Hotline: 0968133153
Tin tức hoạt động được Trung tâm cập nhật liên tục
Câu chuyện bỗng dưng được con, bỗng dưng mất con chỉ vì cảnh cha gà con vịt, chỉ vì những lộn xộn của những đam mê, những vụ hoang hôn của bậc làm cha mẹ qua hai câu chuyện trên, là sự nhấn mạnh trước khi Nhà tư vấn trình bày thông điệp của mình. Câu chuyện thứ ba này lại đề cập đến một góc nhìn khác, khác hoàn toàn với hai câu chuyện trên. Ở đây không hề có sự pha trộn máu huyết, cũng không có sự “tranh chấp” con cái nhưng…
Ở gần chộ Tân Sơn Nhất TP HCM, có một lão bà cựu chiến binh năm nay chừng 70 tuổi, ấy là tuổi thực nhưng nhìn qua hình thức, thể trạng của cụ người ta đoán chừng cụ đã… tám mươi hay hơn thế nữa( tạm đặt tên cho cụ này là cụ N cho dễ hình dung). Mỗi khi cụ đến bệnh viện, khâu chẩn đoán là khâu khó nhất cho Y Bác sỹ, trong người cụ hội đủ thứ bệnh, bệnh gì cũng khá trầm trọng. Nhìn bệnh án qua những lần điều trị người ta dám đoán cái thời còn ăn ngon, ngủ kỹ và không phải có người khác cầm tay đưa đi vệ sinh chắc không tới dăm năm nữa.
Ấy vậy mà cụ sống độc thân. Cụ ở trong một ngôi nhà cao 5 tầng lầu thang máy, trị giá đôi chục tỷ đồng, ngoài ra cụ còn sở hữu khoảng 4 ngôi nhà nữa từ Hà Nội vào Sài Gòn, tổng trị giá tài sản của cụ đến lúc này không ít hơn bốn năm chục tỉ.
Ây vậy mà cụ sống đơn chiếc. Hàng xóm láng giềng thấy vài tháng con cái không đến thăm cụ là chuyện thường, hỏi kỹ cụ coi chúng có gọi điện thoại thăm cụ không thì cũng không.
Cụ như người không con.
Thực ra cụ rất quý con. Tất cả những người thân sơ của cụ ngay từ lần gặp thứ nhất đều được cụ thông báo hai cái tên trong giới địa ốc, xe hơi nghe thấy… phục. Một người là một trung niên khả kính, một Đức ông, một bề trên trong ngành khách sạn, địa ốc, vào tuổi năm mươi, là chủ của vài cái khách sạn 5 sao, anh có vóc dáng, tư chất lãnh tụ rất rõ. Một anh khác, là đối tác lớn của ngành ô tô Nhật Bản, anh là “đầu cầu” phía Việt Nam rất tin cậy của họ.
Vợ của hai anh, cũng là diện cả nước, thậm chí cả thế giới biết tên, họ là những bậc mệnh phụ phu nhân quyền quý, giỏi giang.
Con cháu cụ, toàn hạng tìm trên “Google” thấy ngay.
Nhưng, vắn tắt là họ không quan tâm đến cụ.
Có một lần, một người bạn lớn của tôi có một nhận xét nghe lạnh lưng: Nếu bà này chết, chắc phải một tuần mọi người mới biết khi… ngửi thấy mùi bà.
Thật vậy, bà ở trên lầu bốn, cửa đóng then gài 24/24 giờ, rất ít người đến tiếp xúc, gọi điện cho cụ thì vì lí do gì đấy, rất ít khi cụ bốc máy, cửa cổng vài lần khóa.
Nghe người bạn nói thế tôi chạnh lòng hỏi cụ rằng, tại sao cụ không thuê một cô Ô sin để nó giúp việc hoặc chăm sóc cụ.
Cụ trả lời “lũ ấy hay ăn cắp, cụ đã thuê tới bảy đứa mà đều phải đuổi đi…”.
Tôi đã tìm hiểu kỹ thì biết, mức lương cao nhất mà cụ trả vào thời điểm 2013 là 2,5 triệu, có người chỉ 1,5 hoặc 2 triệu, những người vào làm ở đây giống như bị giam cầm, đi đâu bị nhốt trong nhà cho đến khi cụ về, không được liên lạc ra ngoài, ăn cơm cụ trực tiếp gắp và chia cho từng miếng thức ăn. Cụ coi rất nặng tính giai cấp, giới hạn rất rõ Ô sin không được ngồi ghế nào, phải làm gì…
Cho nên, không khi nào người làm ở được quá một tuần lễ trong nhà.
