Hotline: 0968133153
Tin tức hoạt động được Trung tâm cập nhật liên tục
Truyện ngắn của Nguyễn Huy Cường.
Rời khỏi nhà ga quốc tế Nội Bài, chiếc Nisan VIP 3.0 lao băng băng chở vợ chồng Tiến sỹ Nguyễn Khắc Thống về thăm quê xứ. Dải xa lộ phẳng lì, phóng khóang hiện đại làm anh hơi ngạc nhiên, hơi ngỡ ngàng sung sướng về những đổi thay mau lẹ ở quê hương.
Cũng phải đến lúc này, những cảm giác khó chịu khi nhận cú điện thọai trước lúc lên đường ở Sài Gòn mới tan đi.
Thống cố giấu niềm tự hào về quê hương với người vợ trẻ đẹp lần đầu tiên về thăm quê chồng. Chắc Vân sẽ rất hài lòng .
Bỗng Thống chồm người lên, tay bíu nhẹ vào vai người lái xe : “đậu lại…đậu lại…chút xíu nữa thì xe đi quá mất”.
Con đuờng mới mở vừa làm một cuộc lột xác cho làng anh , cái cổng làng rêu phong cổ kính bị đập nát , thay vào đó là cái cửa hàng dịch vụ bề thế , ồn ào suốt ngày đêm . Xe hơi không vào đuợc , ai đó mới đổ lù lù giữa đuờng một đống củ sắn cỡ mươi tấn. Ngừơi lái xe đành giúp anh dỡ mấy cái vali xuống rồi quay xe lao vút đi. Thống thóang bực dọc “ cái đất này chậm tiến thật !” .
Nhưng truớc mắt anh đống củ sắn vẫn lù lù như thách thức. Thống đành kêu thằng nhóc ngồi cạnh đó ý chừng đang trông coi đống hàng hóa kia. Thống dúi vào tay nó tờ hai ngàn , nhờ nó vào trong làng kêu giùm ai đó có cái xe ở bên kia đống sắn , ra chở vợ chồng anh và đám vali lớn nhỏ về nhà. thằng bé ngớ nguời , khi vừa hiểu ra nó chạy vụt đi còn ngóai đầu nhờ anh coi giùm đống sắn kẻo “ trẻ con hay lấy cắp “.
Thống phì cười “ tao mà có cái máy ủi tao sẽ gạt mẹ cái đống nợ này xuống ao”. Mươi phút sau một chiếc xe “ đầu ngang” , loại xe công nông dùng máy muời lăm ngựa của Trung Quốc gắn vào bộ sườn , gầm ôtô cũ phế thải . Cái xe nổ ầm ầm phồng phộc phun khói um sùm lấm lem hiện ra, quay đầu rồi đậu ép vào gốc đa.
Khi biết đó là cái xe đến chở anh , Thống phát bực mình hỏi xẵng nguời lái xe cởi trần, mặc chiếc quần jean trần đời lem luốc , tả tơi : “ anh có cái xe nào sạch sẽ hơn không ?”.
Anh trung niên trả lời , giọng ấm ấm lành lạnh nhưng cái nhìn huớng vào vợ chồng Thống có vẻ có thiện cảm : “ cái thứ sạch đẹp ở đây khó phục vụ đuợc cho ai , làm lợi được cho ai anh Thống ạ !. Bây giờ có lẽ thế này , tôi mang mấy cái va li lớn , anh chị chịu khó sách mấy cái nhỏ, ta đi bộ , nhân tiện cho anh chị ngắm quê mình một chút , muơi phút là tới thôi ” .
“Sao anh biết tôi ? ” ,Thống ngỡ ngàng hỏi , còn vợ anh thì vui lắm trước cái tác phong thân tình của nguời mới quen ở quê chồng.
“Tôi còn biết rõ anh nữa là khác !” Anh lái xe cuời nhếch mép rồi nhấc bổng hai cái va li to kềnh lên, buớc đi chắc nịch , mạnh bạo , giọng nói rổn rảng : “ Tôi còn biết, anh làm chức gì quan trọng lắm , đến mức hạ một chữ kí là khối thằng chết trong có tôi!”
