Hotline: 0968133153
Tin tức hoạt động được Trung tâm cập nhật liên tục
Năm ngoái tôi được một người bạn quý mến mạn Đồng Tháp thông báo một tin vui khi tôi tới chơi và thăm hỏi hoàn cảnh gia đình anh sau hơn một năm xa cách.
Anh cho biết, nhà anh vừa mua được một thửa đất trồng hoa trên miệt quê, làm một cái nhà nhỏ rồi cho cháu My đến ở đó. Tôi hơi giật mình, trong đầu thoảng một ý nghĩ: hình như ông bà này kiếm cách “đày” đứa con gái tật nguyền của họ lên đây, cháu bé bị bệnh Down từ nhỏ…
Như đoán được ý tôi, anh khoe tôi một sáng kiến làm tôi sửng sốt: đã kiếm được… chồng cho bé My và cho chúng ở với nhau nơi này. Đã có một cậu thanh niên bình thường, nhận lời chung sống như vợ chồng với cô con gái của anh chị.
Là người ngoài, bình tĩnh hơn, tôi chỉ cho anh những bất cập, những mâu thuẫn sẽ phát sinh khi anh chị tìm cách này hay cách nọ dàng buộc một nam thanh niên bình thường (nhưng hình như hơi thất thế trong đời sống) vào hoàn cảnh chung sống với đứa con bệnh tật của anh.
Không ít hơn mười khuyến cáo được đưa ra trong đó có cả khía cạnh vi phạm pháp luật khi anh tạo ra cuộc hôn nhân cho người không đủ năng lực hành vi, kể cả khi cậu kia chấp nhận vì lí do gì đó.
Tôi cho anh biết cả những hình ảnh thương tâm mà tôi đã ghi nhận được trong quá trình làm báo của mình như hình ảnh một bà mẹ điên ở Thủ Đức bị hiếp dâm, khi có con bà ta hoàn toàn không hiều đó là con mình và nhiều lần hành hạ đứa bé, có lần bà định vứt nó xuống sông. Sau đó nhà chức trách phải đem đứa bé cho người khác nuôi.
Nghe xong tất cả các quan ngại của tôi, anh cười xuề xòa, vui vẻ: Những điều anh lưu ý vợ chồng tôi cũng đã nghĩ tới, vấn đề là kiếm cho con bé My đứa con, biết đâu cháu ngoại tôi sau này lành hành, tươi đẹp…
Sau đó ra sao thì ra, kể cả cậu kia bỏ nó cũng được.
Câu chuyện này tóm lại trong một đại ý: ông bà này muốn con gái mình được hưởng niềm vui xác thịt, niềm vui sinh đẻ, niềm vui làm mẹ như những người đàn bà khác. Họ làm chuyện này bằng mọi giá. Đó là lòng thương con đích thực của họ.
Vài năm sau, tôi rất ngại khi gặp lại người bạn này. Tình thân, những mối quan tâm khác thì còn nguyên nhưng tôi rất ngại phải hỏi lại hay tự anh chị phải bộc lộ câu chuyện hôn nhân của cháu My. Tôi không tin vào bất cứ cái kết nào có thể tốt cho mọi phía.
Ngành y tế dự phòng chưa đặt vấn đề nghiên cứu đến người bị chứng bệnh Sida lần thứ hai. Chỉ một lần mắc phải, người ta đã có thể biến khỏi cõi đời rồi. Nếu ai đó, bị Sida lần thứ hai, chắc đau khổ sẽ lên đến bội phần.
Một buổi chiều muộn mùa hè năm 2009 Nhà tư vấn nhận được một yều cầu can dự khẩn cấp của một Đại gia. Bà Doanh nhân giầu có này cho biết, cậu con trai duy nhất của ông bà bị bệnh Sida hai năm nay, đang lâm vào hoàn cảnh cực kỳ bi đát.
Không phải là thần chết đã đến gõ cửa gọi cậu ta như trình tự thường thấy ở dạng bệnh hiểm nghèo này như những bệnh nhân khác đã vào thời kỳ cuối.
Cấu ấm nhà này vẫn khỏe, cậu vẫn lái được ô tô riêng, ăn uống bình thường nhưng theo bà mẹ, nếu không can dự nhanh, có thể cậu ta sẽ chết ngay đêm nay.
