Hotline: 0968133153
Tin tức hoạt động được Trung tâm cập nhật liên tục
Ở Việt Nam, Những làng nghề, ngoài những giá trị lớn khác, riêng về mặt hình thành nhân cách, cốt cách của con người. Những tác phong, đạo đức, lề thói sống chắc bằng, thận trọng, quy củ, lòng yêu cái đẹp được tạo nên bởi làng nghề là những vốn quý cho mỗi người, nhất là vào tuổi trưởng thành. Do đó, hành trang vào đời của mỗi công dân những làng nghề rất giàu có.
Làng Cầu Tây ( Xã Phương Xá,huyện Sông Thao,tỉnh Phú Thọ ngày nay) xưa có tên gọi làng Nguyễn bởi dòng họ Nguyễn chiếm đại đa số. Một số đền, đình ghi dấu thời Hùng vương dựng nước như đình Hạ Khê nay vẫn còn khá nguyên vẹn chứng tỏ lịch sử lâu đời của mảnh đất này.Đến đầu những năm 1700 , khi nơi đây trở thành cửa khẩu của vùng Nghĩa Lộ cũ với con ngòi lớn, đóng vai trò tuyến giao thông thủy chuyên chở hàng hóa của vùng rừng núi sầm uất tây bắc ra hòa nhập với sông Hồng, về xuôi thì nơi “đất lành chim đậu” đã kéo rất nhiều người từ bốn phương tụ hội về đây, ở lại và cái tên “Lưu Phương” trở thành tên gọi của thời khởi thủy của làng. ..
Có lẽ vậy nên mấy lần biến động lịch sử, bom rơi đạn nổ phía xuôi, bà con Hà Nội, Hải Phòng tản cư rồi định cư ở đây không ít.
Những năm kháng chiến chống Pháp, bởi địa thế dễ biến ảo, dễ tán phát nên làng Cầu Tây đã trở thành điểm tập kết, trung chuyển quân lương, vũ khí cho chiến trường Điện Biên Phủ rất hữu hiệu.Những xưởng may quân nhu khổng lồ ẩn trong rừng hoạt động suốt ngày đêm.Bến Chùa trên sông Hồng biến thành bến cảng đa năng tiếp vận cho nhiều hướng, nhằm tới chiến trường. Chủ Tịch Hồ Chí Minh, Hoàng Thân Suphanuvông đã qua đây đến các căn cứ lân cận để hội họp, điều hành cuộc kháng chiến thần thánh. Tiếp tục truyền thống đó, suốt cuộc kháng chiến chống Mỹ , hàng trăm thanh niên Phương Xá đã lên đường và nhiều anh đã không trở về nữa, số còn lại đã góp phần không nhỏ vào đại thắng mùa xuân 1975, chiến thắng biên giới tây nam….
Nét phác của Phương xá chỉ có vậy, Không phải một làng khoa cử tài danh, không phải đất của những vỹ nhân lừng lẫy nhưng Phương Xá, Cầu Tây có trang sử riêng của mình, đó là nét tài hoa của một đất thợ đã để lại cho cuộc đời những tác phẩm đẹp, hữu dụng không dễ phai mờ…
Một lần đi qua miền Trung , gần một danh lam thắng cảnh tôi thấy người dân ở đây bày la liệt hàng cây số cổ vật, đồ giả cổ vật bằng đồng ,thau , xương mỹ nghệ ra mời gọi du khách ven đường QL số 1. Trong mớ hàng đó, đặc biệt có cả một bộ khung …nhà bằng gỗ cũ . Tôi hơi ngạc nhiên ghé vào coi. Nhà này, theo cách nói nhà nghề thì là kiểu “bào trơn đóng bén” tầm trung bình về ngón nghề, về sự dụng công nhưng tại đây, tôi xúc động nghe những người khách phương tây bình phẩm, khen ngợi hết lời tay thợ Việt Nam khéo léo, tài hoa đã tạo nên “công trình” đậm chất Á châu, chất dân gian này, họ hý hoáy chụp hình, đo đếm, ghi nhận…
Trong giây phút ấy, sự xúc động của tôi lập tức được nhân đôi bởi, với những ghi nhận trong ký ức còn nguyên vẹn của mình thì, ngôi nhà “mẫu” ở đây so với sản phẩm nghề mộc quê tôi, làng Cầu Tây thì qủa là, còn một khoảng cách không nhỏ
