Hotline: 0968133153
Tin tức hoạt động được Trung tâm cập nhật liên tục
Cuối một chuyến công cán ngoài miệt Long Thành trở về, khi ngồi nhậu để chia tay trong một nhà hàng khá tĩnh lặng trên đường Lương Định Của, quận 2 TP. HCM, ba Quý ông là những Doanh nhân khá thành đạt ngồi lai rai chờ cơn mưa tạnh để về.
Bỗng cậu tài xế vui tính có một gợi ý: Bây giờ nếu mỗi người có một điều ước thì mỗi người ước điều gì?. Câu chuyện vui được hưởng ứng ngay lập tức và, rất ngẫu nhiên, những điều ước của họ đều xoay quanh đề tài con cái.
Ông Vượng mau mắn “mở hàng” bằng một điều ước có vẻ rất đơn giản:
Tôi ước gì Mỹ Trinh đẻ được một đứa con.
Anh em ai nấy thông cảm cho mong ước này của ông Vượng. Ông là anh lính trơn vào thành phố này sau giải phóng, ra quân trụ lại nơi đô hội này làm đủ nghề để sinh sống. Trong các “nghề” ông đã trải qua, có nghề… lấy vợ già. Ông nhằm mấy bà cơ lỡ, diện “có vấn đề” nên không có chồng để lấy, miễn sao các bà có chút lực kinh tế để ông độ thân và mưu cầu tiến được bước nào thêm thì hay. Ông đã gặp gỡ, đã chia tay như thế vài lần. Khi khấm khá rồi ông chia tay với bà cuối cùng thành công và giữ lại được đôi chút lưng vốn.
Ngoài dấn vốn là tiền ra, ông còn có mớ vốn khác là một đàn con hơn chục đứa. Chúng khỏe mạnh, ham làm ăn nhưng bởi quá trình trưởng thành trong một môi trường “năm cha ba mẹ” ấy nên đường ăn học xem như hẻo lắm. Đứa cao nhất học xong lớp tám. Đứa danh giá nhất nay đi lái máy ủi đất. Ông không nói ra nhưng ông âm thầm them khát có được một hai đứa con ăn học thành danh, đủ điều kiện để kế thừa gia sản, vị thế của ông mà khó quá. Cho nên, ước mơ của ông xem ra đang cháy bỏng.
Cách nay vài năm, ông lấy được một bà vợ theo đúng nghĩa nhân duyên. Cô Mỹ Trinh, cô trẻ hơn ông chục tuổi, là viên chức một cơ quan ngành nghiên cứu khoa học. Cô thấu hiểu hoàn cảnh, hiều những ẩn ức và trân trọng những tài lẻ của ông như hát hay, chữ đẹp, khéo ăn nói và rất yêu bà. Có điều, hình như cô gái trạc tuổi “băm” này, dù sức xuân mơn mởn nhưng có vẻ hiếm muộn, khó bề sinh nở.
Chả bù cho ba bà vợ trước của ông, ngoài những “ông con” riêng lớn gần bằng ông Vượng nhưng khi chung sống với ông, cứ đụng đâu đẻ đấy. Giờ này, sau những hợp tan, diện “con anh, con tôi, con chúng ta”, rồi lứa cháu lố nhố đầy nhà mỗi khi có giỗ chạp.
Cho nên, điều ước của ông, cũng chính là tâm nguyện cháy bỏng của ông, như là một món quà quý tặng cho người vợ cuối cùng rất xinh đẹp, nết na, có học vấn của mình là một đứa con, mà nghe chừng khó quá.
Đến lượt ông Văn Minh ước, ông ước gì mình rời thành phố này trở về quê xứ ngoài bắc, chăm bẵm đàn gà, vườn rau nho nhỏ và thi thoảng sang hàng xóm đánh cờ, thăm hỏi bầu bạn bà con. Ông muốn xa, thật xa cái thành phố này, nơi ông có một gia đình với đầy đủ con cháu như bao nhiêu trung niên khác.
Khi bạn bè chất vấn ông rằng: Ông sẽ xoay xở ra sao khi ốm đau, khó khăn mà chỉ có một mình.
Ông trầm tĩnh nêu suy ngẫm của mình.
Ngay ở đây, khi ông có ba đứa con hẳn hoi. Con ông đứa nào cũng đỗ đạt, giỏi giang, có chức phận khá danh giá ở đất này nhưng nhiều lúc, từ khi ông ốm bệnh đến khi ông khỏi, có đứa vẫn chưa biết. Có đứa biết cũng chỉ để mà biết vì nó còn hối hả sống với nhịp sống của nó. Thế giới riêng của nó là những thứ thời thượng, là Facebook, là điện thoại cao cấp là xe cộ, cơ quan và những dự án làm ăn, những mối quan hệ nặng về thương mại, lợi lộc.
