Hotline: 0968133153
Tin tức hoạt động được Trung tâm cập nhật liên tục
Phiên Tòa bước sang phút thứ 39, sau khi đã hết giờ hành chính trong buổi xét xử đầu tiên nhưng xem ra, từ Chánh án đến Bồi thẩm đoàn, từ bị đơn đến nguyên đơn và những người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan cùng cánh Nhà báo, chưa ai muốn dừng lại, không khi sôi xục như xét xử tội phạm chiến tranh hay cái gì đại loại như thế.
Tổng biên tập một tờ báo chuyên ngành âm nhạc –văn hóa gọi điện về cho đàn em ở tòa soạn thông báo rằng, bà ta không về nghỉ và dùng bữa trưa ở tòa soạn như đã hẹn mặc dù tòa soạn chỉ cách tòa án 500 thước, bà còn lệnh tăng cường cho 3 phóng viên đến để tham gia phỏng vấn nhiều nhân vật từ tòa bước ra lúc cuối giờ chiều nay. Sau cuộc điện đàm này, tòa soạn báo “Di sản văn hóa” cũng nóng hầm hập như ở chính phiên tòa, nhiều mẩu tin và file âm thanh gửi về từ Sếp và các phóng viên đang ở tòa đang được xử lý cho loạt bài đầu tiên.
Cha nuôi của bé Hòa nhìn rừng máy ảnh, máy quay phim luôn chĩa vào con mình mà phát ớn, thằng bé này khó bề thoát khỏi sự giám sát và khai thác đến tận cùng khi có cơ hội.
*
* *
Tất cả hừng hực, tất cả những người tham dự như bị cuốn hút trừ một người, đó là nhà nghiên cứu âm nhạc Trần Thực.Ông ngồi vuốt chòm râu đẹp của tuổi bảy mươi hai, ngẫm lại những gì đã qua.
Sự thể ban đầu rất đơn giản, nó chỉ có chút lóe sáng từ cậu bé Nguyễn Văn Hòa ngồi kia, mà sự lóe sáng đó cũng không liên quan gì đến âm nhạc mà nó chỉ có phản ánh của một thiếu niên giỏi…vi tính!
Thằng bé hơn mười lăm tuổi mồ côi cả cha lẫn mẹ, cậu vừa đi học, vừa phải đi làm phục vụ công việc tạp nham cho một tiệm dịch vụ internet ở trung tâm phố huyện để lấy tiền ăn học.Công việc của cậu là mỗi khi có khách vào tiệm, cậu mở khóa rồi lôi cái dây xích dài khoằng tiếp vào cái xe gắn máy mới tới, xong rồi, khi khách yên vị, cậu rót mời họ một li nước lọc.
Cũng có lúc, cửa hàng đắt hàng, cậu chạy bở hơi tai mới kịp, nhưng có lúc ế ẩm, cậu chơi không thôi.
Những lúc ấy, cậu mon men vào cái máy và cậu nghĩ, có những em bé mới 6-7 tuổi đã “chiến đấu” được thì mình làm được, ít ai ngờ rằng, cậu rất sáng dạ và “tay nghề” lên rất nhanh.
Nửa năm sau, cậu bé mồ côi phương phi nhưng hiền hậu kia được ông hiệu phó trường tiểu học ở huyện, là chủ tiệm nhận làm con nuôi.Từ lúc này, cậu được thăng chức, từ “tổng quản xe máy”, “nhân viên mời nước” lên thẳng chức quản lí tiệm, cậu ngồi vào cái ghế ngày trước , mẹ nuôi ngồi tính tiền cho khách bằng cái màn hình mỏng tang. Việc ăn ở, quần áo, thời gian học hành của cậu ở trường cũng như ở nhà được cha mẹ nuôi chăm sóc kỹ hơn, đầm ấm tình mẫu tử.
Rồi tiềm năng ẩn giấu từ đời nào trỗi dậy, một năm sau, đến lượt cha nuôi cậu phải xửng sốt vì trình độ của cậu đã vượt qua lũ trẻ đang học cấp III hay vào tiệm chỉ để chít chát hoặc chơi game show trực tuyến. Cậu đã mon men vào lĩnh vực cao nhất của nghề điện toán là khâu lập trình ở tuổi 14.
