Hotline: 0968133153
Tin tức hoạt động được Trung tâm cập nhật liên tục
Trong gia hệ ông Hoàng, quê xứ Quảng có tới bốn anh em trai, một cô em gái là anh em ruột. Nay người ít nhất đã bốn mươi tuổi, phần lớn ở ngoài quê, mình ông vào Sài Gòn làm ăn.
Anh em thì nhiều nhưng phiền nỗi, hàng cháu thì có vấn đề. Cháu gái thì nhiều, trai thì chỉ có mỗi cháu Tân. Vậy nên khi nó vào với ông Hoàng ở Sài Gòn để ôn thi đại học thì ông mừng hết lớn.
Ông tổ chức hẳn một bữa tiệc để đón nó, hàng chục khách mời mừng cho ông, có đứa cháu ngoan, đẹp trai và học giỏi, nó vừa thi tốt nghiệp đạt điểm rất cao.
Nửa tháng sau, thằng bé ít vui dần. Ông Hoàng đoán có lẽ vì nó đang vùi đầu vào việc học. Có hôm nửa đêm thức dậy, ông thấy nó vẫn đang thức bên ngọn đèn mở nhỏ đọc sách.
Ngạc nhiên hơn là thằng bé ở nhà ông, sinh hoạt rất khá nhưng sức khỏe cứ sút dần, nó có vẻ gầy và xanh hơn hôm mới vào.
Về tính cách, càng ngày nó càng ít nói, lầm lì, khắc khổ như một ông già.
Ông đem chuyện này nói với vợ, vợ ông cắt nghĩa rằng đó là đặc điểm của những đứa ham học, bên họ nhà bà cũng có vài đứa như vậy.
Ông yên tâm và lao vào kinh doanh, buôn bán và quên dần cậu cháu đi. Ông yên tâm là khi thi nó sẽ đậu.
Còn nửa tháng nữa mới đến kỳ thi, thằng bé bỗng dưng xin phép ra khỏi nhà ông, lên trường ở cho tiện vì dạo này phải học tập trung rất cao, đi đi về về, đường xá tắc nghẽn bất tiện.
Ông Hoàng đành lòng cho cháu đi, ông nghĩ sau này thằng bé thi đậu sẽ quay lại nhà chú ruột, một tòa nhà bề thế, giàu có để nương nhờ mấy năm đại học. Ông mong thế, cũng là để góp công với ông anh ngoài quê, chung tay vun bón cho dòng họ một thằng cháu rất trội về nhiều mặt, nó đang là tấm gương sáng cho những đứa cháu khác noi theo.
Kế theo đó, ông đang theo một công trình Thủy điện ngoài Tây Nguyên vài tháng, ít về nhà. Công việc ồn ã lắm nên ông cũng ít đi về hơn. Khi về, có lần ông thấy cũng cháu Tân có mặt trong một bữa tiệc nhỏ, ông yên tâm là cháu ông đã trở về.
Nửa năm sau.
Một lần đến dự tiệc trên mạn Phú Lâm ông sửng sốt nhìn thấy cháu ông đang bưng bê dọn bàn cho một đám tiệc. Ông lánh mặt không cho cháu biết, sợ nó mặc cảm.
Đám tiệc này lớn, do một nhà hàng chuyên nghiệp nấu. Họ có một đội ngũ nấu nướng, phục vụ hơn chục người.
Ông chết lặng đi, về nhà ông hỏi bà, bà cũng không biết gì. Đến lúc này ông mới biết, cháu ông không hề ở nhà ông. Ông cất công đi tìm thì rất khó, khi mới vào đây, thằng bé chưa có điện thoại di động. Gọi ngược ra quê hỏi thì không tiện vì sẽ “lộ” ra cơ sự này, anh em ông ngoài đó sẽ trách ông.
Lên trường đại học hỏi thì không thể được, trường cháu Tân học cực kỳ lớn, rộng đến hai chục hecta và có vài trăm phòng học, hàng vài chục Khoa.
Kế đó, ông lại phải ra bắc trong một chuyến công cán bù đầu bởi chuyện làm ăn ngày càng nhiều vấn đề và ông phải ứng xử với chuyện lỗ lã phức tạp hơn thời trước.
Hai ba tháng sau, ông về Sài Gòn, quyết chí đi tìm thằng bé.
Ông trở lại nhà tổ chức đám tiệc kia và liên hệ bằng được nhà hàng đảm nhiệm việc nấu tiệc. Cuối cùng, ông lần được đến nơi thằng bé ở.
Tới đây, Tân đang đi học chưa về ông lân la hỏi thăm thì biết, ở cùng với cháu ông là một cô gái!
Ông Hoàng ớ ra, bây giờ thì ông mới hiểu ra vấn đề: Cháu ông thoát ly ra khỏi nhà ông là vì gái! Ông giận và thất vọng vô cùng.
