Hotline: 0968133153
Tin tức hoạt động được Trung tâm cập nhật liên tục
Chuyên mục hài hước trở lại lần thứ hai với bài phỏng vấn một nhân vật cộm cán trong văn học Việt Nam: Thợ Nở. Xin thông báo cho Quý bạn đọc đã đọc “Chuyện tào lao” kỳ đầu là đã có 5 câu đối gửi đến mục đặt câu đối cho vế BIÊN TẬP NGỒI LÂU NÊN Ê ĐÍT . Trong đó có những câu tuyệt vời và có hình bóng của nhà vô địch. Tuy vậy, “Ban tổ chức” vẫn chờ thêm những vế đối khác chỉnh hơn. Xin mời các cao nhân! Dưới đây là nội dung bài phỏng vấn… Thị Nở.
Khi về một tỉnh đồng bằng bắc bộ dự một hội nghị phụ nữ, sau hội nghị nhà báo ghé thăm vài gia đình gương mẫu ở địa phương đã bất ngờ gặp bà Nguyễn Thị Nở, nhân vật lớn trong truyện ngắn “Chí Phèo” của Nam Cao. Bà lão gần chín mươi tuổi, cười móm mém (lúc này răng cụ rụng hết nên cái sự “vâu” biến mất, nom cụ rất đẹp lão, phúc hậu).
Cụ nhìn nhà báo, hiểu cái ngỡ ngàng của anh ta, cụ cười độ lượng.
Bà Nguyễn Thị Nở (TN)
Cậu ngạc nhiên lắm phải không?có cô cậu trên Hà Nội về, cứ nghĩ là tôi… đã chết nhưng sự thể là tôi đây, có ai đời lại đi mạo danh… Thị Nở làm chi cho mệt!
PV:
Thưa cụ, cháu qủa là có ngạc nhiên… cháu nghĩ nếu cụ là… Thị Nở thật , còn sống thì phải nhiều người biết chứ ạ!
TN:
Thì cậu nhìn cái bằng khen “gia đình văn hoá” kia coi tôi có phải Thị Nở “nguyên bản” không. Còn một sự thật khác là trước cậu, nhiều nhà báo đã đến đây, biết tôi còn sống, họ định làm ồn lên nhưng con cháu tôi không chịu (bà bỗng thở dài) kể cũng lạ, ngay ông Nam Cao là người hiểu tôi nhất cũng có nói gì xấu lắm về tôi ngoài cái xấu trên gương mặt. Nghe phong thanh, trước tôi còn có con mụ gì ghẻ cô Tấm, rồi cô Thị Mầu sướng cho đã xong đem trút cái nợ lên đầu nhà sư. Ngay bây giờ (bà nói nhỏ hẳn lại) ở ngay cái thôn này có nhiều cô ăn học ra trò, vừa chớm tuổi xuân đã nạo thai xoành xoạch. Ở nhà không biết pha cho cha một ấm trà cho ra hồn khi cha có khách.ấy thế mà họ cứ nhơn nhơn ra, có cô tính đi dự cuộc thi “Nữ sinh thanh lịch” nữa đấy.
PV. Dạ thưa, ông… Chí phèo có phải là người cụ yêu nhất không ạ?
Bà Thị Nở: yêu iếc gì đâu, cái thời đó, nhiều nam thanh nữ tú còn chưa chắc đã được yêu nữa là… mười ba mười bốn đã có người dạm hỏi rồi. Còn tôi, tôi hiểu được cái thân phận mình, tôi mến Chí vì thực ra ông ấy cũng là con nhà lành, anh em chú bác khá lắm đấy. Nhưng thời buổi run rủi ông ấy vào con đường cũng nên nỗi, như các cậu biết đấy. Có điều, chả thấy sách vở nào viết cho đến tận bây giờ, tôi theo được vài lớp “bình dân học vụ” nên cũng biết được dúm chữ nay đọc báo con cháu đem về, thấy một điều cứ gờn gợn.
PV: Xin cụ cứ trao đổi, nếu đúng, chúng con sẽ tiếp thu ạ!
Bà Thị Nở: Là thế này, ở đời không phải ai sinh ra cũng có nhan sắc cả, mà rất nhiều người xấu.
Cái họa là ở chỗ: những người xấu này vì nhiều lí do, họ cũng có chồng mà có cô còn vớ được những anh ra trò đấy. Cưới rồi, trời lại nhắt cho thằng cu con hĩm mũm ma mũm mĩm nữa. Thế là cô nàng nhà ta coi như cái vụ chồng con đã hoàn hảo. Tha hồ làm mình làm mẩy, Cũng hạch sách chồng con, cũng lên mặt lên chân khi thấy mình có “ưu thế” hơn về của nả, bằng cấp. Anh chồng lúc đầu cũng nhịn như nhịn cơm sống nhưng rồi quá mù ra mưa, sóng gió tung hê mù mịt lên, hỏng cả đám!
PV: theo cụ, bi kịch này có nguồn gốc từ đâu?
Bà Thị Nở: Thời tôi hay dùng chữ “biết điều”. Nếu ai không biết điều, biết rõ cái điểm yếu kém của mình để mà lấy những cái tốt khác bù đắp vào, cân đối tình hình thăng bằng hơn thì là chết!
PV: Rất cảm ơn cụ, cháu rất tâm đắc điều này. Phải chi cụ còn trẻ, còn sáng láng mà viết thành sách thì nhiều người mua đọc đấy ạ!
Bà Thị Nở: Tôi hỏi thật cậu: chắc ở nhà, cô vợ cậu khí không… đẹp?