Thế rồi, cái ngày kinh hoàng kia đã đến.
Một hôm, cậu quên cả việc tính tiền cho khách, quên cả việc cha nuôi vừa về, đang có vẻ khó chịu khi cậu chểnh mảng làm chức phận, cậu hét toáng lên trước sự thành công của mình: cậu vừa sáng tác thành công một bản nhạc bằng một phương pháp mới nhất thế giới .
Lập tức, ông giáo thay đổi thái độ.
Là một nhà sư phạm, ông hiểu con mình đang ở tình trạng hưng phấn cao độ. Mọi người lặng ngắt đi nghe đôi loa lớn trên tường phát đi “thông điệp” đầu tiên của một “nhạc sỹ” mười bốn tuổi, một tháng, ba ngày.
Trong số khách hàng đang sử dụng dịch vụ có một nhà báo lớn.
Ngay sáng hôm sau, trên trang nhất báo của ông đã giật một cái tít xanh mướt bằng khổ chữ lớn: Năm phút cho một sáng tác của một thiên- tài - âm - nhạc mồ côi!.
Kế đó là một tuần lễ ông giáo phải nghỉ tiếp khách, nghỉ luôn cả công tác ở trường để xử lí cái không khí phát sinh từ chuyện này.
Mỗi ngày, hàng chục phóng viên, nhiều nhạc sỹ, ca sỹ, nhiều nhà hoạt động xã hội viếng thăm, phỏng vấn, trao đổi, cho quà.
Đến ngày thứ năm thì ông giáo bắt đầu hạn chế cậu bé tiếp khách, ông đã nhìn thấy dấu hiệu không bình thường đầu tiên từ đứa con nuôi yêu dấu của mình: nó bắt đầu tận hưởng niềm vinh quang vừa bùng cháy!
Đêm ấy, nằm bên con, ông hỏi nó: “con có sung sướng, hãnh diện không”?.
Thằng bé hồn nhiên trả lời “có”.
Im lặng.
Mươi phút sau ông hỏi nó ,âm thanh từ cổ họng ông đã nằng nặng: “con có biết nội dung những từ “phiêu linh”, “đài trang” ,”lệ tràn my” “ Thụy du ” …là gì không ?.
Thằng bé chững lại một chút rồi thành thật nói “Không… con không biết”
Ông vùng dậy, ra ban công hút thuốc sau khi kéo tấm mền mỏng đắp cho con “thôi, ngủ đi con”.Trong khói thuốc mơ màng, ông lẩn thẩn nghĩ: “rồi ra, có thể xã hội sẽ thêm một “nhạc sỹ” nhưng ông bà sẽ mất một đứa con ngoan hiền, thông minh, thậm chí ngoan hơn cả con đẻ của ông.
“Bi kịch ngoại giao” cứ diễn ra suốt từ bảy giờ sáng đến khuya như vậy có vẻ còn kéo dài, nếu không xuất hiện một vị khách.
Quý ông này từ Thủ Đô tới. Ông là một nhà sản xuất trương trình, một đại doanh gia có nguồn vốn hùn từ châu Âu để kinh doanh âm nhạc.Ông là Tổng giám đốc công ty “Tiếng thời gian”
Bằng tư thế kẻ cả, ông gần như ra lệnh cho cậu bé và gia đình dừng ngay việc tiếp khách vô chừng chớn. Đổi lại, ông ta gửi Hòa và cha mẹ cậu ba chục ngàn USD, coi như “món quà đầu tiên” để làm quen.
Đến lúc này, niềm vinh quang của cậu con nuôi tràn sang cả ông bố khó tính. Ông không thể ngờ được sự thể lại như thế này.Ông cũng đang cần mươi ngàn USD để nâng cấp cửa hàng, để thanh thải những cái máy vi tính cũ đến mức những cái vỏ máy đã đổi từ màu trắng sáng sang một thứ hỗn hợp màu khó mà tả thực.
Ông cũng muốn sửa cái trang trại, mua mấy con dê cho vợ nuôi vừa làm giàu, vừa thư giãn sau mỗi buổi lên lớp.
