Hotline: 0968133153
Tin tức hoạt động được Trung tâm cập nhật liên tục
Tôi thích nhất một câu nói của học giả Mỹ, một người được coi là “người đàn ông thông minh nhất thế giới hồi những năm giữa thế kỷ 19, ông nói rằng: Đôi khi trước một việc làm gì đó, ta tưởng rằng, ta đã suy nghĩ về điều đó nhưng sự thật là ta không suy nghĩ gì cả mà ta chỉ sắp xếp lại các định kiến. Từ khi bắt tay vào nghiên cứu về các thói tật của con người, khi bàn đến hai chữ “cố chấp” tôi nghĩ ngay đến câu nói trên.
Câu chuyện tiếu lâm đời mới kể rằng: trong một cuộc họp toàn cơ quan để thực hiện việc phê bình và tự phê bình, vị Thủ trưởng cơ quan đứng lên đầu tiên, mở đầu cho đợt sinh hoạt:
- Thưa các đồng chí, tôi xin tự phê bình trước, tôi có một ưu điểm là có trí nhớ rất lâu bền nhưng tôi có một khuyết điểm là tôi hay thù dai, tôi xin các đồng chí thoải mái chỉ ra cho tôi những ưu, khuyết trong công tác để hoàn thiện mình, xin cảm ơn!.
Sau đó, cả hội trường chết lặng và chuyển sang vị khác, về chuyện phê bình Thủ trưởng, coi như đã xong.
Tôi muốn đi sâu vào câu chuyện này bằng hai nét nhấn lớn, ngoài cái ý nghĩa vui vẻ, hài hước của nó.
Thứ nhất, dù đây là câu chuyện vui nhưng trong thực tế, không thiếu những câu chuyện này, có rất nhiều người có hai “Đức tính” này.
Thứ hai, là cái tố chất “nhớ lâu” chính là chữ “chấp” hay “cố chấp”. Khi mắc phải chứng này rồi, thì khó mà gỡ ra được, càng lâu càng nhớ, càng nhớ càng đau, càng đau càng thù, càng thù càng mất lý trí và dẫn đến hành xử nhẹ là không hợp lý, nặng là làm thương tổn đến người khác và tự hạ thấp mình.
Khách tìm đến Văn phòng tư vấn chính là một anh bạn tôi, anh kể:
Tôi quê xứ bắc, lập nghiệp tại Sài Gòn hơn hai chục năm, tại Sài Gòn, tôi chỉ có một người ruột thịt duy nhất là một ông cậu ruột, năm 2012 đã hơn tám mươi tuổi và các con của Cậu, ngoài ra không có ai cả.
Chính vì vậy, ba bốn lần cưới con cái, anh có một mong muốn cháy bỏng là được tiếp những đứa em ruột con ông cậu ruột để ấm lòng, để có nội có ngoại. Nhà anh ở cách nhà người con đầu của ông cậu, anh Đỗ Đạt chừng bốn km, khoảng mươi phút xe. Trong thâm tâm, anh muốn đời con mình và các con của những người anh em đồng đẳng, cháu của cậu biết nhau, thân thiện nhau.
Nhưng, cả ba lần cưới con, anh kiên trì đến tận nhà gửi thiệp mời nhưng anh kia không đến, anh rất buồn.
Có một đận, ông cậu từ Mỹ về, bị bệnh khá nặng. Anh bạn tôi cùng mấy anh chị em là con của những người chị gái ông Cậu đến thăm cậu nhưng bị cự tuyệt, vợ chồng ông Đỗ Đạt không mở cửa, lí do rất đơn giản là “Để cho cậu yên!”. Thế là, các cháu, trong đó có đứa từ Tây Nguyên về thăm cậu, không thể gặp cậu.
Anh lấy làm thắc mắc lắm.
Gọi là anh em ruột thịt nhưng danh ai phận nấy, ít phiền phức, vay nợ gì nhau. Cuộc sống mỗi anh em cũng khu biệt, không ảnh hưởng gì nhau. Nếu có tốt với nhau mỗi năm cũng chỉ giáp mặt được đôi ba lần là cùng nhưng nhìn lại vụ này thấy có gì đó không ổn.
