Hotline: 0968133153
Tin tức hoạt động được Trung tâm cập nhật liên tục
Chị Thụy rời khỏi phòng hành chính nhà trường với một niềm vui lớn. Ở đó, một đồng nghiệp cho chị biết Quốc Bảo, con trai chị vừa nhận phần thưởng xuất sắc nhất trong tháng với hiện kim là ba chục ngàn đồng.
Buổi chiều về qua trung tâm ngoại ngữ đón con với một tâm trạng vui mừng khôn tả. Tháng trước, Quốc Bảo còn học đuối môn toán và điểm trung bình của nó chỉ xem xém tốp 10, nay cháu nhảy lên hàng đầu, bỏ xa cậu kế tiếp rất nhiều.
Chị có sáng kiến là gợi ý cho con trích từ phần thưởng này ra một nửa, mua một món quà về cho chị gái nó, cô bé hơn anh ba tuổi nhưng sức học hơi đuối , vấn đề là để “khích tướng”, để động viên cô chị gái mình. Sau đó, chị có dự cảm sẽ thưởng cho con một kỳ nghỉ cuối tuần thật lý thú cùng cả nhà.
Chiều chở con về đến nhà, chị hỏi đến khoản tiền thưởng, thằng bé giật mình, gương mặt tái đi, nó lắp bắp nói rằng nó đã đánh mất số tiền kia rồi!
Chiều đó, nỗi giận con tràn lên tận cổ. Là nhà giáo, chị không khó để biết thằng con trai yêu quý của chị nói dối vì xưa nay, nó chưa nói dối bao giờ. Những biểu cảm trên gương mặt của nó, những hành vi tiếp theo minh chứng rằng thằng bé đã “phạm tội” nói dối mẹ trăm phần trăm.
Buổi tối, chị buộc con cởi quần dài, nằm sấp trên giường và vụt cho nó mấy roi để trừng trị thói tật xấu này. Chị hi vọng sau trận này thằng bé sẽ tởn đến già, không bao giờ dám dối trá nữa. Đánh đến roi thứ ba thì chị quăng roi, trợn mắt lên và ngả người ra ghế dài. Chị khóc.
Trái với dự đoán của chị, thằng bé không hề run sợ, cũng không trả lời những câu hỏi của chị. Mỗi roi quất xuống nó chỉ nảy mông lên chịu đựng, đến roi thứ ba, nó đau đớn quằn quại nhưng cũng chỉ xúyt xoa trong họng chứ không khóc.
Chỉ quẳng roi, đi vào phòng riêng ngồi thở.
Tâm trí chị bây giờ thực sự khủng hoảng. Trong mười lăm giờ đồng hồ, chị phải trải qua quá nhiều cảm xúc căng thẳng. Từ chỗ vui mừng, hãnh diện đến việc chứng kiến đứa con ngoan hiền biết nói dối, đến chỗ chứng kiến tiếp sự gan lì, trơ như đá của nó. Chị ngầm hiểu rằng, thằng con của mình, trái với kỳ vọng của cả họ, nay cứ đà này sẽ trở thành một thằng bất trị.
Một giờ sau chị trở ra phòng ngoài, một hình ảnh thương tâm xảy ra ngoài dự kiến của chị: Thằng con chị, không được lệnh của mẹ vẫn nằm xấp đó, quần áo chưa dám mặc, nó đã thiu thiu ngủ và trên làn da thịt trắng hồng của nó, mấy chục con muỗi đang thi nhau hút máu.
Không khí tình cảm mẹ con của nhà chị vẫn khá nặng nề. Thằng con hầu như ăn ít đi, nói ít đi, đi học về là chui thụt vào phòng học. Có khi chị bất ngờ đẩy cửa vào thấy nó ngồi thừ đó, cũng không học hành gì. Khi chị hỏi thăm tình hình học tập, cô giáo chủ nhiệm cho biết sức học của con chị giảm ít nhiều, trong lớp ít phát biểu và giờ ra chơi thường tìm một chỗ khuất, ngồi im ắng.
Chị chưa biết phải làm gì với tình cảnh này, đánh đập thì không “ăn thua” gì rồi, nói thì nó chẳng có lỗi gì mà nói. Để thế này thì gay.
Chị lờ mờ cảm thấy một bi kịch đang ngấm ngầm tràn vào nhà chị mà không thể hình dung rõ nó là bi kịch gì, giải tỏa ra sao.
