Hotline: 0968133153
Tin tức hoạt động được Trung tâm cập nhật liên tục
Chừng sáu giờ tối, nhà dọn bữa ăn xong thì phải tạm dừng vì có thằng cháu vào chuyển một lá thư ngắn của bố nó gửi cho ông Thành.
Trong lúc ông đọc thư và chờ đáp ứng những đề nghị của cha thằng bé nêu trong thư, bà Thành hỏi nó ăn cơm chưa? Thằng bé đáp rất thật rằng nó chưa ăn. Nhà nó thường ăn muộn, khi mẹ nó “cày” xong cuốc dạy thêm lúc chập tối.
Biết vậy, bà và các anh lấy bát đũa, mời thằng bé ăn cơm.
Nhưng thằng bé kiên quyết không ăn.
Phiền nỗi, nó vẫn phải đứng đợi đó, chờ ông viết một lá thư ngắn, gửi chút quà qua bố nó bởi mai bố nó về quê.
Vì thế, thằng bé, vốn chỉ là đứa trẻ sáu tuổi, chạy nhảy cả ngày, giấc này đã đói mềm. Nó đứng nhìn bữa ăn thịnh soạn, ngon mắt, thơm phức nhà ông Thành, tứa nước miếng ra nhưng khi được mời, được ép, nó không dám ăn.
Không khí trong nhà lắng xuống vì tình cảnh này.
Mươi phút sau, thằng bé cầm thư, quà ra về thì bữa ăn mới tiếp tục.
Ông Thành không hết suy nghĩ về thằng bé. Bố nó là cháu ông, hai gia đình rất thân thiện, không có “vấn đề” gì. Vậy mà nó không thể ngồi ăn cùng các anh chị nó một bát cơm. Cái việc ăn uống ở xứ Nam Bộ lâu nay vốn không phải vấn đề gì lớn lắm, người ta chỉ lo những việc khác thôi. Ở đây, không những trẻ em mà người lớn nhà này, qua nhà khác tiện bữa, có mồi, vui bạn vẫn xà xuống làm một tợp là chuyện thường.
Một thoáng sau, ông Thành chợt nghĩ ra một điều mình quên, chưa nói hết trong bức thư, ông chạy vội theo thằng bé để dặn dò thêm.
Khi sắp đuổi kịp thằng bé ông sững người ngạc nhiên: Thằng cháu ngoan lúc này đang mở túi quà ông gửi, lặt vụng vài trái nho để ăn.
Ông để tâm, thấy nó lén lút cạy cả hộp bánh, lách lấy vài lát để ăn.
Vài ngày sau khi cha thằng bé trở về từ quê hương, vào thăm ông. Ông đề cập chuyện thằng bé cháu không chịu ăn cơm hôm trước thì ông bố trẻ kia tự hào khẳng định: cháu rất ngoan, không bao giờ ăn uống ở nơi khác nếu cha mẹ chưa cho phép.
Khi cậu này về rồi, bà Phấn, người bán quà vặt ở đầu xóm nói: Khổ than thằng bé. Nó nhỏ tuổi nhưng sức ăn khá. Cha mẹ đi suốt ngày, nó học về, dong chơi quanh đây, nhiều khi đói mềm nhưng ai cho cái gì cũng không dám ăn.
Dần dà nó có cách tự lo là qua chỗ cổng xí nghiệp sản xuất đồ gỗ xuất khẩu trong hẻm, có cái cây cổ thụ xum xuê. Ở đó có mấy cậu tài xế, mấy anh bảo vệ, bốc vác thường trải chiếu đánh bạc giải khuây. Chỗ này xa hàng quán nên họ sai vặt thằng bé đi mua thuốc, nước uống rồi cho nó tiền. Có vài đồng lẻ thằng bé mua quà bánh ăn cho đỡ đói.
Câu chuyện trên đây xảy ra hồi năm lẻ chín. Đến nay thì tình hình đã khác. Thằng bé đã học lên lớp bốn, nó trở thành một thằng láu cá khủng khiếp. Tết đến trong nhà vui vẻ, các anh chị mở bài ra đánh cho vui, thua nó hết. Nó tráo bài, ăn gian như ranh và vét nhẵn túi cả các cô cậu nó.
Đôi khi bất ngờ khám túi nó, mẹ nó thấy có lúc, nó có cả vài trăm ngàn. Hỏi ra, thằng này nay đã rất “trưởng thành” trong nghề cờ bạc, luôn rủ chúng bạn nhen nhóm những đám bạc nhỏ, chơi bời kiếm chác. Bởi vậy, lực học đuối dần, mặc dù nó là con nhà giáo hẳn hoi.
Ở cuộc họp phụ huynh, mẹ nó được cô chủ nhiệm phản ảnh là nó có thói quen nói tục, chửi thề khủng khiếp. Nhiều lần cô phạt nặng nhưng tính nào thói ấy, chưa tiến triển.
Chúng ta, ai cũng mong con cái ngoan hiền. Vì vậy, chúng ta ra sức làm mọi việc theo hướng đó. Một trong những cung cách thông thường, dễ làm nhất là biết điều gì xấu, ta buộc con cái tránh xa.
Ông bố trẻ sợ thằng bé lớn lên lụy đời vì ăn, sinh hư vì ăn, đánh mất cốt cách của người đàng hoàng nên đã sớm để tâm đến chuyện này, buộc con phải nép vào kỷ cương rất sớm và có kết quả.
Có hai điều cần thấy, như sự thể đã rồi là: dẫu việc tránh ăn uống tùy tiện ở nhà lạ là tốt nhưng việc e dè, không dám ăn uống ở những chỗ than thuộc lại làm cho thằng bé nhiều bức xúc. Nó khó gần người than hơn, nó khó chan hòa ở những chỗ cần chan hòa hơn. Điều này cho thấy “kỷ cương” của nhà kia quá máy móc và có phần không mềm dẻo.
Thứ hai, như sự thể trên đây. Khi tránh được thói xấu này, cháu phạm phải nhiều thói xấu khác. Cái giá phải trả cho việc giữ được nết ăn nghiêm túc là quá đắt đỏ. Cả quá trình trưởng thành của con người là một chuỗi các vấn đề luôn nảy sinh, muôn màu muôn vẻ. Cha mẹ dù chu đáo đến mấy cũng khó đối chọi hết được. Khó có ai biết trước con mình sẽ hư như thế nào để ra tay ngăn chặn. Việc cấm cản như nói trên, một mặt nào đó, là tầm nhìn rất hẹp của bậc phụ huynh.
Hãy để cho đứa trẻ phát triển tự nhiên rồi từng bước uốn nắn, điều chỉnh những gì cần, khuyến khích những gì cần hơn là “ép” chúng vào những “kỷ cương” khiên cưỡng.
Nguyễn Huy Cường.