Hotline: 0968133153
Tin tức hoạt động được Trung tâm cập nhật liên tục
Tự dạng của chữ “An” trong tiếng Trung Hoa là hai chữ ghép thành. Đó là chữ “Nữ” nằm bên dưới chữ “Gia”. Ý nghĩa của nó được hiểu như là một cô gái sẽ được an toàn khi ở trong nhà mình. Khi dựng tự dạng của chữ này, người ta mặc định rõ đối tượng nhân học ở đây là một phụ nữ, một cô gái chứ không phải một nam giới. Cũng có thể hiểu, nếu là nam giới, thì tha hồ xông pha, dấn tới, tung hoành trên cõi đời, không quá lo cho những thách thức xảy ra...
Chữ “an” cũng có tới ba bảy đường
Thời đại mới đã đem đến xã hội ngày nay nhiều đổi khác, làm lung lay những giá trị có tính “kinh điển” như chuyện chữ “an” trong hình ảnh nêu trên.
Tôi đã chứng kiến một điều không bình thường xảy ra tại lễ sinh nhật của một cháu học sinh lớp sáu.
Cháu này có hoàn cảnh khá ổn. Bản thân cháu học khá giỏi, được các bạn mến mộ. Khi tổ chức sinh nhật, gia đình cháu đã đích thân phát hơn năm chục thiệp mời tới đội ngũ bạn bè thân thuộc trong phố sở tại và bạn bè cùng học với cháu.
Buổi sinh nhật khá đông vui, chủ và khách khá hài lòng nhưng có một nét đặc biệt.
Đó là mỗi học sinh đến dự sinh nhật, đều được “đính kèm” một phụ huynh đi theo …coi chừng. Khi các em nhập tiệc, các anh chị em “hộ vệ” này rút ra quán café ven đường chờ, tính giờ rồi vào đón con.
Đáng kể hơn, là trong hàng chục phụ huynh diện này, có cả nhiều vị là phụ huynh của những em là nam giới chứ không phải nữ sinh.
Khi tiếp cận với vài vị, thì thấy một sự thể không thể không sửng sốt.
Cậu bé con gia chủ, chủ nhân của bữa tiệc này thuộc diện đặc biệt.
Cậu ta học hành khá giỏi, thường giúp đỡ bạn bè thân thuộc khi chúng cầu cứu. Cậu này có vóc dáng khá lớn so với tuổi, mới mười ba tuổi, cậu đã cao mét sáu, nặng dư năm chục ký, biết chơi đàn Piano.
Nhưng, về quan hệ với bạn bè thì là cả một vấn đề. Cậu này có nhiều biểu hiện như là luyến ái đồng tính. Cậu bé thích gần gũi bạn trai, thích rờ rẫm da thịt, khơi gợi những trò chơi xác thịt, thích ôm ấp bạn học( là nam giới) và nhiều hành vi khó hiểu khác.
Những ưu thế về lực học, lại khá đẹp trai, chan hòa với bạn nên cậu gây nên tình cảnh khó xử với nhiều bạn. Khi bị làm phiền, phần vì những bạn bị làm phiền không biết phản ứng bằng cách nào, phần thì …cũng nể bạn này vì đôi khi nhờ vả bạn ấy chuyện này chuyện nọ.
Gần đây nhất, đã có bạn trai của cậu này đến nhà học tổ, khi sắp về trời đổ mưa nên phải nghỉ lại đây, gặp phải cảnh khác thường, đại loại như một kiểu lợi dụng tình dục, đã hốt hoảng rời khỏi đây lúc nửa đêm, khi trời còn mưa nhẹ.
Bởi vậy, khi vì nể lời mời của gia chủ, khi cũng muốn quan sát mục sở thị cậu này, nhiều phụ huynh đã nhận lời đến dự lễ sinh nhật cho xôm trò nhưng nhất nhất cha mẹ, anh chị phải đi theo để hết giờ tiệc, đón con về tránh những điều khó hiểu và phiền phức cho con mình.
Như vậy, khác hẳn những thế hệ cha mẹ trước đây, chỉ khi thấy trẻ vị thành niên, là nam, nữ chơi với nhau thì cha mẹ phải cảnh báo, phải để tâm để tránh những hậu quả ngoài mong muốn. Ngày nay, tình hình nói trên đã cho thấy, nhiều nguy cơ có thể xảy ra khi xuất hiện quan hệ phức tạp ngay khi hai em đồng giới chơi với nhau. Đó là một thực tế. Tại đây, chữ “an” phải được xây đắp lại bằng nhiều chất liệu mới, chứ không phải chỉ là chữ nữ nằm trong chữ gia là ổn.
Một vài quan sát của chúng tôi còn cho thấy, ngay cả khi một lũ bạn đồng giới( cùng là nữ) chơi với nhau cũng không phải ít nguy cơ. Những nếm trải lý thú trong tình bạn nam-nữ, những phá cách khỏi lề thói truyền thống, những chiêu trò để “qua mặt” người lớn được chúng phổ cập cho nhau rất nhanh và không ít những vụ phiêu lưu của các cháu nảy sinh từ môi trường này, đã tiến đến những kết cục ngoài mong muốn.
