Hotline: 0968133153
Tin tức hoạt động được Trung tâm cập nhật liên tục
Vài năm trước, tôi ngỏ ý muốn mời một vị về làm phó giám đốc cho công ty của mình. Vị này được tiến cử bởi một nhân vật lớn, được đảm bảo là một người có tài, có tâm mà công ty rất cần, sẽ là người thay mặt giám đốc ở những nơi cần ăn cần nói, cần năng lực “ngoại giao” của ông ta. Sau nửa giờ tiếp xúc con người bặt thiệp kia, tôi đã biết là tôi và người giới thiệu đã không nhầm, ông ta rất cần cho công việc chung.
Nhưng sau khi biết nhiệm vụ chính sẽ được giao, ông khách uể oải trả lời như một sự thất vọng rằng, ông ta có thể đảm đương một việc khác chứ cái món “ngoại giao ngoại thớt” thì… xin kiếu…! Khi tôi gạn hỏi thì ông ta thẳng thắn trả lời: “Nếu muốn tìm một vị trí như thế, không cần một người thuộc diện kinh bang tế thế, mà hãy tìm một người biết… nhậu. Có nghĩa là nhậu ngày nhậu đêm, nhậu liên chi hồ điệp, nhậu xả láng, nhậu chết thôi!”
Thấy tôi ngạc nhiên, ông ta chỉ thẳng vào mặt tôi cảnh báo: “Và ông nữa nếu muốn làm một doanh nghiệp thành đạt mà thấy nói đến nhậu cứ trợn mắt lên thì e rằng không đặt chân lên “chiếu trên” được đâu!”
Chia tay anh bạn, tôi mang mang cảm xúc khá phức tạp về cái sự nhậu. Nhưng điều day dứt nhất là câu nói cuối cùng của người bạn. Chẳng lẽ ở “chiếu trên” thật vậy hay sao?
Thực ra, dù ông bạn tôi đã nêu được cái ý đúng nhưng không hoàn toàn chính xác. Có lẽ, trong cái nghiệp viết lách của mình, tôi chưa thực hiện một đề tài nào thuận lợi về đề tài này: Nhậu!
Người ta nhậu ở mọi nơi, mọi lúc. Chiếu trên nhậu, “chiếu dưới” cũng nhậu, không có chiếu cũng nhậu. Xin bắt đầu từ cái mặt bằng này.
Bạn tôi, vài tháng trước đã gặp tôi với lời khẩn cầu cứu giúp khi có một cô em gái, vì hoàn cảnh, vào thành phố Hồ Chí Minh mà chữ nghĩa có hạn, vốn liếng không bao nhiêu. Vào luc tôi chưa lịp “giải vây” cho bạn, ai đó đưa ra một sáng kiến: Khó gì, kiếm vài cái ghế, dăm cái bàn, đôi lọ rượu, mấy món mồi bình dân khắc kiếm được cơm nuôi con.
Hôm nay, bạn tôi thông báo cho tôi, giọng hồ hởi: “Sống được rồi. Không ngờ ở cái khu bình dân này mỗi ngày cũng “đi” được đôi chục lít, vài can bia rẻ tiền. Em nó cũng kiếm được trăm hơn trăm kém”. Khi được hỏi về một nét gì đó có thể phục vụ cho bài viết, mắt anh bạn sáng lên: “Nhiều, nhiều lắm!” Và anh cho một ví dụ. Ngày anh khai trương, một vị khách mời nhìn quanh quất rồi hỏi: “Gia chủ chưa đóng đinh lên tường à?” Tôi hỏi đóng đinh làm gì. Ông ta nói để treo áo, đồng hồ, thậm chí cả điện thoại di động, sổ hộ khẩu, chứng minh thư của dân nhậu khi không có tiền… Về sau, tôi biết ông ta đúng.
Bất giác nhìn lên tường, tôi ngạc nhiên thấy thật sự là ở đó, còn có một dãy đinh. Điều thứ hai anh ta nói: “Ngày mới bán hàng, rất mong kỳ lương. Nhưng dần dà về sau rất sợ ngày này. Ngay như mấy anh lính một đơn vị gần nhà. Mỗi kỳ lương có nhiêu đâu. Chỉ tròm trèm vài trăm ngàn bạc cho đủ thứ cần chi tiêu. Nhưng bạn cũng cứ làm một chầu xả láng cho chết mẹ thằng-tây-đi (!). Đến nỗi có anh uống xong không trả tiền, cũng không về, lăn ra sàn ngủ. Và nửa đêm, hô cả nhà dậy tập họp! Báo hại cả nhà thức một đêm xoa muỗi đốt để… coi khách.
