Hotline: 0968133153
Tin tức hoạt động được Trung tâm cập nhật liên tục
Ông, là cách gọi của lớp trẻ của cái làng nghèo vùng bán sơn địa Bắc Giang với ông Đại Dương chứ thực ra ông mới bén bốn chục tuổi, ấy là vào năm 2005.
Ông sinh ra trong một gia đình nghèo, nghèo lắm. Việc học hành dừng lại ở gần cuối bậc phổ thông, chưa từng đặt chân đến cổng một trường đại học. Toàn bộ ý thức sống của ông trong thời trung niên là tìm mọi cách làm ra tiền. Ông làm đù nghề, từ buôn bán vật liệu xây dựng, phụ lái máy ủi, ô ô tải, tập tành vừa học vừa làm làm nghề bốc thuốc đông y v.v... và ông đã thành công ít nhiều. Nơi đây, tồn tại trong nhân gian một số bài thuốc nam khá hay, chữa được dăm ba căn bệnh hàn nhiệt, thận, xương khớp và ông Dương là người nắm bắt, kế thừa khá tốt và như người ta nói:Phúc chủ lộc thầy, Ông Đại Dương cũng trở thành ân nhân của đôi người khi người ta gặp thầy, gặp thuốc và con bệnh thuyên giảm.
Ở môi trường nghề nghiệp nào ông cũng tinh nhanh, nắm bắt tốt bởi tư chất khá, sức khỏe tốt và đặc biệt, ông có quan hệ xã hội khá rộng.
Từ đó, ở cái làng Nhoi bé nhỏ của ông, người ta cũng xem ông như một “đại gia” mà không biết là “đại gia” kiểu gì?
Có lẽ cách gọi này để phân biệt ông với lớp bạn học, lớp đồng niên đã lấy vợ, úi xùi ở quê với dăm bụi vải, vài sào ruộng và đàn gà con, quanh năm không ra khỏi huyện, thiên đường cùa họ là quán thịt chó, bia hơi rẻ tiền đầu làng mà có lúc con phải “chịu” tiền chưa trả hết một lần. Những lúc ấy, ông Đại Dương ghé qua, ực với lũ đàn em một tợp rồi sau đó, rút một “tờ xanh xám” trả dùm thì những thần dân xóm lẻ kia kiệu ông lên tận mây xanh.
Trong khi đó, ông Đại Dương còn được ông trời bù lại cho cái tinh tướng. Ông không giống cha anh ông, với thành quả của ông, mức sống kha khá đã có ông cái bệ vệ (hơi sớm) của người dư thừa dinh dưỡng, ông còn đẹp trai, ăn nói giảo hoạt và đầy… khí thế. Nhìn ông cao tới gần mét tám, tráng kiện, râu hùm, hàm én nên quả nhiên, ông cũng xứng với sự trọng vọng mơ hồ của dư luận, coi ông như một một vỹ nhân… cuối làng.
Đó là những khắc họa sơ bộ về vị phụ huynh mà tôi muốn đặc tả trong câu chuyện này nhưng đặc biệt, tôi muốn “soi” thật kỹ vào cách dạy con của ông.
Nếu đến thời điểm này, có thể nói là nhà này đã thành công về “nghề” dạy con. Ba đứa con ông, đứa nào cũng học hành khá vững vàng và những nết sống khá thăng bằng, có cháu trưởng thành rất chững chạc, đã trở thành một thầy giáo trẻ giỏi giang và đầy triển vọng.
Khi ông tìm đến tôi, khác hẳn những gia đình khác, chỉ tìm đến nhà tư vấn khi con cái hư hỏng nhưng ông Đại Dương thì lại chia sẻ một điều khác.
Ông thắc mắc, ông buồn vì con ông không được… như ông. Chúng thiếu đi cái hào sảng, cái sự các cụ gọi là “rộng miệng cả tiếng”, cái oai phong lẫm liệt mặc dù ông đã “đầu tư” khá mạnh vào mảng này.
Các con ông “tệ lắm”, ấy là theo cách gọi của ông. Chúng sống bình dị, khiêm nhường, không biết “khuyếch trương thanh thế” con của một “đại gia” cho ông mát mặt.