Khi câu chuyện với nhà kinh doanh kia vào phom, cả ông và bà còn tá hỏa khi biết, nếu tuân thủ theo những yêu cầu của ông ta, số tiền ông bà thu được sẽ là một trăm ngàn USD một năm, chưa kể việc đài thọ cho cậu bé học hành, đi tham quan đây đó sẽ do nhà tài trợ này chấp hết.
Ông bà giáo chỉ còn biết hạ chữ ký với vai trò người giám hộ hợp pháp cho Hòa và tiễn khách sau khi nhận số tài khoản mà toàn bộ gia sản của ông, nếu đào cả đất bán đi cũng chỉ bằng một phần năm!.Những ngày sau đó, không ai được tiếp xúc với Hòa nữa.Buổi sớm em leo lên chiếc Land Cruise của nhà kinh doanh đón rồi vào một trường quốc tế trong nội thành học, tối mịt xe đưa về như một Tổng giám đốc.
Vài tháng sau, doanh số bán hàng của mặt hàng mới từ lò sản xuất của ông bầu kia tăng phi mã, có tháng nguyên tiền thuế nộp cho nhà nước đã là ba mươi lăm ngàn USD.Số phương tiện kỹ thuật nhập về chật cứng bốn gian nhà của hội sở chính cơ quan. Nhân sự đã ở mức xấp xỉ năm trăm người.
Một giờ đồng hồ cậu bé Nguyễn Văn Hòa sản xuất ra 5 bản nhạc, từ đó, thêm một chút “gia vị” vào, 5 ca khúc độc đáo ra đời. Nhiều bản nhạc đã vượt trùng dương ra đến hải ngoại.Nhiều ca sỹ ăn theo dòng nhạc này đã phất lên, hãng xe hơi BMW thường phải hẹn khách ba tháng sau khi nhận tiền mới có xe giao.Ông chủ đỡ phải nài nỉ các nhạc sỹ, ca sỹ chịu sự nhiêu khê, kênh kiệu của họ khi mua nhạc phẩm mà giá thành nhiều khi đắt phát khiếp.
Công ty “Tiếng thời gian” chuẩn bị ra nhập sàn chứng khoán Quốc gia.
Đúng lúc ấy, Tòa án gửi giấy triệu tập ông Hòa và cậu Quý tử, họ bị một nhạc sỹ kiện về tội “ăn cắp bản quyền”.
Một giờ đồng hồ đầu tiên, ông Nhạc sỹ trẻ tuổi, có tướng của một ông Trùm cá độ thành đạt, béo nhẫy tố cáo rằng, ông đã nghiên cứu kỹ 5 ca khúc nổi tiếng của cậu Hòa thì phần lớn ca từ là của chính ông ta.Ông chứng minh, từ ngày Hòa tham gia “sáng tác” , đơn đặt hàng của ông ít đi và thu nhập giảm 70%.
Từ hội trường, nhiều tiếng xì xào tán thưởng đoạn minh chứng đanh thép trên của nguyên đơn sau khi nghe vài ca khúc do bên nguyên cung cấp.
Quả thật, cái gọi là “những dòng nhạc trẻ chốn bồng lai” hay “nét phác thảo của một vũ trụ bí ẩn” như báo chí nêu để ca ngợi Hòa kia toàn những ca từ vay mượn của những bài cải lương đang thoi thóp. Nó không hề phản ánh tâm tư, tình cảm vốn trong sáng của lớp trẻ như dòng chảy vốn đang ào ạt, sinh động ở ngoài đời. 70% nội dung của những “ca khúc” này toàn những “dối lừa” “phản trắc” “đớn đau”, “tuyệt vọng””chia phôi” (hay “chia li”) “lầm lỡ” hoặc “giã từ dĩ vẵng buồn” v.v…
Sau bài phát biểu của Luật sư bên nguyên thì có vẻ cha con nhà “nhạc sỹ” Nguyễn Văn Hòa thua là cái chắc.
Chín giờ sáng, có vẻ phiên tòa sắp đi vào kết cục khi bên nguyên đòi bên “sáng tác” và sản xuất phải xin lỗi và bồi thường năm chục ngàn USD thì một tình tiết mới nổ ra.
