Hotline: 0968133153
Tin tức hoạt động được Trung tâm cập nhật liên tục
Khi chuẩn bị lập dự án “Tư vấn trưởng thành” này, một số bạn hữu hỏi tôi: anh định giới hạn “tuổi trưởng thành” là bao nhiêu!?
Pháp luật thì định ra tuổi trưởng thành, tuổi phải chịu trách nhiệm về hành vi của mỗi người là 18 tuổi. Một số dân tộc miền núi thì coi một thanh niên đã biết bắn chết một con thú hoang là tuổi trưởng thành.
Tự thân lớp thanh niên thì định nghĩa một cách đại thể là khi tốt nghiệp đại học hoặc có việc làm, biết sống tự lập là tuổi đã trưởng thành.
Những người chủ trương thực hiện Dự án Tư vấn trưởng thành thì có cách “quy đổi” khác. Dưới đây là hai câu chuyện minh họa.
Sinh con rồi mới sinh cha!. Thật thế không?.
Trong dân gian, có câu ngạn ngữ “sinh con rồi mới sinh cha, sinh cháu giữ nhà rồi mới sinh ông” nghe ngồ ngộ, vô lí.
Về sau, một vài học giả chuyên về ngữ văn chứng minh quan điểm trên là đúng, nhưng nó đúng về chữ nghĩa, học thuật.
Quả vậy, nếu chưa sinh con, chẳng ai gọi anh kia là cha và khi con anh ta chưa sinh ra con nó, thì anh cũng chưa thể thành ông được. Điều đó đúng về nguyên tắc.
Trên thực tế, thời điểm làm “cha” thực sự khá xông xênh. Có thể chính là khi một đứa con bụ bẫm chào đời, có khi chưa chắc đã phải như vậy.
Một lần, ông Toản, Giám đốc một doanh nghiệp thấy thằng con út lối mười bảy tuổi có những biểu hiện khác thường.
Cậu này tên Hiền, bản chất cũng hiền, đường học bị tắt ngúm khi hết cấp II, thi vài lần không được, bỏ luôn. Nay cha mẹ cho đi học tiếng Hàn chuẩn bị cho một đợt đi lao động xuất khẩu.
Cha mẹ bận công vụ, chức trách tối ngày, mỗi tuần chỉ được ngồi với con một hai bữa cơm.
Vài ngày nay cậu út ít nói, không đi đâu, tối ngày nằm trong phòng ngủ li bì, điện thoại gọi đến nhiều khi không bốc.
Ba ngày sau, một buổi sáng vừa ra mở cửa xong, nó hấp hoảng chạy tụt vào nhà, leo lên tầng như trốn nợ.
Dưới sân một cái xe ôm chở theo một cô bé chừng mười sáu tuổi đến, cô khúm núm ôm một cái bọc gì đó vào nhà, gặp mẹ của Hiền, cô òa khóc, ngồi bệt xuống nền nhà.
Cả nhà được đánh động dậy, tất cả xúm quanh cô gái tội nghiệp vừa đến, lúc này cô dở cái bọc ra, trong đó là một bé gái đỏ hỏn.
Thì ra, cậu Hiền đã có con trong khi ba anh chị trên nó vẫn chưa lập gia đình.
Sau vài tiếng trò chuyện, mọi người hiểu ra sự thể là hai trẻ đã quá ăn quá chơi với nhau, đã có con.
Ông bà Toản liên hệ với gia đình cô gái và “hai họ” đã gặp nhau trong chốc lát. “Nhà gái” đưa ra một quyết định chóng vánh: Giao lại đứa bé cho “nhà trai” và yêu cầu giải phóng cho con họ, giấu kín chuyện này. Nếu nhà trai không chấp thuận, họ sẽ đưa ra pháp luật giải quyết.
Gia đình ông Toản quyết định chấp nhận, không có cách nào khác. Hai ngày sau, đứa bé được giao cho một người bà con hiếm muộn nuôi dưới quê Long An, mọi việc có vẻ lắng xuống.
Ba năm sau, Hiền lấy vợ khi anh chớm hai mươi tuổi, một năm sau anh ta lại có con. Gia đình cho cái nhà để vợ anh mở một tiệm may nhỏ cuối phố, còn anh đi phụ xe nam bắc, mỗi tuần về thăm vợ một lần.
