Hotline: 0968133153
Tin tức hoạt động được Trung tâm cập nhật liên tục
Để định lượng, xem xét và xử phạt thích đáng các vi phạm pháp luật là công việc của khối hành pháp. Tuy nhiên, kết quả của mỗi hành xử nhiều khi đã rất xác đáng, nhiều khi còn phải xem xét lại dưới những chiều kích khác. Bên cạnh đó, có một cách ghi nhận, cách phán xử khác, đó là Lòng Dân.
Nhân khép lại “Vụ án vườn mít” ở Bình Phước với 6 lần xử, một vụ án có ảnh hưởng sâu sắc đến danh dự, nhân mạng của hai con người nhưng sáu lần xử với sáu kết quả khác nhau, Xin đăng lại đây bài của Nguyễn Huy Cường đã đăng trên báo Tamnhin.net ngày 1/9/2011.
1. Cách đây mấy năm, những người dân chứng kiến vụ tai nạn kinh hoàng khi mấy chiếc ô tô du lịch của các “Tiểu gia” cán chết các em nữ sinh rất tang thương trên đường Láng – Hòa Lạc.
Vụ việc xảy ra giữa thanh thiên bạch nhật, các chứng cứ khá rõ ràng nhưng phải rất nhiều thời gian sau, Tòa án Hà Nội mới xử xong và người gây tai nạn chịu hình phạt của hành vi “vô ý gây chết người” với vài năm tù. Người chết thiệt thân.
Vụ án này khép lại nhưng trong lòng hàng ngàn học sinh mang khăn trắng chen chúc dự đám tang và công luận không dừng ở đó.
Những người dân sở tại đã chứng kiến mười mươi một phụ nữ trẻ cầm lái chiếc xe gây tai nạn. Cô này cũng bị thương và sau đó được đưa đi cấp cứu rồi biến mất khỏi vụ án cho đến hôm nay.
Mặc dù cương vị “người dân” thực tế không cho họ quyền phán xử và không đủ điều kiện “đi đến cùng” nên từ phóng viên báo chí đến những người đã chứng kiến kia cũng từ từ im lặng, quên đi.
2. Hơn một năm nay, tại Hà Giang, vụ án Sầm Đức Xương được đưa ra xét xử... chiếu lệ, nếu không có Luật sư chỉ ra những bất cập về thủ tục tố tụng và nhiều chứng cứ mới chứng tỏ hàng loạt nhân vật có trách nhiệm liên quan thì có lẽ nó cũng từ từ đi vào quên lãng, không phải xét xử lại. Lúc này các em Thúy- Hằng đang ngồi tù đã “từ chối” Luật sư biện hộ cho mình.
3. Con đường cao tốc từ TP Hồ Chí Minh đi Trung Lương có giá thành cao gấp hai lần đường cùng kích cỡ bên Trung Quốc. Khi báo chí chất vấn, chủ sự trả lời vì nó đi qua nhiều vùng mềm lún, phải làm cầu nhiều hơn dự kiến nên hao tiền hơn.
Sau đó, hiện lấp ló nhiều dự án bây giờ mới lập, hoàn toàn có thể “tránh” được nếu muốn tránh hiện tượng đội giá thành như đoạn đường trên nhưng theo dõi trên báo chí, căn với số km tổng hành trình thì thấy chỗ nào cũng đắt hơn cái đã đắt kia nhiều!.
Người dân, thậm chí là các nhà báo thực chất rất khó có điều kiện về chuyên môn, quyền được tiếp cận, kiểm tra, so sánh để kiểm chứng xem vì sao mà ở cái đất nước cái gì cũng rẻ, rẻ nhất là giá đền bù đất đai mà giá thành đường cứ cao ngất ngư như vậy, chỉ biết nghe thôi!.
4. Gần đây nhất, có một số báo cáo khẳng định thời gian qua tỉ trọng tham nhũng giảm, thậm chí không có (theo quan điểm chưa phát hiện được thì coi như không có) được tung lên báo chí.
5. Mỗi đợt bầu cử. Từ mươi năm nay có thông lệ dán mấy miếng giấy ghi tóm tắt đến mức không thể tóm tắt hơn tiểu sử của ứng cử viên kèm tấm ảnh nhỏ xíu như ảnh dán trong thẻ hội viên câu lạc bộ gì đó. Thực chất, chưa hề có tấm giấy nào ghi lại một khuyết điểm dù bằng con muỗi trong quá khứ của vị ứng cử viên. Về trình độ, năng lực thì toàn cỡ đại công dân cả. Tỉ trọng từ tốt nghiệp đại học lên đến giáo sư gần đủ trăm phần trăm.
Thói thường, coi như người dân có thể yên tâm khi bỏ phiếu cho bất kỳ ai cũng được.
Nhưng, chỉ lấy khung thời gian mươi năm gần đây thôi, nhìn vào hiệu ứng tâm lý của người dân thể hiện qua niềm tin, sự kính trọng, tâm thái yên tâm, sự sẵn sàng đóng góp vào đại cục sau những biến động đại loại như nói trên thì thấy “hơi bị “ khác!.
Người dân không thể tin một cô gái trẻ bị thương trong vụ Hòa Lạc lại biến mất dễ dàng như Tôn Ngộ Không được. Nếu cô ta hiện diện, tội danh của mấy “tiểu gia” kia sẽ khác!.
Với các em Thúy, Hằng ở vụ án trên Hà Giang, người ta có thể nói trời nói bể nhưng người dân không bao giờ tin các em “vô tư” từ chối Luật sư bảo vệ cho mình.
Với những cây cầu, những con đường cao tốc, người dân dư lòng tin rằng có nhiều cách làm rẻ hơn.
Nhìn một vị cách nay năm năm, khi còn làm ở MTTQ huyện, mua chiếc xe máy tốt cho vợ đi dạy học còn phải chạy vạy vay mượn bà con lối xóm thêm ít tiền. Khi xây căn nhà cấp 4 còn phải trả chậm tiền vật liệu nhưng nay vừa yên chỗ trong cơ quan T. già nửa năm, tậu ô tô mới giá nửa tỉ đi làm, đập căn nhà cấp 4 xây cái Bulding cao ngất ngư dù nhà chỉ có bốn người cả người giúp việc. Với hình tượng này, khỏi cần công an, tòa án, thanh tra ra tay nhưng người dân có quyền tin vào cảm nghĩ của họ xem tiền của của quý cấp kia từ đâu rơi xuống.
Đó, để xây dựng một công trình kiến trúc to đến mấy, gắng cũng xong. Thiếu tiền thì vay. Vay không trả được thì sau trả.
Nhưng, để xây dựng được Lòng Dân, một thành tố không thể thiếu trong lộ trình đi tới ổn định, phồn vinh thì rất khó. Nó đòi hỏi ở nhà quản lý xã hội rất nhiều điều nhưng đầu tiên, là một nhận thức: Đó là việc phải biết trọng Lòng Dân khi hành xử bất cứ điều gì.
Từ đó mới mong rằng “khó trăm lần, dân liệu cũng xong” như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ ra.
Nếu cứ quên đi điều đó, quên mất cái “quyền” được nghĩ , được tin của người dân thì thật là không thấu đáo.
Bài và ảnh : Nguyễn Huy Cường