Hotline: 0968133153
Tin tức hoạt động được Trung tâm cập nhật liên tục
Từ hơn hai chục năm nay, Trung Quốc áp dụng gắt gao tất cả mọi biện pháp hạn chế tăng dân số để ổn định và phát triển. Họ đã đạt được mục đích thăng tiến trong nhiều địa hạt nhưng cũng phải đối đầu với nhiều vấn đề nảy sinh.
Thừa thắng xốc tới phá luật trời Điều dễ thấy nhất là tốc độ tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc và những tiến bộ vượt bậc trong việc chiếm lĩnh những đỉnh cao khoa học-công nghệ. Cách nay năm năm, Trung Quốc đã ký được hợp đồng bán máy bay dân dụng sang Mỹ và cách đây tám năm, tên lửa Thần Châu của Trung Quốc đã đưa vệ tinh “ Made in China” chiếm lĩnh không gian
Tuy nhiên, ở một góc nhìn khác, về Nhân học, Trung Quốc đang phải đầu đầu với nhiều vấn đề nảy sinh từ cuộc cách mạng dân số .
Chính sách “một con” của một thời đã biến Trung Quốc trong một cách nhìn thấu đáo từ những hậu quả xấu thì thời đó, họ đã trở thành một xã hội có hình bóng …sát nhân.
Lề thói suy nghĩ “trọng nam khinh nữ” của dân Đông phương cùng kỷ cương này đã xóa sổ hàng chục triệu sinh linh là bé gái từ trong trứng nước. Không hiếm những trường hợp bé gái đã ra đời thì bị ngược đãi tàn nhẫn, cứ như cái “họa” của gia đình.
Kế đến là việc hình thành một thế hệ trẻ Trung Quốc với sự vượt trội cha ông họ về tính vị kỷ.
Sinh ra trong biểu đồ hình tháp: Ông chỉ có mình cha, cha chỉ có mình con, con chỉ có mình cháu nên mỗi công dân trẻ không còn phải quan tâm, đền ơn trả nghĩa cưu mang hay tương tế với bất kỳ ai khác ngoài cha mẹ mình.
Những đại từ cô, bác, dượng , cậu mợ, chú, thím, anh, em dần dần biến khỏi ngôn ngữ đương thời. Mỗi người chỉ biết có cha mẹ mình và nay mai, biết đến con mình nếu sinh con.
Ngay quan hệ Cha mẹ & Con cũng có dung mạo, ý nghĩa khác hẳn những lớp người xưa.
Ngày xưa, người Trung Hoa và nhiều nơi khác nghĩ về cha mẹ mình với nghĩa sinh thành, thiêng liêng, cốt tử.
Thanh niên Trung Quốc ngày nay thì cảm nhận ngược lại, có người nghĩ họ chính là đem cái “ơn” về cho tổ tiên, cha mẹ. Bề trên là người thụ hưởng cái ơn ấy, cái sự có người nối dõi tông đường, thoát cái bi kịch sinh ra một bé gái và cả đời cha mẹ phải ăn năn, hối tiếc, hoài vọng về đường con cái và luôn lay lắt tâm niệm về chữ “hiếu” với tổ tông nếu không có con trai.
Từ ý thức này, người con “Trung Quốc mới” cảm thấy họ là người được hưởng đặc ân, là người có “quyền” đòi hỏi, yêu sách, so đọ và cha mẹ đóng tròn vai đáp ứng bằng mọi cách.
Về phía cha mẹ, vì sinh ít con và sống trong giai điểm một xã hội đang thăng tiến nên cũng không khó để cho con cuộc sống đầy đủ, sung túc. Nhiều nhà đã thực sự biến đưa trẻ thành một mẫu người “ăn sẵn, nằm ngửa” kiểu cô chiêu, cậu ấm.
Với loại này, mọi ý nghĩa về bổn phận, nghĩa vụ, rèn luyện đều mờ nhạt. Ngay cả ý nghĩa về Tổ quốc cũng không mặn mòi như xưa.
