Hotline: 0968133153
Tin tức hoạt động được Trung tâm cập nhật liên tục
Mưa đòn roi. Một buổi chiều cuối năm 2007 tôi đến nhà một người bạn ăn một bữa tiệc vui, vợ con anh vừa đi du lịch châu Âu về.
Nhưng bữa tiệc không thể vui được vì bên hàng xóm có chuyện không vui. Một bà mẹ trẻ đánh một cậu con lối 13 tuổi một trận đòn khó tả. Chị đánh con như đánh… giặc, thằng bé trân mình chịu đòn nhưng không khóc lớn. Chính vì cháu không khóc nên những tiếng vun vút xé gió của roi vọt, tiếng đập chan chát vào xương thịt thằng bé nghe cứ rõ mồn một, tác động nặng nề đến không gian bữa tiệc bên này.
Trận đòn chỉ dừng lại khi bà mẹ trẻ… thấm mệt, chị buông roi, thở hồng hộc vào buồng nằm vật ra. Ngoài sân, thằng bé oằn mình trong nỗi đau đớn kinh hoàng, thút thít khóc.
Ấn tượng đó khiến tôi không thể an tâm, không thể quên được và mở cuộc tìm hiểu căn nguyên.
Cô bạn tôi là chủ bữa tiệc kể rằng: thói quen đánh con này chỉ mới có một năm nay, trước đây chưa có kiểu đó.
Tôi tìm cách tiếp cận chị kia thì được biết, cách “giáo dục” con này có bởi thằng bé càng ngày càng hư, thường mất tập chung khi cha mẹ phân công công việc hay dặn dò gì đó nên sau đó thường hỏng việc.
Thằng bé cũng bắt đầu tò mò chuyện giới tính, biết khen chê cô bạn học nào đó những hình ảnh về cơ thể của cô ta.
Một đôi lần nhà mất tiền, khi tra hỏi, thằng bé im lặng, không nói.
Gần đây, khi cha mẹ hỏi nó hay trả lời chỏng lỏn, không lễ phép.
Việc học tập cũng sa sút ít nhiều.
Khi tôi tiếp cận được với mẹ thằng bé thì chị dễ dàng chứng minh được cách chị cho là “giáo dục” thằng bé của chị có hiệu quả. Bằng chứng là việc học hành của nó khá hơn hẳn vài tháng trước và đi về đúng giờ hơn.
Khi tôi để tâm sâu hơn thì thấy không khí trong nhà này khá nặng nề, ngay tình cảm vợ chồng, cha con cũng có vẻ không xuôn xẻ. Anh chồng ít nói, ít biểu cảm, đi làm về, ăn uống xong lên gác coi TV rồi đi ngủ, ít chuyện trò với vợ.
Đặc biệt, nhà này có một ông bố chồng, ông già chừng 75 tuổi, ít nói và có nhiều biểu hiện không bình thường.
Ông được con đón từ miền trung vào chơi nhưng rồi ở lì luôn đó, để chữa căn bệnh viêm tiền liệt tuyến nặng, chưa biết bao giờ mới về.
Cuối cùng, bí mật về tính vũ phu, ưa dùng bạo lực của bà mẹ trẻ kia được hé mở.
Sau khi vào nam ở với con, ông thấy cung cách sống của người nam khác hẳn ngoài bắc. Con dâu ông (là mẹ thằng bé) làm việc trong ngành bảo hiểm, lương khá cao nhưng nhàn tản, ăn sang mặc diện và luôn chăm sóc bản thân thật chu đáo trước khi ra đường.
Con trai ông thì khác, anh làm quản đốc một xưởng cơ khí đóng tàu lớn. Anh luôn phải đi sớm, về muộn và quần áo thường lem luốc dầu mỡ, vì phải quán xuyến công việc ở xưởng nên thời gian về đến nhà của anh hơi muộn, đôi khi anh đem theo cả áp lực công việc về nhà, gọi đi nói lại trong điện thoại những nội dung khó chịu.
Từ đó, Ông già luôn mặc cảm con ông khổ hơn con dâu, con dâu bóc lột con trai ông, dựa dẫm vào con trai ông. Hàng ngày, ông lại thấy bố mẹ, anh em bên vợ hay sang ăn uống tiệc tùng bên nhà con trai ông, ông cho rằng gia đình nhà thông gia kia cũng “lợi dụng” con ông. Ông thương con trai, ông bày tỏ bằng cách chỉ trích con dâu, ông xét nét từng ly từng tí lỗi lầm của con dâu, ông xem như nó ăn bám con trai mặc dù thu nhập của vợ chồng con ông chỉ xem xem bằng nhau.
Từ đó, ông luôn nghĩ ra cách để bắt bẻ, hành hạ con dâu. Có lần, quần áo ông thay ra, ông dấu vào chỗ kín, đợi cho phát mùi khai khú rồi mới đưa con dâu giặt.
