Hotline: 0968133153
Tin tức hoạt động được Trung tâm cập nhật liên tục
Làm cho “thân chủ” tâm phục, khẩu phục bằng cách chỉ ra đúng một vài hiện tượng, sớm đưa người ta vào cõi mê rồi điều khiển người ta vào một lộ trình mờ mịt tối tăm là chiêu của dân buôn thần bán thánh. Những người mắc phải thường lâm vào cảnh mất tự chủ và hao tiền, tốn sức, hại thời gian.
Câu chuyện từ nghĩa trang liệt sỹ Trảng Bàng
Năm 1999, tôi nhận được điện thoại của anh Đỗ Văn Phượng làm ở Ban An ninh sân bay Tân Sơn Nhất. Anh đề nghị tôi giúp chở một đoàn người thân từ Hà Tây vào thực hiện một việc hiếu nghĩa. Nghe xong tôi rất mừng biết là có cơ hội tiếp cận được một vấn đề lý thú.
Những người vào đây, là con cháu của một liệt sỹ thời chống Mỹ. Họ đi quy tập hài cốt của người thân nằm đâu đó trên mạn tây bắc Sài Gòn.
Chuyến đi này là theo chỉ đạo của thầy Nguyễn Văn X., một “nhà ngoại cảm” đang nổi đình đám ngoài Hà Nội.
Chúng tôi chạy lên đến Củ Chi, gọi điện hỏi, thầy phán: “Đã đi đúng hướng, hồn đang đợi”. Chúng tôi đi tiếp. Qua mô tả của thầy, người thân nằm xuống sau một trận chiến khốc liệt, ở một nơi gần con suối, những cây dừa và xung quanh có hoa.
Xe đi đến giáp địa phận Gò Dầu thì dừng bánh để hỏi lại thầy vì tại đây, đường quốc lộ 22 rẽ làm hai hướng, một đi thẳng, một đi sang cửa khẩu Mộc Bài.
Sau khi tường trình kỹ chặng đường vừa đi. Thầy nói “quay lại, đã đi quá xa”.
Khi xe vừa quay lại đến nghĩa trang Liệt sỹ Trảng Bàng thì Thầy nói: “dừng lại, người nằm bên trái đường. Phía trước có một ngôi mộ vô danh, phía tây có một ngôi mộ vô danh, phía nam có một ngôi mộ hữu danh, phía bắc là lối đi nhỏ. Bên mộ có những bông hoa tím nhỏ”...
3 phút sau chúng tôi tìm được ngôi mộ. Đó là ngôi mộ xây giữa hơn một ngàn ngôi khác có hàng, có lối. Có những ngôi có tên và có những ngôi ghi: Liệt sỹ vô danh.
Cần nói rõ là: nơi đây, đúng như thầy phán, có dừa, có nước, có hoa nhưng không – phải – nơi liệt sỹ nằm xuống sau cuộc chiến khốc liệt. Tất cả liệt sỹ ở đây hy sinh từ chiến trường Campuchia quy tập về.
Như một cử chỉ tự nhiên, chúng tôi mua hoa quả đến làm lễ cung kính người nằm dưới mộ.
Khi nhang khói gần tàn, thầy X điện vào: “hồn đói khát mấy năm nay, nay gặp nhau chả cho ăn uống gì, toàn vàng mã, trái cây sao được”. Chúng tôi mướt mồ hôi hột, phục Thầy thật, từ cách 1800 km thầy biết được cả mâm lễ ở đây có gì?!
Chiều hôm đó, chúng tôi âm thầm tiếp xúc với người phụ trách nghĩa trang ở đây và gửi anh ta chút tiền, nhờ sắm cho cái lễ tạ để khuya nay, đón người thân về.
Sau đó, chúng tôi tìm anh Xã đội trưởng địa phương xin phép ngầm anh cho cất ngôi mộ về quê xứ.
Anh này tỏ thái độ rất vô tư, không có gì hào hứng nhưng cũng không cản trở, anh thuộc tuýp người điềm đạm, chín chắn.