Trong mục “Thông điệp của chủ nhiệm chương trình” tại website này, có bài viết mang tựa đề “Có con tội sống, không con tội chết”. Đây là một khái niệm được dân gian đúc kết trên nền tảng một xã hội kiểu cũ, khi con cái được mặc định là phải nuôi bố mẹ và lo hậu sự cho bố mẹ lúc về già. Ai không có con sẽ phải sống trong những hoàn cảnh tội nghiệp, nhất là về già.
Nhưng trường hợp bà cụ nói trong bài này thì khái niệm này có lẽ cũng lung lay.
Hai đứa con trai cụ rách ruột đẻ ra là những đại gia thực thụ, có tầm quan tâm, di chuyển cho công cuộc làm ăn ở… khắp thế giới. Mấy đứa cháu đích tôn của cụ cũng ở tận bên Mỹ, các con dâu cũng thuộc loại kinh bang tế thế, bay nhảy vô cùng vì các anh chị này đang tuổi mạnh mẽ nhất của đời người và họ mạnh thật, từ tài năng, sắc đẹp đến tài chính v.v...
Trong trường hợp này nếu cụ N ở chung với các con hay cụ có được tính tình khả mến, đại lượng, bao dung với những người giúp việc thì khi mệnh hệ nào, thậm chí khi vừa ngả xuống giường bệnh, sẽ được biến báo kịp thời, được con cái chăm sóc ngay.
Nhưng vì sao cụ phải sống đơn chiếc gần như tuyệt đối thế kia, vì sao khi có con, mà là con mình, con giỏi, con đẹp hẳn hoi vẫn phải chịu “tội sống” như người không con?
Câu trả lời tường tận xin được khất bạn đọc trong một bài viết riêng về đề tài “những cá tính quái gở” sau nhưng ở đây, ở sát chợ Tân Sơn Nhất này, bi kịch có thật này được nêu chỉ xem như một “đối trọng” của hai câu chuyện bên trên, để tạo kịch tính (rất có lí) cho chuyện huyết thống, truyền thống hay cái gì khác ảnh hưởng sâu sắc đến hạnh phúc con người mà thôi nên tác giả chỉ xin “đóng cọc” vài cái gạch đầu dòng để chúng ta hiểu rằng: diện như bà cụ này không thể chung sống được với ai, ngoài mình.
Dưới dây là vài nét chính:
1- Như trên đã nói, cụ có rất nhiều nhà nhưng có cái, trị giá gần chục tỷ, nằm ở đường Trường Son sát cổng sân bay Tân Sơn Nhất, xây ba năm nay chưa cho thuê được, kể cả cho thuê giá rẻ.
Lí do là cụ kỳ thị hầu như mọi dạng người, kể cả “tây”, ai cũng trái ý cụ.
2- Cụ là dân làm thuốc, cụ có một khái niệm “sạch” đến cực đoan, đến mức ai đến nhà chơi, cụ chuẩn bị sẵn một lọ nước loại 250 li bằng nhựa mỏng cho họ, uống xong bỏ, cụ không dám mời họ uống vào li, sợ… lây bệnh!
3- Ngày sinh nhật cụ, cụ thích dùng đồ tráng miệng bằng Dưa Thái Lan nhưng con dâu cụ thửa một khay bánh ngọt cao cấp (loại rất đắt tiền, ai ăn cũng khen ngon miệng) nhưng trái ý cụ, cụ chống đến cùng, lên án gay gắt.
4- Đồ ăn thức uống, kể cả lon nước ngọt, chai bia uống dở, mấy miếng thịt gà xương xẩu ăn dư từ bữa trước, ép vào tủ lạnh ăn dần, có thể một… tháng sau vẫn dùng.
Trong lúc tài sản cụ giờ này, nếu chia một nửa cho con cháu, còn một nửa gửi tiết kiệm cho cụ ngồi đấy tiêu đến năm… 200 tuổi, mỗi ngày tiêu một triệu bạc vẫn chưa hết… tiền lại nhưng suốt ngày cụ lao theo mấy hãng thuốc men đa cấp rẻ tiền của tàu, hơn bảy mươi tuổi mà có lúc tính phi xe gắn máy đi lên tận… Tây Ninh để quảng bá, bán hàng. Tính sơ sơ bọn này “đá” nhẹ cụ một nhát, mất không gần trăm triệu của cụ như chơi. Chỉ một năm nay, những khoản chi cho việc tựa như bị lừa đảo là hơn nửa tỉ đồng!
