Hotline: 0968133153
Tin tức hoạt động được Trung tâm cập nhật liên tục
Chuyên mục “Chuyện tào lao” kỳ này gửi tới Quý bạn một câu chuyện tào lao dạng viễn tưởng. Gọi là “viễn” nhưng thời gian giả định trong truyện này chỉ có vài năm, đủ để giật mình về nhân, tình, thế, thái của tri thức Việt…
Truyện ngắn viễn tưởng của Nguyễn Huy Cường
Năm 2014 tôi đến dự một cái hội thảo khoa học rất hấp dẫn có tên: “Bí ẩn con người, sự nghiệp từ cái tên gọi” của Viện Tiên Lượng học của một nước Đông Nam Á. Tan cuộc họp, tâm phục khẩu phục tài luận giải của vị Giáo sư chủ tọa hội thảo, tôi tìm cách tiếp cận bằng được vị này và nhiều điều lí thú đã được mở ra.
Tôi đưa ra vài cái tên bạn hữu để thầy phân tích, xem ra ý kiến nào cũng đúng.
Cuối buổi, tôi xin thầy vài cái tên đẹp để dự trữ cho vài đứa cháu nội ngoại của mình sắp ra đời thì thấy cho vài cái tên nghe rất …rát, khó nuốt.
Tôi thắc mắc, Ông nói: anh không có chuyên môn nên anh không biết, có nhiều cái tên nghe rất sốc nhưng “hiệu ứng” của nó lại rất hay, rất đặc biệt.
Ông cho biết, hồi đầu năm 2013 ông làm luận án Tiến sỹ bằng một luận chứng ở Việt Nam, đã thành công với một cái tên nghe rất chi là không bình thường : Hoàng thích Nghịch.
Rồi ông kể tôi nghe thân phận và sự nghiệp lẫy lừng của anh Nghịch họ Hoàng này. Những ấn tượng mạnh về anh khiến tâm can tôi hầu như bị thay đổi đến tận gốc rễ, đến nỗi nghi ngờ cả thuyết Nhân quả vĩ đại của nhà Phật. Tôi nghi ngờ luôn nhiều lí thuyết truyền thống khác như đạo đức, sự khổ luyện để thành tài, sự kiên trì hoặc những kỹ năng sống tiên tiến khác vốn được phổ cập mạnh ở Việt Nam những năm đầu thế kỷ hai mươi mốt.
*
* *
Chuyện kể rằng, hồi trước đó một năm, một nghi án đạo văn chưa từng có đã nổi lên, thu hút hầu như toàn bộ văn nhân sỹ tử Việt Nam vào cuộc. Đó là việc Hoàng thi sỹ đã làm một trăm rưỡi bài thơ trong bốn giờ đồng hồ được tập hợp lại trong tập thơ “Vô linh thi tập”. Với khung thời gian ấy, một cán bộ văn phòng cỡ siêu ngồi cắm cổ gõ bàn phím, gõ thoải mái, gõ không cần suy nghĩ cũng không thể tòi ra ngần ấy chữ nghĩa.
Tổng kết của nhà khoa học này, người ta ghi nhận vài tham số:
Cứ một triệu ý kiến phản bác, bóc trần tính bất chính của đối tượng thì có một phần triệu cá nhân hoặc cơ quan truyền thông lên tiếng bênh vực cho Hoàng Thích Nghịch.
Cuối cùng, trước làn sóng phản bác gay gắt của dư luận, cơ quan thẩm quyền đã phải lên tiếng.
Cục Khảo Tân của Bộ Văn Hóa, sau khi tiếp thu đơn kiện của một tập thể các nhà văn đã có công văn số ba vạn chín nghìn trả lời công khai với 09 điểm như sau:
1- Xem xét những ý bị lặp, những từ giống nhau giữa hai văn bản có một tỉ lệ bằng hoặc thấp hơn những vụ tương tự trước đó xảy ra ở đất nước này nhiều nên đây chưa phải vấn đề lớn .
