Hotline: 0968133153
Tin tức hoạt động được Trung tâm cập nhật liên tục
Vài năm trước, vào Sài Gòn lần đầu tôi gặp cái may mắn lớn là ngay buổi đầu, tôi đã gặp hai người bạn “nối khố” thủa hàn vi. Một trong hai người bạn đã có vợ, là Khanh. Khanh cũng là em họ xa của tôi. Vợ Khanh, cô Hồng Anh, người phụ nữ đẹp đến nỗi ngoài quê nhiều người vẫn xì xầm về cái phúc cho nhà Khanh khi có cô con dâu kiều diễm.
Lần đầu đến nhà, cô gái ra đón, miệng nở nụ cười thân thiện mà bây giờ tôi vẫn không thể quên được. Như một biểu hiện rất đậm đà tình thân yêu và nỗi xúc động. Trước khi cô gái đem hai li nước mát về, tôi ngồi ngắm tấm ảnh cưới của các em, họ có dáng vẻ như một cặp diễn viên điện ảnh chứ không phải người bình dân. Cặp chân mày hoa hậu của cô em dâu bộc lộ một nét sắc xảo mà ai đó, chỉ nhìn một lần cũng cảm thấy rõ và khó quên được. Tôi thầm ghen với cậu em hiền lành, sao trời đất ưu đãi nó gớm thế!
*
* *
Cô em dâu làm nghề buôn bán nữ trang, cô buôn bán loại vòng đá nạm vàng. Hình nư cô ấy sinh ra để làm việc đó và nghề nghiệp ấy cũng góp sức làm cho cô ấy rạng rỡ thêm. Khi ấy, vì mới tới Sài Gòn, lại tiếp xúc ngay được với cô gái xinh đẹp, quý phái, tôi thầm nghĩ: cô gái Sài Gòn nào cũng đẹp đẽ, giỏi giang, họ khác một trời một vực với các cô gái quê mùa, vất vả ngoài xứ tôi.
Niềm vui hội ngộ của chúng tôi ồn ạp được vài hôm thì lắng dần xuống. Một nỗi buồn nhè nhẹ lần đầu tiên xuất hiện. Đó là, tôi biết rằng, Thành, người bạn thứ hai trong cái nhà này, là đứa bạn chín chắn, thân thiết của chúng tôi vẫn chưa lấy vợ.
Thành ở chung nhà với Khanh, nhà này thuộc diện cơ quan phân cho ở, từ khi Khanh và Thành còn độc thân. Khi Khanh có vợ, họ ngăn hờ một miếng ván ở non nửa bên ngoài cho chàng độc thân.
Khi ấy, dù ngoài bốn mươi nhưng Thành thuộc loại tráng kiện, thông minh và rất dễ mến. Nhưng anh vẫn cứ âm thầm ở một mình bên cạnh một gia đình hạnh phúc tròn đầy.
Bình thường ra, Thành ít nhiều phải bị ảnh hưởng từ hình ảnh cặp vợ chồng nhà Khanh, khi cuộc sống của Khanh trôi qua trước mặt, đầm ấm và hạnh phúc.
Là bạn rất thân của Thành, lại là người đa cảm, tôi tự cho mình cái quyền quan tâm đến Thành, tôi cho việc Thành muộn vợ là một vấn đề “nghiêm trọng”.
Ngày còn ở ngoài Việt Trì, tôi và Thành chung nhau một sở thích là yêu văn học. Đôi khi Thành kín đáo khoe tôi bài thơ anh viết, dù cấu tứ chưa chặt chẽ lắm nhưng có những câu rất dễ lắng đọng: “Cánh phượng chiều ôm phím nhạc dưng dưng-cứ vẫy mãi như chờ em quay lại – Tôi lạc bước trong chính mình, mê mải-chuyện cùng em gần hết cả hoàng hôn”.
Ấy vậy mà hơn chục năm trôi đi, khi “Em” của Khanh thì đã đâu vào đó, đã sinh con đẻ cái còn “em” của Thành thì vẫn lẩn khuất đâu đó trong dòng người bất tận, hối hả và hờ hững ngoài kia.
