mươi lăm mù…
Đến khi về công tác ở một làng ven đô vài năm, kề nhà ở có cái tiệm làm đầu của một thiếu phụ rất chu đáo, luôn đắt hàng. Khách đến gội đầu toàn người quen thuộc của cả tôi và chị ta nên tôi quan sát thấy, nhiều năm sau khi gội đầu cả mùng một, mười hai, mười bốn, hăm lăm không thấy ai chết hay mù vì gội đầu cả, cuộc sống cứ êm ả trôi.
Hồi đó, tôi còn được chỉ dạy việc luôn phải giữ cho phần nóc nhà gian giữa, nơi thờ phụng cha ông luôn sạch sẽ. Nếu có cái cành cây khô rớt xuống hay tàu lá cau, con chim chết trên mái nhà phải dọn ngay. Nếu biết mà không dọn thì khốn!
Ngày đến ăn mừng tân gia nhà mới của người bạn mới mua tại khu Phú Mỹ Hưng trị giá bốn tỷ bạc, vốn là tầng sáu của một chung cư cao cấp.
Sau bữa tiệc đó vì một liên hệ tay đôi, tôi được cô giáo ở trên lầu 8 mời lên thăm nhà. Tại đây, tôi sững sờ nhận thấy, ngay bên trên vị trí bàn thờ gia tiên của chủ hộ ở tầng dưới, là giường ngủ của hai vợ chồng cô giáo trẻ ở trên chốc!
Bốn năm đã trôi đi, cả hai nhà vẫn đang phát triển từng ngày.
Rõ ràng, để đi đến việc xác nhận những giá trị siêu phàm, rất cần có những hướng tuy duy tích cực, chân xác và khoa học. Mọi đại lượng phải được đo đếm nếu có thể đo đếm. Mọi thay đổi phải được ghi nhận, mọi biến động phải được phân tích. Những lý thuyết cao siêu cần được chiêm nghiệm.
Đề Các vĩ đại đã có một mệnh đề nổi tiếng: Tôi nghi ngờ - do đó, tôi tồn tại.
Nghi ngờ, không phải để phủ nhận sạch trơn hay bài bác mà là để tiếp tục cọ sát, tiếp tục làm sáng tỏ bằng chân-tâm- trí đến mức có thể.
Sự ghi nhận, sự chứng ngộ một chân lý thông qua con đường đau khổ của nhận thức, chính là sự chuyển tiếp sức sống cho chân lý ấy, tôn vinh chân lý ấy trong mục đích làm đẹp thêm cuộc sống.
Sự dễ dãi tán dương hay vô ý cổ súy, đều rất xa lạ với những giá trị tinh thần luôn ở mức cao nhất, chính là hạ thấp giá trị của những chân lý ấy và quấy đảo cuộc sống, một biểu hiện ít nhiều mang tính bất lương.
Cuộc sống luôn song hành các giá trị và muôn màu muôn vẻ.
Khoa học thần học đã từng bước minh chứng vị trí, giá trị của nó trong đời sống nhân văn bằng kết quả của những nghiên cứu dày công của nhiều thế hệ các nhà chiêm tinh. Các nhà khoa học thần bí, trong đó có nhiều nhà khoa học Việt Nam đang dụng công nghiên cứu, chiêm nghiệm, rút đúc những giá trị siêu phàm, tìm ra những quy luật khoa học để hiểu thêm về thế giới tâm linh. Cuộc sống, sự nghiệp của họ thường âm thầm, trách nhiệm và nghiêm túc.
Hình ảnh vụ lợi, nhắng nhít, có một nói mười, không từ bất kỳ sự lợi dụng nào ở những hạn chế trong nhận thức của người khác để mưu lợi, mưu danh tuyệt nhiên không phải cái đáng để tôn vinh hay mù quáng chấp hành.
Kỳ tới: Tính ỳ và điểm dừng.
Nguyễn Huy Cường