Hotline: 0968133153
Tin tức hoạt động được Trung tâm cập nhật liên tục
Ba bài viết trước chúng tôi tập chung mô tả vào một gia đình là chỉ để chuyển tải một thông điệp lớn: Tìm cái đích đến thật sự của một gia đình hạnh phúc. Giá trị thật của nó nằm ở đâu !? Có phải chăng, đó là sự An nhiên tự tại!?
Khi chúng tôi xây dựng một chuyên mục tương lai trên một kênh TV, tôi chọn cái tên “Đường đến An nhiên”. Các quý cấp bề trên và đồng sự có người thắc mắc về nội hàm của hai chữ AN NHIÊN. Tôi trân trọng giải thích rằng:
Đất nước tiến vào thời bình đã vài chục năm. Thời kỳ phát triển vừa qua cho dù còn đó nhiều vấn đề cần giải quyết, nhưng thực chất nó đã chuyến qua vài phân khúc mới kể từ cái thời lần từng bữa ăn, chia 5 mét vải mua theo phiếu sao cho trong kín ngoài vừa…
Bây giờ là lúc, có người đến tiệm mua xe hơi bạc tỉ, phải đặt tiền cọc trước vài tháng, cuối tháng 6 vừa qua, có cảnh xếp hàng mua vàng đông đúc, chen lấn y như ngày xưa xếp hàng đong gạo.
Thế nhưng, chính tại cái phân khúc thời gian cận đại này, nhiều vấn đề đã xảy ra.
Khi tham gia một hội thảo, tôi có một báo cáo trên cơ sở một đề tài có tựa đề “Sự giảm giá mạng sống con người”, một tiểu tiết được thu hoạch qua nhiều kênh để mô tả sự… rẻ đi như vũ bão của mạng sống con người.
Điều này tôi hình thành bằng một sơ đồ dựng trên động cơ, số tài sản hung thủ nhằm đến khi giết người trong phạm vi 15 năm.
Đề tài này khá dài nhưng chỉ xin chiết hai nét: Năm 1998 tại đường Bình Giã quận Tân Bình một hung thủ đã giết cả cha mẹ mình chôn ngay trong gậm giường để mau thừa kế gia tài.
Đến năm 2011 tại Hà Nội đã có vụ một hung thủ rút dao giết chết bà già chủ quán để… khỏi trả tiền hai lần ăn kem!
Người tên Thuận ở Tân Bình năm xưa giết người để chiếm một gia tài khoảng 5 tỉ đồng khi anh ta gần ba mươi tuổi. Cháu bé ở Sóc Sơn giết bà cụ già bán quán chỉ để chiếm đoạt 2 cây kem trị giá lối 10 ngàn bạc trong khi cháu chỉ trên dưới 14 tuổi, cháu này lại là con một gia đình khá giả nhưng quản lý tiền bạc khá “chặt”.
Giữa hai vụ này là rất, rất nhiều những sự thể thương luân, bại lý xảy ra. Điều muốn nói là nó có thể xảy ra ngay trong nhóm người đã đạt đến sự giàu có, phồn vinh.
Trong cuốn sách của tôi có tựa đề “Đừng chết bởi Internet” (sau Nhà xuất bản đổi lại là ĐỪNG KHỔ VÌ INTERNET) có trích dẫn một câu chuyện không thể không đau lòng hơn: Một thằng con 19 tuổi, lập một nick yahoo.chat ảo, thỉnh thoảng lên mạng ngoài máy dịch vụ chat với chính mẹ mình và nó nắm được một nội dung sống rất tệ của bà mẹ, xong quay lại khống chế mẹ đòi tiền ăn xài thoải mái.
Câu chuyện này rất nhiều ý nghĩa nhưng điểm trội nhất là nó mô tả rất rõ, rất sinh động các kiểu bất ổn của đời sống hôm nay.
Vậy nên, để đánh giá một gia đình hạnh phúc, xưa nay người ta dùng nhiều tiêu chí đại thể như.
Một gia đình được xem là hạnh phúc thường có:
- Cặp vợ chồng trai tài, gái sắc.
- Sức khỏe tốt.
- Giàu có
- Con cái đề huề, có trai có gái
- Con cái được học hành.
- Công việc ổn định
- Khả năng tích lũy của cải vật chất cao… vân vân.
Nhưng, bằng câu chuyện được lột tả khá kỹ trong ba kỳ trên từ một câu chuyện người thực, việc thực, chúng ta thấy được vợ chồng chị Thảo hầu như “đạt” gần đủ các “tiêu chí” nói trên nhưng không thể có được cái tâm thái AN NHIÊN TỰ TẠI là cái sự đàng hoàng, đằm thắm, gắn kết và tin tưởng nhau.