Năm tôi 16 tuổi.Đang nghỉ hè giữa hai kỳ học phổ thông. Bố tôi, ông Cả Cường (Quê tôi thường gọi tên bố mẹ bằng tên con đầu lòng ) cho anh Hy là thợ trẻ về tìm thợ tăng cường cho một hợp đồng trên mạn Mậu A, Yên Bái. Đận ấy , hiếm thợ lắm, làng nghề có hơn 200 ngọn rìu sáng giá đều đang “chiến đấu” ở khắp nơi: Cánh thì lộn về Lục Nam, Hà Bắc, cánh làm ăn trên mạn Hà Giang, phần lớn đổ bộ lên mạn Hoàng Liên Sơn vì mạn này, lúc đó, những năm bảy mươi, còn phong trào làm nhà gỗ nhiều lắm. Cả huyện chỉ có dăm ngôi nhà xây của diện “Đại cử tri” thôi, còn nhẹ thì làm cái nhất bến tam , có chút triển vọng thì ba gian đứng, hai hồi chờ nối sau. Còn diện ăn nên làm ra, chơi luôn tứ vi hành diễu ,nghĩa là loại nhà năm gian, bốn bề có hàng cột hiên thông thoáng, toàn gỗ xoan hồng rực, lợp mái cọ mịn màng, nền nã như một công trình để tham quan chứ không phải để ở.Tôi vào nghề từ đó.
Tôi nhớ những ngày đầu , dù đương sức và vốn yêu nghề, làm cật lực một ngày cỡ 9 giờ đồng hồ mà buổi trưa xuống suối giửa mặt, bố tôi vẫn ghé tai tranh thủ “Làm công tác tư tưởng” thế này :
- Con có thấy họ tiếp đãi mình như chủ tịch huyện không, phải làm ra trò vào, lời phời thế mang tiếng con trai ông cả !
Vâng, qủa là sự tiếp đón, trọng thị của người dân thời ấy với ông phó mộc còn hơn đứt cả chủ tịch huyện ấy chứ. Sáng ra nước nóng bưng lên cho “các cụ” rửa mặt, ngày ba bữa cơm gà cá gỏi như ăn giỗ. Làm xong cái nhà chủ thợ chia tay nhau bịn dịn như người thân thích, hàng chục năm sau quay lại vẫn mặn nồng, thật khó quên những ấn tượng ấy cho dù đã hơn ba chục năm đã qua đi…
Người thợ đất Cầu Tây cũng rút ruột trả người đầy đặn lắm.Vốn nghề cha truyền từ bao nhiêu đời càng về sau càng chau chuốt, phát sáng rực rỡ .Thời các cụ, khi “Sàm đóng” một mối mộng chính như đôi xà đại vào cột cái giữa nhà ,các bậc cha chú phải ghép bằng 2,3 tiêm ( tiêm là cái miếng giám gỗ, chặt mang cá ,vót nhọn 2 đầu để chấm mực ,thay cho cái com pa xác định phần dư ra của đầu mang mộng để đục lộng bỏ đi ) nhưng đến phó Thân, chỉ cần một tiêm với hai phút thao tác bằng đường lộng ngọt lừ, khi đóng vào, mối mộng kín đến mức ta có cảm giác như nó mọc ra từ cây cột. Vị phó này lúc đó cũng chỉ đôi mươi, sau đi bộ đội trở thành một tay thợ quân khí nổi tiếng của X.79 QK Việt Bắc…. Nguyền Công Sinh, con ông cả Hùng Hợi dưới cuối làng , vẩy rìu dư mười lăm nhát một mạch từ đầu đến cuối cây cột cái dài lối hơn ba thước tây, cái dám gỗ dính liền với nhau bong ra khỏi thân gỗ, rẻo như dải lụa, mười dải như nhau cả mười .Khi hoàn thiện, cắt miếng chân cột dư ra, lật lên coi cứ tròn vo như cái đĩa được gia công bằng máy.
Ai đã từng tham gia buổi dựng nhà gỗ mới thấy hết cái tinh xảo được chắt lọc từ bao đời. Nếu là cái nhà năm gian sáu hàng chân , thì tất thảy là 500 chi tiết được những người của thế hệ chỉ học cao nhất là lớp tư trường làng, không êke, thước cặp này tạo nên mà chỉ sau nửa buổi, tất cả chỉnh trang, đâu vào đó, nhìn ngang nhìn dọc,nhìn chéo cứ tăm tắp. Tôi không hiểu các cụ kị mình có được học lớp Mỹ thuật nào không những vào phút ấy, khi cái nhà chưa được lợp mái, đứng trên hàng hiên nhìn dãy “kẻ” là cái thanh gỗ vồng cong nối nội thất với cột hiên, cứ như một đàn rồng vừa chà xuống, thanh tao, thoáng đãng và sang cả vô cùng .