Vợ ông, cũng có những nhịp sống riêng của các bà. Cái bà quan tâm không đồng điệu với cái ông nghĩ. Khi vài người bạn tri âm tri kỷ của ông đến chơi, ông thì vui vẻ hể hả như bắt được vàng nhưng bà nhà không coi trọng lắm loại quan hệ mà bà coi là “vô thưởng, vô phạt” ấy và lấy làm phiền khi các bạn hữu đến chơi.
Ông sống trong một gia đình lớn mà như một ốc đảo âm thầm. Có niềm vui cũng không biết chia sẻ với ai, có nỗi buồn cũng không biết tâm sự với ai. Trong nhà, ông vốn không phải tay giỏi giang về làm ăn, thu nhập cũng chỉ vừa vặn vài khoản chi thiết yếu nên những thành viên khác, ít để ý đến vị trí của ông trong nhà này. Với họ, ông thuộc diện có thì dư thừa không có thì cũng hơi thiêu thiếu.
Cho nên, ước muốn được trở về sống trong môi trường nhiều người hiểu mình và mình hiểu nhiều người, nơi mọi người có sự hòa đồng, chan hòa niềm vui nỗi buồn ông khoái hơn.Ông Văn Minh coi đàn con ông, thứ mà ông Vượng mỗi lần đến chơi, them khát cháy bỏng kia như không có. Đôi lúc ai đó hỏi thăm, ông cũng khoe con, khen con nhưng cũng chỉ là dối lòng mình, ông buồn lắm.
Đến lượt ông Dương, điều ước của ông làm mọi người giật mình: Ông ước gì mấy thằng con của ông chết hết đi!. Câu chuyện sau đó, cho thấy những hình ảnh ghê người về đàn con của ông này.
Thằng con thứ hai, khi còn bé tí, chừng sáu tuổi, bị lỗi, cha bắt nằm xấp và tuyên bố đánh ba roi để trừng trị nhưng sau ba roi, ông tiện tay vụt thẳng cánh thêm nhưng nó trơ như đá, không khóc than, mắt mở trừng trừng giận dữ chịu đòn. Coi vậy, ông điên tiết lên vụt liên hồi vào mông nó một chập cho hả giận.
Thằng bé ăn đòn xong, đứng vụt lên, mắt long xòng xọc chỉ thẳng vào cha: này, mày coi chừng đấy, nể mày là bố tao cứ chịu cho mày đánh, mày không đánh ba roi như mày tính mà đánh mỏi tay, hãy coi chừng tao!
Ông càng điên tiết hơn, tiến sát thằng bé tính đập tiếp, thằng bé nghênh mặt, giận dữ rướn lưng chờ ông đánh tiêp. Ông buông roi, nhắm mắt lại, lăn ra giường thở hồng hộc.
Con chị của nó, ngày mới lớn, mặc dù nhà đang lúc đói kém, lần từng bữa nhưng nó đòi là mẹ phải bán hai thúng thóc đi may cho nó cái quần “xa tanh” đen nhánh để nó diện.
Thằng cu út, học cao đẳng trên thành phố nhỏ nhất nhưng biết và ham chơi đề đóm. Khi ông phát hiện ra, nó đã nợ cả trăm triệu, con số bằng nửa gia sản của ông hồi ấy. Nó còn có biệt tài là “điểm danh” hết anh em nội ngoại nhà ông ở các tỉnh, thành để vay nợ lấy tiền đánh đề. Thỉnh thoảng, nó lại nêu một số nợ chừng vài chục triệu và “đề nghị” cha mẹ trả nếu không lũ khách nợ sẽ chém chết. Những lúc ấy, ông thì kiên quyết nói không nhưng bà thì từ từ ngấm ngầm lo cho nó trả nợ kẻo sợ nó… chết cho nên chưa đến ba chục tuổi, vài lần vào tù ra khám chơi.
Tức khí với bà, ông bỏ nhà vào nam sinh sống, làm ăn nay nhờ trời cũng khấm khá, có vài căn nhà cho thuê, có tỉ hơn tỉ kém nhưng nhiều khi cầm đồng tiền trên tay ông thấy nó nhạt phèo, chả biết dùng làm gì.