Hồi chúng mới lớn, đến đám xá tiệc tùng, là con của một nông dân có nghề phụ là bốc thuốc nam nhưng con ông đứng vào bệ chơi đàn Ooc gan cũng là những nét nổi bật làm ông hài lòng và tự hào. Mỗi đứa mang trên tay một cái đồng hồ trị giá bằng một… con trâu nhà hàng xóm cũng là điều ông bà nở mày, mớ mặt sau vài thế hệ nghèo lay nghèo lắt, lần từng bữa như mọi gia đình ở đây cùng thế hệ với ông.
Nhưng từ khi con ông thoát ly khỏi địa phương, đi vào các trường cao đẳng, đại học học hành thì càng ngày càng thoát li khỏi tinh thần của ông, đó là tinh thần tôn trọng hình thức, “giải quyết khâu oai” bằng vật chất, tiện nghi của ông. Thậm chí, có đứa con còn không muốn nhận tiền phụ cấp của ông, các con ông sống rất giản dị.
Khi tiếp cận với các cháu, vấn đề này đã bộc lộ với một góc cạnh rất lớn.
Không phải bây giờ mới phát sinh ra cái điều mà ông Đại Dương băn khoăn mà từ mươi năm trước đã manh nha ra nhiều vấn đề mà ông không hay biết.
Hồi hai đứa con lớn của ông học lớp bốn, ông đã mua cho các cháu mỗi đứa một cái áo da “xịn” dày bì bì, đen nhánh của Ý. Mỗi đứa một cái điện thoại di động “oai” hơn loại máy của tay kỹ sư nông nghiệp trưởng trạm nghiên cứu dâu tắm tơ ở bên cạnh.
Đứa con gái mới chớm tuổi “ô mai” được ông “trang bị” cho một cái đồng hồ trị giá 10 triệu đồng (bằng gần 2 cây vàng lúc đó).
Chính điều này đã gây hại cho con ông. Đã có lần đi học về, con ông bị mấy thanh niên bất trị làng bên nhằm chặn đường, đánh cho một vài cái bợp tai, chặn cướp điện thoại cầm tay, lột chiếc áo trị giá hơn chục triệu bạc.
Rất may khi ấy, có một tốp bộ đội đi tập, xuất hiện bất ngờ và bảo vệ được cháu.
Con gái ông, cũng là “mục tiêu” nhắm tới của bọn nghiện hút ngoài thị trấn, nơi cháu phải đạp xe đi học qua mỗi ngày.
Về nhà, các cháu nói lại với mẹ. Mẹ cháu quá hiểu chồng, nếu bây giờ không cho các cháu dùng để “giải quyết khâu oai” cho… bố thì gay. Ông sẽ làm ầm lên ngay.
Thế là bà vợ ông, vốn là người thuần hậu, khôn ngoan đã tìm một cách giải quyết êm thấm là mua cho các cháu mấy cái áo da, điện thoại…rởm để các cháu dùng khi ra khỏi nhà, những thứ “xịn” kia bà lặng lẽ cất đi chờ khi các cháu lớn, thì dùng.
Với bọn cướp trộm, chúng rất dễ nhận ra đồ thật, đồ giả.
Nhờ đó, các cháu được… an toàn suốt những năm học ở làng bên.
Đến khi vào trung học, cao đẳng, các cháu đã biết yêu. Các cháu hội nhập vào một thế giới văn minh hơn ở cái làng Nhoi bé nhỏ kia.
Ở lớp, có sự phân chia khá rõ hai loại người: Một nhóm là những cô chiêu cậu ấm sống “trên tiền”, vàng bạc, tiện nghi, xe cộ hào nhoáng nhưng lực học thường rất… khiêm tốn và vấn đề trưởng thành có nhiều điều chướng tai gai mắt.
Còn nhóm thứ hai là những thanh niên có chí hướng, học hành căn bản, cách sống lành mạnh.
Con ông Đại Dương, vốn là những thanh niên có trí tuệ, được rèn luyện tốt bởi ảnh hưởng từ bà mẹ nên đã có sự lựa chọn tốt để có mặt trong “tốp 2” kia.
Các cháu có thể tự hào vì chuyện này nhưng rất phiền mỗi lần về thăm nhà hay khi ông bố ghé thăm trường.