Một lần cô vợ đi về ngoại có việc, để cho chồng coi con và nhà cửa một bữa, vì hôm đó anh nghỉ.
Khoảng bảy giờ sáng, một người hàng xóm sang nhà có chút việc, nhận thấy thằng bé bảy tháng tuổi nằm lịm dưới gầm giường, muỗi, kiến thi nhau cắn. Hình như thằng bé đã khóc lóc chán chê nhưng ông “bố” không nghe thấy. Tối khuya hôm trước, bố Hiền còn căng mắt theo dõi trận bán kết cúp C 1 lúc hai giờ sáng nên khoảng năm giờ , khi vợ ém con vào nằm bên, dặn dò xong ra xe đò tất tả đi, anh ta ậm ừ nhận lời nhưng thực ra không hề hay biết gì cả, vợ đi khỏi, lăn ra ngủ tiếp.
Sau đó xóm làng túm vào chữa trị, xoa dầu, cho bé ăn sữa xong, cho nó ngủ và giao lại cho anh coi, yên tâm.
Buổi quá trưa cô vợ về, thấy đứa bé khóc ngằn ngặt, cứt đái vung vãi khắp giường nhưng ông bố vẫn đang truy lĩnh tiếp giấc ngủ đêm qua.
Câu chuyện về một Đại gia đan sọt.
Khoảng năm 1990-1995 tại một làng thượng huyện Cẩm Khê tỉnh phú Thọ nổi lên một Doanh nhân.
Đài truyền hình Phú Thọ thường xuyên đưa tin về vị cựu chiến binh tuổi gần bốn chục, đang trở thành tỷ phú của địa phương , anh đi lên từ hai bàn tay trắng. Những người xem TV thán phục anh. Từ một thanh niên nông thôn, văn hóa chưa hết cấp II, đi lính về nay chăn nuôi giỏi, kinh doanh tốt, đang trở thành tỷ phú.
Những người dân sở tại thì hiểu rõ hơn và cũng mừng cho anh. Anh đi lên từ hai bàn tay trắng.
Cơ hội đến từ việc hồi đó, khi quan hệ Việt-Trung thông thương trở lại. Vùng quê này xuất sang Trung Quốc bằng đường tiểu ngạch đủ thứ nông sản, từ buồng chuối đến quả trám chua, từ con mèo đến rắn ếch, ba ba, thuốc nam dược.
Có điều, cái gì cũng cần bao bì. Bao bì là những cái sọt đan bằng tre nứa đơn giản. Ông Minh đã chớp được cơ hội này, nhà ông có nghề đan lát từ lâu. Ngay địa phương ông, bà con cũng có nhiều người biết nghề. Ông được những thương lái Trung quốc tín nhiệm, đặt mua với số lượng lớn loại bao bì này. Ông trở thành đầu mối thu gom và cung cấp mặt hàng này cho khách hàng Trung Quốc.
Ông giàu lên rất nhanh nhưng chưa nhanh bằng phong cách giống – như – giầu của ông. Khi ấy cả huyện chưa có mươi cái xe Dream thì ông đã có trước cả chủ tịch huyện. Đi đám cưới, người ta mừng vài ba chục thì ông chơi hẳn một, hai trăm. Ở đâu ông cũng được tung hô như một vị anh hùng.
Vài tháng sau, làng Ngô Xá bên cạnh, chính là vương quốc của nghề đan lát, lại ở đầu rừng nên nguyên vật liệu sẵn và rẻ hơn, họ lao vào cạnh tranh và đánh bật ông ra khỏi vị trí “vua sọt”.
Vốn quen biết với nhiều thương lái Trung Quốc, ông ngả nhanh sang vài ngạch buôn bán khác. Ông cần và huy động vốn rất dễ, kẻ cả mấy anh em ở chính quyền địa phương cũng giúp sức ông …vay nợ ở ngân hàng rất dễ dàng.
Nhưng, phàm ai đã buôn bán với Trung Quốc thì biết, nếu “thắng” dăm quả nhưng chỉ một đợt dìm giá, ói hàng là lỗ sặc gạch. Ông bị vài đòn là kiệt quệ.