Đến ngày ông cậu mất ngoài Cam Bình, miền trung thì mọi việc được hé mở.
Đứng trước thi hài ông Cậu, trước giờ phút cuối cùng, ông Đỗ Đạt đọc lời đáp từ sau khi Cha xứ đọc kinh tiễn biệt người quá cố. Anh nói khá điềm đạm, đàng hoàng, anh nói: Cha ơi, lúc này có anh A-B-C-D con bác N, bác M cũng đang ở bên cha đây… Con sẽ không làm bất cứ điều gì để cha phải xấu hổ… Vĩnh biệt Cha!.
Trên chặng đường từ nhà hỏa táng về, một người anh em ruột của “Ông trưởng” ứa nước mắt: Thế là ông trưởng quên béng hết chúng ta rồi, chỉ “điểm” tên vài người là con cái anh em nhà vợ trước ông cậu thôi!”.
Anh nhìn sang, không khỏi ái ngại khi biết rằng, trong cỗ xe này, có vài chục người là con, con rể, cháu ông cụ, những nông dân, tiểu thương có mặt ở đây. Mà không phải họ chỉ có mặt vào lúc này, họ và những người anh em con những bà chị ruột của ông Cậu vượt cả hai ngàn km từ Hà Đông vào, Sài Gòn ra túc trực, chăm sóc ông Cậu cả tuần lễ nay rồi xắn tay to tang lễ nhưng không được ông trưởng nói đến. (Trong lúc chính ông Đỗ Đạt, là người ra sau cùng, có những người con ruột của cậu, và những người cháu con bác N, M được “điểm” tên nói trên chỉ có mặt vài giờ trước khi cất cụ).
Về sau, những người này đặc biệt chú ý đến thái độ của ông Đỗ Đạt thì bộc lộ ra cả một núi vấn đề.
Họ nhớ ra, khi từ Sài Gòn ra đến đám tang, ông trưởng đã tốt nghiệp đại học, đã làm thầy thiên hạ, đã là một Giám đốc giỏi giang từng bắt tay với các đối tác ở Mỹ, Nhật, Châu Âu này khi ra đến nơi không chào hỏi ai cả, không thăm hỏi ai cả. Trong khi, cậu em, một tiến sỹ KHKT từ Đan Mạch về, thấy ai mang khăn trắng là lân la tới thăm hỏi, bắt tay thân thiện.
Hôm sau, khi không khí tang gia trầm lắng xuống, nhịp sống trở lại bình thường, người bạn tôi quyết tìm hiểu cho ra lẽ. Không vì lẽ gì một trung niên có học, từng trải, một giáo dân mẫu mực, một giám đốc biết kinh bang tế thế lại hành xử tệ hại như vậy mà không có lí do.
Sau khi trao đổi, một sự thể được ló ra: Ông Đỗ Đạt đã nghe phong thanh một thông tin (sau đó tôi kiểm chứng lại thì là thông tin không chính thức, lơ mơ, không rõ xuất xứ) cho rẳng: Anh Biển, một người anh con bà chị cả của ông Cậu ngoài Hà Nội đã “tung tin” nói rằng: Ngày mẹ anh ta mất, ông Đỗ Đạt đã ra chịu tang bác ruột, sau đó anh Biển đã mua vé máy bay cho ông Đỗ Đạt trở về Sài Gòn!.
Tất cả chỉ có thế!.
Ông Đỗ đạt cực kỳ bức xức, ông nghĩ thông tin này “xỉ nhục” ông ấy. Nó có ý nghĩa rằng người nghe sẽ cho rằng ông ấy nghèo quá nên không thể mua nổi cái vé về Sài Gòn, cũng có thể có ý nghĩa rằng ông ta hà tiện, không mua vé để ông anh phải chi…
Tất cả chỉ có thế.
Trong một buổi sáng, ông bạn tôi cố gắng, rất cố gắng “khai thác” tận cùng ngọn nguồn mâu thuẫn, cũng không có gì khác thế.