Tôi lên đường đi Vũng Tàu ngay, hy vọng tới đó cậu chưa… chết.
Số là, cách nay hơn một năm, mẹ cậu đã thể hiện một tình thương con tuyệt vời, bà như một một tượng đài của tình mẫu tử khi biết đứa con đẹp trai, đứa con duy nhất của mình bị căn bệnh thế kỷ: Bệnh Sida.
Sau vài tháng mất thăng bằng, bà từ từ hạ một quyết tâm với khẩu hiệu: Con bà còn sống ngày nào thì nó phải sung sướng, thậm chí cho nó truy lĩnh cả cái sung sướng mà nó sẽ mất khi nó đi sớm, không kịp hưởng.
Bà mua cho nó một cái xe hơi hơn một tỉ bạc, trang bị đủ đồ chơi để nó giải trí. Bà mua cho nó một căn nhà miệt Long Thành, khoảng giữa chặng đường từ TP Hồ Chí Minh ra biển. Nếu muốn, thằng bé chỉ mất một giờ đồng hồ là thỏa sức ngắm biển, tắm táp thỏa lòng.
Sau hết, bà kiếm cho con một cô vợ.
Bà “nêu giá” rằng: Đứa nào chịu làm vợ con bà, ăn ở với nó cho đến khi nó chết, sẽ được hưởng không gia tài này.
Bà thành công. Một cô gái khá xinh đẹp, có vẻ thấu hiểu hoàn cảnh này và tự nguyện đến “làm vợ” cậu ấm mặc dù gia đình cô không tán đồng.
Đôi trẻ sống với nhau yên hàn được chừng một năm. Kiều sống của chúng gần như khép kín. Phần vì e sợ người xung quanh biết được quá khứ của mình, phần vì muốn… bảo vệ cô vợ xinh đẹp khỏi những cám dỗ khác, suốt ngày căn nhà này cửa đóng then gài.
Khi hết tiền xài, cậu ấm hay cô vợ chỉ cần nhắn một cái tin với chục ký tự vào máy mẹ chồng, nửa giờ sau, điện thoại di động kếu “tít tít” vài cái, mở ra đã thấy một tin nhắn từ hệ thống báo tự động của ngân hàng rằng: tài khoản của bạn vừa được cộng thêm vài chục triệu…
Chính kiểu sống đó, chính bốn bức tường đó, chính cách sống (dù được coi là tốt) đó đang từ từ tạo nên một bức xúc trong nhà này.
Hàng ngày, khi hai lớp cửa vẫn đóng chặt thì sóng truyền hình vẫn phát những bộ phim, những dòng tin. Điện thoại di động cô gái vẫn nhận được những tin nhắn từ những người bạn đồng trang lứa mời cưới hoặc mời tham gia những dịp hội hè, picnic…
Dần dà, cô gái hiểu được rằng mình đang bị giam cầm.
Không phải cô bị giam cầm trong bốn bức tường của tòa biệt thự trị giá 124 cây vàng mà cô đang bị giam cầm trong sự mặc cảm nặng nề vì thân phận mình.
Khi chấp nhận “tuổi buồn” này, khi về với “chồng” kiểu này cô đang gặp một số khó khăn nên chọn lựa kiểu này như một cứu cánh.
Qua những câu chuyện trên truyền hình, qua những hình ảnh những người khác vượt lên số phận, đến bến bờ những cuộc sống sinh động, vui vẻ và vinh quang thì cô thấy giận mình. Cô thấy mình thật hèn hạ và cái giá được nhận nay mai (có thể là ba năm, có thể là mười năm nữa) thật ít ý nghĩa, thật buồn.
Thế là, dần dần cô đã liên lạc với thế giới bên ngoài, cô đã bộc lộ hoàn cảnh của mình và cô đã gặp một ông “Từ Hải” sẵn sàng cứu giúp.
Cách đây hai ngày, cô vượt qua mọi toan tính, thực hiện cuộc đào tẩu khỏi căn nhà dăm tỉ.
Trở lại vai cậu Ấm, sau khi mất vợ, vốn là người thông minh, cậu chỉ mất nửa giờ để tìm ra manh mối và chỉ mất một giờ để phóng xe ra tận chỗ đôi trẻ kia đang ôm ấp nhau.
Tại đây, anh đã thực hiện một kiểu “đấu tranh” không giống ai.