Một lần, tôi cầm lái chiếc xe hơi theo một đội công tác của một ngành hành pháp, lên một huyện phía Bắc Sài Gòn hơn một trăm km theo yêu cầu của người bạn khả kính, một chức trách có hạng. Công việc sắp xong thì tình cờ phát hiện thấy “đối tác” có một người quen đã từng “vào bia ra rượu” trong một khóa học chung ngoài Hà Nội. Thế là độ nhậu được gầy và cuộc vui kéo một lèo đến gần sáng hôm sau.
Chia tay lúc hai giờ sáng, xe chạy từ Ông đồn về đến quận 12 thì gần sáng, anh nào anh nấy mệt rã rời, muốn ngủ gục ngay thì Sếp lớn chợt nhận ra một điều là đã bỏ quên cái "ca tap" ở quán nhậu. Tôi đổ mấy ông khách vội xuống rồi tức tốc quay trở lại quán.
Gặp tôi bà chủ trẻ tuổi hồ hởi đưa cặp da với câu xã giao "ở đây chuyện này xảy ra hàng ngày hà!".
gần tám giờ đem "chiến lợi phẩm" về đến nhà, Sếp hoàn hồn , vui ra mặt đón lấy "vật bất li thân", mở ra xem có mất mát thứ gì thì không thấy mất gì mà còn có thêm cả một ...khẩu súng!
Thì ra cái cặp của Sếp đã bị một anh khác cùng cảnh ngộ cầm nhầm khi say xỉn. Cái cặp tôi mang về là của một vị Kiểm lâm nào đó bỏ quên!.
Phải mất một ngày sau, sau khi truy tìm lại bằng các chứng cứ, tài liệu trong cặp hai khổ chủ mới thực hiện cuộc "trao đổi tù binh" xong xuội!. Nhậu ơi là nhậu!.
Một lần khác về Tây đô công tác, tôi hào hứng mong đến xứ gạo trắng nước trong để ngắm nhìn cho thỏa mắt khi lần đầu tiên về một vùng đất mới. Nhưng vào lúc năm giờ chiều, sau khi “kính thưa”, tỉnh mời bữa cơm thân mật. Miền Tây long trọng đón khách bằng hải sản loại nhất và tình cảm nồng hậu hết chỗ chê.
Về đến khách sạn, mau mắn thay cuốn phim chụp, tính ra chợ nổi làm vài “pô” thật ra dáng Tây đô thì phó đoàn có lời mời về nhà ông ta ở gần đó. Phần vì nể, phần vì đàn em không đi sao đặng, vào “hiệp hai”. Mặc dù rất sốt ruột, nhưng sáu vị tiêu thụ hết ba thùng bia, gần hai chục con chim om nấm, một nồi lẩu kiểu “Thạch Sanh” càng ăn càng đầy. Lúc về đến khách sạn đã là mười một giờ đêm. Mọi ý định lãng du miền Tây thơ mộng tắt ngấm, cái thèm nhất là giấc ngủ, tôi có cảm giác nếu chậm mươi phút nữa là gục trên xe!
Vậy mà chưa hết nợ! Số là trong số khách của đại hội chiều nay có một vị chức sắc đang thành đạt, vốn là học trò của trưởng đoàn, đã chờ sẵn ở khách sạn. Và lẽ đương nhiên “phi hành đoàn” chúng tôi bay về quán lẩu mắn Thiên Lý, nơi được người mời thuyết minh là nếu chưa đến coi như chưa biết… Cần Thơ!
Có một nhà hiền triết nào đã nói một câu hết sảy: “Chỉ khi lâm vào cảnh ngộ khó khăn, người ta mới thể hiện rõ năng lực chịu đựng và trí tuệ của mình”. Có lẽ tay tổ này đã nói sau khi phải “chinh chiến” qua những đêm như đêm nay của chúng tôi. Nhưng, nó chỉ đúng được đến chầu “trăm phần trăm” thứ ba. Trong đám nhậu, ai đó đã đổ từ cổ họng ra sàn nhà tất cả các thứ đã được cho vào.
