Hotline: 0968133153
Tin tức hoạt động được Trung tâm cập nhật liên tục
Hồi năm 1996 ở con đường Hoàng Hoa Thám ven sân bay Tân Sơn Nhất, quận Tân Bình TP HCM có một gia đình bố là sỹ quan, mẹ cũng là công nhân quốc phòng họ có ba đứa con.
Một lần ngồi cộng sổ sách giữa buổi nghỉ trưa, ông Vĩnh chợt bật cười khi thấy thằng con mười lăm tuổi đang nằm mơ… đi xe gắn máy. Miệng thằng bé kêu phì phì giả tiếng động cơ, hai tay nắm tay lái tưởng tượng, chân đạp đạp rồi như muốn lạng lách, lao đi. Ông đập con tỉnh dậy, thằng bé vẫn mơ màng, ấp úng hỏi: xxe..xe của con đâu?.
Chiều hôm ấy đi làm về, cách nhà nửa cây số, một vụ tai nạn thảm khốc làm ông Vĩnh rùng mình. Một vụ tai nạn khi bốn cái xe gắn máy dồn cục vào nhau và dăm người gãy tay, gãy chân, giập đầu máu me be bét.
Ngay hôm sau, ở đơn vị ông cũng nặng một tin buồn: có nhà đồng đội của ông, hai mẹ con đi ăn cưới ở Long An về, bị xập cống ngầm trong một trận mưa, xe đổ, lạng vào bánh xe tải khiến cả hai người bị thương nặng.
Tối hôm đó, ông cho “họp” gia đình và ra “nghị quyết” cấm tiệt thằng con duy nhất của ông mó tay đến cái xe gắn máy.
“Nghị quyết” của ông, rất “nhà binh” gồm ba điểm:
Một là không được “tơ tưởng”, mong ước dùng xe gắn máy trước khi học xong phổ thông.
Hai là không mon men đi thử khi có điều kiện.
Ba là từ chối khi có ai đó nhờ vả đi đâu bằng xe gắn máy.
Vốn hiểu ông, trong cái gia đình “ăn cơm quân đội” này, quân lệnh như sơn, không ai thắc mắc gì, cứ việc thi hành.
Mệnh lệnh của ông được thực thi nghiêm chỉnh được chừng hai năm.
Năm cậu cưng của ông xem xém mười bảy tuổi, phổng phao, cao lớn như một thanh niên thực thụ. Khi ở lớp hoặc môi trường xã hội, mỗi khi cùng chúng bạn di chuyển đi đâu trong không khí của một liên hoan, hội hè nó phải ngồi sau lưng một người khác. Có lần, nó phải ngồi sau một cô bạn gái nhỏ bé vì nó không hề biết lái xe. Những lúc ấy, anh rất khó chịu.
Hôm ấy, bạn bè tụ bạ nhau trong một lễ sinh nhật ngoài mạn Đồng Nai. Đó là không gian của một bãi cỏ tuyệt đẹp, trống vắng trong một khu du lịch sinh thái đẹp và vắng khách vì mới khánh thành ít bữa.
Giữa chừng, một cô bạn mới quen cùng tham gia ngày vui, vốn có cảm tình với cậu cưng này, đưa chìa khóa xe của cô ta nhờ cậu ra phố gần đó mua giùm vài chục cây nến để tối đến dùng cho cuộc vui sẽ kéo dài.
Vừa ngại, vừa thích, vừa giữ sỹ diện với người đẹp, “cục cưng” cầm chìa khóa, nổ máy chiếc Honda 125 cc lao vọt đi ra đường như một người đã biết đi xe từ bao giờ.
Vừa ra khỏi cổng, đến đoạn cua gấp cậu phóng quá nhanh (vì chưa biết làm thế nào cho chậm lại) nên cậu phi thẳng cái xe xuống hồ. Cái hồ chỉ sâu chừng hai thước nhưng hiềm nỗi, cậu chưa hề học bơi nên cậu vùng vẫy một hồi rồi ở luôn dưới đáy. Ba mươi phút sau bạn bè thấy bất an, đi tìm thì mọi việc đã quá muộn.
Một lần ghé nhà hàng xóm chơi, bên đó có một cậu trung niên là kế toán và nhà có dùng Internet. Cậu ta mời ông ngồi xơi nước rồi chạy xuống nhà vệ sinh một chút.
Ông Trịnh Thảo giật mình, ông ngó trên màn hình internet, ông không thể ngờ có chuyện như vậy trên đời này.
Ông chứng kiến cảnh một đôi nam nữ trần như nhộng, ái ân với nhau rõ như ban ngày. Tiếng thở gấp gáp, hào hển trên đôi loa rõ như họ ở ngay bên cái giường gian cạnh. Camera nhiều lúc soi cận cảnh, soi rõ nét vào tận từng bộ phận trên cơ thể cô gái. Tất cả rõ mồn một, lõa lồ, nhục cảm tràn trề.
Tối đó, khi cô con gái ông Thảo đang học lớp mười xin phép bố ra phố huyện, lên internet truy bài gì đó, ông xây xẩm mặt mày và ra một cái quân lệnh y như cái “nghị quyết” của ông bố trên phần đầu câu chuyện này. Ông cấm tiệt nọc cô bé bén mảng đến màn hình internet.