“Tôi với anh , xin lỗi , hình như chưa hề gặp nhau , có chi…”
“Tôi là Trung , con dì Minh , ở xóm duới , có họ xa với anh chị. Tôi phải gọi anh bằng anh , dù tôi hơn anh gần chục tuổi…”
Khi còn cách nhà Thống 2 mặt ao , đầu con đường nhỏ pha cát mịn màng, cả ba người khựng lại . Một cảnh tuợng kì quái hiện ra : trước mắt họ có một nguời hình thù kì dị, hơi giống một con cóc khổng lồ, hoặc một cái gì đó đại loại như thế, đi chồm hỗm rất lẹ bằng hai tay về phía họ . Cặp giữa hai đầu gối dựng lên là một khuôn mặt xinh trai, bầu bĩnh , cặp môi có duyên hào hển nở nụ cười : “Vân đấy phải không cháu ?”.
Như có linh tính mách bảo , vợ thống quăng giỏ sách xuống vệ đường, nắm lấy cả hai tay người tàn tật , lắc hỏi trong nước mắt “ cậu Liên phải không?”
Thống đứng ngây người như trời trồng , một nỗi tủi hổ trào dâng, nom anh cứ như bị sét đánh vậy .
* * *
Hơn mười giờ đêm , khách khứa đã vãn . Thống hỏi cậu Liên “ thằng Trung nhà dì Minh lúc truớc nó công tác gì hả cậu ?”-“À, thằng đó khá lắm, ở bộ đội ra , nó chạy xe “đầu ngang” ở Đồng Nai. Phát đạt lắm lại kéo thêm được mươi thằng em , thằng cháu , đồng hương ở bộ đội giaỉ ngũ ra truyền nghề , kèm cặp cho làm ăn. mỗi lần về đây, sang cho cậu mớ quà ,nó thường nói: Hoan hô thợ cơ khí Việt Nam, từ những cái ô tô cũ, họ biến thành những cái xe cực kỳ hữu dụng cho vùng nông thôn, giúp cho nông thôn, nông nghiệp phát triển….
Đang đà tới thì năm ngoái, ông nhà nước cấm tiệt loại xe này chạy trên đuờng lộ , các cậu hết nghề kéo nhau về quê. Rồi chạy vạy mở lại được cái tổ hợp xe cải tiến, đâm ra đắc địa , làm lợi cho quê huơng bao nhiêu, nhà mình đây cũng nhờ vả nó nhiều lắm đấy”.
Thống à một cái , anh chợt hiểu ra thái độ tay Trung lúc mới gặp. Ra thế đấy ! “ Ông nhà nước” chính là Thống.
Một bài báo đầy sức thuyết phục, kiến nghị đầy sức nặng tác động lên cơ quan chức năng đã khai tử loại xe xấu xí chạy tứ tung trên đuờng quốc lộ ! .Nhưng tại sao tay này lại biết chình anh là tác giả , vả lại anh làm là vì vẻ đẹp cuộc sống chứ có ác ý gì đâu ?
Thống ngả mình ra đệm , tâm trạng mệt mỏi. Khi tốt nghiệp cao học ở châu Âu , cầm mảnh bằng hạng ưu trong tay , anh cứ tửơng với năng lực trời cho, và sự mẫn cảm cực kỳ với cái mới , đuờng tiến thân đã rộng mở , dễ như bỡn . Dè đâu khi đụng vào thực tế cuộc sống , phải bao nhiêu trúc trắc , bao nhiêu cọ xát, trăn trở rồi chân lý mới lộ ra.