Nhìn vào cái vẻ lầm lì ít nói, với cái thói quen trầm mặc như của người “độc thân chuyên nghiệp” của Thành, trong đầu tôi lơ lửng một dấu hỏi lớn.
Lần truy hỏi đầu tiên của tôi diễn ra khi nhà vắng bóng vợ chồng Khanh đã không thành.
Thành khôn khéo rủ tôi đánh cờ tướng và thách thức rằng: ngày xưa, tôi là sư phụ hắn về khoản này nhưng nay, Thành có thể chấp tôi một con mã.
Bị kích động vào cái món sở trường của mình, tôi lao vào đánh cờ tướng với Thành. Tôi đã nhẹ nhàng vướng vào cái bẫy của hắn. Hắn đã lảng tránh vấn đề một cách tài tình như một nhà ngoại giao Mỹ.
Lại một cái tết đến. Chúng tôi đã ngoài bốn chục tuổi. Tôi cũng còn phải cam go với cuộc sống riêng của mình, ít quan tâm hơn đến cuộc sống của Thành, Khanh nữa.
Nhưng có một lần, được mời đến trong một dịp vui. Tôi rất mừng khi có mặt tại đó là một cô bạn của Thành. Tôi đem “tài năng” quan sát của một thằng đàn ông đã có vợ ra “chụp nhanh” cô gái, hi vọng sẽ giúp Thành vượt qua cảnh “gà trống nuôi thân” này.
Hình như Thành đã hiện nguyên hình là một tay cầu toàn và sành sỏi. Đó có thể là lý do chính khiến hắn chưa lấy vợ: cô gái bạn Thành đẹp sửng sốt, trội hơn vợ Khanh nhiều.
Tan buổi tiếp, tôi háo hức chờ được góp ý với Thành những nhận xét tốt đẹp của mình.
Nhưng, Thành thì trầm mặc, ít phấn chấn. Anh như đã quên đi cuộc gặp gỡ vừa rồi. Anh lẩn thẩn tìm cái bàn cờ tướng, chuẩn bị lừa tôi keo nữa.
Tôi bực tức gạt phắt cái của nợ ấy đi, hăm hở hỏi: Thế nào, tao muốn làm chủ hôn ngay tuần sau cho bọn mày được không, gớm thật!
Trái với tình cảm của tôi, thành nhìn rất xa, anh hờ hững nói “ông có thấy nét gì khá nổi ở cô ấy không?”.
Tôi thực sự chấp chới. Cái đặc biệt mà tôi thấy là cái dẹp kiều diễm, cái ánh mắt rực lửa nhưng vẻ dịu dàng thì như một làn gió nhẹ.
Một vài phút im lặng trôi qua.
Tôi chờ đón ý kiến của Thành. Anh nổi tiếng là tinh tế, sâu sắc.
Thành rít một hơi thuốc thật dài, nuốt trọn cả làn khói, từ từ khà một cái rồi nói: “Cô bạn này… mang trên mình nhiều vàng quá… mà toàn vàng giả…”
Tôi hiểu ý của bạn theo hướng khác. Tôi oà đi: ôi chao, tưởng gì, lấy vợ chứ lấy gì vàng, cần gì vàng, như tao đây…”
Tôi định thuyết phục hắn bằng cái thân phận nghèo bê bết của mình.
Thành gật gù: ừ thì đúng vậy, lấy nhau cần gì vàng, kể cả vàng thật như ông nói, nhưng sao cô ấy phải mang nhiều vàng giả thế?
Tôi hỏi Thành, làm sao mà anh biết vàng của cô gái kia là vàng giả?. Thành cắt nghĩa rất tinh tế: mình cũng chưa bao giờ xài vàng thật nhưng nhìn thì biết ngay. Vàng thật nó nặng, nó chìm xuống, dịn lấy da thịt còn vàng giả nó nhẹ hều, cứ bồng bềnh trên phần da thịt hở, sao lại thế nhỉ?
Có vẻ như Thành đang hỏi ai đó, hay hỏi trời hỏi đất chứ không phải hỏi tôi.
