Hotline: 0968133153
Tin tức hoạt động được Trung tâm cập nhật liên tục
Éo le thay, những tai nạn này nó cứ tứ từ, ngọt ngào, âm ỉ chứ nó không vỗ mặt ngay để tự cảnh tỉnh hoặc được cảnh tỉnh. Đến nỗi, cả bốn mươi tám ông bộ đội năm xưa và bao nhiêu tỉ đàn ông trên thế gian này đâu có dễ sẻ chia, bộc lộ và khi Hoàn bị bại lộ, con xử trảm ngay lập tức nên…
Truyện ngắn
Chị Thùy gật đầu chào đồng nghiệp “hôm nay chị bệnh, về trước các em một chút nghe!”. Cô bé phóng viên nhỏ nhắn ngồi gần khẽ cười, gật đầu thông cảm “Dạ!”
Thực ra, Thùy nói dối. Hôm nay chị khỏe khoắn và có phần hưng phấn hơn ngày thường một chút, chị vừa có một niềm vui bất thường.
Một Tòa báo trên Sài Gòn mở cuộc “Thi viết thư tình”. Chị Phó tổng biên tập báo ấy là bạn thân với Thùy từ hồi hai người còn là nhà giáo. Họ mến mộ nhau qua sự cảm thông và tài năng, được thẩm định qua những tác phẩm nhiều ấn tượng. Chị Phó tổng đã mời Thùy vào ban sơ khảo. Mỗi tuần, chị ấy gửi cho Thùy dăm chục bài thi. Thùy đọc và loại bỏ khoảng 80% số thư từ vô bổ. Số còn lại, chị phải lưu tâm và điền vài chữ vào “phiếu nhận xét” rồi gửi lại về Sài Gòn.
Sóng biển hôm nay cứ như một đàn ngựa nhỏ, tinh nghịch và sung mãn. Chúng cứ dai dẳng đùa với ánh chiều càng muộn càng rực rỡ. Chúng tạo nên những đợt sóng nhỏ kế tiếp nhau từ tít ngoài khơi xa xô vào bờ, khi vồn vã, lúc rụt rè, ào ạt và thỉnh thoảng, có những khoảng lặng.
Khi thì nó bất thình lình ào vào bờ, sắc tím hoang dại của hoàng hôn nhuộm đặc lên mặt sóng, bất ngờ vỡ thành ngàn đốm sáng muôn màu và rồi thiên nhiên lại cần mẫn làm lại từ đầu những trò chơi mới, hoành tráng, mới mẻ và huyền diệu.
Thùy bất giác đạp xe chậm lại rồi dừng hẳn bên một phiến đá đẹp. Vốn ở sát biển mà hơn chín năm nay, chẳng mấy khi Thùy ngồi ngắm hoàng hôn thư thái như thế này.
Hôm nay, biển níu kéo Thùy, biển đùa giỡn hoài ngoài kia như cố ý nhắc lại những kỷ niệm hơn chục năm về trước. Ngày gặp Hoàn, người chồng lắm tài nhiều tật của chị cũng tại nơi đây.
Thùy ngồi xuống, kéo khóa mở chiếc xắc xinh xinh, lần tìm trong mớ tâm sự của nhân thế để lấy ra một lá thư dự thi gửi về từ Ba Lan xa xôi . Thùy không đám đọc ở văn phòng, sợ rằng, có lúc mình sẽ thét to lên hoặc làm một cái gì đại loại như vậy, như hơn chục năm về trước, ngày gặp Hoàn ngoài bãi biển này.
Chiều hôm đó, cô giáo dạy văn bậc trung học đang ngồi một mình tận hưởng trọn một hoàng hôn rực rỡ của khu bãi này khi ấy còn rất vắng.
Từ phía sau, một thanh niên cao to đang đi về phía biển. Thùy cảm nhận rất rõ từng bước đi của anh ta phía sau mình. Thùy khởi động một trò chơi nhỏ khi cô thầm đếm ba mươi…hai mươi bảy…mười lăm bước. Cô dự tính sau bao nhiêu số đếm, anh ta sẽ dừng lại bên Thùy, Thùy chủ quan như thế vì cô quá hiểu về sắc đẹp của mình. Cô cũng quá hiểu lũ bạn trai ở phố và ở cơ quan khi có dịp gần Thùy.
Nhưng, Thùy đã nhầm.
Anh chàng già hơn cái tuổi hăm lăm, cứ lừng lững bước ra biển. Anh không hề dừng lại nói một câu xã giao hay đọc một vần thơ Xuân Diệu.
