Hotline: 0968133153
Tin tức hoạt động được Trung tâm cập nhật liên tục
Nếu xếp “Từ loại” cho chữ “Lo” của tiếng Việt hoặc làm một chuyên khảo về từ này, e là tốn nhiều giấy mực của giới học giả. Từ việc “lo ăn”, lo chạy trường cho con, lo chạy chức cho chồng, lo vợ chồng cho con cái, lo hậu sự… Bài viết này chỉ xin bàn đến tâm thế của một số người khi họ “sống để lo” mà thôi!
Tháng mừơi năm 2012, Lão bà bà có đất ở “Hàm Rồng” kia đi ra Đồng Đăng du lịch. Tới đó, có người rủ bà đi Cao Bằng thăm một số nơi xưa hai bà còn làm ở thủy điện Tĩnh Túc, bà đi luôn.
Đến Cao Bằng, con cháu bà kia mời họ lên chơi nhà sát biên giới. Hai ngày sau, là thầy thuốc đông y, thấy vùng này có nguồn dây Gắm, một thảo dược quý bà lào “Hàm rồng” mon men theo hướng rừng tìm lấy một ít về làm cốt cho những thang thuốc trị chứng tê bại xương khớp.
Mải việc quá, đến khi trở ra thì trời tối, lại phải đi một đoạn ở con suối cạn rồi trở lại đường mà bà quên mất. Vài lần lội qua lội lại thì trời xập tối, bà phải ngủ trong rừng sâu. Đêm ấy trời dội một trận mưa, trởi trở rét mà quần áo bà ướt hết.
Ba ngày sau, người ta tìm thấy bà trong hốc đá, bà chết rồi.
Những người tìm được bà lại là người Trung Quốc, đất bà nằm cũng ở phía Trung Quốc, sâu vào chừng hai km mà bà không biết.
Chính quyền địa phương bên đó, tổ chức chôn cất cho bà vì họ tưởng nhầm bà là một thầy bói dạo độc thân, có hình dạng giống bà vẫn hay qua lại cánh rừng này.
Phải mất bốn tháng sau con cháu trong Bình Dương mới lần ra tung tích, biết được nơi bà nằm, đành để bà nằm lại nơi đất khách.
Gần đây, biết mẹ mình đã mua được phần mộ ở “Hàm rồng” nhưng ông Trưởng Tộc ngoài quê gốc mạn Bắc Ninh có ý kiến, sau ba năm sẽ cải táng cụ, cho cụ về quê hương Bắc Ninh là hợp lẽ nhất.
Thế là anh con trai gặp ai cũng muốn cho lại mảnh đất 6 mét vuông trong thủ Dầu Một, nhưng chẳng mấy ai mặn mà cả. Chuyện là thế.
Nhà kia có bốn anh em thì ba đã vào Sài Gòn sinh sống, còn ông anh trưởng ở nhà quê mạn Sơn La. Rất nhiều lần, các em, các cháu chuẩn bị đón bác vào chơi, trước là thăm cháu, sau là thăm Sài Gòn, mảnh đất bác đã chiến đấu xưa nhưng không một lần nào đón được.
Khi thì ông lo nếu không về kịp, bỏ lỡ việc đỡ đẻ cho lứa lợn giống này thì gay, nom bụng nó rất to, một mình chú heo nái này đem lại lợi nhuận bằng nửa vụ lúa.
Có lần chuẩn bị xong hết, vụ chú lợn nái cũng đã thay thì bác lại kiêng: Bà mẹ, hơn 90 tuổi mới quá cố, vậy là nhà có đại tang, đi xa nhỡ có bề gì…
Có lần, con cháu đánh cả ô tô về đón, bác nói bác bấm Tử vi, năm này không thể ly hương được. Hơn nữa, đám cây cảnh mới gây mà bề nào thì gay.
Gần đây, mọi việc xong hết thì thằng cháu ngoại mới học lên cấp III, ông phải đích thân đưa cháu đi về chặng đường bảy km nhiều lần rồi mới yên tâm…
Nói chung, hầu như không lúc nào hết lo.
Đùng một cái, nhà nước làm thủy điện. Nhà ông phải rời lên khi tái định cư. Chỗ ở mới chật hẹp phải bỏ lại hoặc thanh lý hết tất thảy nhưng gì ông “lo” xưa nay, từ chuồng nhím đến mớ cây cảnh, bỏ hết. Ông vẫn phải ra đi.
Mỗi lần nghe điện thoại của ông, là có vấn đề.
Khi thì ông nhờ quan tâm đến “con” Luxus RX 350 xem nó hơn hay kém con Merc. Khi mua ông cũng đắn đo chán xem mình thì nghĩ thế nhưng trong giới xe, nó có được trọng thị không?, vài tháng sau, khi đã mua rồi thì ông lo rằng, không biết nhìn “con” này, liệu dư luận có xì xầm không, có lẽ phải đổi...