2- Theo đơn kiện thì Tác giả của văn bản 01 chính là người bị hại mà người bị hại không thắc mắc, khiếu kiện nên coi như không có vấn đề gì.
3- Việc văn vần hóa tác phẩm văn xuôi có tác dụng nhất định là dễ nhớ, dễ truyền khẩu nên nhân tố này là “công” chứ không phải “tội”.
4- Việc tung hô Hoàng Thích Nghịch, kể cả có tác động của Hoàng Thích Nghịch mà các cấp liên quan không làm thì cũng không có hội thảo cho nên việc này không thuộc trách nhiệm của Hoàng Thích Nghịch.
5- Trên thực tế, việc đạo văn này thể hiện khá rõ, tác hại của nó chỉ hạ nhục một vài con người nhưng nó thức tỉnh cả một thế hệ để tránh những điều tương tự về sau cho nên, ngay ở nhân tố này cũng coi đây là “công” chứ không phải tội.
6- Việc tự lăng xê, tự bốc thơm , tự tôn vinh mình lên hàm này tước nọ cao hơn thực lực của mình không phải độc quyền của Hoàng Thích Nghịch mà là một hiện tượng chung, khá phổ biến trong xã hội nên không xem xét .
7- Việc có học hàm Giáo sư hay không, có “viện nghiên cứu sơ hở thời hiện tại” mà Hoàng Thích Nghịch làm Viện Trưởng hay không không phải là vấn đề lớn. Hiện nay, mỗi năm có hàng chục ngàn Doanh nghiệp bốc hơi, có hàng ngàn tổ chức hữu danh vô thực, Việc “Viện nghiên cứu sơ hở thời đại” có hay không có không ảnh hưởng gì đến đời sống xã hội.
8- Việc tạo những vận động để dành giải No Bench của Hoàng Thích Nghịch có nguồn gốc từ lòng tự tôn dân tộc, Nghịch thấy khổ nhục khi từ trước đến nay chưa bao giờ dân tộc mình đạt được danh vị cao quý này nên nay gắng sức, được là vinh quang chung cho cả nước , bản thân Nghịch chỉ hưởng một phần tám mươi sáu triệu vinh quang nên Bộ không xem đây là lỗi.
9- Bộ Văn Hóa không khuyến khích giới văn học, nghệ thuật và công luận tập chung vào vụ việc này mà khuyến cáo nên tập chung vào nhiều vấn đề nóng bỏng khác của đất nước.
Sau kết cục này, dư luận tạm xẹp xuống. Người ta dù không tuân thủ, không tâm phục khẩu phục 09 điểm kết luận bên trên của Bộ Văn Hóa mà họ chỉ cảm thông và ý thức được điều cuối cùng của văn bản này: đất nước còn bộn bề bao nhiêu việc. Cần phải dành tâm lực cho những vấn đề nóng bỏng khác hơn là cứ túm vào nhạo báng, cười cợt một cái thây ma văn thế.
Sau vụ này, Cục Khảo Tân được tính tới việc phải nâng cấp, tổ chức này thu hút hết một nửa năng lực nhân sự của Bộ và một lượng cán bộ xin từ bên Cục Hình sự, Bộ Công An chuyển sang.
Họ phải thành lập một lúc sáu Viện, mỗi Viện chuyên khảo cứu những trùng lặp, lộn xộn trong địa hạt của mình đang phát triển như nấm sau mưa. Riêng Viện Văn xuôi, sáu tháng đầu năm 2014 đã phát hiện ra bốn trăm vụ nghi án đạo văn. Ấy thế mà khi tổng kết công tác, vẫn phải nhận hình thức phê bình vì bỏ sót mất gần ba trăm vụ khác.
