Hotline: 0968133153
Tin tức hoạt động được Trung tâm cập nhật liên tục
Ở một vài bài trước, tôi đã nói ít nhiều về chữ HIỂU. Trong quá trình làm việc, học tập, nghiên cứu của mình , con chữ gọn gàng, khúc triết này đã trở thành công cụ tuyệt vời để khám phá, đột phá và giải quyết nhiều vấn đề, đặc biệt là trong nghiệp Tư vấn trưởng thành. Bởi vậy, trong hy vọng muốn được chia sẻ với quý bạn con chữ quý báu này, sẽ có hai bài viết đi sâu vào đề tài này.
Khi khảo sát đề tài “Ghen” và những xung đột về hôn nhân để viết cuốn sách “Nếu phải ghen” , tôi có một tổng kết thú vị:
- Có 20% gia đình tan vỡ ví lí do thuần kinh tế.
- Có 30% gia đình tan vỡ vì lí do kinh tế rồi phát sinh tiếp những biến thái khác.
- Có 05 % gia đình tan vỡ vì không tương thích về tính giai cấp.
- Có 10% gia đình tan vỡ vì không tương hợp giữa các tính cách, trình độ văn hóa, học vấn.
- Có 25% gia đình tan vỡ chỉ vì ghen.
- Có 10% gia đình tan vỡ vì nhiều lí do khác.
Nhưng, tổng hợp các tình tiết chi phối tình cảm hai phía, dẫn đến tan đàn sẻ nghé, không thể cứu vãn thì có một tham số đáng sững sờ: gần 100% tan vỡ bởi các lí do kể trên trong trường hợp KHÔNG HIỂU NHAU , không chịu hiểu nhau, hiểu sai nhau.
Nói rõ hơn, dù mắc phải tình trạng nào trong 06 trường hợp trên nhưng nếu hai bên HIỂU NHAU, hiểu kỹ những vấn đề liên quan thì khả năng níu kéo, giàn xếp, hàn gắn hạnh phúc vẫn có thể làm được.
Một bằng chứng là có không ít hơn 20% số cặp sau khi li hôn đã tái hôn hoặc thân thiện trở lại với nhau.
Như vậy, một thực tế phô bày là, trong hàng loạt vụ mâu thuẫn , mọi người thường ngại hoặc vô tình quên đi không làm một việc là tìm hiểu thật cặn kỹ căn nguyên của vụ việc, thường hành xử theo nhận biết ban đầu và tư duy chủ quan.
Bởi vậy, nhiều bi kịch xảy ra.
Hai bài viết này sẽ đi sâu vào việc khai thác những tài nguyên bất tận trong nội hàm của chữ “Hiểu” .
Phương pháp của tác giả là tạo một trò chơi mang tính văn nghệ để chúng ta dễ dàng tiếp cận “bài học” này.
Chuyện hai pho tượng.
Năm 2002 tại vùng giáp biên giới Việt Nam-Campuchia xảy ra một chuyện khá kỳ cục.
Một người dân đào giếng kiếm được một pho tượng đá xanh lạ. Nhiều người đến thăm và bình luận là pho tượng cổ, rất có giá trị.
Sau đó, một viên chức địa phương đến nhà, dùng quyền lực thu pho tượng đem về .
Vài ngày sau, người đào được pho tượng, do tác động của dư luận, biết được quyền lợi của mình khi đào được món đồ cổ đã đến đòi ráo riết. Vị cán bộ kia không chịu trả và thế là mọi chuyện bị xới tung lên.
Nhận được đơn thưa của người đào được pho tượng, cơ quan chức năng trên tỉnh đã về kiểm tra và thu hồi pho tượng về xử lí.
Sau đó họ chi trả một khoản tiền thưởng cho người đào được pho tượng.
Sau khi nhận tiền người này phải làm một thao tác là ký xác nhận vào hiện vật kia là do mình đào được.
Khi ấy, ông này xem kỹ và không chịu ký.
Ông phát hiện ra pho tượng này không phải pho tượng ông đã đào được. Ông đã cố ý ghi nhận những dấu vết đặc biệt trên pho tượng phải nộp.
Cơ quan chức năng rất khó xử và phải xem xét tiếp.
Ít lâu sau, ở nhà lân cận lại đào được một pho tượng cách không xa vị trí của pho tượng cũ.