Đơn thuần hơn, khi trong nhóm bạn, có một vài người thuộc diện con em những gia đình “có máu mặt” thì việc chi tiêu, mua sắm từ áo quần, xe cộ, điện thoại đắt tiền hoặc cực sang trọng của diện bạn này, cũng tạo nên “đường dẫn” những tư duy không bình thường cho những bạn hiện đang sống khá “thuần”. Khi “học thầy không tầy học bạn”, bạn “con nhà lành” kia đã thực hiện thành công vài “phi vụ” dối trá, lèo lái, qua mặt phụ huynh rồi, sẽ ở thế chót “leo lên lưng cọp” cứ dấn tới trong con đường tội lỗi. Trên thực tế xã hội, đã có không ít những học sinh phổ thông bán dâm chỉ để thỏa mãn nhu cầu mua sắm một vài thứ xa xỉ phẩm mà em đam mê như trường hợp xung quanh vụ án Xầm Đức Xương ở Hà Giang mà thôi.
Thông điệp của Nhà Tư vấn.
Trở lại câu chuyện đám sinh nhật nêu trên. Các phụ huynh đã chọn một biện pháp xem như an toàn cho con mình. Điều này không tệ và khá hợp lý nhưng không phải biện pháp hoàn hảo.
Nó có thể bảo đảm cho con mình an toàn ngay trong một buổi sinh nhật đó nhưng không thể ngăn chặn nguy cơ ở thì tương lai. Các cháu có thể còn học chung với nhau sáu năm nữa trước khi vào đại học và trong thời gian đó, còn nhiều vấn đề nảy sinh từ hiện thực này.
Tại sao, chúng ta không vượt qua sự ngại ngùng để tiếp cận thẳng với cha mẹ cậu bé chủ nhà. Những thông tin về vấn đề phức tạp, tế nhị này sẽ được gia đình em kia hoặc cả nhà trường tiếp thu và xử lý bằng những biện pháp hợp lý hơn là cứ mỗi dịp tương tự, vài chục ông bà phụ huynh vác ghế theo để canh con mình như mô tả trên đây.
Với phụ huynh của em kia, đã đến lúc chấm dứt cách hiểu về chữ “an” theo kiểu cổ điển mà phải quan sát nó song hành với mọi biến động xã hội. Từ đó, họ hiểu những điều không bình thường đang xảy ra với con mình, hiểu những nguy cơ có thể bùng phát nơi con mình để có những uốn nắn hợp lí, kịp thời thì tốt hơn biết bao nhiêu.
Chỉ một yếu tố này thôi cũng khiến ta không khỏi suy tư: Chiều cao, cân nặng, thể lực của một em học sinh 13-14 tuổi hồi 1980- 1985 so với thời kỳ 2005- 2013 đã khác nhau rất nhiều. Trong đó, có một tỉ lệ không nhỏ các em trai tuổi này to lớn bằng …cha chúng, có nghĩa là đã đạt chỉ số thể trạng như một người trưởng thành thực thụ: cao dư mét sáu, nặng dư năm chục ký. Có em nữ ở tuổi này còn phổng phao hơn mẹ ở nhà, vòng ngực có thể đạt gần …chín mươi phân!.
Những tham số này vừa thể hiện kết quả của chính sách xóa đói giảm nghèo có hiệu quả của nhà nước ta, nhưng nó cũng nói lên rằng: tố chất, năng lực, hành vi của trẻ cũng sẽ biến động theo rất sâu sắc, rất đáng để tâm.
Các cụ xưa định ra một cái “ngưỡng” cho tuổi phát dục: Gái thập tam (13 tuổi) nam thập lục (16 tuổi). Ngưỡng này hơi “sớm” so với quy định tuổi hôn nhân trong luật định nhưng có phần hơi …muộn hơn thực tế cuộc sống hôm nay.
Với tác động của phim ảnh, của internet, của đời sống phồn thực giũa thời bình, nhiều em đã mang bầu, sinh nở sớm hơn cái ngưỡng của các cụ xưa nhiều.
Chữ “An” thực sự lung liêng, chao đảo trước nhịp điệu của cuộc sống hôm nay.
Đề tài này, chúng tôi sẽ thi triển sâu hơn trong chuyên mục “Nhật ký tư vấn” với hàng chục vụ việc cụ thể trên website của trung tâm CNN nhưng tạm kết lại ở bài viết này, tác giả chỉ muốn có một lưu tâm.
Một thi hào Đức đã nói: Và cuộc sống sẽ trở thành màu xám- chỉ có cây đời mãi mãi xanh tươi.
Vâng, những khái niệm, những tư duy của một thời, thậm chỉ đã tồn tại nhiều kỷ nguyên đến lúc cũng trở thành màu xám, trở thành xưa cũ trước những thay đổi mới. Cần hiểu điều đó, ít nhất trong nghề dạy con.
Còn vế thứ hai của câu ngạn ngữ vàng này thì xin “chế” thêm đôi chút: Cây đời mãi mãi xanh tươi, cuộc đời mãi mãi tươi đẹp thật nhưng cũng có lúc “cây” có sâu bệnh, có lúc cây mọc gai gốc bất thường hoặc cây đang phải cõng theo một mớ tầm gửi xum xuê, những biến động đó đều ở dạng “có thể” nên , muốn có “cây đời mãi mãi xanh tươi” thì không gì hơn, phải thấy được điều đó để xử lí từ khi chưa muộn.
Nguyễn Huy Cường.