Một nghiên cứu về Nhân trắc học cho ra hai hình ảnh:
1- Người Hoa xưa đi xa tổ quốc hàng chục đời, vẫn kết dính với nhau, đoàn kết với nhau và gìn giữ những giá trị Trung Hoa truyền thống như lễ tết, chữ viết, tiếng nói. Ở ngay TP HCM, sau hàng trăm năm tồn tại và phát triển cùng người bản xứ nhưng rất dễ nhận ra khu vực cư trú , nhận ra đặc điểm sống của người Hoa ( như ở Chợ lớn)
2- Hiện nay, thanh niên Trung Quốc ra khỏi tổ quốc là hòa nhập rất nhanh với thế giới bên ngoài, thậm chí họ khỏi dùng tiếng Hoa ngay cả trong sinh hoạt nữa là chuyện thường. Nhiều thanh niên khi được hỏi câu hỏi trắc nghiệm “có muốn trở lại Trung Quốc làm ăn, sinh sống sau khi học hành thành đạt, làm ăn tấn tới không nếu anh chị có thể ở lại phương tây hay Mỹ, Austraylia” thì một tỷ lệ lớn chọn dấu nhấn “không” nhẹ như bấc!.
Tóm lại, một lớp thanh thiếu niên ít phải lao động, cam go, rèn luyện, cống hiến đã ra đời. Đó không phải một nền tảng tốt cho một xã hội phát triển bền vững ở thì tương lai.
Hiện nay, Trung Quốc đã “thấm” nỗi âu lo về những hệ quả sẽ xảy ra theo chiều hướng này. Nhiều học giả Trung Quốc đã thấy sự nghiệp gìn giữ những giá trị Trung Hoa trở nên mong manh từ vấn đề này nên hiện đã có một số tỉnh thành “xé rào”cho công dân sinh con thứ hai nếu đứa đầu là gái.
Những hình ảnh nêu trên, không phải chỉ có ở Trung Quốc mà đã thấp thoáng “sao y bản chính” ở cả Hàn Quốc, Việt Nam…
Một lượng không nhỏ những người trẻ sợ …sinh con. Sợ nghèo đến mức dành trọn mọi ưu tiên để sống theo kiểu hiện sinh, hiện đại và tôn thờ vật chất đến mức cực đoan đã xuất hiện.
Một lớp người luôn ào ạt cuốn theo dòng chảy xô bồ của cuộc sống, biến mình thành một đơn vị trong guồng quay chóng mặt của cuộc sống thụ-hưởng và quên dần những bổn phận, nghĩa vụ khác đang xuất hiện ngày càng đông đảo
Khẩu ngữ “nhanh hơn, xa hơn, cao hơn” trong thể thao được áp dụng cả trong cuộc sống.
Không nhiều người trẻ nào tự tạo cho mình những khoảng lặng, những không gian độc lập để suy ngẫm, soi rọi , lần tìm những giá trị lớn, nhân bản .
May thay, sự lỏng lẻo ít nhiều của một số địa phương về dân số đã giữ cho việc cung cấp nguồn nhân lực cho CNH phát triển và mặt khác, nó níu giữ những giá trị đạo đức, nhân bản cho tương lai. Bài học cần nhìn nhận
Nhân đây, tác giả muốn có vài dòng nói về sự mềm dẻo trong việc điều hành nhà nước, pháp luật của Đảng cộng sản Trung Quốc.
Trước tiên là việc bật đèn xanh cho những sự “xé rào” nói trên.
Thứ hai là: Sau mười năm cấm đốt pháo trong dịp tết, một biện pháp ở dạng “ vạn bất đắc dĩ” ít nhiều đi ngược lại những tập tục cổ truyền, vui vẻ của người dân, Trung Quốc đã cho dùng pháo nổ trở lại vào dịp tết nguyên đán ba năm nay.
Trở lại Việt Nam, từ mặt bằng dân trí hạn chế vào những năm cuối thế kỷ 21, từ thói đua đòi, thái quá trong việc đốt pháo và nhiều bất cẩn trong sự dụng có để lại những hậu quả ngoài mong muốn, đã ra đời quy định cấm tiệt việc đốt pháo trong ngày tết.
Việc này đạt được nhiều kết quả, nhất là vào lúc đất nước còn nghèo nhưng rõ ràng, nó tạo một khoảng trống khó lấp đầy trong ngày vui lớn của toàn dân.
Có lẽ đã đến lúc, cần suy ngẫm thật thấu đáo và điều chỉnh thật hợp lý hoạt động này trước khi nâng cao đến mức cần thiết nhận thức của người dân và về phía các cơ quan quản lý cũng nên chứng tỏ bản lãnh của mình biết điều chỉnh, biệt làm chủ mọi tình thế để không phải chọn biện pháp dễ nhất là …cấm tiệt.
Bài học về chính sách dân số của Trung Quốc là bài học lớn về sự bất hợp lý của những quyết sách.
Quan tâm một chút để “biết ngưới, biết ta” âu cũng là chuyện đáng bàn.
Nguyễn Huy Cường