Hotline: 0968133153
Tin tức hoạt động được Trung tâm cập nhật liên tục
Từ nỗi đau thống thiết, mất mát tơi bời đến niềm vui đoàn tụ thường phải là một quá trình nhọc nhằn, sự vươn tới của nhiều người nhưng cũng có khi sự thể lại khác, như ở gia cảnh anh Kiệm, tất cả lại bắt đầu từ cô gái thứ ba.
Gia đình ông Cục Trưởng là một gia hệ lớn. Ông có ba đàn con: con của ông với người vợ đầu đã mất, con của bà vợ hiện nay và con của cậu em vợ gửi tại nhà ông sau biến động hôn nhân của chúng.
Với tiềm lực kinh tế khá dày, tính trách nhiệm, tình cảm tốt với con cái, ông dành khá nhiều tâm lực với một dàn 9 đứa con, cháu này.
Nhiều đứa đã trưởng thành, có đứa có bằng cấp cao, có đứa có gia nghiệp riêng khá vững nhưng có một điều ông chưa thể an tâm, đó là trong đàn con ông thiếu hẳn một đứa có thể thay ông “cầm cờ”, chỉ huy những đứa khác. Nói dại, nếu ông “có vấn đề” gì thì cái trật tự tốt đẹp hiện nay chưa chắc đã được giữ vững.
Ngay cả bà vợ trẻ của ông, là một tiến sỹ khoa học giỏi nhưng bà chưa bao giờ tỏ ra là người biết quán xuyến cái gia đình lớn này. Ngay với hai đứa con ruột của bà ấy, nhiều khi bà còn bất lực khi nhìn chúng lười học, lười ăn, ham chơi và những diễn biến khác.
Đúng lúc ấy, cô bé Sơn đến. Nét đặc biệt đầu tiên cả nhà nhận thấy là cô rất thẳng thắn và thông minh. Ngày đầu tiên cô góp ý bỏ cái TV to kềnh ra khỏi phòng ăn, cô cho đó là thủ phạm gây nên những thói biếng ăn của mấy đứa trẻ nhỏ và thường phân tán tình cảm trong bữa ăn, làm bữa ăn kéo dài thêm.
Ngày thứ hai cô đề nghị cải tạo cái sân thượng để cô trồng rau, chỉ hai tháng sau vườn rau gần trăm mét vuông đủ loại rau trên đó phát triển xanh tốt. ông Cục trưởng rất mừng, không hẳn vì đỡ một khoản tiền mua rau lại được hưởng nguồn rau sạch trăm phần trăm mà ông quan sát thấy, bằng cái vườn rau, cô Ô sin đã kéo được hai đứa nhỏ vào cuộc chơi kỳ thú, bổ ích. Mỗi đứa được chia một ô nhỏ làm “của riêng” đứa nọ thi đua với đứa kia, đến kỳ thu hoạch, chị Sơn mua của chúng đàng hoàng, có đưá được cả trăm ngàn, chị Sơn trả chúng bằng giá mua rau ở siêu thị. Thế là, bằng cái việc mỗi ngày vài lần leo lên leo xuống ba tầng lầu để chăm rau, lũ trẻ hết chứng biếng ăn lúc nào không biết, vợ ông Cục trưởng rất vui.
Càng ngày, ông cục trưởng càng thấy cái nét trội hơn hẳn đàn con của ông từ cô Ô sin phát lộ ra. Cô có nhiều nét, nhất là nét biết chủ động lên lịch công việc, quán xuyến chung thì không đứa con nào của ông chủ có được. Chỉ một tháng, cô biết sở thích, cá tính từng người trong bữa ăn nên mỗi bữa ăn nhà này thường rất vui. Đàn con cháu của ông cũng yêu quý chị Sơn như người ruột thịt.
Gần đây xuất hiện hai nét làm ông cục trưởng bất an.
Đó là việc cứ lối chín giờ tối, cô Ô sin thường lỉnh vào phòng đứa cháu ông, thằng bé đang học lớp 10 và ở đó chừng nửa giờ.