Đận lũ lụt lịch sử 1968, đã có một hình ảnh đáng nể: cơn hồng thủy kinh hồn này xốc cả một làng trên thượng nguồn ,hàng chục cái nhà gỗ còn lợp nguyên cả mái, cứ từ từ trôi giữa dòng sông hồng cùng cả bò trâu, cây rơm , chum vại về xuôi, đến bãi Phú Động, ngang ga Chí Chủ, có một cái nhà dạt nhẹ nhàng vào vùng nước quẩn ven bãi rồi dừng lại.Vài ngày sau, những người dân đi kiếm cá kinh ngạc nhận thấy ngôi nhà lạ tọa lạc ven bãi,gần như vừa được dựng mới, cứ như chuyện cổ tích
Cái tài hoa nhất, cái đáng để cho các kiến trúc sư thời nay chọn làm luận án cao học ,mà là phải dụng công, phải khá uyên bác mới kham nổi là cái kiến thức “lập trình” của bậc tiền bối. Tôi đã được coi một bộ hồ sơ của đối tác tây giao cho doanh nghiệp ta làm một cái tủ trần đời đơn giản, hai buồng bốn hộc, dung tích khoảng 2000 lit , theo kiểu thẳng thớm, bắt vít và mộng thẳng mà tay chuyên viên của phía chủ hàng, trình độ cao học kiến trúc, với phần mềm 3D của Computer Compaq Mỹ chính hiệu đời 2002 với cấu hình mạnh tới cỡ Pentrium III mà cũng phải đánh vật 2 ngày rồi mới tòi ra gần chục bản vẽ, từ phối cảnh đến chi tiết để giao cho thợ bên B nhưng, với cái đình làng Phương Xá quê tôi,tạo lập từ vài thế kỷ trước, nếu nói theo ngôn ngữ kiến trúc, phải có số mối liên kết đa diện, đa chiều, đa kích cỡ gấp hai ngàn lần cái tủ, ấy thế mà các cụ cả quê xưa, vừa nhai trầu bỏm bẻm thư nhàn, một cái bút chì cài tai nhẩn nha vừa nhắp ngụm trà nóng vừa chấm trên một cái “sào nhà” bằng nửa cây hóp bổ ra, vót kĩ và tính toán sao cho đậu đúng “trực sinh” rồi họa khoảng hơn một giờ đồng hồ là xong .Với mấy cái móc, mấy cái chấm theo quy ước cổ truyền , sau đó hai chục thợ cứ theo cái “ lí lịch kỹ thuật” này mà làm, trăm phần trăm chắc chắn, chính xác.Sau này, càng học lên bao nhiêu, tôi càng kinh ngạc bấy nhiêu về cái “sào nhà” này, nếu được theo học ngành KHTN, chắc tôi sẽ phải làm một hành trình tìm về cái cốt lõi trí tuệ của các nhà Bác học quần nâu, miệng nhai trầu vỏ xa xưa để tìm cho ra nhẽ…
Năm 1988 ở Tây Cốc .Đoan Hùng, một cái vòi khí quỷ quái gì đó bất thần xuất hiện, quét ào một vệt lối 2 km dọc Quốc lộ đi Yên Bái , để lại một bãi chiến trường kinh khủng : Những cây xà cừ đã lên lão bật gốc, mấy căn nhà của dân giàu xổi mới xây cấp 4 ven đường bị phong thần mượn đứt tầng trên, vỡ vụn, ngói đỏ bay sang tương trợ mãi tít bên kia suối ,duy có hơn chục cái nhà gỗ cổ điển cứ trơ gan thách thức, mái cọ xù lên như giận giữ, trách cứ với trời cao …
Chỉ khoanh khoảng ba đời từ ông nội tôi đến tôi , làng có khoảng ngàn tay thợ xuất dương đi tứ xứ, trong dăm chục năm ấy, họ đã để lại vùng thượng huyện Hạ Hòa, vùng Hoàng Liên Sơn, Hà –Tuyên rộng dài vài ngàn ngôi-nhà-tác-phẩm mà bây giờ, dù vật đổi sao rời ,cũng còn tồn tại cỡ một nửa.