Bi kịch gia đình vẫn có thể bùng nổ bất cứ lúc nào khi việc “khai thác” sự sơ sểnh của chồng để chi viện bên ngoại của vợ tiếp tục. Bi kịch cũng đã đến ngấm ngầm trong tâm khảm chị khi thi thoảng, đã xuất hiện lơ mơ những so sánh hình ảnh ông chồng hơi quê kệch nhưng lại hay hợm mình, sùng thượng vật chất với những người đàn ông lịch lãm khác.
Bi kịch cũng có thể xảy ra khi thằng con lớn lấy vợ. Mẫu người ích kỷ đến cỡ đó , sau thời mặn nồng ban sơ, rất dễ bộc lộ cái thực và khả năng tan vỡ rất dễ xảy ra.
Bi kịch cũng có thể xảy ra sớm hơn khi ông chồng có tiền, có “quyền được đi khỏi nhà” bất cứ lúc nào, quỹ thời gian cũng hết sức rộng rãi và hơn hết, ông được vợ “thả lỏng” trăm phần trăm để ở nhà, có cơ hội “nhúp nháp” thêm đôi triệu từ mỗi khoản thu.
Như vậy, tóat lên một ý rất rõ: Trong những cái đích phải đạt đến của thời đại mới, thời của sự phồn sắc, phồn thực và thời của nhiều giá trị bị đảo lộn, thì việc tạo cho mình một tâm thế sống tĩnh tại, an hòa, an nhiên tự tại là một cái đích lớn, rất lớn.
Hai chữ “An nhiên” bình dị như vậy nhưng để có nó khó vô chừng. Thói thường, khi “đạt” được một vài cái ngưỡng cơ bản của cuộc đời như địa vị, tiền bạc, vợ con tạm ổn, ta yên tâm là công cuộc “Tề gia” đã xong, đã ổn, chỉ còn chăm chú đến việc”Trị quốc”, là việc phát triển ngoài xã hội.
Cái mẫu tư duy như thế này hiện có trong rất nhiều người, thậm chí rất nhiều người khác còn mong ngày mong đêm đạt đến được cái đích ấy mà chưa được.
Ở hệ thống y tế, có việc khám tổng quát cho một người để tiên lượng những điều xấu sắp xảy ra, để đề phòng, để điều trị.
Nhiều người dân lúc này, cũng có có ý thức chủ động đi khám tổng quát để thấy được những gì bất ổn tiềm ẩn trong cơ thể mình.
Nhưng, ở môi trường “sức khỏe tinh thần” thì chưa mấy ai thực hiện điều đó, trong đó có gia đình ông bạn nêu trong loạt bài này.
Vời một mô hình là một gia đình khá “chuẩn”, một gia đình vốn là những điều người khác phải mơ cũng chưa thấy nhưng vợi nội dung sống của nó, nó mong manh biết chừng nào!
Chương trình CNN, Câu lạc bộ Tư vấn trưởng thành với thiên ý chủ động tiếp cận vấn đề này từ vài năm nay, đã có một lượng “vốn” khá khá trong “Ngân hàng mâu thuẫn” của CLB. Từ những nguyên mẫu này, CLB sẽ hình thành những giải pháp, những biện pháp giúp Quý bạn “Khám tổng quát” cơ thể tinh thần của bạn, của gia đình bạn. Khi phát hiện thấy nó có những “bệnh lý” cụ thể, chúng tôi sẽ cung cấp cho bạn những biện pháp tốt nhất để chữa trị.
Bài toán “tháo bom nổ chậm” ở nhà chị Thảo về sau rất an toàn, vui vẻ, nếu được phép của gia chủ, chúng tôi sẽ trình bày nội dung này trong một ngày gần đây trong một bài viết khác.
Xin được kết lại bài viết này bằng việc giới thiệu bức ảnh trên đầu bài. Đó là bức ảnh chụp một đôi vợ chồng nông dân thứ thiệt ở xã Gia Lộc huyện Trảng Bàng tỉnh Tây Ninh. Đoàn nhà báo chúng tôi cùng Tiến sỹ Võ Mai vô cùng cảm kích từ tấm lòng đến “Sự nghiệp” làm vườn của ông bà Huỳnh Nhật Phong, tuổi ngoại sáu mươi, chủ của hai ha vườn Thanh long ruột đỏ này. Ông đã trở thành tỉ phú thật sự và giúp được cho rất nhiều người làm giàu ở địa phương.
Nhưng, điều đáng nói nhất là, vào tuổi trên sáu mươi, Quý ông bà này vẫn sống đằm thắm, tin yêu nhau, cùng nhau đồng cam cộng khổ cho đến ngày hôm nay.
Đó, họ đã đạt đến sự “An nhiên-Tự tại”.
Nguyễn Huy Cường