Đem cho các con thì theo ông, là việc làm ngu xuẩn nhất. Để có chừng ấy tiền, ông phải lao tâm khổ tứ, toan tính ra trò, cạnh tranh khốc liệt nay lại đem cho lũ con chỉ biết thân nó, chỉ biết đem tiền nướng vào cờ bạc thì còn gì vô lý hơn.
Nếu đem về xây dựng nhà cửa ngoài quê thì lập tức sẽ gây nhiều phiền phức. Nếu “ngửi” thấy ông có tiền, chúng sẽ kềm tỏa, moi móc bằng đủ kiểu ngay. Hai là làm xong, ông còn phải đi làm ăn xa xứ, coi chừng bọn chúng bán nhà như chơi, như vậy, khác gì “nối dáo cho giặc”.
Mới tháng trước, ông đã phải rằn lòng gửi về hơn trăm triệu bồi thường cho một ca tai nạn do thằng con ông phóng xe bạt mạng gây nên. Đứa trẻ bị nạn là cháu nội Thầy giáo cũ của ông, người mà ông kính trọng như cha như mẹ nên ông không thể vô tư được.
Bởi vậy, ông ước muốn đàn con ông chết hết đi là một tình cảm thật!.
Can dự vào vụ này, Nhà tư vấn vừa thấy cảm thông, vừa thích thú với đề tài này nên xán lại làm quen và lần lượt tiếp cận được vấn đề. Bức tranh nặng nề trên đây không xa lạ với cuộc sống hiện nay. Hầu như ở đâu cũng thấp thoáng có hình bóng bi kịch của các ông Vượng, ông Dương, ông Văn Minh.
Về sau Nhà tư vấn có bài bản cho từng vị giải tỏa những ức ách nặng nề như kể trên, thiết lập một môi trường tình cảm ở mỗi nhà khá xuôn xẻ, ấm cúng nhưng buổi “nói chuyện góp” hôm đó , được chép lại tại đây như một món quà nhỏ cho những ai cùng cảnh ngộ.
Khi tôi hỏi kỹ hơn ông Vượng, ông cho biết, 13 đứa con của ông với những bà vợ trước tuy phần lớn thất học, có vài điểm yếu như… ham gái (giống cha nó) còn lại là những tính cách không mấy khó chịu. Đứa nào cũng chịu làm chịu ăn, công việc vất vả mấy nhưng nếu có tiền là chúng “cày như điên”. Phiền nỗi, do môi trường gia đình, nên tầm nhìn, khát vọng của chúng hạn chế, chúng tìm điểm dừng ở mức bình bình, chiếu dưới. Chính điều này đã làm nên nỗi hẫng hụt đau đáu của ông Vượng khi lúc này, ông đã ngấp nghé thành đại gia, đã có xe hơi, vài cái nhà lầu và một bà vợ lịch lãm (vợ ông cũng giàu sẵn, có lưng vốn mươi tỉ rắt lưng). Mỗi khi đi ăn tiệc tùng, cưới hỏi, người ta hỏi thăm về con cái ông thường ậm ừ, khó nói là vì vậy.
Cho nên, trong thâm tâm, ông mong bà Trinh có một đứa con. Ông tưởng tượng ra việc sẽ sinh ra một đứa con bụ bẫm, xinh đẹp, sẽ chăm sóc đứa con cuối cùng đặc biệt chu đáo để nó phương trưởng, thậm chí nổi bật trong xã hội, để bù lại những gì ông thiếu.
Nhà Tư vấn quay sang hỏi ông Dương, nếu bây giờ đàn con ông không khá như con ông Văn Minh, không có bằng cấp xanh đỏ, lương bổng cao vời mà con ông chỉ bình bình như con ông Vượng thôi thì ông nghĩ sao!?
Ông Dương sáng mắt lên, ông nói như cướp lời: Tôi chẳng mong gì hơn. Thậm chí, nếu chúng hèn hơn con ông Vượng một chút cũng được, miễn sao chúng đừng phá, đừng vị kỷ, đừng ngu xuẩn, liều lĩnh như con tôi, chúng muốn gì tôi cũng chiều được.
Nửa tuần sau tôi đến nhà ông Vượng theo lời mời của ông. Rất may mắn, tôi gặp và có buổi trò chuyện với người thứ tư liên quan đến câu chuyện nói trên là cô Mỹ Trinh, một Thạc sỹ của ngành khoa học Xã hội-Nhân văn.
Khi ông Vượng đi pha trà, tôi gợi chuyện và nói lên điều ước của ông Vượng khi muốn cô có một đứa con ruột thì cô Mỹ trinh cười cười, cái cười không buồn, không vui.