Mới sáng này thôi, truớc lúc rời sân bay về phép thăm quê hương, anh phải trả lời một cú điện thoại đặc biệt. Người nói đầu dây bên kia là một người anh chưa hề gặp. Giọng nói của người cả tuổi, điềm đạm, lễ độ, mềm mỏng nhưng quyết liệt: “ xin lỗi ông tiến sĩ, tôi xin nói ngắn gọn vài điều . Đề án cấm xe ba gác , xích lô trên Thành phố này, chứng tỏ sự thiếu hiểu biết của ông. Tư duy của ông là loại tư duy cầu tòan , ấu trĩ , một chiều. Thành phố này có khỏang non ba trăm kilômét đuờng lớn, nhưng có cả ngàn kilomet đường nhỏ đã tồn tại hàng trăm năm và sẽ tồn tại thêm một thời gian dài nữa.
Trong cái lưu vực vĩ đại của những con đường nhỏ ấy là số dân bằng cả nước Lào sinh sống. Cuộc sống của người dân thành phố hàng ngày cần hàng ngàn tấn hàng hóa từ cây nước đá tới mớ vật liệu xây dựng được tải từ lọai xe thích hợp , lọai phương tiện nhỏ bé , rẻ, tiện dụng là xe ba gác, xích lô…
Bây giờ, muốn dẹp lọai xe không đẹp đó đi ắt phải làm được hai điều: một là đóng mới hàng chục ngàn cái xe nhỏ đẹp đẽ hơn, có kích cỡ thích hợp để luồn lách vào những hẻm nhỏ, thậm chí có chỗ chỉ được chín mươi lăm phân chiều ngang.Hai là, trong một thời gian ngắn phải đập phá, đầu tư nhiều ngàn tỷ đồng xây dựng hơn ngàn km đường hẻm nói trên !.
Thưa ông tiến sỹ. Tôi đã sống và làm việc ở nhiều nước tư bản giàu có bên châu Âu .Họ cải tạo cuộc sống hài hòa hơn bài “cấm” của các ông nhiều.Ngay bây giờ, ở Paris hay Praha, xe ngựa vẫn tồn tại và nó tạo nên sắc thái riêng cho xứ xở ấy.
Tôi xin kể ông nghe một câu chuyện nhỏ , một lần tôi đi mua một khung cửa nhôm về sửa nhà. Đường từ nhà đến tiệm sắt độ 5 km, trong đó có gần hai cây số đường hẻm. Tôi đi kiếm xe tải nhẹ, phần lớn lái xe lắc đầu nhưng rồi có một anh nhận chở với mức cước ba trăm ngàn!, gần bằng tiền mua khung cửa. Tôi đành đi gọi xe ba gác, anh lái xe quê kiểng này đòi 40 ngàn, nửa giờ sau, hàng về nhà ngon lành.
“Xin lỗi ông” ….Thống ngăt lời “ có phải vì cái sự vất vả đó mà ông hận tôi, người đề xuât phương án triệt xe ba gác?”
Đầu dây bên kia vẫn ôn hòa: “ Thưa, mong ông hiểu cho tôi, tôi thì không nghèo. Ngay cuộc điện thọai này phải chi gần trăm ngàn đây nhưng đồng bào ta thì nghèo, thậm chí nhiều người rất nghèo. Kể cả người thuê xe và người chạy xe chở mướn.
Tôi biết ông còn rất trẻ, Tôi xin nói để ông rõ: hơn bốn chục năm trước, tôi cũng trẻ như ông và thành đạt sớm lắm. Chính vì trẻ và vì cung cách lấy cái sai này sửa cái sai trước, làm hao tổn tiền bạc, sức người sức của của quốc dân đã hất tôi ra khỏi tòa Đô chính ngày xưa, là nơi bây giờ ông đang ngồi đấy ông ạ!.
Theo tôi biết, trong chiến thắng Điện Biên lừng lẫy, các ông Việt Minh đã dùng cả xe đạp thồ hàng ngàn tấn hàng phục vụ chiến trường để thắng Pháp đấy.Trong cuộc sống hôm nay, cái xe ba gác còn rất nhiều ý nghĩa lắm đấy ông ạ!.
Bất giác, khung cảnh hiện tại với gia đình yên ấm, quê hương đang đổi thay thốt nhiên mờ đi.Thống thấy hiện lên cái cảnh buổi chiều nực nội ấy.