Về sau ông điều tra thì biết, giờ đó cô vào đó, cùng cậu bé học tiếng Anh trên một kênh TV, cô học đuối hơn nên nhờ cậu bé “ôp” thêm cho chắc.
Kế đến là chuyến đi Quảng Ninh.
Sau khi thấy cô tìm đến và tiếp cận, cho tiền cậu thanh niên đang làm nghề gánh than thuê kia, ông đã hỏi thẳng cô khi cô về đến nhà.
Cô cho biết đó chính là anh ruột cô, người anh cùng mẹ khác cha, anh ta chính là cậu con đầu ông Kiệm đã bỏ nhà đi biệt tăm ba năm nay.
Nghe xong, hỏi thật kỹ gia cảnh, ông cục trưởng mới biết thêm quá khứ nặng nề của cô gái người làm.
Ông bày tỏ sự thông cảm và ngay ngày hôm sau cho xe chở cô lên Uông Bí đón người anh về để ông thu xếp công việc.
Bởi trình độ văn hóa rất yếu nên anh trai cô được thu xếp cho học một khóa thực hành sửa chữa máy cần cẩu.
Khi học xong, đi làm và hưởng lương đàng hoàng thì cô có ý kiến với ông chủ rằng, như thế là đủ, không nên bao cấp nữa,. nên cho anh ấy đi làm xa và sống tự lập, không nên để anh ta trong nhà này.
Ông cục trưởng hỏi kỹ thì cô Sơn cho ông biết những thói tật xấu của anh ta nếu không chữa kịp, sẽ rất khó chữa nay mai.
Một là anh ta coi việc được ăn ở một căn phòng riêng, có máy lạnh trong tòa biệt thự nhà này, được ăn chung mâm với mọi người như một lẽ tự nhiên, không có gì phải suy tư, phải biết ơn cả, đôi khi anh còn thảy quần áo cho Sơn giặt, tự xem mình cũng có vị trí như con cái ông chủ.
Ông cục trưởng nghe xong, thầm cảm phục cô gái và bắt đầu một thử nghiệm mới, điều anh này ra một công trường ngoài đảo xa một thời gian.
Ít bữa sau, có một bà hàng xóm sang chơi với ông bà trong một chiều chủ nhật. Chiều ấy cô Ô sin cùng hai đứa con gái nhỏ đi siêu thị. Bà khách hết lời khen ngợi cô Ô sin nhưng “chê” một điều là cô này đi chợ không biết trả giá.
Thì ra bà thấy nhiều lần cô đến mua gạo tại gánh gạo của một bà ngay phố bên. Gạo bà này là nguồn gạo quê trong mạn Hà Đông, rất ngon nhưng đắt. Nếu mua của những tiệm khác, có thể có dịch vụ mang gạo đến tận nhà mà giá thì rẻ hơn. Bà khách nói, đã có lần bà thấy, số tiền gạo là một trăm chín mươi ngàn, cô bé cho bà kia cả hai trăm ngàn, khỏi lấy lại một chục tiền dư.
Ba ngày sau cô Ô sin tỏ ý muốn xin ông chủ chai mật ong rừng nhỏ để trị chứng dạ dày mới phát sinh.
Ông cho ngay và ông còn cho cô một cơ số thuốc đặc hiệu trị chứng đau dạ dày ông vẫn dùng, cô gái mừng lắm.
Ba ngày sau vì có việc bất ngờ, ông muốn xin lại một chút mật ong thì cô gái tỏ vẻ hốt hoảng và nói đã dùng hết…nửa lít mật ông kia!.
Ông chủ thấy có điều gì bất ổn ở đây, đã hỏi gạn một hồi thì biết, cô xin thuốc không phải để dùng mà để cho bà bán gạo. Nói đến đây cô ứa nước mắt ra.
Ông chủ lại thấy một điều gì bất ngờ từ dòng nước mắt kia, ông để tâm tìm hiểu thì rất bất ngờ được biết: Bà bán gạo chính là mẹ cô gái!
