Hotline: 0968133153
Tin tức hoạt động được Trung tâm cập nhật liên tục
Theo dự kiến, đề tài này có hai bài, tập chung thể hiện đến mức có thể được để chúng ta thấy được giá trị tuyệt vời của chữ HIỂU. Sau khi bài đăng, chủ trang đã nhận được nhiều thư từ, phản biện, cộng hưởng rất lý thú. Để có một bàn tròn đầy đủ, mặn mà hơn khi “làm thịt” chữ HIỂU, Tác giả đăng lên đây một bài “đệm” nho nhỏ, hi vọng nó sẽ là những gợi mở lí thú cho các Quý bạn có thêm động lực, công cụ để tham gia cuộc chơi nho nhỏ này.
Có bao nhiêu con chim trên cây?.
Trong chúng ta, không ít người đã biết đến một bài toán thuộc dạng “đố mẹo”, đố vui đại loại là: Trên một tán cây, có một đàn chim 10 con, ông thợ săn bắn một phát, chết một con, hỏi trên cây còn bao nhiêu con?.
Thông thường, có hai hướng trả lời.
Hướng thứ nhất trả lời: sẽ còn 9 con vì một con rơi xuống đất.
Hướng thứ hai nói rằng không còn con chim nào vì sau tiếng súng nổ, những con khác đã hoảng sợ, bay hết.
Tôi biết đến câu đố dạng này từ hồi học phổ thông do một Thầy giáo đố trong giờ ngoại khóa.
Vào lúc ấy, tôi thực sự chậm chân hơn cả hai hướng suy đoán kia, chưa kịp đoán thì các bạn đã đoán mất.
Sau đó, vào những lúc vui vui, tôi cũng dùng câu đố này đố lại người khác.
Trong suốt bốn chục năm qua, dần dà tôi thấy vấn đề này trở nên lý thú. Nó không còn là một phép tính vui nữa mà nếu làm tốt, nó trở thành một cái khuôn thước để đo đếm được chiều sâu tư duy của nhiều người.
Có những lúc khi đố, tôi ấn định là trên cây còn 04 con và khi bên kia thắc mắc, phải chỉ cho họ thấy đó là 4 con chim non chưa mọc lông cánh, nằm trong ổ thì dù có hoảng cũng không thể bay được.
Có những đáp án trên cây còn lại đúng một con chim, là con chim chết, nó mắc vào đám dây dợ trên cây, không thể rơi xuống đất được.
Lại có đáp số trên cây còn cả 10 con chim. Con chim chết, mắc lại trên cây như đã nói, còn chín con kia vẫn bình tâm đậu đó không hề run sợ vì anh thợ săn bắn bằng loại súng không kêu!.
Lần lữa sau này, để bài học sinh động, tôi đã tìm ra hơn ba chục đáp số thể hiện số chim còn trên cây sau phát súng.
Sau những cuộc đố vui ấy, tôi còn thấy một nét: Trong số những người nhanh nhảu đoán “Trên cây chẳng còn con nào” gồm có hai dòng. Một số người khá thông minh, nhanh trí, còn một số người nhanh nhẩu nói …theo người khác mà anh ta đã nghe lỏm được.
Lại có một “pô” chụp nhanh nhóm đối tượng trả lời kiểu này là: Hầu như tất cả các bạn trong diện chọn đáp án “không còn con nào: đều có một nét chung trong tâm lý, hành vi là CHỦ QUAN.
Điểm tựu chung là họ hầu như quên hẳn chữ HIỂU. Họ khước từ công cụ tuyệt vời này và cứ chăm chắm hiểu rằng đã là súng thì phải nổ, đã là chim thì phải sợ tiếng nổ, thấy tiếng nổ thì phải bay.
Với “cây” thì cây nào cùng là cây. Cây hoa Mai cảnh nho nhỏ cũng là cây, con chim chết sẽ dễ dàng rơi xuống đất. Họ có đâu ngờ được trên đời có những “cây” to tổ chảng, nó đã sống thâm căn cố đế, tán dày như rừng, vật thể cộng sinh sống đầy trên nó, con chim chết rất dễ mắc lại sau khi bị chết.
Con gì?.
Có một người nêu câu đố:
Con gì giống trâu, có hai sừng, lông vàng mà trẻ con đô thị gọi là con bò?.
Người nghe thường phì cười cho đó là một câu đố ngớ ngẩn.
Họ đâu biết rằng, một bộ phận trẻ nít ở đô thị chưa có dịp ra ngoại thành, mới tuổi mẫu giáo khó phân biệt tường tận những con vật của nhà nông. Cho nên, cái con giống trâu, lông vàng, có hai sừng kia mà chúng gọi là bò kia chính là con …nai!.
Rõ ràng, tính chủ quan và tính ỳ tâm lý nhiều khi ngăn cản chúng ta tiếp cận đàng hoàng với sự thể và khó giải quyết tốt bài toán.
Tại sao, viên chức tham lam trong bài trước giữ lại pho tượng giả và đem “thế mạng” một pho tượng thật?
Tại sao ông thợ hồ, một giai cấp vất vả nhất nhì của xã hội, khi biết mình trúng 100 triệu, bằng ba năm lương của ông ( ấy là theo bà kia nói chứ chưa cần biết giá trị thực tấm vé là một tỷ rưỡi VND ) lại dễ dàng để bà kia “cầm dùm” cho rồi mọi việc rắc rối mù trời.
Hy vọng, câu chuyện đàn chim nói trên, sẽ giúp Quý Bạn điều gì đó, khi tham gia cuộc chơi lý thú này. Kỳ tiếp: Bàn về chữ Hiếu (kỳ 3)
Nguyễn Huy Cường