Cô bé ậm ừ, căng thẳng rồi chấp hành miễn cưỡng.
Từ đó, ông gia tăng sự kiểm soát thời gian, không gian sống của con gái. Ông thấy mọi chuyện khá ổn. Cứ đến 9 giờ tối, sau khi học bài, con ông vào phòng riêng ngủ ngon lành.
Vài ngày sau, có vài đứa bạn hữu của cô gái đến nhà mua gì đó của nó, trả tiền đầy đủ, con ông có vẻ mãn nguyện lắm.
Ông ngấm ngầm điều tra thì biết, con gái ông bán cước điện thoại di động giá rẻ hơn của… ngành viễn thông.
Ông về nhà, thử con một cái, ông muốn mua của con một ít cước.
Cô con gái xinh đẹp cười phì, nó bấm nhoay nhoáy một vài cái rồi “bắn” sang máy ông hẳn nửa triệu bạc cước, tha hồ gọi.
Vài ngày sau, ông đem chuyện này bí mật hỏi thằng cháu họ là Thiếu tá công an phòng chống tội phạm công nghệ cao trên tỉnh, mới tá hỏa ra rằng: khi con ông vào buồng nghỉ, đóng cửa lại sau giờ học tập mà ông tưởng là ngoan ấy, thực chất là nó đang bán hình ảnh khiêu dâm dâm trên mạng. Chiếc điện thoại cao cấp của nó, đang là một công cụ kiếm tiền rất hữu dụng. Nó nhận tiền chuyển đến của các cậu choai choai bằng tài khoản số qua điện thoại di động rồi mở camera soi lên cơ thể, uốn éo, thể hiện các kiểu “tự sướng” cho đối tác ở bên kia xem. Tất cả diễn ra trong tĩnh lặng, mà ông tưởng là yên bình, êm ả.
Ông Trịnh Thảo toát mồ hôi hột, ông biết rằng, thới nay, để cấm cách, không dễ.
Có thể nói, cái “nghị quyết” của vị sỹ quan quân đội kia áp dụng cho gia đình không có gì sai, thậm chí, nó tuân thủ tinh thần thượng tôn pháp luật rất đáng học tập.
Nhưng, xét về góc độ thực tế, cái cung cách “sợ là tránh” như ông và ông Trịnh Thảo vừa nói trên đây là không ổn.
Tất thảy chúng ta, hẳn ai nấy đều nhận thấy 05 vấn đề.
1- Đi được xe đạp, xe gắn máy là một thú vui với tuổi vào đời.
Nó như một dấu chỉ của sự trưởng thành. Nó gợi cảm những mơ ước về tốc độ, về sự giải thoát khỏi đôi chân. Nó gợi cảm về hình thể, tư thế khi ngồi trên chiếc xe đẹp, hiện đại. Nó chứng tỏ bước đầu mình biết làm chủ một phương tiện khoa học kỹ thuật, đi được xe, nó thấy mình đã “lớn”.
2- Mặc dù giới hạn của Luật giao thông đường bộ định tuổi học và thi lấy giấy phép lái xe là 18 tuổi nhưng việc lái xe thực sự rất dễ nắm bắt. Nếu có người hướng dẫn chu đáo, người tập đã biết đi xe đạp thạo, chỉ vài giờ tập dượt là đi được.
3- Ngay luật đường bộ chỉ cấm người chưa đủ 18 tuổi đi xe máy trên 50cc nhưng vẫn cho phép công dân dưới 18 tuổi đi xe gắn máy dưới 50cc.
4- Đi xe gắn máy là một kỹ năng gắn liền với kinh nghiệm nên nó cần thời gian đi thực tế hơn là lí thuyết. Cho nên, nếu đứa trẻ được tập tành có trật tự, được giáo dục tốt về nhân cách, được trang bị tốt về luật pháp thì độ an toàn khá cao, chuyện tai nạn chỉ là hy hữu.
5- Việc cấm cản như mô hình này, thực chất mang tính cực đoan và thiếu hiệu quả. Một thanh thiếu niên từ 15 đến 17 tuổi có quỹ thời gian và không gian hoạt động khá rộng, cha mẹ cũng còn nhiều việc phải làm, muốn “quản” cũng không được nên việc quản thường dẫn đến hai hệ quả:
a- Nếu “quản” tốt, thanh niên này sẽ đi vào kịch bản đau lòng nói trên khi hoàn cảnh đưa đẩy tới.
b- Thanh niên này sẽ dối trá, qua mặt cha mẹ để ngấm ngần học hỏi cách sử dụng xe gắn máy.
Câu chuyện buồn trên đây, không giới hạn ở chuyện dùng xe gắn máy. Cuộc sống - công nghệ ngày nay với tốc độ kinh khủng đòi hỏi con người phải chủ động vận động khẩn trương để cập nhật rất nhiều kỹ năng sống, để làm chủ cuộc sống, tránh những bi kịch xảy ra.
Cấm cách, mệnh lệnh, tránh xa như cung cách “nhà binh” nói trên, chính là nghề “trói tay” con cái và đẩy chúng đến những bi kịch khó lường, thật đáng để suy nghĩ.
Nguyễn Huy Cường