Anh vẫn đang tiến từ từ ra phía biển. Mặt trời từ phía sau hắt bóng anh ta chòang hết một phần biển dài kinh khủng chếch ra phía trước như một hành lang chỉ đường. Nước biển đã chìm dần chân anh, chìm dần sau mỗi bước đi, đã lên trên đầu gối.
Thùy chột dạ. Chẳng lẽ con người đầy khí phách này đang tính quẩn điều gì hay đang định… tự tử. Anh ta cừ ào ào tiến ra phía trước khi còn mặc nguyên cả quần áo dài.
Thùy đứng dậy, quả quyết ào ra, thoắt tính sẽ lôi anh ta trở lại khi còn chưa muộn. Đúng lúc ấy, một con sóng tầm trung bất thần ập vào, đẩy anh ta ngã trở lại vào bờ. Khi sóng rút đi rồi, anh ngồi nguyên đó, tư thế nửa nằm, nửa ngồi, gương mặt vẫn còn ngơ ngác.
Khi nhận ra cô gái lạ bên mình, anh không chút ngạc nhiên và cũng không căn vặn xem cô là ai. Anh đang chìm trong trạng thái lơ mơ. Anh hỏi một câu, hình như hỏi trời, hỏi biển “Có khi nào ý chí và lòng yêu khoa học bị số phận đánh ngã như thế này hoặc lèn nó chìm vào bờ cát không nhỉ?”.
Thùy hơi choáng và xốn xang một cảm xúc không tên trước lối hành xử chân tình và cái bất thường nơi người thanh niên này.
Kiến thức của nghề làm thầy giáo đưa Thùy tiếp cận với tinh thần trách nhiệm: Nhưng mà, anh phải cho em biết những cái liên quan đã chứ, em sẽ trả lời anh ngay, em chúa ghét hai chữ “số phận” đấy!
Anh chàng bất ngờ ôm lấy hai vai Thùy, tự tin và nồng nhiệt. Tiếng anh thật như sóng biển” “ôi!, em là bạn của anh thật rồi, anh sẽ không bao giờ đầu hàng số phận, anh sẽ thành công”.
Anh ta vỗ vỗ vào người Thùy, chia sẻ niềm phấn khích cao độ.
Nhưng khi tay anh ta chạm vào bộ ngực đang phập phồng của Thùy thì hình như anh bừng tỉnh. Anh bắt đầu có ý thức hơn về hoàn cảnh thực tế. Anh buông tay khỏi vai người lạ. Anh có ý thanh minh cho tình cảnh này bằng một câu chuyện rất thầm kín.
Cha anh vừa mất được vài tháng. Khi còn sống, ông thuộc mẫu người lãnh đạo cương nghị, thẳng thắn ở cơ quan. Cách sống đó không được lòng mấy người thuộc cấp. Nay ông đi rồi, họ mừng hết lớn và sau đó, họ cũng không có lí do gì để cưng nựng cậu con trai Sếp là Hoàn, một thanh niên có tài nhưng lãng mạn như một nhà thơ. Chính vì vậy, đề tài khoa học của anh khó được ưu tiên để xúc tiến.
Anh không nản chí, anh tự bỏ tiền túi ra thực hiện đề tài và cách đây nửa giờ, nó được hoàn thiện. Anh sung sướng đến phát điên lên và theo một thói quen, mỗi khi phấn khích kiểu này, anh ào ra biển, hòa vào biển và nói chuyện với biển.
Hôm nay, đại diện của biển cả bao dung là một cô gái đẹp. Cô có vẻ rất chăm chú nghe anh. Hoàn vẽ nhanh lên mặt cát mịn ướt những đường nét nhì nhằng, những công thức và thuyết minh nó rất rành rẽ.
Công trình của anh là chế từ hạt trái cây có dầu ở Việt Nam, tạo ra lớp dung môi thực vật phủ lên bề mặt lớp sơn công nghiệp dùng cho tàu bè và chân đế những giàn khoan, chống lại sự xâm hại, phá hoại của nước mặn, tăng tuổi thọ của công trình hoặc phương tiện.
Anh minh họa với Thùy bằng con số hàng ngàn tỷ đồng tiết kiệm được khi kéo dài tuổi thọ những con tàu, những công trình thêm ba năm, năm năm hoặc lâu hơn.
Nhìn cái miệng rộng và nụ cười rạng rỡ, cái ánh mắt long lanh niềm tin của anh, Thùy tiếp thu khá nhanh ý nghĩa công trình khoa học của chàng trai trẻ.