Làm vài ly rồi anh xin phép về trước, khi chia tay, anh nói nhỏ một câu, như nói với thinh không, ai nghe thì nghe, không thì thôi: “Quân của ông Nguyễn Văn X. vẫn vào đây luôn”…
Sau phút ấy, cả đoàn chúng tôi lâm vào một hoàn cảnh khó nói. Bốn trung niên đang vui vẻ, hào hứng vui mừng vì sắp làm xong việc nghĩa thì tự dưng như chùng xuống, ai cũng ít lời hơn, hình như mỗi người đang nghĩ một điều gì đó rất xa xăm…
Tôi phá vỡ không khí này bằng một trò chơi, tôi mượn nhà hàng 4 cây bút, 4 mảnh giấy rồi đề nghị mọi người lặng lẽ ghi lại cảm xúc thật của mình từ lúc vào nghĩa trang đến nay và cuối tấm giấy, ghi rõ ba trạng thái: Nên - không nên - làm cũng được không cũng được với việc bốc mộ.
Anh Liễu, Giàng viên Học viện Quân sự, một chủ sự của chuyến đi, hưởng ứng nhiệt liệt.
Tôi chủ động ghi trước rồi gấp lại. Ba người kia cẩn trọng làm theo.
Thật thần kỳ cả bốn người ghi như nhau: Không làm nữa!
Phần ghi cảm tưởng, ai cũng bày tỏ “một điều gì đó” không đàng hoàng.
Chín giờ đêm, chuông điện thoại reo, một bà chị họ lớn, là “Tư lệnh” của đoàn, hiện ngồi tận Hà Nội gọi cho các em đang thi hành nhiệm vụ.
Bà chị chỉ thị: Nếu đúng như các em đã tường trình, ngôi mộ không nằm ở hiện trường nào đó mà là một trong nghĩa trang thì dừng lại, tính sau. Việc để phần mộ người thân phiêu bạt, cô quạnh tội một nhưng việc bốc nhầm một ngôi mộ ai đó về rồi cung kính hương khói phụng thờ nhưng trong khi mớ xương cốt người thân vẫn lạnh lẽo đâu đó thì tội mười.
Hoãn lại cho đến khi xác tín.
Câu chuyện này sẽ có những phân tỏ vào hồi sau của loạt bài này nhưng để tạo một không khí mới, vui vẻ hơn tôi xin trình bạn đọc một câu chuyện bên nước Anh, thiết nghĩ rất ý vị cho hoàn cảnh này.
Một buổi trưa, nhà hàng “Phượng Hoàng” ở thủ đô Lon Don đón tiếp gia đình một vị Bá tước quyền quý lại dùng cơm. Họ là khách quen của cửa hàng này.
Ông Bá tước cùng phu nhân và cô con gái bị mù, tuổi chừng 18 ngồi xuống vị trí quen thuộc. Đồ uống khai vị được đem ra và lúc ấy, tay hoạt náo viên của nhà hàng ngồi vào bàn, hướng dẫn khách lựa chọn thực đơn xong, anh tươi cười hỏi Bá tước:
- Chắc Ngài và phu nhân đây hoàn toàn chưa biết gì về một khả năng phi phàm của quý cô nương nhà ta đây ạ!?
- Gì nhỉ, anh vừa nói là con chúng tôi có khả năng siêu phàm gì nhỉ?
Bà Bá tước ngỡ ngàng, nghi hoặc hỏi.
- Dạ thưa, vì Quý ngài và phu nhân ít để ý đến con cái. Xin thưa, Quý cô đây tuy rủi ro bị khiếm thị nhưng cô có thể biết chắc chắn con bài này màu đỏ - anh ta chững lại một giây rồi rút ra một con bài khác trên tay và nói tiếp: Cô đây cũng có thể biết chắc con bài này màu đen!
Cô gái xinh đẹp bên cạnh khẽ mỉm cười như xác nhận.
Vợ chồng Bá tước sửng sốt, sung sướng vô cùng. Ông bình tĩnh đỡ lấy cỗ bài rồi rút một con, hướng về phía con gái chờ đợi.
Cô gái nhanh nhẩu đáp trúng phóc màu của con bài.
Bà Bá tước dành lấy cỗ bài, rút ra một con “nhép” rồi trưng về phía con gái. Một lần nữa cô gái nói đúng!