Lần này cơ quan chức năng được báo ngay và có mặt, thu hồi kịp thời. Họ cho gọi ông đào được pho tượng hôm trước đến thì ông này xác nhận pho tượng trước giống y hệt pho tượng mới được đào lên.
Những chuyên gia của cơ quan sững sờ kinh ngạc: pho tượng này là pho tượng giả!.
Pho tượng thật mà vị chức trách cấp xã kia nộp trả là pho tượng thật, giá trị rất cao. Pho tượng mới đào là loại tượng được chế tác theo pho tượng thật nhưng tuổi của nó cách tuổi của pho tượng thật hàng …ngàn năm!.
Ở đây đã có chuyện bị đánh tráo!.
Nhưng, tại sao người ta đánh tráo một pho tượng quý gần như vô giá và giữ lại một pho tượng “nhái” rất xoàng kia!?.
Câu chuyện tấm vé độc đắc.
Cuối tháng năm năm 2013 ở Cai Lậy tỉnh Tiền Giang có một chuyện rắc rối xảy ra: Đây là nguyên văn vụ việc được đăng tải trên báo điện tử VietnamNet.
Hơn một tháng qua, người dân tại Tiền Giang vẫn chưa hết bàn chuyện ông Trần Văn Xiêm (SN 1958, trú tại ấp Hòa Nghĩa, xã Long Khánh, huyện Cai Lậy, là thợ hồ) trúng 3 tờ vé số đặc biệt (mỗi tờ trị giá 1,5 tỷ đồng).
Đáng lưu ý, theo tố cáo của ông Xiêm, 1 tờ vé trong 3 tờ đã bị bà Vũ Dương Thị Thùy Mai (SN 1967, là hàng xóm) giật lấy khi đưa ra dò số.
Đôi co tờ vé số 1,5 tỷ đồng
Như VietNamNet đã thông tin, sáng 22/4, ông Xiêm mua 3 tờ vé số ký hiệu: M17D, số 021056, loại mệnh giá 10.000 đồng của Công ty Xổ số kiến thiết tỉnh Đồng Tháp.
Đến 18 giờ cùng ngày, ông Xiêm trở về nhà thì bà Mai hàng xóm gọi điện hỏi thăm: “Hôm nay anh có mua vé số đuôi 56 sau đám mà ông Bảy Trừ không?”.
Ông Xiêm cho biết, là có mua vé số đuôi 56.
Nghe đến đó, bà Mai đề nghị ông Xiêm mang tờ vé số ra xem rồi giật lấy và bấm điện thoại dò số.
Ông Xiêm giành lại tờ vé số nhưng bà Mai nhất định không chịu trả.
“Tôi có hứa là khi lãnh về sẽ cho bà Mai 500 triệu đồng, nhưng bà ấy bảo là mấy ngày sau anh em mình đi lãnh. Anh đừng nói với vợ con anh biết, anh yên tâm đi, em không gạt anh đâu” - ông Xiêm cho biết thêm.
7 giờ sáng hôm sau (23/4), bà Mai ngồi uống cà phê cùng ông Xiêm và nói: “Anh đi cắt tóc sạch sẽ rồi đi nhận thưởng”.
Ông Xiêm kể lại: “Tôi bảo đi nhận vé số gì đâu mà phải cắt tóc, làm đẹp, hàng ngày như thế nào thì mình cứ thế mà đi”.
Đến 9 giờ sáng cùng ngày, bà Mai lại điện tiếp cho ông Xiêm: “Em lỡ nói với chồng là em trúng số, nên không đi lãnh cùng anh được. Hôm nay ngày 14 (âm lịch) đi lãnh xui (đen), để qua 15 vợ chồng em đi”.
Ông Xiêm đã gọi con gái là Trần Thị Kim Hoa sang nhà bà Mai bảo trả lại tờ vé số. Tuy nhiên, bà Mai nhất quyết nói rằng “không có tờ vé số nào hết”.
Đến khi biết chắc chắn tờ vé số đã trúng 1,5 tỷ đồng thì bà Mai lẳng lặng nhờ người khác đi nhận thưởng.
Ngoài ra, vợ chồng bà Mai còn dọa ‘sẽ kiện bố con ông Xiêm ra công an và sẽ cho ngồi tù’.
Cho hay bị giật?