Sau khi đại diện công ty “tiếng thời gian” đứng lên, từ tốn tiếp thu như phong cách lịch lãm vốn có dư của một nhà chuyên nghiệp và hứa sẽ đàm phán, xem xét đến đề nghị kia thì từ hàng ghế cử tọa xuất hiện sự lộn xộn .
Lần đầu tiên trong lịch sử tố tụng, có một cuộc biểu tình ngồi phát sinh ngay trong phòng xử.
Gần ba chục nhạc sỹ đồng thanh hô khẩu hiệu đòi đình phiên tòa lại bởi chính họ cũng bị xâm hại như nguyên đơn. Họ thấy trong các ca khúc kia đều có hơi hướm, từ ngữ, giai điệu của họ.
Vị chủ tọa đề nghị giữ trật tự kèm theo lời hứa sẽ xem xét những nguyện vọng mà ông ta coi là “có cơ sở” kia tại một phiên tòa kế tiếp.
Buổi chiều, không gian phòng xử thay đổi, người ta kê trước khu vực thường để vành móng ngựa mấy cỗ máy lạnh ngắt.
Sau khi Luật sư của Bị đơn lên tiếng, phiên tòa như lặng đi. Không khí tôn nghiêm của pháp đình được tái lập.
Luật sư cho rằng: Thân chủ của ông, em Nguyễn Văn Hòa vốn là đứa trẻ thật thà vô cùng. Điều này được ba vị Hiệu trưởng các trường phổ thông em đã học và gia đình , bạn bè xác nhận.
Em Hòa cũng không có tính lưu manh, kể cả lưu manh văn hóa bằng chứng là khi phát hiện ra sản phẩm mới, em đã trình làng công khai ngay, bất vụ lợi ở cửa hàng internet hồi mới đầu.
Tất cả giá trị vật chất em thu được đều do đại diện công ty “Tiếng thời gian” tự nguyện trao. Em không có bất kỳ một yêu sách nào kể từ khi hai bên đàm phán, giao kết làm ăn.Với số tiền thu được, em đã giúp đỡ, tương tế cho bao nhiêu hoàn cảnh khó khăn.
Cuối cùng, Luật sư trịnh trọng công bố sẽ công khai trước tòa quy trình “sáng tác” của em Hòa để chứng minh em vô can.
Em Hòa, đã được chuẩn bị khá kỹ, đứng lên, điềm tĩnh trình bày.Chất giọng ấm trầm, truyền cảm và tin cậy. Em nói:
Kính thưa Quý Tòa, Kính thưa các Nhạc Sỹ, các Ca Sỹ và toàn thể các vị.
Như Luật Sư đã nói.Việc này em làm hoàn toàn do tình cờ, tò mò , sáng tạo mà ra. Khi làm, em không có ý làm hại ai hết. Em cũng chỉ định làm cho vui , không màng đến danh, lợi rồi còn chăm chú học hành nhưng do nhiều yếu tố, sự việc đã đẩy em vào nông nỗi này.
Để các nhạc sỹ thấu hiểu và cảm thông em xin trình bày xuất xứ và việc làm của em.
Em làm ở cửa hàng internet. Suốt ngày, nhà mở “nhạc trẻ” để phục vụ lớp khách vốn là học sinh cấp ba ở sát cổng tiệm.
Một ngày, hai ngày rồi nửa năm, em tiếp thu một cách vô thức nhưng ca từ, giai điệu của dòng “nhạc trẻ” mà thực ra, em chỉ yêu mến thật sự có mươi bài thôi.
Khi biết lập trình sơ bộ, em chợt hình thành ý nghĩ thử “sáng tác” một bản xem sao?
Em tỉ mẩn nhặt các ca từ , viết ra mẩu giấy nhỏ (sau này thì làm bằng máy, bằng phần mềm do em lập ra) sau đó, trộn, lắc lung tung lên.Cuối cùng, thò tay vào lượm từng từ ra, ra đến đâu, ghép đến đó thành một bài hát.