Đêm đó, hai bác cháu nói chuyện đến khuya, cuối cùng, ông hỏi cô có muốn ông cho mẹ cô về đây chung sống với cô không, ông sẽ thu xếp một công việc thích hợp. Cô không đồng ý.
Cô phân bua rằng mẹ cô rất hư, tính nết buông thả, học hành kém, tính trách nhiệm rất tệ. Tính đến hôm nay, mặc dù chỉ làm ăn cách nhà một trăm hai chục km, chỉ ba giờ xe nhưng bảy năm nay mẹ chưa hề về thăm lại bố con cô, không gửi một đồng nào về cho bố cô nuôi em ăn học. Thậm chí đến nay bà chưa hề biết cô là… con gái bà. Thời gian dậy thì nhanh, sức vóc phổng phao, ăn mặc khá bảnh đã tạo ra nơi cô một tư thế đĩnh đạc, sang trọng nên bà kia không thể ngờ được.
Hai ngày sau, bằng một đường riêng ông chủ đã điều tra kỹ hơn tâm tư của bà bán gạo. Lý do lớn nhất mà bà bỏ bê gia đình là không có tiền.
Hồi còn trẻ trời cho chút nhan sắc cộng với thời còn cấm chợ ngăn sống, buôn bán dễ kiếm nên bà có đồng ra đồng vào. Bây giờ sau vài cú mất mát vì bị bạn buôn lừa gạt, bà làm ăn kém cạnh lắm. Gánh gạo này cũng buôn bằng vốn mượn mà thôi. Trong thâm tâm, bà cũng mong có đôi chục triệu vốn, sẽ trở về với chồng con.
Khi ông cục trưởng trao đổi lại với cô Ô sin thì cô này xác nhận ngay. Cô nói rằng, cô đã đọc được ý này từ lâu nơi mẹ và chỉ mong đến ngày ky cop được nửa năm lương, sẽ cho mẹ để mẹ về với bố.
Nửa tháng sau, ước mơ của mẹ con cô Ô sin đã thành hiện thực.
Ông chủ ứng cho cô hẳn một năm lương, cho mẹ cô một xe tải nhẹ đồ cũ còn dùng tốt trong nhà và chở bà về với chồng con trên Phú Thọ.
Có thể nói, sau hai mươi tám năm, đây là ngày vui thứ hai ngoài ngày cưới của gia đình nhỏ bé này. Sau bao nhiêu hợp tan, đau khổ, họ lại về bên nhau.
Gia đình anh Mỹ, một Lương y ở sát nông trường Vân Hùng có cuộc sống bình ổn suốt hai mươi năm kể từ khi hai vợ chồng lấy nhau. Gia đình bốn người ấy đã trải qua một thời dài cực kỳ gian khó và họ phấn đấu kiên cường để chống đói nghèo, lạc hậu. Anh có nghề đông y gia truyền, chị trước làm công nhân nông trường, sau cũng theo nghiệp chồng, với hai đứa con cũng được truyền nghề từ bé nên nhà anh có thu nhập tốt, nền nếp gia phong tốt.
Đùng một cái, một tai bay vạ gió đến với mái nhà yên vui này.
Một tay chuyên buôn đồ cổ dưới xuôi lang thang đến vùng này, khi đến trọ qua đêm ở nhà anh Mỹ. Ông này tình cờ phát hiện ra cậu con đầu nhà này là cậu Kha giống ông anh mình, ông Đại Đệ như đúc.
Ông bí mật xin một tấm ảnh cậu bé đem về Đông Anh cho anh ruột xem. Ông anh không khó để biết rằng cậu bé kia chính là con ông.
Gần hai chục năm trước, khi là “ca sỹ công ty” ở thành phố Việt Trì, ông là một thanh niên đa tài và đầy hấp lực, ông đã chung chạ với nhiều phụ nữ, trong đó có mẹ cậu bé này.
Cái tin này đến với ông vui như tết bởi đường con cái của ông có vấn đề.