Đúng lúc ấy, một buổi sáng chủ nhật, Thanh Thủy, một cô bạn thân của chị bán hàng tạp hóa đầu phố huyện đến nhà, mời chị và cháu chiều nay đến dự buổi liên hoan văn nghệ, có cả tiệc nhẹ để mừng thành tích học tập của cháu Thanh, con cô ấy. Cháu Thanh vốn là học sinh cá biệt, được cha mẹ và nhà trường dốc sức bồi dưỡng, điều chỉnh vài tháng nay và đây là lần đầu tiên, cháu học giỏi nhất lớp trong tháng này với ba mươi ngàn tiền thưởng.
Chị và thằng con đến dự, chị nghĩ rằng, đây cũng là dịp tốt để khởi động lại tinh thần học tập của con mình.
Buổi tiệc vui nổ trời. Hơn hai chục người lớn, vài ba chục cháu nhỏ được một dịp vui hiếm có. Chị thầm cảm phục Thanh Thủy, dám đầu tư thêm bạc triệu ngoài số tiền thưởng kia để có cuộc vui này cho con, cho các bạn con.
Khi chuyển sang tiệc trà, bánh ngọt, cháu Thanh, người vui nhất hôm nay phát biểu: Cháu tặng phần tiền thưởng này cho bạn Ngọc Anh, một bé gái mới bị mất cha do tai nạn giao thông tháng trước, cũng có mặt trong ngày hôm nay.
Cả nhà vỗ tay rầm rập, tán đồng và khích lệ tinh thần, nghĩa cử cao đẹp của cô gái học giỏi, nết na kia.
Đúng lúc ấy, chị Thụy chảy nước mắt, trong tâm trí chị, có một cái gì khó tả, chị vừa trách , vừa giận thằng con tầm thường của mình, vừa cảm phục cháu Thanh, chị ước gì con mình được như thế kia.
Hai ngày sau, trong giờ nghỉ giữa hai tiết học buổi sáng, cả trường chộn rộn một niềm vui. Các thầy cô, các em chuyền tay nhau đọc tờ báo Thiếu niên mới nhất.
Bài báo “Tấm lòng vàng của hai học sinh giỏi trường Nam Lý” viết về trường chị Thụy.
Thì ra, nhà cô bé mồ côi đã được nhận ba chục ngàn của bé Thanh Thanh tặng kia có một cậu em là nhà báo. Anh ta đã rất xúc động và khai thác ngay đề tài người thật, việc thật xảy ra ở quê mình, với cháu mình này nên có bài viết trên trang nhất hôm nay.
Chị Thụy đọc ngốn ngấu bài báo. Đến đoạn hai, chị kinh ngạc nhận thấy tên con mình được nêu.
“Mới tháng trước, cũng ở trường Nam Lý, cũng như Thanh Thanh, bạn Quốc Bảo, một học sinh giỏi lớp 5B đã dành hết phần thưởng ba mươi ngàn của mình mua một trái bóng đẹp để tặng các bạn trong đội bóng đá của lớp, trước đó, những học sinh vùng nghèo này còn phải dùng những quả bóng bưởi, bóng tự bện bằng giấy cứng để chơi, vừa không có độ nẩy, vừa mất an toàn. Đây là những mầm non nhân ái đang nảy nở ở Nam Lý đáng để cho cả người lớn học tập…”
Chị Thụy lặng đi. Chị cảm thấy mình, một nhà giáo đã phạm một lỗi lầm ghê gớm, chị đã làm sụp đổ một điều thiêng liêng là tình mẹ con chỉ vì ba chục ngàn bạc.
Hai hôm sau, chị tìm đến nhà tư vấn và tại đây, câu chuyện trao đổi cũng là bài học, là tâm sự cùng các bậc phụ huynh khác có hoàn cảnh tương đương.
Xin được tóm lược thành vài điều như sau:
1- Trong một cuốn sách của Thái Lan, người ta đặt vấn đề ‘Dạy con tiêu tiền”. Vấn đề này hoàn toàn chính đáng. Trẻ con có nhu cầu tiêu tiền sớm hơn cha mẹ thường nghĩ rất nhiều mà hình ảnh hai cô cậu học trò này là một ví dụ.
Ở Việt Nam ta, hầu như chuyện này chưa mấy được quan tâm. Người ta có cảm giác không cho trẻ tiêu tiền là rất chính đáng. Trẻ con tiêu tiền là không thể chấp nhận. Trẻ con tiêu tiền là sẽ tạo nên thói quen xấu. Trẻ em tiêu tiền dễ dẫn đến trộm cắp. Việc ăn mặc, tiêu pha đã có người lớn lo nên trẻ em không được phép “rờ” tới tiền nong.
Chính vì thế, với tính ỳ tâm lý cỗ hữu như trên, cô Thụy đã nhanh chóng mất bình tĩnh và xử sự như nói trên.