Buổi tối đôi trẻ về, ông trốn bên cạnh, lặng lẽ quan sát.
Ông thấy hai đứa chăm chỉ lặt rau, nấu mỳ. Nhìn bữa ăn kham khổ của chúng ông chạnh lòng thương. Ở nhà ông, hầu như tiệc tùng liên miên. Tủ lạnh chứa trái cây, đồ ăn thỉnh thoảng phải xả bỏ một lần vì có thứ bỏ lâu quá, sợ không an toàn.
Nhìn chúng ăn mặc ông càng buồn hơn, chúng đang tuổi yêu, đang là thanh niên mà ăn mặc rất tùng tiệm, cũ kỹ, không “mốt” chút nào.
Ăn uống qua loa xong, chúng ngồi vào học.
Ông Hoàng bước vào.
Cô gái qua một giây ngỡ ngàng chào ông trước, nó chào ông bằng đúng tên ông khiến ông kinh ngạc.
Thằng Tân thì rơm rớm nước mắt, câu đầu tiên nó hỏi ông về tình hình cái thủy điện ngoài trung, nơi ông góp vốn làm ăn. Thằng bé hỏi với vẻ âu lo thật sự và có vẻ, nó biết nhiều về những vấn đề của ông.
Ông xúc động ngước nhìn lên tường, thấy một tấm giấy khen rất mới, tôn vinh thành tích học tập và hoạt động xã hội xuất sắc của thằng cháu.
Cuối cùng, chúng còn dành cho ông sự kinh ngạc hơn là: Cô bé ở cùng Tân là con Thủy, con cô Song, em gái ông ở Bình Định vào ôn thi đợt tới. Ông ôm lấy hai đứa cháu ruột thịt vào lòng mà không nói nên lời.
Hiện nay, ở mảng giáo dục cộng đồng, nhiều trường lớp dạy kỹ năng sống đã mọc lên, người ta dạy cho công dân, nhất là cho lớp trẻ rất nhiều loại kiến thức, từ cách cắm hoa đến cách tổ chức một lễ sinh nhật vui vầy nhưng hầu như chưa có trường nào mở ra để dạy con người cập nhật những kiến thức để hoàn thiện mình khi phải làm người lớn thật sự cả.
Cho nên, mặc dù là doanh nhân thành đạt, mặc dù vợ đẹp con khôn, mặc dù sự nghiệp tròn đầy nhưng có những điều giản đơn trong đời sống tình cảm thì họ không thể hiểu được.
Hoàn cảnh ông Hoàng là như vậy.
Câu chuyện thân tình, cởi mở giũa ba chú cháu sau đó đã bộc lộ điều mà ông không ngờ tới.
Số là khi vào ở chưa ấm chỗ ở nhà ông Hoàng, thằng cháu đã trở thành Osin miễn phí cho cả nhà.
Ở nhà ông, ngoài vợ chồng ông và một cháu gái cưng bảy tuổi còn có tới bốn người khác. Chúng là con của những người bạn quý của ông ngoài quê vào ở tá túc ở đây đã vài năm. Đứa đang học nhạc, đứa đi làm ở hãng bảo hiểm , có đứa làm gì đó không ai biết, sáng đi tối về. Ông Hoàng cho chúng ở đây giống như sự tạ ơn cha mẹ chúng bởi một thời họ đã cưu mang ông, bởi họ là “đối tác vàng” của ông. Bởi vậy, hầu như ngày nào nhà này cũng có nhậu nhẹt.
Vậy là, như một quy ước ngầm, những việc như là đi mua thêm thùng bia giũa bữa tiệc hay giửa chén bát sau bữa tiệc, giặt rũ phơi phóng quần áo, lau nhà… thôi thì trăm việc đổ hết lên đầu thằng cháu.
Buổi tối, cứ phải gần chín giờ, nó mới được ngồi vào bàn học. Nó học đến rất khuya mới hết bài vở.
Nhưng, nó cũng không thể tập trung vào học được.
Đám người lớn kia luôn ồn ào, nhẹ là tán gẫu, nặng là có lúc to tiếng cãi lộn, đánh bài ăn tiền, có lúc chúng chiếu phim sex xem và nói cười ngả ngớn đến khuya.
Thằng Tân đã quyết định phải rời khỏi cái “tổ quỷ” này, chỉ thỉnh thoảng ghé thăm lấy lệ.
Gần đây cô Song gửi em gái họ vào ôn thi, thằng Tân chủ động đón nó về đây, để kèm cặp cho nó ăn học có kết quả hơn. Để cho chú thím Hoàng khỏi khó nghĩ, chúng im luôn, không cho ông Hoàng biết.