Bên Viện nghiên cứu “những sự trùng lặp về thơ” thì căng hơn. Bà Viện trưởng xin Bộ cho thêm năm chục chuyên viên, nếu không sẽ từ chức bởi sau văn bản giải quyết vụ Hoàng Thích Nghịch của Bộ, tình hình sao chép, cầm nhầm thơ phát triển như bão tố, thậm chí có ông Nhà thơ còn ăn cắp chính thơ của mình mà nghiêm trọng hơn, ông ta ăn cắp đến ba lần chính một đoạn thơ của mình để cơ cấu cho ba bài thơ khác nhau đăng ở các diễn đàn khác nhau bằng các bút danh khác nhau, chỉ đến khi bạn đọc phát hiện, Cục Khảo Tân mới nhìn nhận ra sự thể này.
Cuối năm 2015 đất nước trở lại thanh bình, một niềm tin mơ hồ vào một thời kỳ mới, thời kỳ một nền văn học lành mạnh, trung thực và nhiều giá trị đang nảy nở thì đùng một cái, những đợt sóng mới dữ dằn, lộn xộn, và hỗn tạp nổi lên.
Từ Thụy Điển, Ủy ban giải No Bench trịnh trọng thông báo: Giải No Bench năm 2015 thuộc về Hoàng Thích Nghịch của Việt Nam.
Bộ Ngoại giao bỗng chốc xuất hiện cấp tập một núi công việc.
Vị cựu bộ trưởng bữa trước tham gia hội thảo, được bầu làm chủ tịch Ủy Ban tiếp nhận giải.
Hội Đồng hương tỉnh nhà, nơi nguyên quán của Hoàng thi sỹ vận động ngay lập tức được 10 tỉ đồng để lo chi phí vé máy bay, khách sạn cho 100 đại biểu tháp tùng.
Trên mạng xuất hiện những ý kiến phản đối việc này, phản đối cả cơ quan trao giải .
Lập tức, trên đất nước, nhiều cuộc biểu tình phản đối những ý kiến kia. Những khẩu hiệu, biểu ngữ cho thấy họ là những người yêu nước, họ quyết bảo vệ cơ hội cao quý này để tôn vinh đất nước. Chưa bao giờ đất nước rộn rã niềm vui như bây giờ.
Một tuần sau, Ủy ban trao giải No Bench Thụy Điển nhận được lá đơn của một tập thể khoảng hai ngàn ngươi Việt Nam phản đối quyết định này.
Một giờ sau, Chánh văn phòng Ủy ban giải thưởng No Bench Mc. Lomcom đã có thư điện tử phúc đáp đại ý như sau:
- Chúng tôi trao giải là công nhận năng lực của nhà thơ và ý nghĩa của tác phẩm chứ chúng tôi không quan tâm đến những rắc rối nội bộ của các vị. Việc đó nếu có các vị tự giải quyết, trừ khi có một văn bản trước đó giống y như văn bản này.
- Chúng tôi nhận được cam kết của người nhận giải là dành vinh quang này cho một ngôi chùa, bản thân ông ta không cần gì.
- Chúng tôi xét giải có tính tới việc khuyến khích các nhà khoa học khác tham gia vào lĩnh vực thi ca. Các nghiên cứu khoa học cho thấy khi các nhà khoa học yêu văn nghệ thì họ sẽ sống lâu hơn và cống hiến nhiều hơn cho khoa học.
- Chúng tôi trao giải có một phần biểu lộ tình cảm với người Việt Nam
Người Việt Nam vốn tài giỏi vậy mà ở một số diễn đàn quốc tế, như ở Olimpich Lon Don 2012 cả đoàn không đoạt được một huy chương nào. Nay việc trao giải có thể sẽ tạo sự chú ý, khuyến khích đầu tư vào Việt Nam.
Một ngày sau, tại quê hương Nhà thơ Hoàng Thích Nghịch, Hội đồng hương tỉnh này tại 8 thành phố lớn đã đổ về quê khởi công xây dựng một căn nhà lưu niệm thành tích cấp quốc tế của Hoàng thi sỹ. Công trình trị giá 50 tỉ đồng này có một tấm bia đá ngọc màu trắng ngà khảm chữ chìm màu xanh ngọc ghi rõ:
Hoàng Thích Nghịch
Giáo sư, Viện trưởng “Viên nghiên cứu những sơ hở thời đại” , giải No Bench quốc tế, tác giả tập thơ “Vô Linh thi tập” có một không hai, tác phẩm đạt kỷ lục châu Á về cân nặng, người đem danh thơm về cho giòng họ, cho tỉnh nhà và cho đất nước Việt Nam năm 2012.