Tôi hơi ái ngại, ngượng cho bạn, vừa lo cho thân phận mình. Nhưng quan sát thấy tình hình “chiến trường” vẫn tốt đẹp. Không sao, cứ làm một ly nữa. Mọi việc sẽ quen dần và vui vẻ thôi. Nôn rồi lại uống, không ai chấp, chuyện nhỏ!
Đêm ấy, đoạn kết ở chỗ nào tôi cũng chưa biết nữa. Thua rồi, thua thật rồi!
Vài hôm sau tình cờ tôi phát hiện trong cốp xe có một cái hóa đơn của Thiên Lý ghi cho tám khoản chi: Khoản ăn được, khoản không ăn được là hai triệu hai trăm lẻ bảy ngàn đồng. Còn khoản hai chục là coi xe thì không phải ghi vào đó.
Chuyến công cán chấm dứt. Những gì tốt lành nó mang lại cho đời thì còn ở tương lai. Riêng khoản nhậu, kể cả ta chiêu đãi bạn, bạn mời ta, tất cả đã ngoan ngoãn đóng góp cho hệ thống nhà hàng không ít hơn tám triệu! Lớn hơn mức lương chính của bốn thành viên trong đoàn một lần rưỡi!
Tôi cân nhắc rất nhiều, không muốn viết mà rồi lại viết, về một sự thật không mấy vui. Đó là dịp lũ lụt ở miền Tây Nam bộ năm ngoái, khi về viết bài, chúng tôi chuẩn bị tinh thần cho một chuyến đi gian khó, khi tám chục phần trăm diện tích Đồng Tháp, An Giang đang chìm ngỉm dưới làn nước. Nhưng tôi đã lầm, ở đây đó, ngay cả những nhà hàng bị nước vây bốn bề rất chi là thơ mộng này, dễ nhận thấy những cuộc vui nhậu rất vô tư kéo dài như vô tận. Thực khách là những ai? Khi cả nước đang cấp tập gửi hàng cứu trợ về đây, có những người ái ngại: “Không khéo lá lành lại đùm toàn lá… đẹp cũng nên!”
Tôi hỏi thăm người bạn về cái địa danh được ghi trong giấy mời chiều nay: Làng nướng Nam bộ. Người được hỏi cười ầm lên: “Quê quá rồi ông ơi. Cái Sài Gòn này bây giờ biết bao nhiêu là Làng nướng Nam bộ. Có lẽ không lâu sẽ có Làng nướng Bắc bộ, Trung bộ, rồi thì Lang luộc Thanh Hóa, Làng kho Thái Bình nữa cũng nên. Ít ngày sau, ở quận Ba, qua quận Bình Thạnh, tới Tân Bình, ở đâu cũng thấy người ta “giữ vững bản sắc dân tộc” bằng cách không chơi kiểu Tây nữa, kéo làng kéo xã lên thành phố mà nhậu. Có lần tôi đã đem cái vốn toán kinh tế ra để nhìn cái vấn nạn thơm tho, êm đềm này mà đâm phát sợ!
Gặp gỡ: nhậu. Nhận bằng cấp: nhậu. Mua xe mới: nhậu. Lấy vợ: nhậu. Bỏ được vợ: nhậu. Làm xong được cái “hợp thức” nhà: nhậu. Đón được đoàn thanh tra: nhậu. Tiễn được đoàn mà vô sự: nhậu! v.v… nghĩa là có thể nói mà không sợ hàm hồ: Một phần ba năng lực kinh tế, thời gian, không gian của toàn xã hội là dùng cho việc nhậu.
Bởi sự lên ngôi của mình như vậy, nên nhậu đã vươn lên thành kỹ nghệ. Ngay ý nghĩa văn học của từ nhậu cũng đã âm thầm thay đổi. Nếu quí ông nói: “Chiều nay bà ăn cơm trước đi, tôi phải đi nhậu với bạn” thì cũng có thể hiểu theo nhiều nghĩa khác nhau. Những tài khoản được ghi tên là: chi chiêu đãi, chi giao tế trong bảng kết tóan ở các công sở, cũng nên hiểu cho thấu đáo hơn. Có thể rất thú vị, cũng có thể dẫn tới những bi kịch.