Nắng rất gắt, chiếc Toyota láng coóng , nhỏ nhoi của Thống luồn lách chậm chạp trong cái dòng người vô tận đông đúc ấy nặng nề trôi về phía trung tâm Sài Gòn.
Trên xe là vị Giao sư người Nga khả kính. Ông là hiệu trưởng trường đại học danh tiếng mà Thống đã từng heo học bên châu Âu. Nay ông sang thăm và làm việc tại thành phố phương nam của anh. Đến gần “Bùng binh” thì chiếc xe khựng lại, không thể đi được nữa. Trước mặt là dòng người tụ hội với ngổn ngang xe cộ.Vị giáo sư hất hàm về phía những cái xe ba gác hỏi học trò cũ: “ ở đây người ta ưa thích thứ này lắm hả ?”.
Ông ta hỏi rồi ngọ nguậy thân hình hơn trăm ký trong chiếc ghế cức bức.
Thống ái ngại. Anh hiểu câu hỏi đó như một mệnh lệnh, như sự gợi mở cho một đề tài và đêm đó, lúc hai giờ sáng, một bài báo với tựa đề : “Xe thô sơ ba bánh, một cản trở văn minh đô thị” ra đời với tấm hình minh họa chụp một trung niên cởi trần mồ hôi nhễ nhại đang gò lưng đẩy một núi hàng trên xe.
Vài ngày sau bài báo đăng, anh được giám đốc Sở gọi lên chính thức giao cho lập đề án khả năng triệt tiêu lọai xe này.
Lúc ấy, anh nghĩ: ở thành phố này anh đã có tên tuổi ….vậy mà ngờ đâu tên tuổi anh lại là cái để vị công dân, cựu Đốc sự hành chánh chế độ cũ kia gọi đến để trần tình thật khó chịu trước giờ lên đừơng
Bên cạnh, người vợ xinh đẹp bất ngờ thở dài kéo Thống về với thực tại .Cả cái thực tại ở quê hương : một người mẹ nhân từ, một bà chị gái nay đã là chủ tịch huyện, một thằng em là thiêu tá quân đội, một tòa nhà khang trang, sạch đẹp nhất làng giữa hoa cảnh xinh tươi….tất cả những thứ đó đang bị chèn ép bằng hình ảnh lồ lộ của cậu Liên.
Nhiều năm trước, bà ngọai mất, cậu còn nhỏ nên ở luôn với chị gái là mẹ anh. Giờ đây, đã hơn bốn chục tuổi nhưng cậu chỉ nặng cỡ ba chục ký. Hai tay cậu mang hai cái dép nhỏ xíu nhảy chồm chồm ra tận ngõ đón rước vợ chồng Thống. Về nhà cứ nhảy như cóc khóc nơi, gương mặt tươi vui hớn hở.
Bốn mươi năm trước, cậu Liên ra đời, khi ông ngọai đi coi Tử vi, thày nói ràng: “ thằng bé này mai sau thông minh lắm, nhân hậu lắm ,cơm bưng tận miệng, nước rót tận mồm”
Trước năm cậu lên mười ai cũng bảo thày nói đúng. Cậu xinh xắn, mũm mĩm, thông minh, lanh lợi , chạy nhảy như chim sáo. Cuối năm đó người ta mới hiểu được thâm ý của ông thày tử vi: cậu bị liệt cả hai chân sau một đợt sốt ác tính.
Về sau, khi cả nhà lo tìm thày tìm thuốc thì cậu Liên điềm tĩnh nhìn đôi chân nhỏ bé, teo tóp của mình ,trong đầu lóe lên một suy nghĩ “ta phải trở thành người có ích!”.
Những năm tiểu học cậu liên tục là học sinh giỏi. Khi lên cấp III, sợ việc học quá phiền lụy đến người khác, cậu thôi học, về học nghề sửa xe máy, xe đạp.