Ngày khánh thành, vợ chồng Hoàng Thích Nghịch có về nhưng chỉ dự được 45 phút, chụp ảnh chung với gần hai trăm quan khách rồi về Sài Gòn ngay để chuẩn bị lên đường đi dự lễ trao giải. Trước khi đi, ông trao cho Ban thực hiện dự án xây nhà lưu niệm ba tỉ đồng, gọi là chút quà động viên anh chị em địa phương trong những ngày vất vả.
Các đài truyền hình rất thất vọng về việc không thể tác nghiệp trực tiếp với nhân vật chính, họ đành quay sang làm phóng sự về việc xây dựng khu lưu niệm.
Cùng dịp này, Ủy ban nhân dân tỉnh quyết định đổi tên ngôi trường đại học duy nhất của tỉnh thành “Trường đại học Hoàng Thích Nghịch”.
Giữa tháng sáu năm 2013, Đoàn đại biểu UNESCO đến thăm một hang động nổi tiếng của tỉnh nhà. Nhân đây, bà Giám đốc cơ quan đại diện UNESCO có nhã ý đến thăm ngôi nhà lưu niệm Hoàng Thích Nghịch.
Chả là UNESCO mới nhận được một bộ hồ sơ gửi từ Việt Nam xin công nhận loại thơ thiền trong tập thơ “Vô linh thi tập” làm di sản văn hóa phi vật thể của thế giới
Bà cho trợ lí của mình quay phim thật kỹ cảnh quan khu lưu niệm, quay đặc tả từ cây cảnh, tấm bia , di tích nhà riêng Hoàng Thích Nghịch hồi thơ ấu, ngôi trường Hoàng Thích Nghịch đã học hồi nhỏ, cái ao hồi nhỏ Hoàng Thích Nghịch hay tắm táp, câu cá.
Đoàn UNESCO rất xúc động. Họ còn được những người hướng dẫn cho biết rằng, mảnh đất này đã từng là nơi sinh ra của nhiều vĩ nhân khác.
Khi về đến nhà khách tỉnh, Đoàn tỏ ý muốn gặp Hoàng Thích Nghịch một chút nhưng một chức sắc trong tỉnh cho biết Ngài lấy làm tiếc vì hôm nay, Ngài đang ngồi thiền tại một ngôi chùa lớn ở ngoại ô thành phố.
Cuối cùng, cả đoàn công tác của UNESCO hơn chục người đành phải đến ngôi chùa, đứng ngắm Hoàng Thích Nghịch từ xa. Ống kính tê lê của chuyên viên văn hóa “zoom” cận cảnh cho thấy, gương mặt Thi sỹ Hoàng Thích Nghịch lúc này đang siêu thoát thật sự, Ngài nhắm tịt cả hai mắt, như một người đang ở cõi vô vi, không còn chút nào vướng bận điều gì nơi dương thế.
Nửa đêm ngày tám tháng bảy năm 2016, từ Mỹ, UNESCO gửi một công điện khẩn cho Bộ ngoại giao Việt Nam đề nghị giải thích một việc lạ lùng.
Trong tập phim ảnh đoàn quay tại nhà lưu niệm Hoàng Thích Nghịch có một bí mật.
Tại tấm bia khổ một mét nhân hai phẩy tám mét bằng đá ngọc trắng ngần ấy, ngoài dòng chữ màu xanh lấp lánh khắc chìm dễ đọc như nội dung đã ghi, ở một góc khác, khi thể hiện bằng kỹ thuật 4D, chế độ Full HD, nhìn từ trên trời xuống, chếch 25 độ khi gặp ánh sáng tạo khúc xạ hợp lí thì có một nội dung khác hiện bằng một nội dung khác, phải nhìn rất khéo mới thấy.