Đó, chỉ “tỉa” qua 04 nháy như vậy, ta biết bà cụ này cỡ nào, sống kiểu gì nên nỗi, có con cũng tội sống, cũng đơn chiếc, khổ hạnh như một bà lão không con, bần hàn khốn khổ.Chúng ta cũng hiểu thêm vì sao những đứa con danh giá, sang trọng của cụ ít quan tâm đến cụ.
Tất cả đều vì cái “Tôi” to hơn cái đình của cụ.
Tại đây, cái THỨ BA trong tiêu đề này đã xuất hiện.
Thưa quý bạn.
Đề tài này còn rất dài nhưng để tiện cho việc theo dõi của bạn đọc, tôi “quy hoạch” thành ba bài cho mạch lạc, nhiều khía cạnh khác sẽ bàn thêm vào dịp khác.
Bây giờ chúng ta sẽ cùng tìm hiểu kỹ cội nguồn những bất hạnh của các phụ huynh, một nhóm đối tượng cụ thể trong loạt bài viết này, hy vọng từ đây sẽ phăng ra cốt lõi của vấn để
Trước khi bàn đến cái hạnh phúc, chúng ta làm bật lên cái BẤT HẠNH của các đối tượng trong loạt bài này.
Xin được đánh số danh mục này.
1-Ông Kiệm bất hạnh vô cùng khi phải nuôi những đứa con do vợ mình ngoại tình đem về.
2-Ông Kiệm càng bất hạnh hơn do những đứa con chính mình đẻ ra không ra gì.
3-Ông Kiệm bất hạnh khi lấy phải cô vợ có tính hoang hôn vô độ.
4-Ông Mỹ đau đớn khi nuôi con đằng đẵng hai mươi năm bỗng dưng mất trắng đứa con đầu yêu quý của mình.
5-Ông Đại đệ đau khổ vì một đàn con ở nhà mình, được mình chăm bẵm thì hỏng gần hết.
6-Ông Đại Đệ đau khổ vì vào tù, khuynh gia bại sản.
7-Bà cụ N bất hạnh khi bốn mươi năm nay kể từ ngày xa ông bà sống đơn chiếc tuyệt đối .
8-Bà cụ N bất hạnh khi sống tằn tiện, khổ hạnh.
9-Bà cụ N sẽ bất hạnh hơn khi nay mai chết vẫn chưa được hưởng cái thú vui làm bà nội dân dã, bên con, bên cháu như những bà già quê mùa khác.
10-Bà N có thể rất bất hạnh vô cùng nếu lâm vào hoàn cảnh bất ngờ bị đột quỵ rồi 5 ngày sau mới chết nhưng mười ngày sau mới có người biết đến .
11-Bà N vô cùng bất hạnh khi luôn phải nghĩ rằng những đứa con tài giỏi bỏ rơi mình.
12-Các con của cụ N bất hạnh khi không được gần gũi, chăm sóc mẹ già như bao nhiêu đứa con khác (dù có lần các anh đã điều người làm lên giúp cụ nhưng không ai ở được với cụ …5 ngày).
Đó, nhìn sơ sơ ra từng ấy cái bất hạnh.
Trước khi “giải mã” những bất hạnh này, chúng ta “tập thể dục tư tưởng” bằng một vài cái nhìn kiểu “phản biện” ngược lại.
1-Ông Kiệm sung sướng, hạnh phúc khi có đứa con gái thứ ba, là con bà vợ hư ngoại tình đem về.
2-Ông Kiệm hạnh phúc khi qua một đận bể dâu dài rồi bà vợ đã trở về. Với sự giúp đỡ mạnh của ông cục trưởng, với bài học đắng cay mà cuộc đời đã “dạy” cho bà vợ và với tuổi đời gần sáu chục, nhan sắc đã tàn phai, cái ác khó tái hiện, có vẻ gia đình này sẽ hạnh phúc.
3-Ông Đại Đệ cướpcậu con về từ tay ông Mỹ sung sướng khi cuối đời tìm được đứa con rơi của mình.
4-Ông Đại Đệ sung sướng khi tất cả bỏ rơi mình nhưng đứa con muộn màng mới tìm được vẫn kiên trì thăm nuôi mình.
5-Ông Lương Y “cha không chính thức” cậu bé hạnh phúc khi con mình vẫn hướng về mình, nó đã tạo ra một môi trường phát triển ở đất mới là quê “bố thật” của nó, mở phòng chẩn trị, kéo ông về làm và giàu lên rất nhanh.