Đêm đó, họ ở lại bên nhau trên bờ biển, cùng biển tâm sự thêm những điều khác. Hoàn chỉ nói đến tình yêu như một diễn giả ở hội trường ngừng lời uống một tợp nước sau báo cáo khoa học.
Thùy cũng chỉ cần từng ấy. Sau mấy năm lớn lên, từ một cô nữ sinh sư phạm đến khi làm cô giáo thực thụ, Thùy đã tiếp xúc với khá nhiều đàn ông đến “đặt vấn đề” nhưng quả thật, người đàn ông thực thụ, ào ạt và thực lòng này hoàn toàn chinh phục nàng. Thùy ôm riết lấy anh như sợ sóng biển cướp đi mất.
Trước ngày cưới, cũng có một khoảng lặng giữa không gian xô bồ, hạnh phúc và mãnh liệt của đôi trẻ, ba Thùy nói: con coi chừng đấy, cứ nhìn vào mắt nó, ba thấy thằng này coi cả biển trời là tài sản riêng của nó ấy. Và như thế, con sẽ chỉ là hạt cát bé xíu!.
Cô thật thà nói lại với người yêu. Hoàn không chối cãi, anh cười rất hóm hỉnh: “Ba em nói đúng đấy. Em chỉ là bé xíu trong anh, nhưng em là viên kim cương nhỏ đấy, đừng hòng anh nhường nó cho ai!”.
Lãng mạn và chân thành, Thùy nghĩ về người yêu lần cuối trước khi ký vào tờ đăng ký kết hôn.
Ba Thùy đã nói đúng, Hoàn cũng đã nói đúng. Anh thực sự coi cô là viên kim cương quý giá nhưng có điều, sau thành công của anh, con đường danh vọng mở ra thênh thang. Anh được phong chức Giám đốc kỹ thuật một công ty lớn khi tuổi đời chớm ba mươi. Trên hành trình đó, anh dễ dàng lượm thêm hàng tá kim cương khác!.
Sẽ là bình thường nếu sau sự cố thứ nhất. Nếu thấy lấp lánh ánh kim cương mới trong túi áo anh, Thùy sẽ phải ra tay nhưng vì quá yêu, quá tin chồng, môi trường sống lại xa cách. Cô ở Vũng Tàu còn anh ra thực hiện một dự án tận Đà Nẵng nên cô không quan tâm nhiều đến chồng.
Một lần, Thùy đi họp bất thường ngoài Đà Nẵng. Buổi chiều đoàn đi tắm biển. Thùy mượn cái ống nhòm của anh trưởng đoàn thử nhìn ra xa.
Khi cái nhìn dừng lại ở con tàu lớn đang neo cách đó chừng ba dặm, cô tím mặt nhìn thấy chồng trong khuôn hình. Bong tàu vắng lặng, lũ bạn anh đã lên bờ. Trong vòng tay anh là một cô gái trẻ, nõn nà đang gắn chặt vào anh, quằn quại sung sướng khi một mình họ làm chủ một khoảng trời. Bốn bề là trời biển bao la.
Đêm đó, Hai vợ chồng ngồi bên bờ biển. Giữa tiếng gầm rú của một cơn lốc nhỏ xa xa, Thùy nói:
- Anh không có gì để biện hộ cho mình. Việc tốt nhất cho chúng ta là li dị. Càng nhanh càng tốt, càng yên ắng càng tốt. Điều này có lợi cho anh và cho tôi, cho con gái của chúng ta.
Vẻ mặt Thùy lúc này giống một thẩm phán hơn là một cô Hiệu phó. Lòng tự trọng như một thứ mãnh lực vô hình, thứ mãnh lực được tạo bởi danh dự một Hiệu phó mẫu mực, một truyền thống gia đình lừng lẫy và trật tự. Từ sự tưởng tượng những hậu quả khủng khiếp nếu câu chuyện trong ống nhòm bị bại lộ, trở thành chuyện đàm tiếu của bạn hữu, học trò.
Quá hiểu Thùy, một tuần sau, Hoàn không chia tay với bất kỳ ai ở phổ biển. Anh cũng không thanh minh một câu nào. Anh có một nguyên tắc sống được tôn trọng ngay cả trong hoàn cảnh tệ nhất: không dối trá.
Anh sang Đông Âu bằng hộ chiếu du lịch để kiếm việc làm. Sau đó anh sang hẳn bên đó, tiêu sầu trong một sự nghiệp mới tại một xưởng đóng tàu ở Ba Lan, nơi tài năng của anh được trọng dụng, bỏ lại Việt Nam cả một vốc kim cương đủ màu sắc.