Anh rút con dao sắc lẹm, không phải để đâm người vợ, không phải để đâm tình địch mà anh tự đâm… mình.
Những dòng máu từ bắp tay anh chảy ra. Anh tin rằng, cách làm này sẽ đánh động cô vợ và cô ta sẽ quay lại với anh.
Mẹ anh, những người thân của anh không thể tiếp cận. Anh tuyên bố, nếu những người thân đến gần, anh sẽ tự vẫn ngay tại chỗ.
Qua một người thân thiện hướng dẫn, mẹ anh gọi đến nhà tư vấn.
Nhận thức đầu tiên của nhà tư vấn là: Anh chàng này đã nhiễm hai lần Sida, một căn bệnh Sida theo nghĩa y tế, một căn bệnh Sida theo nghĩa Sida tinh thần. Anh này mất hết khả năng kháng thể về tinh thần khi bị suy xụp, cần phải chữa căn bệnh thứ hai này nay.
Xe của nhà Tư vấn đến vào lúc trời Vũng Tàu nhập nhoạng sáng tối, sức khỏe anh kia đang xuống rất nhanh.
Nhà tư vấn yêu cầu mọi người thân giải tán để chuẩn bị đợt “điều trị” thứ nhất. Mọi người tản ra rất nhanh, áng chiều trùm xuống phố biển.
Năm phút sau, một chiếc xe hơi khác đến quán, như một khách hàng bình thường đến quán dùng bữa. Bước khỏi xe là một cô gái trẻ đẹp đến sững sờ, cô dắt theo một đứa bé chừng tám tuổi tiến vào quầy tiếp tân như để gọi đồ ăn.
Khi đi ngang qua “Cậu ấm” cô như chợt nhìn thấy cảnh tượng hãi hùng: dòng máu từ chỗ bị đâm vẫn ri rỉ chảy đó lòm. người ngồi đó da mặt xanh xám, quai hàm bạnh ra, răng nghiến lại. Xa xa vài hàng ghế, đôi trai gái kia vẫn ngồi nhúp mấy hạt điều thơm, nhấm nhẳn, có vẻ như khiêu khích.
Cô gái mới đến bất ngờ xán lại, giọng rất đằm: sao vậy anh, để em băng lại cho anh nhé, ngồi yên nào… Miệng nói, tay cô như vô tình vớ con dao nhọn gần đó bỏ ra chỗ khác.Cô thoăn thoắt băng bó cho anh.
Những người có mặt ngạc nhiên thấy anh chàng đang bừng bừng sát khí bỗng chùng lại, bỗng “ngoan” hơn.
Anh ta cũng ngạc nhiên nhìn cô gái đang chăm sóc mình. Anh thấy xúc động. Anh không hề thấy chút gì như sự giả dối hay “đóng kịch” ở hành vi, vẻ mặt cô gái. Cô làm việc rất tự nhiên, cử chỉ ân cần, thao tác hợp lí và luôn hỏi anh “có đau không”.
Một thoáng sau, khi nhận ra hoàn cảnh của mình, một nỗi xúc động dâng lên trong anh, anh không nỡ để người con gái mới đến này chịu lây hệ quả khủng khiếp với mình, anh ấp úng nói: “Này em, anh bị Sida đấy, cẩn thận”.
Cô gái không hề giật mình, cô bình tĩnh làm tiếp và cười cười, làm anh càng yên lòng: Có sao đâu anh, sống chết có số mà, nhiều bệnh còn nguy hiểm hơn Sida nhiều…
Sau mọi việc, cô gái nhìn anh, nói: Hôm nay em làm sinh nhật tại đây mà hoàn cảnh của em rất đặc biệt, em không có nhiều bạn bè ở gần, chỉ có cậu bé này là người đồng cảnh, anh vui lòng dự sinh nhật với em nhé!?
Anh như quên hết tấn bi kịch quanh mình, anh đồng ý một cách vô thức. Trong anh xuất hiện một chút tò mò về cô gái xinh đẹp này.