6- Hai ông con trai bà cụ bảy mươi rất sung sướng khi thoát khỏi lề thói sống “không giống ai” của mẹ.
1-Nỗi sung sướng của ông phó sở trên Lạng Sơn khi “xài” được cô gái đẹp để rồi có con với cô ấy chính là nỗi khổ của ông Kiệm.
2-Nỗi sung sướng của ông cục Trưởng chính là thuê được cô Ô sin như ý.
3-Nỗi sung sướng của ông Đại Đệ chính là nỗi đau mất con của ông Mỹ.
4-Nỗi sung sướng khi được sống độc đoán, khu biệt của bà cụ N chính là nỗi khổ cho đàn con cháu, họ sẽ phải chịu ít nhiều miệng tiếng của người đời khi về hình thức, có vẻ như các anh… bỏ mẹ.
v.v…
Đó, đến đây, một chìa khóa năm cạnh đã lộ ra để hóa giải toàn bộ vấn đề.
1- Cái sướng của người này nhiều khi là nỗi đau khổ của người kia.
2- Nỗi khổ đau tột độ lúc này có thể là niềm hạnh phúc bất tận lúc khác.
3- Sự thể dù có tả tơi, khốn nạn đến mấy, nỗi đau có thể lớn lao đến mấy nhưng có thể vẫn qua đi.
4- Nỗi đau có thể được hàn gắn nếu tình hình khá hơn.
5- Rất nhiều nỗi thống khổ do chính mình gây nên, chưa cần ai cạnh tranh, chia sẻ hoặc gây sức ép (như chỗ cụ N)
6- Nếu không may phải nuôi con người, nhưng truyền thống, lề thói, văn hóa gia đình tốt, cũng có thể hạnh phúc, có thể có đứa con tốt (như chuyện ông Mỹ)
7-Dù là huyết thống nhưng truyền thống gia đình không ra gì thì chính con cái mình, cũng rẻ mạt, bất nghĩa như thường (như con ruột ông Đại Đệ, con đầu ông Kiệm)
8-Dù chính con mình đẻ ra nhưng bởi những khắc khoái “không giống ai” trong trường hợp cụ N vẫn coi như không con.
Cái thứ ba, trong tiêu đề của loạt bài viết này, bên cạnh ‘Huyết thống, Truyền thống” chính là phẩm chất sống của mỗi chúng ta.
Câu chuyện nhà ông Kiệm trong bài đầu kết thúc vào năm 2007, cách đây 6 năm đã có một cái kết tuyệt vời cho chính nhà ông ta.
Cô Ô sin, sau này trở thành con dâu ông cục trưởng.
Cậu con bất đẳng của ông này sau hai lần lấy vợ, đi phiêu lưu trong nam tay trắng trở về đã cảm nhận được nét đẹp của cô gái giúp việc trong nhà và họ yêu nhau.
Ông Cục trưởng cũng không mong gì hơn và đến tháng giêng năm nay, khi tôi đến thăm thì cô này đã có hai đứa con kháu khỉnh.
Cả nhà cô từ huyện Tân Sơn tỉnh Phú Thọ đã về Hà Nội với những công việc thích hợp do ông Cục trưởng giúp thu xếp. Nhìn họ, sống trong nhà họ một ngày không còn thấy chút dư âm nào của những ngày khốn khó đã qua.
Có thể nói: Phẩm chất sống tuyệt vời, cái nhìn đời rất thấu đáo, kiến thức xã hội tốt, Lòng nhân ái lớn của ông Cục trưởng là “cây đũa thần” cưu mang, cứu dỗi gia đình này.
Tôi định bụng sang năm, nếu được mời dự sinh nhật bà cụ N, tôi sẽ kể cho bà cụ nghe bằng hình ảnh trong cuốn phim họp mặt gia đình của nhà ông Cục trưởng sau đám cưới cậu cả mà tôi thực hiện cho cụ xem.
Để cụ thấy rằng: Có những lúc, chỉ một cô Ô sin, cũng là khởi nguồn nhiều hạnh phúc.
Vậy mà bà đã đuổi đi bảy cô rồi!
Cho nên, bà khó mà có hạnh phúc.
Sau bài viết này, là một bài viết độc lập nhưng bám sát đề tài này.
Đó là bài viết về một cuộc “trả thù tình” ngọt ngào đến nỗi, ai đã truân chuyên qua bể trầm luân tình ái đều mong được trả thù như vậy.
Nguyễn Huy Cường.