Để tiến sâu hơn, tôi gợi ý: Nếu bây giờ, anh chị có con, thậm chí có hai đứa con nhưng khi trưởng thành, chúng sẽ theo “mô tip” những đứa con ông Văn Minh, như ông Minh mô tả là giỏi giang nhưng “lạnh như băng” thì cô nghĩ sao?
Cô Thạc sỹ cười, cởi mở hơn: Anh thử hỏi lại anh Dương xem, nếu anh Dương có đàn con như con chúng tôi đây, anh Dương nghĩ thế nào? Tôi chủ quan rằng, anh Dương sẽ sướng vô cùng cho dù, nếu quan sát từ thực tế gia đình, các cháu nhà tôi có vài khuyết thiếu trong việc ăn học, phấn đấu...
Cuối cùng, khi tôi “bám” bằng được vấn đề, hỏi “cho ra lẽ” vụ ước mơ của ông Vượng, có đồng điệu với cô Mỹ Trinh không?
Nhà khoa học trẻ thật thà tâm tâm sự:
Tất nhiên, tôi cũng mong có một đứa con của riêng mình. Mong mỏi của tôi, không phải để “nhờ con” sau này như nhiều người nghĩ. Tôi có dư sức để tự lo cho mình khi không còn sức lao động nhưng tôi muốn bà con nội ngoại ít phải băn khoăn “dùm” mình khi mình không có con.
Nhưng, nếu có con, tôi e rằng tình hình gia đình không khá lên mà có thể sẽ phức tạp.
Tôi hiểu chồng tôi, anh ấy có điểm yếu là sống thiên về cảm tính. Ngay bây giờ, với đàn con hiện nay, cái yêu, cái ghét của anh ấy cũng đầy thiên kiến, đầy mâu thuẫn.
Đứa đang giầu có muốn cha hỗ trợ, cho vay mượn rất dễ. Đứa đang khó khăn, nhất là còn vướng mắc nợ nần thì rất khó cầu cạnh bố. Đứa làm ăn tập tễnh, thất bại thì không thể nhờ vả được bố.
Anh còn phân biệt con theo “dòng” mẹ, anh ưa bà nào hơn thì con cái bà đó dễ thở hơn. Anh ghét bà nào là “cấm vận” luôn cả con cái.
Trong trường hợp đó, nếu chúng tôi có thêm một đứa con chung thì anh ấy có thể cưng như vàng, quý như kim cương và lũ kia “ra tóp” ngay, chẳng còn giá trị gì.
Như vậy, môi trường tình cảm trong nhà này có thể sẽ nhuốm màu đố kỵ, ganh ghét và có lúc, sẽ sinh ra bấn loạn kình chống nhau.
Cho nên, với tôi việc có thêm một đứa con hay không cũng không phải điều gì nặng đầu lắm.
Cần nói thêm là trong đàn con vĩ đại của anh Vượng, có vài trường hợp các con anh không đủ điều kiện nuôi con chúng (là cháu nội chúng tôi). Từ quỹ thời gian, vốn học vấn, kinh nghiệm nuôi trẻ đều khó bảo đảm cho các cháu trưởng thành tốt nên hiện tôi phải “bao gói” ngấm ngầm một vài đứa cháu mà ông Vượng không biết.
Tôi rất vui vì các cháu tôi nuôi đều có dấu hiệu trưởng thành tốt và ngay từ bây giờ chúng coi tôi là “mẹ” rất ngon lành. Do dó, tôi không phải lo nhiều cho tương lai của mình, tôi sẽ có những đứa con với nhiều ý nghĩa tốt đẹp nhất.
Các bạn thân mến.
Câu chuyện về những điều ước của ba quý ông tạm dừng ở đây. Nội dung của nó sẽ thể hiện đầy đủ hơn trong những phần khác của cuốn sách. Chỉ biết rằng, nếu lùi lại thời điểm câu chuyện phiếm dưới cơn mưa Nam bộ nêu ở đầu bài này, thì những điều ước đó có vẻ như bất khả thi, viển vông, hầu như không thể thực hiện được.
Nhưng, đến đây, không khó để chúng ta nhận ra rằng: Có cái ở rất gần tầm tay thì ta không chịu với tới, có cái nằm ngay trong khả năng điều chỉnh của mình thì ta không làm. Khi bi kịch ào đến, ta chỉ biết than thở và “ước gì” nó thay đổi, thật là phi lí.
Nguyễn Huy Cường.