Hoàn đi rồi, Thùy mất đi nguồn dự trữ nhiên liệu luôn âm ỉ trong bối cảnh một gia đình luôn đầy ắp hạnh phúc. Cô không trụ vũng được nữa trên bục giảng văn học và cương vị lãnh đạo ở trường phổ thông. Thùy âm thầm chuyển qua một môi trường mới là nghề làm báo, một thứ nghề chỉ luôn nói giùm người khác.
Vài năm sau, những con sóng bất thường luôn đổ xô về phía Thùy. Trai tơ có, Tiến sỹ có, Sỹ quan quân đội có. Có đêm, Thùy đem chuyện này tâm sự với mẹ. Mẹ cô lắng nghe tất cả, cuối cùng, bà hỏi:
- Có thể nào con quên hẳn được thằng Hoàn không?
Thùy không dám trả lời câu hỏi ấy, dù là với mẹ.
Một lần khác, mẹ nói:
- Riêng mẹ, mẹ nhớ nó vô cùng. Sao mà nó giống ba con đến thế. Ngày nó còn ở chung nhà với mình, cứ đi đâu về, thấy nó là mẹ yên tâm… nhất là từ khi ba con mất đi…
Thùy không muốn nghe mẹ nói thêm, cô cắt ngang bằng một câu hỏi:
- Ba con có bao giờ phản bội mẹ không ạ! ?
Bà mẹ ứa hai giọt nước mắt, không trả lời.
Bà thấy Thùy không phải “cô giáo” hay “nhà báo” gì cả mà chỉ thấy đứa con gái nhỏ nhoi, tội nghiệp.
Bà vào trong nhà, lục lọi hồi lâu rồi lấy ra một cuộn giấy cũ, đã sờn mép, ố vàng.
- Con đem về phòng riêng đọc đi, rồi sẽ hiểu.
Ba giờ sáng hôm ấy, cô sang phòng mẹ. Cô vừa đọc hết bốn mươi bảy tờ giấy, chính là bốn mươi bảy bản kiểm điểm của các bạn chiến đấu cấp dưới của ba cô hồi đầu kháng chiến chống Pháp.
Bốn mươi bảy tâm tư, bốn mươi bảy cách bộc bạch của bốn mươi bảy sỹ quan, binh lính, bốn mươi bảy người đàn ông thời ấy.
Nét chung là những tâm tư rất thật, tình cảm yêu đương rất bạo liệt nhưng vẫn dám xả thân ra trận gần như trong một hoàn cảnh ghê gớm, khói lửa mù trời.
Hồi đó, anh bộ đội thời Điện Biên trong sạch lắm. Họ sống chí công vô tư, đàng hoàng chính trực.
Trong những đợt phê bình và tự phê bình, họ có mỗi cái “tội” là tội…ham gái!
Một mặt là do tình cảm quá thực, hai nữa là do trình độ học vấn có hạn nên những tình tiết của “tội lỗi” được các anh trình bày rất tức cười, rất ngộ nghĩnh. Nó vừa tếu vừa dễ cảm thông.
Thùy cảm thấy, nếu bây giờ được chọn lựa, có thể “chấm” bất cứ anh nào trong số này. Họ có vẻ dễ tin cậy hơn đàn ong bay bướm lượn quanh mình lúc này.
Nghĩ đến đấy, má Thùy ửng hồng lên, cô hỏi một câu chống thẹn:
- Ba con có… như thế không mẹ.
- Mẹ có trong tay bốn mươi tám bản kiểm điểm nhưng chỉ đưa cho con bốn mươi bảy bản, con hiểu vì sao không?.
Im lặng.
- Vì con có một điều khác hẳn mẹ, đó là tính… cố chấp!.
Mẹ Thùy nhìn con, ánh mắt nghiêm khắc như đang nhìn một học sinh cá biệt.
Thùy ôm chặt lấy mẹ. Cô thổn thức: “Sao mẹ chỉ là một cô y tá quân y, ăn học có hạn mà mẹ có được sự khoan dung ấy hả mẹ?”.
Bà mẹ nhìn rất xa. Cái nhìn như vươn tới không gian rất xa, vùng Tây Bắc thăm thẳm những ngày đầu cuộc chiến: “Đơn giản lắm con ạ. Ngoài bốn mươi tám người đàn ông vụng về yêu, quả cảm sống ấy, còn hàng ngàn, hàng chục ngàn anh khác, chưa biết đến một cái hôn bạn gái, chưa một lần biết đến hương thầm của da thịt đàn bà đã vĩnh viễn ra đi…”.