Ông “chết” nhưng không “chết” một mình, ông kéo theo hệ lụy cho cả dòng họ, cả anh em chính quyền khi những khoản cầm cố, thế chấp với ngân hàng bằng tài sản và uy tín của họ.
Ông trở thành tay trắng, tứ cố vô thân vì các quan hệ xã hội đã bị triệt tiêu hết bởi công nợ.
Hoàn cảnh như thế này với người Việt Nam, không phải hiếm nhưng nhiều người vượt qua rất nhanh. Riêng ông, hai mươi năm nay, dù “chết” đứ đừ nhưng vẫn giữ phong cách …đại gia, vẫn không thừa nhận thất bại, vẫn không thừa nhận xuất xứ, mặt bằng trí tuệ, văn hóa của mình, vẫn lang thang vô định. Ông vẫn luôn thể hiện mình là “đại gia”, luôn ăn to, nói lớn, xài sang.
Gần sáu chục tuổi, giờ này kiếm bát ăn và kiếm mấy đồng tiền lẻ đánh đề trừ bữa bằng nghề lái xe thuê nhưng nghe chừng cũng èo ọt. Nhiều chủ xe e sợ ông, vì cứ sáng ra, ông làm một “choác” rượu trắng cỡ nửa lít thay nước trà, ông bảo có như vậy lái mới “lụa”, mới đẹp vòng cua…
Ba đứa con ông, cùng với bà mẹ khổ hạnh phải cày ra trò, đắp đổi nợ nần và mưu sinh cơ cực bấy nhiêu năm nay, nay đã dựng vợ, gả chồng . Trong suốt quá trình đó, người ta không thấy dấu tích cỏn con nào của ông đóng góp vào cơm áo gia đình, vào việc tạo dựng cho con cái.
Ông thoát ly triệt để khỏi đời sống gia đình, ông như một người xa lạ. Ông đi, không ai nhớ, ông về, không ai bận tâm. Quê hương này chỉ còn hình ảnh vật vờ của một “doanh nhân” kiểu diều gặp gió một thời, nay đã tắt.
Lời bàn của nhà tư vấn.
Từ hình ảnh nặng nề của ông đại gia đan sọt, chúng ta bỗng thấy hình ảnh cậu bé Hiền hai chục tuổi đã làm bố hai lần vẫn chưa tròn vai khá nhẹ nhàng, chỉ hơi nực cười một chút.
Có điều, từ đây, câu ngạn ngữ Việt “Sinh con rồi mới sinh cha…” hình như đã lung lay.
Cả hai vị này, dù mỗi người đã một hai ba lần có con nhưng đều chưa thành cha, thành bố thì phải.
Hình như trong họ, thiếu hẳn thiên chức làm cha. họ không hề có niềm hạnh phúc run rẩy, vô biên khi được làm cha. Họ không có nỗi khấp khởi vui mừng khi thấy con biết đi, biết nói hay vừa tạnh một cơn sốt. Họ cũng không hề hứng khởi khi con họ được tấm giấy khen ở trường học.
Cậu Hiền trên đầu bài, có thể do quá non tuổi, bị “cướp cò” lần thứ nhất, có thể do ham vui coi bóng banh nên đã để con suýt chết lần thứ hai, tất cả đều do cậu còn quá non trẻ và chưa sẵn sàng làm bố. Lẽ này, chúng ta ít nhiều thông cảm.
Còn ông Minh, người hùng đan sọt kia, nay đã sắp thành ông mà vẫn chưa một lần làm cha. Con ông không hề nhận được một lời thăm hỏi của bố về chuyện học hành, chưa hề nhận được từ bố một đồng nào để ra riêng, lập nghiệp, tất cả, chúng nều nương náu vào đôi vai gầy của mẹ chúng.
Những hiện thực xã hội này, chính là tiềm ẩn cho bao nhiêu tai họa, bao nhiêu bi kịch.
Tất cả, đều do “tuổi trưởng thành” đến quá muộn.
Và, sứ mệnh của Dự án Tư vấn trưởng thành không phải giản đơn.
Nguyễn Huy Cường.