Chỉ có vậy mà khi hai ông anh trong đó có ông Biển đã có mặt ở Cam Bình chăm sóc Cậu ốm bệnh, ông Đỗ Đạt biết đã gọi điện từ Sài Gòn ra mắng gay gắt cậu Kiên, em ruột rằng: “Ai bảo mày báo cho các ông ấy!” Câu chuyện này đến tai những người kia, họ đành bấm bụng trở về Hà Nội khi chỉ còn một ngày nữa là được vĩnh biệt cậu mình. Tình anh em giữa ông Đỗ Đạt với anh em ruột thịt ngoài Hà Nội coi như đã cắt đứt!.
Sau sự kiện này một trăm ngày, nghĩa là vào ngày “bách nhật” ông cậu, khi quan khách đang vui vẻ, một người em hỏi: Có mang cái này ra không anh?.
Ông Đỗ Đạt trừng mắt lên: Sao mà ngu thế, không đem ăn thì làm để làm gì?.
Một vài người là anh em cả tuổi, có học thành thật khuyên ông không nên nóng nảy như thế, mất anh, mất em thì ông tuyên bố thẳng thừng : Tôi chỉ có thế thôi, tôi là thế, ai thích thì ở, không thì thôi!.
Các vị quý khách đành bỏ đám tiệc ra về!
Nửa năm sau, rất may mắn tiếp xúc với người em thứ hai, cùng cha cùng mẹ với ông Đỗ Đạt, ông bạn tôi hỏi Đỗ Kiên: Nếu đặt em vào vị trí anh Đỗ Đạt, khi nghe nói ông Biển phải mua vé cho em về Sài Gòn thì em nghĩ sao:
Vị trung niên hiền hậu, thực tế này đáp rất điềm tĩnh rằng : Không sao cả, em còn hãnh điện khi có người anh biết lo cho người em. Nếu ai đó ở đây biết chuyện này, có thể họ còn nghĩ rất vui là anh em nhà mày ngoài ấy cũng khá đấy! thế thôi!
Hay!
Khi nghiên cứu môn Khoa học Sáng tạo (Creative Thinking) tại Đại học Quốc gia TP HCM chúng tôi được Giáo sư Phan Dũng truyền thụ cho một phương pháp bằng vàng để giải quyết các vấn đề rắc rối, đó là thủ pháp “Chuyển sang chiều khác”, Đỗ Kiên chưa học Khoa này nhưng anh đã có cách tư duy rất nhẹ nhàng, anh đã “chuyển sang chiều khác” ngon lành, cho nên, nhìn anh thấy bên trong cái vẻ bình dị, thường dã là một tư chất đĩnh đạc, an nhiên.
Và, trở lại vấn đề này, thì biết, những hành xử hẹp hòi, miễn tiếp anh em bên Cậu, cả những lúc các cháu muốn đến thăm nom cậu khi cậu ốm đau, cũng có chung lý do là cái sự “Chấp”. Cũng có một lý do song hành là anh Đỗ Đạt chưa hề biết phương pháp “Chuyển sang chiều khác” trong tư duy.
Mỗi khi nghĩ đến bà con quê cha, anh nghĩ ngay đến những em cháu, cô gì khi mới giải phóng, tìm đến nhà chỉ để xin xỏ khi thì cái khung xe đạp, mớ đồ cũ, thùng mỳ tôm và làm phiền gia đình anh.
Anh không hề biết, thủa xa xưa mẹ anh Biển, người duy nhất biết lao động dù mới mười lăm tuổi đi dệt cửi thuê bên làng bên cạnh, tối xẩm, đem hai lon gạo về nuôi đàn em mồ côi trong đó có cha ông Đỗ Đạt khi ấy vẫn run rẩy đứng đợi chị ở bụi tre đầu làng.
Giờ đây, chắc ông Đỗ Đạt không biết, lứa con cháu cậu không còn mấy người mang hình ảnh xưa nữa, nhiều nhà đã có vài đứa con đứng trên bục giảng Đại học, đã đi công cán nước ngoài bằng vé máy bay, khách sạn hạng Thương gia, có nhà đã có vài ô tô riêng, Có gia đình khi bệnh yếu đi hẳn viện Việt-Pháp điều trị đàng hoàng.