Làm xong, đọc lên nghe nó phi lí ghê gớm, chẳng có logic nào cả, chẳng có trật tự nào cả nhưng khi ép vào một khung có giai điệu thì cũng hay hay, là lạ. Em cũng thoáng so sánh với những bài hát đang thịnh hành cũng thấy nó rưa rứa như vậy nên cứ yên tâm bắn tiếp
Phần nhạc, với vốn nhạc lí em được học từ lớp sáu đến lớp mười nên em có cắt khúc giai điệu này của ca sỹ này, khúc kia của ca sỹ nọ, thấy nó cũng lơ lớ như nhau nên không “trỏi” lắm.
Có đoạn, em thể nghiệm lấy cả tiếng hét lác khản cổ của một chị thiếu phụ có chồng vừa chết vì tai nạn giao thông đến tiếng gào của một bà mẹ có thằng con trai bất trị. Về sau những cái này nhàm rồi em lấy cả ca khúc của mấy vị Sư cúng kiếng bên chùa, rồi tiếng đếm trái cây (rất gian) của mấy bà buôn bán bên hông nhà em ép vào, được tuốt.
Từ đó, công việc tiến triển.Trên báo chí, chỉ thấy khen chẳng thấy ai chê. Thậm chí, cái bản chất của “nhạc trẻ” như đã thể hiện, trật lất, nhác lười, nhốn nháo cũng không bị ai chỉ danh chỉ diện.Vì vậy, em cứ làm tới.
Bây giờ, em xin thực hiện một sáng tác ngay tại đây để minh họa.
Được phép của Tòa, cậu ngồi vào máy tính đã khởi động sẵn.
Cậu ngước về phía đông người, hỏi : “bây giờ, các vị thích nghe đề tài gì?”
Nhiều tiếng nói nhao nhao .Cậu bé lịch lãm: “Vâng!.Xin cảm ơn quý vị, để minh chứng rõ rằng năng lực của mình, tôi xin mời các vị nghe bài hát về pháp đình, về vụ kiện mà chúng ta đang có mặt ”.
Cậu cúi xuống bàn phím.
Đồng hồ chỉ 16giờ 01 phút.
Cậu ngẩng lên lúc 16 giờ 4 phút 13 giây.
Một làn điệu mới mẻ vang lên.
Mới nghe người ta biết ngay đó là Rốc cứng.Những âm thanh lục khục, cà giật, lục cục như một cỗ máy ô tô bị mẻ bánh răng hộp số được đề pa bằng một bình Ác quy khổ hạnh vang lên.
Ca từ mau mắn , gấp gáp , dồn dập đến độ lắp bắp, nghe tiếng được tiếng không, lúc hạ giọng xuống như đánh bạc giả, lúc căng cứng bất thường lên như sắp đánh nhau : .... “tiền, tiền, tiền liền, tiền liền nhạc có liền, ai nghe không mặc ai, cái mới là cái cũ đã bị quên hẳn, mười thằng nói rằng thằng kia ngu thì thằng thông minh nào cũng hạ cờ thúc thủ…tiền , tiền liền..yếu mềm cho con từ nơi đâu?, yếu mềm từ đây..loạn xì ngầu..con đi vào u tối ối ốI !!!.”
Đang bắn liên thanh, bản nhạc thoắt cái ngả sang một tiếng nữ nhưng chất giọng của giống đực còn đậm hơn cả tiếng nam, chậm rãi, lê thê : “ hới ôi..thế là chia xa…a.a.a thế lá đôi ta…thành ma…giã từ, tôi giã từ chính mình…ình.. ình… ình.”
Hình như theo thói quen, hội trường phòng xét xử vang lên một tràng vỗ tay.
Kế theo đó là một cung bậc mới tinh, phần lời thì na ná dân ca nhưng lại được một nữ ca sỹ gào lên, giọng khản đặc như ngày nhỏ bị người lớn nghi ăn cắp tiền: “ tòa…tòa…sớm đúng…chiều sai….ngày mai lại đúng…lúc nào lúng túng…vừa đúng vừa sai ..ai..ai..tai…không có kẻ sai người đúng…úng…úng…úng!!!! chỉ có kẻ thắng người thua…ua… dua… ua…”. Tiếng gào khiến cho người ta thấy ngay được cách khóc giả, thương vớ, đau mướn của mấy bà làm nghề khóc mướn những đám ma ở thị thành.