Khi bàn tiệc nhỏ, ngon miệng được dọn ra trong đầu anh thoáng một ý nghĩ lạ: Anh muốn cô vợ anh, con người bất lương, đang đào tẩu khỏi anh kia nhìn thấy cảnh này, nhìn thấy anh đang gần gữi, đang được chăm sóc bởi một cô gái xinh đẹp hơn cô kia nhiều lần. Sự chăm sóc, quan tâm của cô này coi lại vô tư, thông thoáng hơn mối tình vì tòa nhà trăm cây của cô kia nhiều. Anh sẽ có nỗi tự hào giây lát về chuyện đó. Nhưng, đôi trai gái kia đã biến mất và không khí căng cứng, ồn ã chiều nay ở gian quán này có vẻ đã tan theo.
Những người xung quanh, chứng kiến từ đầu màn bi kịch cũng có vẻ ấm lòng khi thấy tình hình chấm dứt rất nhẹ nhàng và anh chàng như có vẻ rất vui, ăn uống ngon miệng.
Bạn đọc thân mến.
Đọc đến đây, hẳn ai đó nêu một câu hỏi: cô gái đến sau đi cùng cậu bé kia ở đâu chui ra, “Của đâu mà ngon thế”?. Làm sao dễ dàng có cái cảnh một cô gái kiều diễm, thoáng một cái thành người bạn của một anh bất đắc chí, bệnh hoạn, sầu đời như vậy.
Thưa quý bạn.
Thực ra, không có câu chuyện thần thoại nào ở đây cả.
Sau khi nghiên cứu hồ sơ, nhà tư vấn đã phải quyết định rất nhanh một bài bản đặc biệt.
Trong toàn bộ hồ sơ của anh chàng này có một điều xuyên suốt là anh ta sống vì gái, mang bệnh vì gái, nay đang làm mình làm mẩy cũng vì gái chứ chuyện bệnh tật thực ra không phải vấn đề lớn, với bệnh tật, vài năm trôi đi anh ta có vẻ đã tự chủ được rồi.
Việc kiếm vợ cho anh, chính bà mẹ anh ta cũng tiếp sức cho căn bệnh ham gái, vì gái của anh ta phát triển. Với ưu thế tiền bạc, với nhận thức không thấu đáo về sự “chịu trận” của cô vợ, anh đã hiểu sai quyền năng, ưu thế của mình. Anh tưởng rằng, cô gái kia vĩnh viễn là của anh, phải là của anh, không thể khác.
Tiếc thay, năng lực sống của anh ta gần bằng không, nên khi bi kịch xảy đến, hầu như anh ta không có cách xử thế nào cho hợp lý.
Ở đây, chỉ cần nêu một câu hỏi: nếu cô gái kia hồi tâm, trở lại với anh ta, mọi việc sẽ trở lại bình thường ngay.
Nhưng, xét kỹ góc độ cô gái, việc “chịu trận” với anh cả chục năm trời với đầy đủ những hệ lụy để hưởng gia sản của mẹ anh dành cho sẽ là khủng khiếp. Vụ đào tẩu này khó bề hàn gắn và dù có hàn gắn được. cũng không bền.
Trên luận lí đó, nhà tư vấn định ra phương án nhanh nhất, hiệu quả nhất như ta đã thấy. Nhà tư vấn tìm ngay trên hệ thống tổ chức những người đồng đẳng ở thành phố HCM với căn bệnh thế kỷ được một phụ nữ trí thức xinh đẹp, chính cô ta cũng mắc bệnh sida nhưng cô đang sống rất tích cực và đang hoạt động rất tốt trong một tổ chức phi chính phủ nhằm đẩy lùi vấn nạn này.
Cô đã nhập vai xuất sắc. Tối đó cô đã mời anh chàng về “nhà cô” do nhà tư vấn bố trí gần đó. Đêm đó, họ đã nói với nhau rất nhiều nhưng điều quý giá nhất là, từ vị thế đồng đẳng thật sự, họ đã có những chia sẻ, cảm thông và thân thiện với nhau chân thành, cảm mến.
Điều này, với anh chàng, trở thành vốn sống vô cùng quý giá cho quãng đời còn lại của mình khi có cô bên cạnh, dù chỉ là mối quan hệ bạn bè đúng nghĩa.
Một điều để nói thêm, lẽ ra, bà mẹ yêu quý của cậu ta, nên tìm cho anh ta một nguồn an ủi theo lẽ khác. Bằng tiền bạc, bà đã “mua” cho con một người phụ nữ rồi giam lỏng cô ta bên cạnh con mình chứ đâu phải bà tìm được cho con mình người vợ hiền như mong muốn.