Cái tồn tại lâu dài hơn mà tôi thấm thía nhất là tác phong người thợ, dù anh nào chỉ ăn cơm thợ vài tháng theo cách thức học nghề xưa, cũng trở thành một loại người ưa làm chủ tình tình : Đứng trước một hiện trạng xô bồ của vật chất, của một tổ chức, họ sẽ sớm tìm ra cái “quy hoạch” hợp quy luật của hoàn cảnh để căn chỉnh, để tạo lập và cái cao qúy là, lòng yêu lao động sáng tạo đến dễ thương . Từ một lô vật chất vô tri, qua đẽo gọt, tư duy, thoáng cái nó đã trở thành cái để người ta nâng niu, gìn giữ.
Có phải vậy không mà khi vào nghề, bố tôi đã dạy tôi những điều thiêng liêng : Cái nghề này có hậu lắm con ạ , Sinh ra trên cái giường gỗ, thác về với gia tiên trong cái áo quan, đó là những lời trần tình mà sau này, mỗi ngày 23 tháng chạp, tôi vẫn thầm khấn đức tổ nghề, ngài Lỗ Ban trên cao xanh…
Một tin mừng đến với tôi, năm ngoái Lê Xuân Lập, người làng Gia Điền bên Hạ Hòa, đang có một dự cảm tốt lành : Anh muốn lập một ngôi làng nhỏ thuần Việt Nam ở ngay cạnh đền Âu Cơ (thuộc xã Hiền Lương, huyện Hạ Hòa) để quan khách sau khi viếng Đức tổ Vua Hùng, ghé thăm nơi khai sinh ra dân tộc Đại Việt sẽ nghỉ lại. Tại đây, quý khách, nhất là lớp trẻ đô thị sẽ được biết đến cái cối giã gạo, cái dần cái sàng ,biết cách làm bánh và tận hưởng hương thơm nếp mới như thời huyền sử .
Khi tôi tỏ ý muốn can dự vào công trình của anh bằng việc về làng tôi, quyên góp gỗ lạt, tre nứa và tuyển mươi tay thợ tài nhất làng, trong đó có những tay mới độ tuổi đôi mươi, tụ hội về bên đất mẹ xưa, làm một cái nhà năm gian tứ vi hành diễu bằng xoan, thứ gỗ gần với cốt cách của người Phú thọ :Thẳng thớm, mềm dẻo nhưng chắc chắn .Gian nhà này tịnh không một tấc sắt, một cái đinh , chỉ có mộng mẹo, tài hoa và lạt, thứ lạt giang núi Nả khi chẻ, ngậm một đầu vào miệng cứ ngọt ngậm . Và, khi đã lạt mềm buộc chặt, khi cơ ngơi này được tạo bởi tấm lòng yêu Tổ Phụ, với sự gìn giữ đặc biệt của lớp người có trình độ học vấn hơn hẳn ông cha vất vả xưa, sẽ tồn tại lâu lắm.Lập đã nồng nhiệt tán thành.Sự đồng cảm ngọt dịu giữa hai trung niên đang sống trong thời đại Computer nhưng vẫn thiết tha yêu dấu những gì là giá trị văn hóa đích thực của một thời, của những lớp người chân chất, học hành có hạn ,bương trải qua một lịch sử nặng nề của công cuộc chống chọi thiên tai địch họa trong cả ngàn nănm mà khát vọng về cái đẹp thì cứ lung tinh tỏa hiện trên những bức tứ bình còn đây đó trong những ngôi đình với đủ Thông , Mai , Cúc, Trúc, có đủ rồng bay phượng múa trên nền gấm chữ “vạn” đều tăm tắp, đẹp đến nao lòng.
Tôi mơ đến một ngày kia, gặp lại mấy “ông Tây”mà khi trước tôi gặp bên ngôi nhà gỗ tận miền trung ở ngay ngôi làng Việt Nam của Lập bên đền mẹ Âu Cơ ,các vị khách quý này sẽ thấy một nơi con người và tre gỗ, mặn nồng như tình yêu, như máu thịt
Phú Thọ ngày giỗ Tổ 10/3/2007
Nguyễn Huy Cường - Bài đã đăng trên tạp chí Diễn đàn văn học Việt Nam.