Có lần ông giao cho tôi nhân tiện chuyến đi du lịch, xem ở Nha Trang đất cát có dễ mua không, ông muốn có một căn hộ. Tôi tưởng ông muốn chuyển vùng công tác ra nhưng không phải, cô con gái ông mới thi đậu Đại học ngoài đó, muốn mua cho cháu một cái nhà cho đỡ phải đi ở trọ. Sau đó, có lần ông ngỏ ý muốn mua vài lô ở Thành phố mới Bình Dương. Hỏi kỹ ra ông bắt đầu lo nhà cho cháu nội, cháu ngoại ông.
Nửa năm sau, ông lại nhờ tôi, là chỗ thân tình lo bán cái nhà ngoài Nha Trang kia vì con bé lạm dụng, có cái nhà, nó dấn tới, ăn chơi vô độ, đến nỗi xóm phố phát khiếp!
Vụ địa ốc BM vỡ lở, ông vào tù ngồi mươi năm vì một số vi phạm nghiêm trọng , có lẽ giờ này ông mới hết lo.
Khoảng năm 2000, ở ngoài quê tôi ở Phú Thọ, người Trung Quốc mua vét hết mèo. Bởi vậy, mèo đắt khủng khiếp, nhất là mèo giống.
Hai người, một là bạn, một là em tôi từ Phú Thọ vào chơi, tiện thể mua một bầy mèo con về nuôi, vừa để chống chuột, vừa bán bớt kiếm chút lãi.
Ở Đồng Nai lúc ấy, mèo nhiều lắm, vừa mua vừa xin một xã được ba chục chú.
Hai đêm trước khi cậu em về, nhà tôi khổ vì những toan tính của họ.
Đầu tiên là họ phân loại mèo, con nào đẹp, tốt phải nhốt vào một cái lồng riêng, về đến nhà phải giấu đi ngay, không bán.
Sau đó là chuyện giá mèo bao nhiêu là vừa.
Kế đó là chuyện đi đường phải như thế nào để lũ mèo khỏi đói, khỏi chết.
Rồi họ bàn đến chuyến sau phải vào vội kẻo rồi đây cũng hiếm sẽ khó mua.
Họ bàn đi, bàn lại, bàn hết đêm. Câu chuyện cứ rì rầm, to nhỏ, cả nhà tôi mất ngủ.
Sáng hôm thứ ba họ ra xe, về Bắc.
Gia đình tôi cũng mừng cho họ, mừng cho mình vì đêm nay được ngủ ngon.
Hai tháng sau tôi về quê, hỏi ra thì chuyến đi đã không đúng như họ dự kiến. Hồi đó ít điện thoại di động nên chúng tôi hoàn toàn không biết rằng, cái xe đò chở nhưng vị khách này chạy được hơn trăm km, từ Đồng Nai ra đến ngoài Phan Thiết, giữa đồng trống thì chết máy. Xe hỏng nặng. Nhà xe mất ba ngày mới khắc phục được. Toàn bộ hành khách chịu trận cùng nhà xe, chờ thợ từ Sài Gòn ra sửa!.
Hành khách đi xe uể oải, mưa nắng, đói mệt vô cùng.
Các cậu em không có nhiều tiền bạc mang theo nên cũng chung cảnh ngộ.
Đàn mèo nhỏ hơn ba chục con chết gần hết, chỉ còn dăm con gầy như que củi, kêu nhức cả tai.
Hai đêm ở nhà tôi, trong vài chục bài bản các cậu “lo” cho mình, cho đàn mèo, không có cái nào xảy ra như hiện tượng xảy ra cả.
Tiếc thay.
Khi tư vấn, tôi gom nhóm đối tượng thích “lo” này vào một nhóm chung thì thấy, họ có chung một số đặc điểm:
Một là không tin ai, sơ mọi người làm hư việc, không thể theo ý mình.
Hai là chuyên quyền, tự cho mình cái quyền quyết định mà không phải hỏi ý kiến ai, không phải nghe ai.
Ba là người có nhiều định kiến, thiên kiến, cứ nghĩ cái gì là “đóng đinh” vào nhận thức của mình, không muốn thay đổi.
Năm là dạng người rất… tốt, muốn lo lắng, quan tâm chu đáo đến mình, đến mọi người… theo ý mình.
Cuối cùng, là tầm nhìn có những hạn chế, luôn hành động, tư duy theo những cái đã rồi, không thấy được những vận động khách quan xung quanh.
Các bạn thân mến!
Cổ nhân có câu: Mưu sự tại nhân- Thành sự tại Thiên. Lời nhắc đó, có hàm ý rộng là muốn thành công, muốn “lo” cho ra lo, lo đúng, lo có kết quả không hẳn chỉ là lo lắng, lo theo tính ỳ, thiên kiến của mình mà hết sức chú ý đến “thiên”, nghĩa là những quy luật, những vận động khách của cuộc sống, của thiên nhiên và từ đó, ta dự liệu những gì hợp lý.
Chỉ khi ấy, câu ngạn ngữ “Một người hay lo bằng kho người hay làm” mới thành hiện thực.
Nguyễn Huy Cường.