Có những khi ông không kềm chế, mất tự chủ trong khi đi vệ sinh ông ị luôn ra quần áo cho con dâu giặt, nhưng có lúc, không phải vì mất tự chủ, ông cũng “cố gắng” ị luôn ra quần, mục đích là để con dâu phải chịu nhục, phải phục dịch ông cho thỏa chí.
Ai đến nhà chơi, nhằm khi con dâu vắng nhà là ông tìm cách nói xấu, lên án con dâu.
Những điều này gây nên những bức xúc rất lớn trong lòng con dâu. Có lần, cô đã đề nghị thẳng thừng với chồng đưa ông về lại quê, hàng tháng gửi tiền phụ cấp cho ông.
Anh chồng lại không đồng ý, anh thuộc diện có hiếu hạnh với cha mẹ nên kiên quyết giữ ông lại.
Từ đó không khí sống trong nhà càng ngày càng tệ. Một sự đối lập được hình thành trong quan điểm sống giữa hai người.
Chị đã trút hết bức xúc lên đầu con.
Chị đánh con hầu như để trả thù ông nội nó, đánh con để thể hiện phản kháng với chồng.
Với quan sát của chị, thấy một số biến chuyển tốt của con nữa thì chị cho là phương pháp của chị thành công!.
Thế là thằng bé vô tình thành cái hộc đựng mọi mâu thuẫn trong nhà này.
Sau khi nắm bắt cơ bản, Nhà tư vấn phải mất khá nhiều công để tìm về cốt lõi cùa vấn đề.
Cuộc thẩm tra lại lai lịch từng người trong gia đình này bắt đầu.
Ông bố chồng là đối tượng đầu tiên được khám phá.
Ông sinh năm 1934, đến năm 1945 ông bị mẹ bỏ rơi giữa một buổi chợ ở Hội An, hình như bà mẹ đã chết đói quanh đó mà ông không biết.
Ông tha thẩn kiếm cơm thừa của thiên hạ để sống cho đến lúc 16 tuổi, ra nhập Thiếu sinh quân rồi vào bộ đội.
Thắng trận Điện Bàn ông trở về từ vị trí một người hùng. Vào công tác trong một cơ quan dân chính, ông có địa vị phụ trách nho nhỏ ngay và suốt chiều dài sau đó, ông đứng ở vị trí được sai khiến, chỉ đạo vài người khác mặc dù trình độ rất có hạn cho đến ngày về hưu.
Khi ông lấy vợ, vợ ông là một người hiền lương, lam lũ và rất vất vả bởi phải “vận công” tối đa để nuôi bốn đứa con và… nửa ông chồng (lương của ông chỉ đủ tiêu vặt, hút thuốc và uống rượu). Vì lẽ này, ông thấy con dâu ông sướng hơn vợ ông xưa cả trăm lần.
Nhà có ba đứa con trai, chúng lấy vợ ở miền quê Kỳ Anh-Hà Tĩnh và lập nghiệp tại đó. Thời của chúng trưởng thành, vào những năm chín mươi, còn khốn khó hơn ông bà ngày xưa. Bởi vậy, các cô con dâu trước của ông cũng khổ không kém gì bà vợ ông.
Từ góc nhìn này, ông thấy cô dâu hiện nay (nhân vật chính trong chuyện này) sướng quá, lười quá, dựa vào chồng nhiều quá.
Nhìn lại quá trình lần từng bữa với đồng lương hưu còm của anh cán bộ ít học hồi ngoài Trung, ông so với việc thỉnh thoảng bố mẹ, anh em cô dâu ghé nhà ăn uống sướng quá, con ông chịu tốn kém quá.
Nói chung, những thành kiến sai trái trong ông cứ dày lên.
Nhà Tư vấn vào cuộc bắt đầu từ đây.
Bằng vài buổi chiều đến đánh cờ tướng với ông già, Nhà Tư vấn đã từ từ điều chỉnh những thành kiến của ông và đến lúc đủ chín mùi, nhà tư vấn cho ông biết: Chính ông là thủ phạm khiến thằng cháu đích tôn quý như vàng của ông bị đòn roi dữ dội như nói trên.
Ông già đầu tiên còn nghi ngại, sau từ từ hiểu ra và khi thấu hiểu, ông đau sót vô cùng. Nỗi đau sót lớn nhất, không phải vì sự thương cảm con trai, con dâu mà là thương thằng cháu nội.
Theo hướng dẫn của Nhà Tư vấn, ông từ từ điều chỉnh lại nhận thức và điều chỉnh lại thái độ với con dâu.
Như một điều kỳ diệu, ông thấy không khí gia đình thay đổi từng ngày.
Cô dâu từ lúc coi ông như cái gai nay mỗi khi đi đâu về, đã biết mua quà cho bố chồng. Tới bữa cô thường nấu những món ông thích. Cô còn mua biếu ông một cái máy nghe nhạc, thứ ông quý như một bảo vật để giải khuây những khi hụt hẫng.