Khi “ca khúc” ngưng, không hiểu vì lí do gì, tất cả cử tọa đứng dậy, vỗ tay ào ạt, vỗ tay dồn dập như đón một thông điệp từ hành tinh khác.
Viên quan tòa thoáng một giây chững lại, có vẻ mất tự chủ, ông không biết phải làm gì kế tiếp thì Nhà khoa học xã hội Trần Thực Đứng lên:
Kính thưa các vị.
Vì tuổi cao sức yếu, tôi không thể dự phiên tòa này đến cuối cùng được .Xin các vị cho tôi nói vài lời.
Hội trường lặng đi.
Người ta đã biết uy danh của vị này, không những ở trong nước mà ngay trên chính trường Quốc tế. Ông đã từng đứng trên bục giảng nhiều trường đại học danh tiếng tại Mỹ, châu Âu.
Ông nói:
Vì tư cách một nhà khoa học chân chính, tôi không muốn úp mở điều gì nên tôi trịnh trọng thông báo: Tôi sẽ kiện các vị (ông hướng về hàng ghế các nhạc sỹ,ca sỹ) với những tội danh cụ thể có ghi trong luật Dân Sự, Hình Sự, Luật Bảo vệ bà mẹ - Trẻ em .
Các vị cần biết sớm rằng, trong mười lăm năm qua, cuộc tìm tiền vĩ đại của các vị cộng với thói vô trách nhiệm trước sự phát triển văn hóa của Dân tộc đã gây nên những hệ quả khôn lường. Nhẹ là làm mất thời gian học hành, vui chơi lành mạnh cho lớp thanh thiếu niên, nặng là hướng chúng đến những hình tượng, những thần tượng , những giá trị rởm. Nghiêm trọng hơn là triệt tiêu cảm nhận của các em về những giá trị âm nhạc đích thực, rực rỡ mà hàng ngàn nhạc sỹ nhiều thế hệ nước ta đã dày công tạo nên.Trên nền tảng đó, chúng ta khó mà “sánh vai với các cường quốc năm châu” về mặt âm nhạc như ta đã làm được trong suốt hành trình gian khó của đất nước .
Trong vụ kiện này, xin báo để ông Nguyễn Tự Nhiên, phụ huynh của “nhạc sỹ” Nguyễn Văn Hòa được biết, tôi có thể châm chước, không khởi kiện cả cha con ông trong tư cách đồng phạm nếu ông và nhà Tài trợ đàm phán, hủy bỏ ngay phần mềm “sáng tác” nhạc mà cháu Hòa vừa sáng chế ra, trước khi nó phát tán nhanh trên thị trường.
Xin lưu ý ông, một nhà giáo mà tôi từng kính trọng: Ông đã không giữ được thăng bằng, đã mất bình tĩnh trước một mớ quyền lợi mà ông cho là quá lớn thành ra, cha con ông cũng góp phần đầu độc lớp trẻ bằng những sáng tác, những giọng ca , những phong cách quái gở trên đây.
Rất mong ông xét kỹ đề nghị của tôi trước khi quá muộn.
Xin cảm ơn Quý vị.
Phòng xử lặng đi. Ông giáo lầm lũi đi ra khỏi phòng, một mình, đơn độc. Ánh nắng chiều tà soi vào ông, đổ vào sảnh tòa một cái bóng dài, chậm rãi, đĩnh đạc.
Tiếng chuông báo hết giờ phiên xử đầu tiên vang lên.
Trái với dự đoán của gia đình và lực lượng bảo vệ, không thấy cánh nhà báo túm đen túm đỏ xung quanh cậu bé Hòa “ nhạc sỹ điện tử” , cha con cậu lững thững bước ra khỏi tòa cùng một loạt các nhạc sỹ đồng hành. Có vẻ gì như mâu thuẫn của họ đã được giải quyết êm xuôi, không thấy ai còn vẻ mặt phấn khích, căng thẳng nữa!.
Thành phố trở nên nhập nhoạng, lòe toẹt vô cùng dưới muôn ngàn nguồn sáng vừa tranh nhau hắt lên.
N H C