Cũng là người làm cái nghề bình dị này nhưng cậu Liên ý thức sâu sắc được ý nghĩa của nghề nghiệp với cuộc đời mình nên cậu làm nghề rất tận tụy và tay nghề khá cao. Với bà con, phần lớn là người nghèo nên cậu lấy giá cả phải chăng.
Quán của cậu trở thành chỗ dựa cho bà con nghèo khó xung quanh.Người ta tin cậy giao xe cho cậu, họ có thể bỏ xe đó đi bộ về nếu chưa kịp sửa ngay. Một điều ít ai ngờ tới là trong khi bao nhiêu người đủ chân đủ tay còn chật vật với cuộc mưu sinh thời bao cấp ấy thì cậu Liên, bằng tay nghề và uy tín của mình âm thầm trở thành triệu phú của làng.
Khi Thống ở nước ngòai về, định bụng dành dụm xây cho mẹ cái nhà khang trang thì anh không thể ngờ cậu Liên đã xây căn nhà đẹp nhất xóm từ năm trước đó, ngày bè bạn cùng đợt ở nước ngòai gốc Hà Nội ,Hải Phòng về đến thăm, Thống thật tự hào…
Nhưng càng tự hào bao nhiêu, anh càng đau lòng bấy nhiêu khi thấy trong căn nhà uy nghi, to đẹp , bên cạnh tòan những người phương trưởng , cứng cáp lại là …cậu Liên!.
Mỗi đợt lễ tết, dâu rể, khách khứa sang cả, đề huề thì cậu Liên cứ nhảy chồm chỗm khắp sân trên, nền dưới. Hôm nay, cậu còn vui miệng đòi…vào Sài Gòn thăm gia cư vợ chồng cháu Thống.
Đồng hồ trên tường điểm mười hai tiếng khô không khốc. Thống vẫn không ngủ được. Ý nghĩ lay lắt về người cậu tật nguyệt nguyền cứ day dứt anh.
Rồi, bỗngchốc, Thống “a” lên một tiếng : “hay lắm, tuyệt vời…,tìm ra rồi….Có thế chứ, một giải pháp tuyệt vời!. Tiến sỹ Thống đã lừng danh với những giải pháp cấp thành phố, đã dẹp được mớ ba gác, xích lô ra khỏi đời sống đô thị thì thằng cháu này sẽ lo cho cậu vẹn tòan, cậu Liên ơi…thế nhé!.”
Thống thiếp đi trong trong một giấc mơ dễ chịu. Anh thấy cậu Liên vui vẻ vừa sửa xe vừa xem tivi màu ở cái quán mới tinh , hai gian anh vừa xây cho cậu ở góc chợ làng.Tối đến, cậu Liên ở luôn đó, khỏi về.
Mờ sáng hôm sau, trước khi lên Hà Nội, anh dúi vào tay mẹ anh mớ tiền ngọai quốc cứng cạnh nói: Mẹ bảo đứa nào ra tiệm vàng đổi lấy ba chục triệu làm cho cậu cái nhà nhỏ trên chợ…
Bà mẹ đứng đó, trân trối nhìn thằng con thẳng thớm, cứng cạnh rồi nhìn nắm tiền lạ hoắc . Ông tiến sỹ chui tọt vào cái xe láng mượt lao vút đi.
Mười ngày thăm thú quê hương cũng là mười ngày Thống khó chịu. Cho dù, cái khó chịu nhất là hình ảnh cậu Liên thì đã được giải quyết.Sau ngày anh đi Hà Nội về, suốt những hôm tiệc tùng khách khứa, cậu Liên biến mất luôn cho đến ngày anh đi. Thống có hỏi thì mẹ nói cậu đi ăn cưới đâu đó vài hôm .Thống chẳng hỏi kỹ xem bao giờ thì cậu về.
Chưa tới giờ ra sân bay, Thống nói tay lái xe ghé thăm ông giáo già đã dạy anh từ cấp I. Cũng là để anh trình thày công trạng học hành, công tác thành đạt bấy nay và biếu thày chút quà phương nam.