Nhưng, đặc biệt, là những trận đòn đánh con của chị kia thưa dần và chấm dứt, mẹ con chị lại quý mến, cuốn quýt nhau như xưa.
Thưa Quý bạn đọc.
Câu chuyện này, để làm vui bè bạn có cảnh ngộ tương tự nhưng thực ra, “thiên chức” của Nhà Tư vấn thì nặng nề vô cùng.
Vụ việc trên đây thực chất đã được “Tổng công kích” trên diện rộng vào nhiều người trong nhà kia.
Chị con dâu, vốn là người có học, người tân tiến nên cũng đã được Nhà Tư vấn “áp” cho một buổi chiều.
Trong buổi chiều ấy, chị ta biết được việc đánh con của chị ta, cho dù thể hiện thành công tư tưởng “thua-thắng” ông già nhưng cùng lúc, nó gây nên 05 hậu quả xấu ghê gớm như sau:
Thứ nhất, nó làm mất đi hay thương tổn nặng nề tình cảm của con chị đối với chị. Nó đến nhà bạn bè, nó thấy bạn bè nó khi phạm lỗi tương tự cũng vẫn được hưởng tình cảm bao dung, cách hành xử mềm mỏng của cha mẹ, còn ở nhà, nó chỉ thấy những trận đòn rách da rách thịt thì khó có thể nói, tình cảm mẹ con còn nguyên vẹn được. Những điều chị thấy, chị cho là nó “ngoan” hơn, có thể chỉ là tạm thời.
Thứ hai: Thằng bé sẽ trở thành đối tượng dễ sợ roi vọt, vũ lực. Khi vào đời, ai cũng có thể thắng cậu này, ai cũng có thể tước đoạt những giá trị của cậu con nếu cho cậu một trận hoặc chỉ cần đe dọa dùng vũ lực.
Thứ ba: Thằng bé sẽ “sao y bản chính” cung cách của chị, quen dần cách hành xử bằng bạo lực với các quan hệ khác và với con nó sau này.
Thứ tư: Thằng bé sẽ trở thành dối trá. Vì sợ đòn nên nó phải che giấu rất nhiều điều với chị. Dần dà, nó trở thành kẻ trí trá, lừa gạt người khác chuyên nghiệp lúc nào không hay.
Cuối cùng là phạm pháp. Nếu việc đánh con như đánh giặc của chị bị lộ ra, có người phát giác báo nhà chức trách, chị có thể bị xử tù và như vậy, mọi thứ sẽ dễ dàng sụp đổ.
Ngoài năm nét trên, Nhà tư vấn còn “khuyến mãi” cho chị một cam kết rằng: Cách làm như của chị không để lại bất cứ điều gì tốt đẹp cả, nó tự hạ thấp chị ngay trong ánh mắt chồng chị và thế là, một hệ quả đặc biệt nghiêm trọng sẽ xuất hiện: Tình cảm vợ chồng bị thương tổn, nhẹ là mặt nóng mặt lạnh, gằm ghè đối phó nhau. Nặng là nhằm thẳng hướng Tòa án huyện, kéo nhau đến đó ca bài ca li biệt cho thêm phần… li dị.
Chấm hết.
Nhưng, kể cả khi trang bị cho vị khách hàng đặc biệt này 05 điều trên, cho dù chị có nghe ra, có thay đổi chút ít nhưng trong lòng, không phải dễ tẩy rửa hết những hiềm khích, những ẩn ức khó chịu với ông bố chồng tai quái.
Đích tìm đến, thiên chức, thiên bẩm và bản lãnh nghề nghiệp của Nhà tư vấn phải là một giải pháp lâu bền, toàn diện. Giải pháp đó phải tạo nên những biến chuyển toàn diện, bền vũng mới coi là “hết việc”.
Chính vì vậy, Tác giả câu chuyện vui này, Nhà tư vấn Huy Cường đã phải thực hiện “công đoạn 1” với ông bố chồng như nói ở phần trên.
Hiện nay, gia đình này vẫn sống an hòa, hạnh phúc ở đường Vành đai 2, phường Bình Trị Đông quận Bình Tân TP Hồ Chí Minh. Cậu cháu đã học sắp hết Trung học phổ thông và mọi việc xem như xuôn xẻ.
Tuy nhiên, với ngành thương mại, công nghiệp, thì bốn năm qua, thời gian “bảo hành” cho vụ này xem như đã hết. Nhưng với nghề Tư vấn trưởng thành, vẫn còn nhiều điều cần rút đúc để hoàn thiện bản lĩnh nghề nghiệp cho mình và để giúp cho cuộc đời điều gì đó nên tôi vẫn qua lại nhà này và có những dòng này gửi cho quý bạn.
Hy vọng sẽ nhận được nhiều chia sẻ.
Nguyễn Huy Cường