Cậu con lớn của ông học đại học dở dang rồi bỏ vào Nam làm ăn gì đó không cơ bản, có khi ba năm không liên lạc với gia đình. Gần đây nó có về, đòi một số tiền lớn nhưng không được, lại dắt tay một cô gái lạ, bỏ đi để lại nhiều lời lẽ khó nghe.
Hai cô con gái thì “suốt ngày lấy chồng”, lấy rồi lại bỏ, bỏ rồi lại lấy. Mỗi lần chúng chia tay, lại một mớ của cải chạy theo. Cái còn lại là bốn đứa cháu ngoại nghịch như quỷ sứ.
Vậy nên ông rất buồn, buồn lắm. Mỗi khi đi ăn cưới, giỗ chạp bà bạn thăm hỏi về đường con cái ông rất khó nói trong khi về kinh tế, ông giàu có nhất vùng.
Ông tích cực liên lạc với cậu con rơi, việc đầu tiên là ông gửi cho cậu một chiếc xe Honda Future mới cứng cạnh. Món qùa tiếp theo là lời cam kết sẽ cho cậu vào bằng được một đại học ở Hà Nội.
Đến cú này thì ông Đệ thắng.
Ước mơ về Hà Nội học Đại học, lại có nhà cửa, điện thoại, máy tính cá nhân, nhà cửa khang trang đã làm lung lay tình cảm thằng bé.
Gia đình anh Mỹ phải dằn lòng chấp nhận tình cảnh bỗng dưng mất con.
Một năm sau cậu bé “trời cho” nhà kia ăn học khá tốt trong sự cung phụng của bố đẻ sau hai chục năm bỏ bê.
Đùng một cái ông Đại Đệ cùng băng nhóm của ông vào tù hàng loạt vì họ tham gia vào một tổ chức cơ bạc chuyên nghiệp liên tỉnh.
Ông đi tù, gia sản ông bị sung công vì liên quan đến vụ án.
Ông đi rồi, vợ con ông bắt đầu đại loạn. Thằng lớn từ Đà Nẵng về đòi ông nội phải san sẻ khối tài sản bố nó sẽ được thừa kế nay mai dù ông nội mới gần bảy mươi, vẫn khỏe mạnh như thường.
Mấy đứa con gái cũng quây vào tìm cách tẩu tán vài mảnh đất ở quanh làng mà ông Đại Đệ gom góp được để dành.
Bà vợ ông cuốn những gì có thể cuốn được làm một lèo vào với em trai bà trong Sài Gòn.
Nhà này chính thức tan đàn sẻ nghé.
Vài tháng sau, tới kỳ thăm nuôi, cán bộ quản giáo chỉ còn thấy mỗi cậu con trai mới của ông Đệ vào thăm với gói quà nhỏ trên tay.
Ông Đệ vừa mừng vừa đau. Mừng vì thằng con rơi hiếu hạnh còn sống chết với ông, đau vì vợ con ông đã “một đi không trở lại” khi ông thất cơ, lỡ vận, mạnh ai nấy vét.
Ông đau hơn khi nghĩ đến ngày ông ra tù, hai bàn tay trắng, lấy gì lo cho con khi nó lấy vợ, nên bề gia thất.
Trong khi đó, ông Đại Đệ đâu biết rằng, thằng bé ở ngoài vẫn rất đàng hoàng. Nó nhận thấy vùng này là mảnh đất màu mỡ để nó tiếp tục nghề nghiệp Đông y mà nó học hỏi được khi ở nhà Bố Mỹ.
Nó thuê một gian nhà ngoài thị trấn mở tiệm thuốc bắc. Nó về đón ông Mỹ xuống đứng đầu và bởi có tay nghề tốt nên cha con ông này sớm nổi tiếng, họ phất lên khá nhanh.
Ông Đại Đệ vẫn ngồi trong tù, đếm từng ngày đứa con trai vào thăm nuôi với gói quà ngày càng lớn hơn, ông nghĩ rằng đó là cái phúc lớn nhà ông khi thấy lại được đứa con hiếu hạnh này.
(còn nữa)
Nguyễn Huy Cường