2- Nếu sau khi biết con mất tiền, cô Thụy dừng lại, từ từ điều tra qua bạn bè của con có thể sẽ nắm bắt sớm hơn khi bài báo kia ra đời. Với những thiên kiến, bức xúc của mình, cô Thụy đã đẩy mâu thuẫn lên đến cực điểm. May mắn là sự thể này dừng ở đây nhưng có thể có những kịch bản nặng nề hơn. Có thể cô biến con cô, một thiếu niên bình thường, học giỏi thành một bệnh nhân trầm cảm, một người sống bằng tâm thế cô đơn, nội tâm và khó hòa nhập.
3- Sau diễn biến này, cô Thụy “cảnh giác” cao độ với con, thắt chặt việc chi tiêu và không dễ dãi cho con tiền bạc khi nó cần. Điều này có thể dẫn con thành kẻ cắp nghiệp dư, dần dà có thể trở thành một người gian manh thứ thiệt.
4- Nếu không có bài báo kia, có thể tình hình xấu, nhất là tình cảm mẹ con của cô sẽ thương tổn nặng nề, kéo dài, khó mà hàn gắn được.
5- Nếu lúc đầu, cách hỏi, lúc hỏi, tình cảm khi hỏi về ba chục ngàn khác đi, vui vẻ hơn, gợi mở hơn thì có thể thằng bé đã bộc lộ chuyện nó lấy tiền mua bóng biếu nhóm bạn một cách dễ dàng nhưng vì bị “bộp một cái” như nói trên nên thằng bé túng túng, phản ứng lập bập, trí trá.
6- Có thể hiểu, nếu không có trận đòn ghê gớm kia, thằng bé sẽ học giỏi, thậm chí càng ngày càng giỏi chứ không sa sút như đã thấy.
7- Có thể thấy một kịch bản khác là nếu ba mẹ không quan tâm, không nặng nề với số tiền kia, thằng bé được tiêu tiền của nó , được tự hào về chuyện đó, thì có thể có lúc nó sẽ tự khoe với cha mẹ về nghĩa cử của nó, không cần giấu giếm. Mọi chuyện khi ấy sẽ rõ.
Bài viết này lẽ ra dừng ở đây với 07 điều rút đúc như trên nhưng thực ra, còn một điều vô cùng hệ trọng thứ 8 mà tôi trình bày ở đây, như một điểm nhấn trong câu chuyện này.
Khi được mời can dự vào việc này, tôi đã phải tìm cách tiếp cận cả cháu Quốc Bảo và cha cháu, một kỹ sư xây dựng.
Điều đau lòng là ông bố này không biết gì đến vụ việc xảy ra. Lẽ ra, chị Thụy đã gây ra bi kịch này nhưng trong nhà có một ông bố nhạy cảm, sớm nắm bắt được cái bất thường trong nhà, trong vợ con mình, tìm hiều và can dự một phần vào thì tình hình có thể khá hơn. Thật tiếc là anh chồng chị Thụy rất “vô tư” trong chuyện này cho nên chúng ta hãy tưởng tượng xem trong hai tháng trời kia, cháu Quốc Bảo đã phải sống khép kín, buồn nản, cô đơn đến mức nào!
Câu chuyện về “nghề làm cha” sẽ phân tích kỹ hơn trường hợp này và vài hình ảnh khác ở những bài sau này.
Những bài học rút ra từ vụ việc này không “nhỏ” một chút nào.
Chỉ một hành xử không hợp lý hay hợp lý của cha mẹ, có thể làm cho đứa trẻ tốt hơn lên (như chị Thanh Thủy bạn của cô Thụy) nhưng có thể tạo nên một bi kịch, có thể làm hư một đứa con như chị Thụy.
Để khắc phục điều này, một nét không nhỏ nhưng cũng không lớn trong cuộc sống, so với những điều gay cấn khác. Cũng cần đến rất nhiều kiến thức. Trong những kiến thức đó, có cái có thể học được ở trường lớp, ở trường đời. Nhưng, cuộc sống luôn biến đổi, những thế hệ con em hiện nay tiếp cận với cuộc sống theo những kiểu cách rất mới so với thế hệ cha mẹ. Điều đó nhiều khi tạo nên những khoảng cách khó chịu, chứa đựng những bất ổn cần uốn nắn.
Xin đừng ngần ngại cầm máy gọi đến nhà tư vấn. Khi ấy, bạn sẽ nhận được những phương cách nhẹ nhàng nhất, nhanh nhất để điều chỉnh những bi kịch đang xảy ra.
Gặp nhà Tư vấn, gánh lo trong bạn sẽ nhẹ đi và hạnh phúc sẽ đến.
Nguyễn Huy Cường