Tại đó, ông thường tuyên truyền một loại triết lý sống kiểu hiện sinh, nặng về hình thức chủ nghĩa. Sau những lúc đó, con ông rất ngượng với… cả hai phía trong lớp học.
Với “phe” tiến bộ thì chúng rất dễ nhận dạng ra cái cốt cách phàm phu tục tử của ông bố, nghe những triết lý sống sượng, sùng thượng vật chất của ông rất chối tai, khó vào, khó đồng cảm. Do đó, rất khó để tốp này xuất hiện tình cảm nể phục “Ba của Toàn” như ông tưởng.
Còn với phe các cô chiêu cậu ấm thì có lúc chúng bụm miệng cười vì cái kiều “giầu sang” của ông. Cái xe Lacetti 1.6 của ông sản xuất tại Việt Nam thực chất chỉ bằng cái… bánh xe của chúng. Tại lớp này, có những đứa thuộc loại con cái đại gia… thứ thiệt, đã xài cái Luxus 350 đời 2009 trị giá bằng ba bốn cái Lasetti gốc Hàn Quốc cũ của ông. Cái đồng hồ tay của ông, giá gần bằng một ngôi nhà tình nghĩa ở quê ông nhưng chỉ tròm trèm giá trị một bữa sinh nhật một “cậu ấm” lớp này hồi tuần trước.
Những khi ấy, ông về khỏi, cậu con ông rất vất vả để giải thích hoặc bao biện cho ông bố mình trước những cái nhìn thị thường, thậm chí khinh miệt của bạn bè.
Các nhà y, với vài ngàn năm nghiên cứu khoa học, hình như chưa chỉ ra loại “Bệnh” này nên hầu như cũng chưa có thuốc đặc trị.
Cái bệnh sùng thượng vật chất, cái bệnh thích thể hiện sự “hơn người” bằng vật chất, cái bệnh muốn mọi người phải thấy mình “oai”, mình là “đại gia” khi mình giàu sang thiết nghĩ không phải bệnh riêng của ông Đại Dương mà nó vảng vất đâu đó trong mỗi người.
Có những cậu ấm, làm ăn thì luôn thua lỗ nhưng gắn luôn tên mình vào một loại tiền mạnh để tạo “thương hiệu”, bộc lộ nét “trội” nhất của mình là yêu vài cô chân dài và chơi vài cái xe khủng, trị giá vài triệu USD cũng là một dạng “quái nhân” tương tự hình tượng ông Đại Dương nói trên.
Điều tai hại nhất là nó hạn chế sự trưởng thành của chính họ. Quan điểm sống, những tiêu chí, những hạn mức đều được “trương” lên bằng những chỉ số cụ thể và khi họ muốn “áp” cho cả nhà thì bi kịch xảy ra, như câu chuyện trên đây.
Những người có nhận thức thăng bằng, có quan điểm sống tiên tiến, có nhãn quan xã hội tinh tường dễ dàng đóng dấu chất lượng với hạn mức không cao cho các “đại gia” trên đây. Đó là một điều thiệt thòi cho họ.
Câu chuyện trên đây của ông Đại Dương lắng lại hai điều, như một thông điệp lớn gửi tới bạn đọc.
Thứ nhất, nếu đàn con ông Đại Dương, cũng… giống ông, chấp nhận sự cung phụng của bố, tự hào hoặc phô phang với đời những giá trị đó thì nhà này thật là là vô phúc. Những bi kịch kiểu này vốn đầy dẫy trên cõi đời này và thường biến thái thành nhiều hệ quả khác tệ hại hơn nhiều. Có thể, ngay thời tiểu học, nó đã trở thành mồi ngon cho lũ trộm cướp.
Thứ hai là bà vợ ông Đại Dương.
Bà đã thấu hiểu chồng, tránh làm sai ý ông nhưng bằng nhiều cách bà điều chỉnh đàn con, tập cho chúng sống hướng thượng, tiến bộ và biết trân trọng những giá trị khác cao quý hơn ở đời. Nếu bà cũng vào hùa với ông, thấy chồng giàu xổi lên là sướng, là vỗ ngực xưng tên hoặc hưởng thụ thả giàn thì đó là “điểm tiêu vong” gia hệ nhà này. Mừng cho ông đại Dương. Mừng cho bà khi đàn con đã “hơn cha, nhà có phúc”.
Nguyễn Huy Cường.