Hotline: 0968133153
Tin tức hoạt động được Trung tâm cập nhật liên tục
Năm 2012 một trường hợp thất lạc một bé gái 10 tuổi ở Hà Nội xảy ra. Sau gần ba ngày người ta tìm được cháu ở tầng hầm sâu nhất trong một chung cư cao cấp. Điều này lẽ ra không có nếu…
Ngày nay, khi lập một dự án kinh doanh cấp… công ty thôi, người ta hay nói đến cụm từ “tầm nhìn” “sứ mệnh”, “hành động” v.v… trong đó, nhân tố tầm nhìn xem như một nét mới trong tư duy quản lý, tư duy lãnh đạo thời kỳ này.
Tầm nhìn, được khái niệm như hướng chiến lược mà dự án nhằm tới thường có giới hạn vài năm, mười năm, thậm chí hai mươi năm.
Nếu không có tầm nhìn dài rộng thì có những bi kịch thường xảy ra, ví như công trình vừa xây dựng xong đã lạc hậu (một tòa nhà 6 tầng không có thang máy chẳng hạn) sẽ bị hạn chế công năng, tác dụng nhiều.
Từ tầm nhìn dài rộng, người ta tạo ra sự an toàn cho tương lai sản phẩm, sự nghiệp và giúp nó phát triển.
Có chiếc xe du lịch sản xuất tại Nhật Bản cách đây 18 năm như chiếc Toyota Cressida 2.4 đời 1995 đã có đủ các tiện ích tiên tiến mà nhiều chiếc xe sản xuất năm 2010 vẫn chưa “ với” tới được. Điều này giải thích tại sao có chiếc xe 4 chỗ sản xuất năm 2012 mới tinh giá chỉ 11.000 USD nhưng chiếc xe Cressida nói trên, đã dùng 18 năm, chạy 350 ngàn km giá vẫn trên 200 triệu VND!
Điều rút ra là tầm nhìn hạn chế, thì tổn hại của nó rất lớn.
Trở lại vấn đề cháu bé bị lạc trên đầu bài, cho thấy điều gì.
Đó chính là tầm nhìn hạn hẹp, cực ngắn, thậm chí ngắn hơn một centimet của nhiều ngành.
Nền văn minh cao ốc đổ bộ vào xứ ta không ít hơn 20 năm, Ngày nay, ở các thành phố, thị xã có không ít hơn 5 triệu công dân cư trú trong loại nhà này nên lẽ ra nếu có tầm nhìn tốt, lớn hơn… 1 cm thì những người làm giáo dục phải phổ cập nội dung hay ít ra là những hiểm nguy tiềm ẩn trong loại văn minh này từ lâu rồi.
Ví dụ như học sinh sẽ biết bấm nút nào trong thang máy để làm gì, khi bị mất điện, bị cháy trong chung cư cao cấp phải làm gì, muốn liên hệ với những dịch vụ khẩn cấp phải làm gì v.v…
Vì chưa làm được điều đó nên một cháu học sinh lớp 4, sau khi lớp có 2 giờ trống, đã được một bạn thân mời về nhà chơi, sau đó cháu con chủ nhà không đi học nữa, cháu là khách tự về, bị lạc vì vô tình khi xuống khỏi nhà bạn, đã bấm nhầm nút nên thang máy đưa cháu xuống tầng hầm thứ 2 của tòa nhà, nơi toàn đường ống, trang thiết bị, ô tô để lâu không dùng, dây dợ dự trữ hôi hám, hoang sơ và ít người qua lại.
Cháu bé bị mất bình tĩnh, càng tìm càng lạc xa lối lên, sau đó sinh hoang mang, đói, khát nên ở luôn trong đó.
Bên cạnh hình ảnh có thực tại Thủ đô Hà Nội năm xưa, là rất nhiều chuyện khác.
Ngày nay, nhiều hiểm nguy rình rập các cháu ngay ở bậc tiểu học nhưng qua khảo sát của nhóm tư vấn chúng tôi, trong 28 cháu thuộc trường Tiểu học Tân Trụ quận Tân Bình Thành phố Hồ Chí Minh thì thấy qua một biểu mẫu khảo sát như sau:
1-Cháu làm gì khi quá giờ tan học gần hai giờ vẫn chưa thấy người nhà đón?