Một tay tài vụ ở một xã miền Tây Nam bộ, giờ đã ngồi trong nhà đá vì thâm lạm công quỹ. Nhìn gia cảnh bấn bách của anh chàng này có ai nỡ ngờ anh ta khui tài sản XHCN về cho vợ con được, đó là sự thật. Có một sự thật khác là khi cầm tay hòm chìa khóa, sếp bảo chi cho những dịp tiếp đón quan trên chức dưới, anh ta dễ dãi làm theo. Khách ba nhà bảy, dại gì không chi. Nhưng khổ nỗi một ngày đẹp trời kia, sếp bỏ anh đi trước vì một vi phạm khác. Còn anh, mặc dầu rất thành khẩn mà không thể nào giải trình cho cơ quan công an tường tỏ hàng chục loại chi tiêu mà không hề có trong thuật ngữ tài chính!
Một lần tiêp khách ở ngoại quốc, người đối diện hỏi tôi về một nét gì đó mang đặc điểm Việt Nam. Tôi đang định nói về cái huyền ảo của tà áo dài Việt Nam thì anh bạn ngồi cạnh, vốn vừa ở Việt Nam về, giơ hai ngón tay lên cướp lời: “Xe moto và Nhạu!” Anh ta nói hơi ngọng nên khổ cho tôi. Bạn hỏi lại cho rõ. Tôi đành phải giải thích cặn kẽ Nhạu là… ăn, uống!
Cô bạn Tây ngạc nhiên: “Nếu ăn nhiều, tầm vóc các bạn phải lớn chứ đâu như thế này”. Tôi đâm ra bí, không biết giải trình thế nào đây. Nếu ăn thì có gì để nói. Chả lẽ lại nói về nhậu bằng hình ảnh thật nó, như cái đêm ở Cần Thơ thì thật là…
Không ngờ, cô bạn kia lại rõ mọi chuyện. Có lẽ anh bạn của cô đã nói lại hay sao mà trong dịp sang công tác kế theo đó, mỗi buổi sáng, sau khi thống nhất chương trình làm việc, cô trịnh trọng thông báo: “Trưa nay đoàn chúng tôi không dự “nhạu”. Chúng tôi rất ít thời gian. Chúng tôi đã có “pasfood” xin các bạn thông cảm”. Có lẽ cô đã hiểu rất rõ về… nhậu! Cũng rõ rằng, nhậu trở thành điểm khu biệt giữa ta và thế giới. Nó rất xa lạ với thời đại computer và cơ khí chính xác.
tất thảy những ai ở hà Nội, Sài Gòn và các vùng phát triển khi đi dự tiệc cưới đều nhận thấy, chỉ đến món thứ tư gì đó là cái dạ dày buốn vỡ ra rồi và khi người ta mang ra một cái lẩu hải sản thật ngon, thật lớn ra thì có người đã bỏ về.
Bước tiến dài từ thời phải dùng tem phiếu mua lương thực đến việc đổ bỏ một nồi lẩu trị giá đôi trăm ngàn đồng thực sự đã là một bước lùi đáng kể của văn minh, văn hóa!.
Nhậu rõ ràng là một cái gì ít văn hóa, có thể gây phương hại cho sức khỏe, cho kinh tế, cho hạnh phúc gia đình, cho kỷ cương xã hội và tiêu tốn một khoản không nhỏ kinh phí nhà nước thì hẳn nhiên nên xem lại, phải xem lại.
Lời bình của nhà Tư vấn.
Nội dung trên đây là bài tùy bút của tôi in trên báo Văn Nghệ TP HCM năm 2001.
Cho đến nay, không khí nêu trong bài viết thực chất không thuyên giảm mà có chiều hướng ra tăng.
Về phương diện trưởng thành, nếu "biết" nhậu sớm, "trưởng thành" trên bàn nhậu, có "đai đẳng" trong làng nhậu sớm chừng nào thì sự nghiệp sớm tiêu chừng đó, là một thực tế khá phổ biến.
hôm nay, treo lại bài viết tại đây, như một lời cảnh tỉnh vui vui với giới "ba say chưa chai" . rất vui nếu được chia sẻ.
Nguyễn Huy Cường