Để giải quyết cơm áo và rèn mình trưởng thành hơn, thằng bé nhận đi làm thêm ở nhà hàng vào giờ rảnh rang, để anh em nó có cái ăn tiêu đỡ phải phiền đến cha mẹ ngoài quê.
Ngoài quê, cha mẹ thằng bé đã biết thực trạng trong này nên họ cũng lặng lẽ tán đồng việc thằng Tân thoát ly ra khỏi nhà ông chú ruột để ăn học cho tốt.
Ông Hoàng không biết phải nói gì với hai đứa cháu ngoan của mình.
Ông không biết phải nói thế nào cho các anh em ngoài quê hiểu được mình.
Ông Hoàng không biết phải làm thế nào với lũ con cái bạn bè “VIP” của ông tá túc ở nhà ông.
Nhà ông rộng rãi, việc ăn uống, sinh hoạt vốn không phải điều gì lớn so với tiềm lực của ông sau hai mươi năm làm ăn thành đạt ở xứ này.
Ông cứ ôm lấy cháu, hình như ông muốn nó chia sẻ và cảm thông với ông, với nghề” làm người lớn nặng nề này.
Hai hôm sau, ông khởi công xây một cái nhà cấp bốn ở một thửa đất “dự trữ” của ông ở gần trường đại học, đủ chỗ cho cả đàn cháu ngoài quê vào ăn ở, học hành và sẽ giao nhà này cho Tân quản lý, như là một sự chuộc lỗi với họ hàng khi đã để xảy ra cơ sự này.
Tôi không thể nào quên khoảng gần năm chục năm về trước. Khi ấy vùng thượng du miền bắc còn đói kém lắm, lương thực quý như vàng và mỗi khi “giáp hạt” là thời điểm trước vụ thu hoạch chừng một tháng, nhiều nhà đã hết ăn, phải tìm mọi cách lần từng bữa.
Nhà kia bà vợ mới mất, ông bố đi làm thường về muộn vì phải đi bộ từ chỗ làm về nhà tới ba bốn km.
Buổi sáng, phải gửi đứa con bốn tuổi cho nhà người cậu ruột nó vì hồi đó vùng này chưa có nhà trẻ. Ông cậu làm thợ mộc tại nhà nên nhà khá vui. Thằng bé con thường thích thú lấy những mẫu gỗ nhỏ thừa ra từ những chi tiết làm đồ chơi hết buổi, chờ cha về.
Nhà ông cậu thường ăn sớm hơn làng xóm. Khoảng mười giờ rưỡi là bà mợ đã chuẩn bị xong bữa ăn. Bà gọi ông vào ăn nhưng tính ông là vậy, thường phải làm hết phần việc lỡ dở rồi vào ăn sau cũng được.
Khi ấy thằng bé cháu thập thò gần cậu. Ông cậu cứ vô tư thúc giục thằng cháu vào ăn cơm với mợ và các em.
Thằng bé vào rồi lại ra, len lét lẩn đi chỗ nào đó đợi cho đến lúc cha nó về đón.
Ông cậu mải mê công việc, không hề biết gì cả.
Cho nên, ông không hề biết một cảnh đau lòng đã xảy ra: bà vợ đuổi thằng bé đi mỗi khi nó theo chỉ dẫn của ông bén mảng vào bữa ăn. Tình thực, vào lúc đó, nếu mang thêm một xuất ăn không chính thức kiểu này, cũng hơi “vấn đề” một chút.
Cả hai câu chuyện này, mang nhiều ý nghĩa về trách nhiệm, đạo đức khác nhau nhưng có một điểm chung, muốn nhắn gửi đến các Quý ông rằng: một thuộc tính không hẳn xấu nhưng cũng không nên duy trì là tính không chu đáo về việc gia đình của các ông.
Cả hai ông “bề trên” trong hai câu chuyện này đều là người tốt, chỉ thêm vào một chút tinh tế, một chút quan tâm (thật sự) đến cháu mình và điều chỉnh kịp thời những gì đang xảy ra là mọi việc tốt ngay.
Câu chuyện người thực, việc thực này đã xảy ra như vậy nhưng đôi khi, trong đời sống nó diễn tiến theo một chiều hướng khác.
Đó là, ông chú cứ việc mải miết với công việc của mình, vợ ông cũng lơ là chuyện em cháu. Các cháu giầu lòng tự trọng và có năng lực sống để bươn trải với đời, chúng cứ neo bám, cố gắng vài năm trong khó khăn và rồi chúng cũng trưởng thành, khỏi cần sự quan tâm của ông chú.
Có điều là, với các cháu, với anh chị em ngoài quê xứ, hình ảnh của ông chú ruột dù là người tốt như ta đã thấy, cũng chỉ tồn tại với hình ảnh rất mờ nhạt, rất nặng nề, không mấy tin cậy, không hơn người dưng nước lã bao nhiêu.
Nguyễn Huy Cường