Thày giáo già phấn chấn, thày căn dặn anh như như với đứa trẻ lên mười lên tỉnh đi thi. Thống xúc động cảm ơn thày. Lúc Thày trò sắp chia tay, thày hỏi thăm cậu Liên, người học trò mà thày yêu quý nhất mực. Thống ấp úng nói đại rằng : “ Cậu con vẫn vui khỏe thày ạ!”.
Chiếc Phi cơ khổng lồ xé gió bay ào vào không gian bao la.Thống đang sắp bấm chiếc MP3 để nghe nhạc thì vợ anh nói, mắt Vân không nhìn anh, giọng xa xăm: “ ban nãy anh nói cậu vẫn vui là nói dối cậu đấy!”. Thống ngạc nhiên “Sao cơ, cậu đi vắng…em biết gì mà nói….”
- Có anh không biết gì thôi, cậu chẳng đi đâu đâu,sau hôm biết anh có ý định xây cái quán cuối chợ làng rồi cấm cố cậu ở đấy, cậu và mẹ khóc mãi xong cậu tam lánh sang nhà Trung để anh khỏi nhìn thấy cậu, anh buồn
- Anh….anh có tiếc gì cậu đâu….Thống giơ tay như phân trần, khổ sở.
- Mẹ gửi trả tiền anh đây, mẹ nói không cho cậu đi đâu khỏi cái nhà mà cậu đã đổ bao nhiêu mồ hôi gây dựng vào đó. Đã từ đó góp phần với mẹ nuôi đàn cháu ăn học bấy nay….Nhưng, cậu và mẹ thỏa thuận, mỗi khi anh về, cậu sẽ lánh đi...
Tiến sỹ Nguyễn Khắc Thống xua tay ra hiệu cho vợ đừng nói gì nữa .Trong giây lát anh như thấy mình vừa đánh mất một cái gi đó rất lớn lao, thiêng liêng lắm mà không bao giờ tìm ại được.
Anh nhìn bâng quơ ra cửa sổ. Ở đó chẳng có gì cả, cứ bao la mây là mây.
Những làn mây vô tận , bạc thếch lãng đang bay.
Nguyễn Huy Cường.
Thông điệp của Nhà tư vấn.
Trên đây là truyện ngắn của Nguyễn Huy Cường đã đăng trên báo Văn Nghệ của Hội Nhà văn Việt Nam từ năm 1998.
Ở đây có hai vấn đề lớn.
Vấn đề thứ nhất là chủ đề Giao thông, dù đã hơn một chục năm trôi qua nhưng những quan điểm nêu trong truyện xem ra vẫn thời sự. Nó vẫn hiển hiện trong đời sống hôm nay và ở một vài góc độ, sự thái quá trong tư duy quản lý luôn gây những hệ quả không mong muốn cho cuộc sống.
Nhưng, vấn đề khác đáng lưu tâm, nằm ngay trong chủ đề của CNN, là vấn đề Tuổi trưởng thành của con người.
Ở đây có hai nhân vật đối lập nhau là “Cậu Liên” và tiến sỹ Thống.
Hai người này, trong bối cảnh câu chuyện xem xém bằng tuổi nhau nhưng ở ngoài đời thực, họ khoảng 38 tuổi.
Cậu Liên, qua hình ảnh khi biết cháu mình có ý kỳ thị mình, đã trốn biệt đi lên chỗ khác ở trong suốt kỳ phép mà không phàn nàn, không phản ứng xấu đã chứng tỏ sự trưởng thành rất chững chạc của mình.
Còn Tiến sỹ Thống, với bằng cấp ấy, trọng trách ấy, hoàn cảnh vượt trội rất nhiều so với cậu Liên nhưng bằng những hành xử từ đầu đến cuối truyện, có vẻ vẫn chưa đến độ trưởng thành.
Mới hay, trường lớp, học hàm học vị và môi trường tốt chưa hẳn đã giúp người ta dễ trưởng thành hơn nếu cái “tâm” không thật vững vàng.
Nguyễn Huy Cường