Đến lượt một số quan khách có mặt xúm vào chứng kiến sự thể thần kỳ, một cô gái mù bẩm sinh đọc được màu sắc trên con bài tây, trăm phần trăm trúng.
Trong các vị khách, có một vị làm ở một công ty quảng cáo truyền hình.
Ông này nhận thấy đây là một dịp may và ào vào thương lượng để được truyền hình tại chỗ kèm quảng cáo hiện tượng này.
Ông bà Bá tước trao hết quyền cho tay hoạt náo viên và cô con gái quyết định.
Họ ra giá 100 ngàn bảng cho nửa giờ quay.
Sau đó ba mươi phút, cả vùng này được thấy qua TV hình ảnh truyền trực tiếp từ nhà hàng “Phượng Hoàng” hiện tượng có một không hai này.
Cầm một tấm ngân phiếu lớn của bên truyền hình trả cho con gái, ông bà Bá tước rưng rưng xúc động hiểu rằng: con gái của họ không chỉ là đứa con ngoan hiền dễ thương mà còn có những năng lực phi thường. Họ đâu biết rằng: cô con gái của họ thực chất không nhìn thấy gì!
Để mua vui, tay hoạt náo viên láu cá đã thành công chớp nhoáng khi kéo cô vào một cuộc chơi vui vẻ, dễ chịu.
Trong khi mở lời nói với ông bà Bá tước, khi nói đến từ “đỏ” tay này dùng chân khẽ nhấn hai cái vào mu bàn chân cô gái đối diện dưới gầm bàn . Khi thấy con bài màu đen, tay này nhấn một cái. Người mù vốn rất nhạy bén với những giác quan khác.Cô gái sự thực khá thông minh nên cô tiếp nhận rất nhanh tín hiệu được quy ước dưới gầm bàn của tay kia và trong suốt cuộc chơi, cô chỉ cần chú ý tới một điều: một - nhấn hay hai - nhấn!
Trở lại vấn đề ở nghĩa trang Trảng Bàng
Tuyệt nhiên tôi không có ý bài bác hay cho rằng đây hẳn là một trò bịp mà chỉ muốn, qua câu chuyện này, vận dụng một vài chiều kích quan sát sự thể trên đây.
Toàn bộ câu chuyện này, có một tình tiết là việc thầy mô tả đúng phóc những bông hoa nhỏ màu tím mọc xung quanh mộ, thầy lại biết kỹ cả chuyện cho “hồn” ăn toàn hoa trái và đồ mã, không có đồ mặn.
Nếu lui về quá khứ 20 năm, khi cái điện thoại di động chưa được dùng rộng rãi như ngày nay thì quả thật là thần kỳ. Nhưng, vào thời điểm đó, khi bà bán cá cũng có máy để liên hệ với bạn hàng thì việc thầy ngồi ở Đống Đa Hà Nội biết đến nhánh hoa ở Trảng Bàng Tây Ninh màu tím không có gì khó. Vấn đề vừa đặt ra ở dạng “có thể”.
Nếu một “cầu truyền tin” được thiết lập giữa Hà Nội và một ai đó ở khu vực nghĩa trang Trảng Bàng, thì “Nhà ngoại cảm” vĩ đại kia có thể biết được có con bướm nâu vừa bay qua mộ là điều dễ xảy ra.
Khi thẩm xét những vấn đề hệ trọng như thế này, thói thường, ta dễ bị cuốn hút vào cái không khí chung, cái “thực” có mức độ để xác nhận những thông tin theo sau nó mà quên hình thành việc chọn góc độ thích hợp, soi rọi vấn đề thật tường tận trước khi tin-hay-không-tin.
Đó, cũng nằm trong việc khai thác đến tận cùng giá trị của chữ HIỂU mà tác giả đề cập.
Nếu không hiểu đúng, ta rất dễ phong thánh cho một gốc cây bị gió vặn trơ xương hoặc:
Ra đường gặp vịt cũng lùa.
Gặp sư cũng lạy, gặp chùa cũng theo.
Kỳ tiếp: Những người thích vịt (kỳ 4)
Bài đăng trên báo kienthuc.net.vn
Nguyễn Huy Cường