Khẳng định với PV VietNamNet, ông Trần Văn Xiêm cho biết, hiện Công an tỉnh Tiền Giang đã mời ông lên viết đơn tố cáo bà Vũ Dương Thị Thùy Mai về hành vi “giật tài sản”.
Ông Xiêm còn cho hay: “Mấy đứa con hỏi tôi là bố có cho bà Mai hay bà ấy giật? Nếu cho thì không làm đơn tố cáo được. Tôi khẳng định với các con là không có chuyện cho, mà bà ấy giật của bố. Do đó các con đều đồng ý viết đơn thưa kiện, nhờ cơ quan chức năng vào cuộc điều tra”.
Hiện cơ quan CSĐT Công an Tiền Giang đã vào cuộc điều tra, xác định: Trong 6 tờ vé số trúng giải đặc biệt 1,5 tỷ đồng, Công ty Xổ số kiến thiết tỉnh Đồng Tháp đã trả thưởng cho 5 tờ người dân ở huyện Cai Lậy mua (trong đó có 2 tờ ông Xiêm).
Chỉ có tờ thứ 6 là do một người đàn ông trú tại TP.HCM đến ký lãnh thưởng. Sau này, công an thông tin, người đàn ông này chính là em trai cùng cha khác mẹ của bà Mai.
Công an đã mời bà Mai lên làm việc và bà này đã cho rằng: “Tờ vé số trúng thưởng đặc biệt là do ông Xiêm tặng vào khoảng 15 giờ chiều 22/4, chứ không có chuyện giật!?”.
Ngoài ra, bà Mai còn thông tin, giữa bà và ông Xiêm có “mối quan hệ thân tình” từ lâu nay. Từ đó, bà bao biện rằng chuyện ông Xiêm cho tờ vé số là “bình thường”!?
Tuy nhiên, ông Xiêm phản đối: “Tôi đi làm thợ hồ đến 17 giờ 30 ngày 22/4 mới về đến nhà, làm sao mà gặp bà Mai lúc 15 giờ chiều hôm đó được? Còn chuyện bà ấy thừa nhận có mối quan hệ tình cảm với tôi lâu nay, tôi cảm thấy xấu hổ vì không bao giờ có chuyện đó được”.
Chuyện càng khó giải quyết hơn khi bà Mai cho rằng bà không cướp giật tờ vé số, mà nó được ông Xiêm cho.
Luật sư có tư vấn cho tôi là việc ông Xiêm nói tôi giật vé số là hành vi “vu khống”, nhưng tôi không muốn làm to chuyện?” – bà này nói.
Dư luận tại Tiền Giang đang rất quan tâm, theo dõi xem có đúng là ông Xiêm “hào phóng” cho bà Mai cả tờ vé số 1,5 tỷ đồng hay bà này lợi dụng bản tính thật thà của ông để chiếm đoạt?
Hiện vụ việc vẫn đang được Công an Tiền Giang điều tra, làm rõ.
Hết đoạn trích từ VietnamNet.
Đề nghị của Nhà tư vấn.
Việc điều tra, xác định bản chất vụ việc là việc của cơ quan CSĐT. Riêng vụ tấm vé số hiện nay chưa có kết quả cuối cùng.
Nhưng tại đây, chúng ta thử làm “nhà chức trách” để phân tích, nhận định và đưa ra những kịch bản dạng “có thể” để vừa “mua vui”, vừa rèn giũa khả năng “đọc” những vấn đề rắc rối, phức tạp một cách nhanh nhất, xác đáng ( hay có lý) nhất.
Có nghĩa là, chúng ta HIỂU vấn đề một cách chu đáo nhất.
Trong cuộc chơi này cũng như những vụ việc khác trong cuộc sống, khi bạn nhận thức đúng được vấn đề là coi như đã giải quyết khá thấu đáo vấn đề đó.
Tác giả đặc biệt muốn mời các Nhà báo và các bạn đồng môn PPLST ở Trung tâm TSK tham gia cuộc chơi này. Xin hãi để lại ý kiến trong ô nhận phản hồi dưới bài viết. Xin cảm ơn.
Bài viết kế tiếp sẽ “giải đố” , sẽ phân tích những góc khuất, những logic của vụ việc quái đản này, mời các bạn đón coi!. Kỳ tiếp: Bàn về chữ Hiếu ( kỳ 2)
Nguyễn Huy Cường.