Vì không gần gũi, không thể chia ngọt sẻ bùi, nên ông Đỗ Đạt luôn sống với thiên kiến tồi tệ về đám anh em xứ bắc như thế.
Điều đó, nó giải thích rõ những hành xử quái quỷ, hẹp hòi, miễn tiếp, phân biệt nội ngoại như mô tả trên đây.
Có lẽ, ông nghĩ rằng, nếu làm thân, họ sẽ đến quấy rầy, xin xỏ gì đó, nên làm mặt lạnh, thậm chí tạo cho họ giận, xa nhau luôn, cũng không sao!.
Trước “sự kiện Cam Bình” có thể nói anh chị em ông ngoài quê nội, luôn tự hào về cậu em trong Sài Gòn với những hình ảnh đẹp nhất nhưng ngày nay, tuy không có “thủ tục” nào chính thức, nhưng cộng đồng gia đình ngoài ấy, chắc đã coi ông như không có, cho nhẹ lòng!
Nếu mang trong mình tính cố chấp, thì hiển nhiên giới hạn những phạm vi quan hệ, khả năng thân thiện, khả năng tiếp nhận những điều tốt đẹp của anh. Ấy là khi anh chấp với thiên hạ.
Trong đời sống, thi thoảng còn xảy ra hiện tượng chấp với chính mình. Đó là những người suốt đời ăn năn, xa xót, cay cú với những thất thiệt, hẫng hụt của chính bản thân mình.
Có những người thì nhẹ nhàng “chuyển theo chiều khác” để dành lấy sự an nhiên, sống tốt phần đời còn lại.
Kết lại câu chuyện này, tác giả muốn đem một vỹ thanh êm đềm, vui vẻ đến cho những ai chưa biết đến thủ pháp “chuyển sang chiều khác” .
Anh Vĩ, bước vào tuổi bốn mươi thật cơ cực. Anh xách cái va li rỗng ra sân bay sang châu Âu với một tâm trạng khó tả.
Cách đây vài tháng trở về trước, anh sống chưa bằng ai nhưng đã là một sỹ quan trung cấp, dưới tay mình là vài trăm quân quyền, vợ đẹp, con khôn.
Nhưng, ma đưa lối, quỷ dẫn đường thế nào, anh thành khách nợ của một nửa thế giới này.
Ra ngõ nợ, vào làng nợ, lên đơn vị nợ, sang phố huyện nợ. Anh nợ của tất cả những người có thể vay nợ.
Cái đó chưa dễ sợ.
Có một số tài sản quân đội giao cho anh quản lý, khi cần anh cũng cầm thế lấy tiền và… nợ!
Tất cả chỉ vì anh giỏi... đánh đề!
Khi bất khả kháng, một người bạn thân đã cùng gia đình anh khắc phục và hy sinh những giá trị lớn để giải quyết tạm thời công nợ.
Sau đó anh bạn kia kéo anh sang châu Âu, trước là để “cai” nghiện số đề. Sau là để… làm mướn!. Lương của anh thấp hơn cái thời hoàng kim của anh nhiều. Anh đã mất đi cái quyền chỉ huy người này, chỉ thị người khác.
Trong bữa tiệc khi mới về nước, thăm lại người bạn xưa vừa lên chức giữa niềm vui và sự quang vinh, anh ngồi đó, nhâm nhi từng li rượu mừng cho bạn, giải hận cho mình.
Khi chúng bạn về hết, người bạn lớn hỏi:
- Sao, có thấy buồn không, đang quyền cao chức trọng , lên xe xuống ngựa nay phải đi làm thuê...
Anh cười hiền, giọng rất điềm đạm:
- Sao mà buồn, tôi đang đi tham gia một khóa cai nghiện mà vẫn được trả lương cao, ăn ngon, ngủ kỹ thì có gì mà buồn!.
Cả nhà vui. Suy nghĩ của anh không tếu một chút nào!. Nó hình thành bởi một nhận thức rất đĩnh đạc, chắc chắn và phải lẽ. Thời gian này, chính là thời gian anh đang thực hiện cuộc thanh tẩy những tiêu cực trong lòng để chuẩn bị cho một đợt trưởng thành mới!
Nguyễn Huy Cường.