PV (kinh ngạc trước nhận định của cụ Nở) thú nhận: Dạ, nhà cháu thực ra cũng không đến nỗi nào nhưng hèn một nỗi, có cái đầu, có ngày chồng phải nhắc hai ba lần về cái chuyện tóc tai…
Bà Thị Nở: ấy ấy... cậu đừng bận tâm nhiều, hình như cái thời nay nó vậy đấy. Ai đời, con cháu tôi đây cả chục đứa chẳng có đứa nào biết nấu nồi cháo hành cho ra miếng cháo! Đặt nồi lên bếp chụm lửa thật to rời tớn lên, khi nhớ tới thì nồi cháo chưa chín mà dưới đã khét lèn lẹt. Đến lúc, tôi phải tập chung chúng lại… mở lớp dạy nấu nồi cháo cho nên hồn,bây giờ coi cũng khá rồi đấy.
PV: Dạ cháu hơi tò mò một chút, cái hồi ông Phèo chết đi chắc cụ buồn và sống khó khăn lắm chứ ạ?
Bà Thị Nở: Không đâu, cái cảm giác khi nhìn ra lò gạch là của ông nhà văn, nói lên cái bi kịch của thời đó. Nhưng còn tôi thì không bởi tôi vốn đã khổ lắm rồi. Tôi là người chịu thương chịu khó tứ cố vô thân, tiền bạc, danh giá chẳng có. Làng miễn cho khoản phạt đã vậy các bà, các chị hàng xóm còn túm tụm giúp đỡ mớ khoai cân gạo nên dần dà, mẹ con tôi cũng sống được. Giờ đây, một thành hai rồi thành năm thành bảy, có mấy đứa đã tốt nghiệp đại học rồi đấy… bây giờ, chân yếu tay mềm không đi được đến đâu nhưng nghe đời qua âm nhạc trên đài, là nhạc trẻ gì đấy, thấy người ta than trời trách đất nhiều quá mà thực ra, bây giờ cuộc sống khá hơn thời tôi cả vạn lần, chả nhẽ, những người viết nhạc kia nói dối thiên hạ hay sao…???
PV: Chắc cụ rất vui vì sự trưởng thành của con cháu?
Bà Thị Nở: (yên lặng một lát) thì cũng tàm tạm, có điều buồn là có đứa cháu, chắt không nói ra nhưng nó rất ngại cho bạn bè biết bà cố chính là… Thị Nở trong khi các cháu phải cố gắng rất nhiều mới bằng được thế hệ chúng tôi.
PV: Xin cụ cho biết cảm nghĩ của cụ khi cụ trở thành… hình tượng lớn trong văn học Việt Nam?
Bà Thị Nở: hình như cái số tôi nó vậy. Ngay hồi tôi còn sinh thời, phải cái trời cho cái gương mặt xấu xí chứ cái vóc người tôi cứ gọi là ăn đứt ôi cô bây giờ. Tôi là gái đồng chiêm, chèo thuyền, bơi lội, đi bộ nhiều nên dáng người, eo óc “đã” lắm. Bây giờ nhìn trên ti vi, ở cái sân khấu thời trang phải gió gì đấy, có loại cứ như hình nhân, trước sau như một, mỏng lét, mặt vênh lên, đi thì chân nam đá chân chiêu, đắp một đống son phấn vào mặt mà vẫn không khuất được cái nét các cụ ngày xưa coi là… thất đức.
Hồi ấy (cụ cúi xuống, móm mém cười) cũng có khối anh mê tôi đấy chứ không phải chỉ có ông… Phèo đâu, nhưng họ tệ hơn ông Phèo, không ai dám công khai cái điều ấy. Còn ông Phèo, ông ấy chả sợ thằng mẹ nào cả, có lúc vừa tự… sướng, vừa la trời lên ấy chứ!
PV: Nêu cháu xin bà một lời nhắn gửi cho lớp cháu con lúc này, bà có điều gì cần trao gửi ạ?
Bà Thị Nở: Con gái xứ ta, vốn rất vất vả và có nhiều thua thiệt nên so với bốn biển, năm châu nên có nhiều hạn hẹp về vóc dáng lắm. Hơn nữa, sắc đẹp nó là cái phù du lắm.Có cô diễn viên thượng thặng năm nào, bây giờ đã đóng vai bà nội ngon ơ mà cám cảnh.
Nên, tôi chỉ muốn nhắn gửi các cháu thế này: thiên hạ định ra 4 loại gái đẹp: một là cái đẹp gợi dục, hai là cái đẹp trí tuệ, ba là cái đẹp uy quyền, bốn là cái dẹp đường nét, vóc dáng.
Ở ta và Trung Quốc, có cái đẹp thứ 5 mà phương tây không có, đó là cái DUYÊN THẦM. Cái này khó tả lắm, đại loại là khi người bạn chơi càng ở lâu với mình càng mến yêu, càng gắn bó. Nói thì vậy, biết là nó quý lắm nhưng bà dốt nên chẳng biết tả thế nào để con cháu rèn rũa để mà có cái cực kỳ quý hoá ấy.Có nó là có tất cả nhưng tuyệt nhiên không phải một cái... rốn và khúc bụng lòi ra khỏi áo, kể cả khi cái rốn rất đẹp.
Thứ nũa, hạnh phúc lứa đôi là cái gì mong manh lắm. Khi có rồi thì phải nâng nịu, phải biết làm cho nó phong phú lên để người bạn đời của mình không dễ quên nó được.
Bây giờ tối rồi, nhà báo ở lại, ta sẽ đãi món cháo hành, có thêm hến, thịt băm rất ngon nhé!
PV: Xin cảm ơn cụ về cuộc chuyện trò này và hứa là cháu sẽ… ăn thật no ạ!
Nguyên Huy