Thùy rớm nước mắt nhìn mẹ “nhưng đó là những người lính đang đối diện với chiến tranh, còn anh Hoàn của con…”.
Giọng bà mẹ trầm hẳn xuống.
- Hoàn còn tội nghiệp hơn. Các anh bộ đội xưa không có môi trường để yêu còn Hoàn có quá thừa môi trường, không gian để yêu. Tài năng, đẹp trai, lãng mạn, lòng chân thành, những thứ đó đã tạo nên sức hút chết người cho những cô gái gần Hoàn.
Éo le thay, những tai nạn này nó cứ tứ từ, ngọt ngào, âm ỉ chứ nó không vỗ mặt ngay để tự cảnh tỉnh hoặc được cảnh tỉnh. Đến nỗi, cả bốn mươi tám ông bộ đội năm xưa và bao nhiêu tỉ đàn ông trên thế gian này đâu có dễ sẻ chia, bộc lộ và khi Hoàn bị bại lộ, con xử trảm ngay lập tức nên…”.
Thùy quay về phòng riêng, cô cắm đầu viết:
Vũng Tàu ngày…tháng…năm…
Anh thương yếu
………………………………………………………………
Và anh đừng hồ nghi gì về tấm lòng của em nhé. Anh về đây em sẽ kể anh nghe câu chuyện về ba em và những đồng đội của ông. Em sẽ nói với anh những gì em vừa mới hiểu ở cái tuổi chớm bốn mươi này…
Bức thư viết bằng tất cả nỗi nhớ của bốn năm, ba tháng, mười bốn ngày cộng lại. Đằm thắm và tin cậy, nhưng thật tiếc, viết xong rồi, để đó thêm dăm năm nữa mà chẳng gửi đi đâu được, Hoàn vẫn bặt vô ấm tín.
Khi gió biển lạnh hơn, trời khuya như đặc quánh lại là lúc Thùy giật mình, chiều nay cô quên đón con ở lớp học thêm ở lớp ngoại ngữ.
Nhà báo trung niên thôi tâm tình với biển, cô thong thả đạp xe về.
Vừa đi, cô vừa đọc nhẩm lại lá thư của bạn đọc dự thi gửi về từ Ba Lan mà cô đã thuộc làu: “Mười năm nay, tôi cứ nén chặt trong lòng mình một tình yêu lớn. Có lúc tôi cũng mắc thêm lỗi lầm nhưng sau những lần đó, người tôi nhớ lại đầu tiên, ân hận, day dứt đầu tiên là T và con gái tôi. Tôi lại nhủ lòng phải sống tốt hơn, như trái đất này đang tạo dầu khí từ lớp trầm tích xô bồ của những sinh thể từ thủa hồng hoang, để mai ngày, nó có thể trở thành nguồn năng lượng đốt nóng một tình yêu mới, nếu T vẫn chờ đợi và tha thứ cho tôi.
Kỳ lạ thay, có lúc tôi đã mạnh dạn trình bày một luận điểm khoa học trước một hội đồng tầm cỡ thế giới ở Ba Lan mà sao tôi chẳng thể nói gì với T được. Dù đã bao lần, tôi cầm máy, nhấn dãy số 084-064 222…. rồi lại thôi”.
Dù thức khuya nhưng hôm nay, Thùy thức dậy từ 5 giờ sáng, chuẩn bị cơm nước cho mẹ và cho con xong, cô cho bức thư viết từ năm 2006 vào phong bì, dán kín lại, nắn nót ghi địa chỉ trên tờ báo, một địa chỉ từ một thành phố biển Ba Lan.
Và bây giờ, sau bốn chục năm sống bên biển, Thùy mới hiểu ngôn ngữ và sức mạnh của những con sóng.
Sự trăn trở không cùng của trái đất này cộng với tiềm năng dữ dội được nuôi giấu, tích tụ trong lớp trầm tích từ muôn xưa dưới lòng biển nên cả ngàn đời, vẫn luôn ào ạt sóng, ào ạt gió và miệt mài tung vào không gian của mỗi buuổi hoàng hôn rực rỡ muôn sắc tím nhiệm màu, làm thành những đàn ngựa hoang luôn phi nước đại dồn đuổi nhau về bến bờ trong lục địa.
Thùy nhẩm tính: hôm nay là mười tám âm lịch, thư nhanh đi châu Âu mất hai ngày, nếu anh về ngay, kịp ăn tết!
N.H.C Sài Gòn tháng Bảy năm 2012