2-Cháu làm gì khi đi du lịch cùng lớp học mà mình bị thất lạc?
3-Cháu có nhớ số điện thoại của ba người thân gần nhất?
4-Nếu bị bắt cóc cháu làm gì để liên lạc với bên ngoài?
5-Cháu làm gì khi thấy bạn bất ngờ bị nôn mửa trên đường đi học về?
6-Cháu làm gì khi thấy bạn bị rơi xuống nước sắp chết đuối?
7-Cháu làm gì khi bố mẹ vắng nhà nhưng nhà mất điện kéo dài không thể nấu ăn và học bài vì thiếu điện?
8-Cháu làm gì khi bất ngờ có người lạ đến nhà, lọt được vào nhà và tự xưng là người thân?
Với hai nút trả lời theo chủ ý được soạn là đúng, sai ở cuối mỗi câu hỏi thì diện các cháu chọn lựa đúng chỉ 33%. Sai tới gần 70%. Đặc biệt, có một số cháu hoàn toàn bất lực, không có chọn lựa gì, làm thế nào để thoát ra khỏi những tình huống xấu.
Rõ ràng, cái lỗi lớn nhất ở đây thuộc về ngành giáo dục.
Như trong loạt bài “Giáo dục Việt Nam nhìn từ ngã tư Bảy Hiền” của tôi có đăng tại Website này, người ta có dạy cho trẻ lên ba vệ hệ thần kinh con người, về đặc điểm kinh tế chính trị thời Vua Quang Trung nhưng với quan sát trên, cộng với sự rà soát tất cả nội dung giáo khoa cho cấp học này, quả nhiên, người ta chưa hề dạy cho học sinh những điều RẤT GẦN GŨI với cuộc sống hiện nay như những tình huống giả định trên.
Với câu chuyện cô bé lạc trong căn hầm gần hai hec ta một chung cư cao cấp nói trên, quan điểm này khỏi tranh cãi và nó nói lên tầm nhìn thực ra là bị... âm nhiều, nó vẫn quẩn quanh đâu thời những năm 60, khi cả miền bắc chưa có tòa nhà nào có thang máy và vài tầng hầm. Thực chất, giới hạn tầm nhìn 1 cm hãy còn hơi… rộng lượng bởi, sau bài viết này vài năm, chưa chắc đã có những chuyển biến gì theo hướng tốt hơn, để các cháu có thể trả lời tốt những câu hỏi giả định trên, để bảo vệ mình, bảo vệ bạn mình khi có những biến động đó.
Trình bày bài này tại đây, chúng tôi không có tham vọng đi sâu hơn và điều chỉnh những hẫng hụt …đương đại của Ngành Giáo dục mà chỉ muốn lưu ý lớp phụ huynh của các cháu tuổi dưới 12.
Sự trưởng thành của chính đối tượng này, nhóm đối tượng làm cha mẹ phần lớn dưới 35 tuổi này, cũng cần được trang bị “Tầm nhìn” thẳng vào những hẫng hụt hiện hữu của… hoàn cảnh, môi trường xã hội.
Chính chúng ta chứ không phải ai khác, phải TỰ CỨU lấy mình, lấy con mình.
Ngoài việc cùng với nhà trường, nuôi dạy con học điều hay lẽ phải, học những kiến thức tự nhiên, xã hội nay phải dành thời gian tìm hiểu, học hỏi và truyền thụ lại cho con mình những điều nói trên, phải cho các cháu “tập dợt” những hoàn cảnh giả định nói trên.
Đã có những trường hợp một cháu nhảy xuống cứu hai cháu đang bị đuối nước rồi cả ba cháu cùng chết. Trong hoàn cành đó, trách nhiệm một phần từ nhà trường, còn một phần lớn chính là cha mẹ các cháu, chưa chủ động tiệp cận và hóa giải loại tai nạn này từ khi nó chưa xảy ra.
Hãy nâng tầm nhìn lên hơn một cm, để có một cuộc sống, một xã hội an lành, để xem như người trưởng thành thực thụ.
Nguyễn Huy Cường