Trên đó có nội dung hoàn chỉnh là:
Hoàng Thich Nghịch
Tên đại bịp của thế kỷ 21, đã từng làm Giáo sư, Viện trưởng “Viên nghiên cứu những sơ hở thời đại”, giải No Bench quốc tế, tác giả tập thơ “Vô Linh thi tập” có một không hai, người đem danh thơm về cho giòng họ, cho tỉnh nhà và cho đất nước Việt Nam năm 2012 nhưng cũng là nỗi nhục muôn đời cho hậu thế.
Thông tin này lập tức bay đến trụ sở Viện Nghiên cứu sơ hở Thời đại và các cơ quan hữu trách . Bốn giờ sau, năm chuyến bay từ Hà Nội, Đà Nẵng, Thành phố Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Cần Thơ cấp tập về miền Trung.
Hai trăm nhà báo từ Mỹ, Nhật, Pháp và nhiều địa phương của Việt Nam đang nhằm hướng này trực chỉ!
Chuyến chuyên cơ chở Hoàng Thích Nghịch và gia đình về sớm một tiếng.
Tại khu lưu niệm, trong ánh bình minh rất đẹp vừa hừng lên, dòng chữ bí ẩn hiện lờ mờ khi nhìn xéo 25 độ từ trên trời xuống.
Hoàng Thích Nghịch ghé tai trao đổi với tay chủ tịch huyện.
Một khẩn lệnh được ban bố: Phá tan, phá hết, phá như bị phá hoại toàn bộ khu lưu niệm này. Đặc biệt, đem ngay một tấn đá ngọc trắng từ nơi khác đổ vào hiện trường sau khi dọn thật sạch từ li từng tí các vụn vỡ của tấm bia cũ đổ xuống sông , kiên quyết không để một viên đá cũ nào lọt vào tay cánh nhà báo.
Buổi chiều hôm sau, một cuộc họp báo được tổ chức để thông báo về những kẻ ích kỷ, ghen ăn tức ở đã phá sạch khu lưu niệm.
Khi các nhà báo hỏi Hoàng Thích Nghịch về dự cảm xây dựng khu lưu niệm mới, ông ta phẩy tay: khỏi cần, tên tuổi tôi đã được lịch sử văn hóa thế giới ghi nhận.
Dịp đưa bạn hữu sang Ân Độ du lịch. Tôi tìm đến nhà vị Thầy khả kính chuyên luận đoán sự nghiệp con người qua những cái tên mà tôi có vinh dự quen biết hồi ở Thái Lan. Tôi đề nghị Vị Thầy đặc biệt này luận giải về cái tên và sự nghiệp của Hoàng Thích Nghịch.
Ông thầy cười rất hiền.
“Hoàng” khẳng định ngôi vị vua chúa của anh ta. Ông nói.
“thích” là sở thích, ý thích.
“Nghịch” là đùa giỡn, nghịch ngợm. Những gì đã thể hiện nổi rất rõ tính chất của ba chữ này.
Chúng tôi trầm trồ bái lạy ông, thần phục ông thì Sư Thầy này phì cười, cái cười hóm hỉnh và độ lượng.
- Đùa các vị chút cho vui thôi, sáu chục năm trước , thế hệ phụ huynh bên xứ các vị thường đặt tên theo hàm nghĩa Hán văn.
Tại đó, chữ “thích” không phải là yêu thích, thích thú mà là một nội hàm chỉ một hành động.
Tổng hợp lại, theo chuyên môn của tôi, khoảng 100 năm nay, chưa có một cái tên nào mang nhiều nội hàm như vậy. Ở Việt Văn, nó cũng rất “nổi” ở Hán văn, nó cũng rất trội. Nhưng tinh hoa đó đã tạo nên một danh vị lẫy lừng là hoàn toàn hợp lí.
Nguyễn Huy Cường.