Điều đó, ấp nở bao nhiêu mâu thuẫn, bao nhiêu bức xúc và khi nào nó nổ bung, chỉ là vấn đề thời gian.
Bà đâu biết rằng, có nhiều cách để cứu rỗi người bệnh và cách cứu tốt nhất là tạo điều kiện cho người ta sống, người ta bộc lộ hết những khả năng, những đóng góp cho cuộc đời, cho xã hội, người ta khẳng định năng lực của họ trong niềm tin, niềm tự hào có chừng mực. Những điều đó cho người ta niềm vui đích thực và sự ham sống.
Làm khác thế, chỉ chuốc lấy bi kịch như những câu chuyện trên đây.
Có một lần tôi đến một cơ quan công tác, trong lúc chờ chủ sự tiếp, tôi vui miệng hỏi một cô tiếp tân về cái xuất xứ của công ty, một cái tên rất thơ: Hạ Thi. Nó có âm hưởng như là một bài thơ mùa hạ, một sự nồng nhiệt, một cái gì mạnh mẽ ẩn chưa trong cái tên đó…
Cô tiếp tân buồn buồn cho tôi biết, những dự đoán của tôi sai hết.
Cái tên công ty chính là tên con của ông Chủ tịch Hội Đồng quản trị công ty. Ông lấy cái tên này, như là giữ lại nỗi hoài cảm không nguôi về đứa con duy nhất, đứa con xấu số của ông, cháu gái này nay đã không còn trên cõi đời này nữa.
Cháu gái sinh ra khoảng năm những năm tám mươi, cháu bị bệnh thần kinh, không tự chủ được trong mọi việc, cháu nằm đó, có người phục vụ khoảng hơn hai mươi năm rồi qua đời.
Trong lúc đó, vợ ông chủ tịch HĐQT lại trải qua một tai biến nhỏ đường phụ khoa nên không thể sinh nở được.
Tôi ra về khỏi công ty này, trong lòng nặng một nỗi u ám về câu chuyện này. Và, từ đây, một hướng lý giải cho hai câu chuyện bên trên rất rõ nét hiện ra.
Có một quy luật tự nhiên là ai cũng yêu con.
Nhân vật Tám Bính trong Tiểu thuyết Bỉ Vỏ của Nguyên Hồng cũng xập xuống khi thấy chính con mình bị chết bởi vụ cướp do Năm Sài Gòn vừa thực hiện. Tay lưu manh thượng thặng này đã cướp đứa con thất lạc của Tám Bính trên tay một thiếu phụ ở chuyến đò đêm rồi nhảy xuống sông tẩu thoát. Khi lên bờ, thằng bé đã chết. Cần biết rằng, trước lúc này, Tám Bính cũng đã “thành thần” trong những vụ ăn cắp, cướp giật tương tự.
Cho nên, ông Chủ tịch HĐQT đặt cái tên con mình cho công ty, cho dù khi sống, cháu chưa thực sự được thành người bình thường nhưng với ông, vẫn là một kỷ niệm khôn nguôi là ông đang gửi gắm tất thảy những gì tốt đẹp nhất cho cái tên đó, hướng về đứa con đó. Cách đặt tên cho một sự nghiệp, để ông thấy như con vẫn còn sống quanh đây. Đó là một hạnh phúc.
Câu chuyện này, so với hai chuyện trên đầu, với cha mẹ bé My khi muốn “gả chồng” cho cô gái tật nguyền câu chuyện lấy vợ cho cậu ấm mắc Sida đều nằm trong quy luật nghiệt ngã này.
Đã là quy luật, nhất là những quy luật nhân văn thì thật khó thay đổi.
Nó phải thế.
Có điều, khi ta thực thi quy luật này, hình như ta quên, quên hẳn vế bên kia của chính quy luật này: có ai đã tự hỏi, ông bà thân sinh ra cậu trai làm “chồng” của cô bé bị thần kinh kia hay cha mẹ cô gái bị gả cho cậu ấm bị Sida kia nghĩ gì?
Họ có bị quy luật này, quy luật cha mẹ nào cũng thương con, thương hết mình, thương đắm đuối, thương bằng mọi giá chi phối!?
Nếu quên mất nửa vế này của một quy luật, nhiều chuyện buồn sẽ xảy ra.
Nguyễn Huy Cường