Sau đận ấy, tôi lờ mờ nhận ra lí do vì sao, ngoài bốn mươi Thành vẫn chưa có vợ, dù mái đầu đã điểm chút sương tuyết hơi sớm.
Hôm ấy, chỗ tôi ở mất điện mà lại có việc gấp. Tôi tìm đến nhà Thành để nhờ cái máy tính của anh làm nốt cái phác thảo cho một bộ phim sắp thực hiện. Cũng tiện thể, thăm mấy đưa cháu coi chúng học hành ra sao.
Lúc ấy, Khanh và Thành đi làm.Tôi và vợ Khanh gọi tô phở sáng ngay tầng trệt về nhà ngồi ăn. Ăn chưa xong thì nhà có khách.
Khách đến nhà là hai vợ chồng một người lớn tuổi, nom bệ vệ, đàng hoàng lắm.
Câu chuyện của họ chỉ lễ nghĩa, lịch sự được dăm phút sau đó phòng khách trở nên sôi sục vì một đề tài có thể làm đau đầu bất cứ ai.
Số là, vài ngày trước, khi trao đổi mua bán một mớ hàng gì đó với bà khách là bạn hàng với Hồng Anh, vợ Khanh . Bà này nhận của em tôi một chục lượng vàng miếng để trả nợ cho một người thân sắp bay đi Mỹ. Nhà bà ta không thiếu nhưng toàn vàng trang sức, vụn vặt. Nay vay thứ gì, trả thứ đó nên phải mượn vì chiều đó, bạn bà kia bay rồi nên phải mượn tạm, tính sau.
Vốn là người thân , em tôi mở két lấy mươi lượng vàng đưa cho khách.
Ở Sài Gòn, dù nhiều dù ít, khi mua vàng, khách hàng đặt lòng tin lớn vào tiệm vàng. Trong giao dịch người này với người nọ cũng vậy. Ngã giá xong, đưa hàng cho nhau, là xong.
Trong trường hợp này, có nét khác.
Người nhận vàng cuối cùng là một Việt kiều. Tính ông vốn cẩn trọng, nhận vàng xong, ông cho vào máy thử, có đến một phần ba là vàng giả, vậy nên mới đến nông nỗi này.
Trong lúc tôi và ông chồng bà khách trầm ngâm, khó xử thì hai người đàn bà ra sức đôi trối nhau. Em tôi ra sức chứng minh là vàng thật. Cô có vẻ xúc động đến tột cùng, cô thề thốt ra trò mà bà khách vẫn không chịu tin.
Đến lúc cô đem cả mạng sống của chồng con ra thề thốt thì tâm trạng tôi tạm thời thư thái. Tôi tin em dâu họ của tôi, với dòng nước mặt tức tưởi của nó.
Gương mặt thiên thần, đẹp đẽ chừng ấy không thể là người lừa dối. Tôi thoáng bực dọc và khinh miệt với vợ chồng bà khách.
Bà khách vẫn ồn ã la lối và đe dọa, nếu không xong sẽ kiện ra chính quyền.
Khi họ về rồi, Hồng Anh tức tưởi khóc. Cô nói lên nỗi hàm oan của mình.Cô nói về cái vất vả của nghề giao thương. Cô xem tôi như người có thể giải quyết được mớ rắc rối ấy.
Đợi Hồng Anh nguôi ngoai, tôi buột miệng hỏi: này em, sao em không nghĩ ra nhỉ, em mua vàng này ở tiệm nào, kéo nhau ra đó để họ chứng. Vả lại, mua hàng này có hóa đơn, nay trưng ra, là xong!
Hồng Anh chững lại một giây. Những giọt nước mắt bỗng biến hết. Giọng cô tỉnh táo lạ thường:
- Điều này em có thể làm được, nhưng, với riêng anh, em xin nói thật, xin anh đừng nói lại chuyện này với chồng em: vàng này, do một người bạn… một người bạn thân… một người bạn trai… cho em!.
Gần một tháng sau, tôi đi công tác ở nước ngoài về, tìm đến nhà Khanh để cho các cháu mớ quà. Nhà đi vắng hết, chỉ còn mỗi mình Thành. Anh vừa thong thả đi bộ từ câu lạc bộ cờ tướng về. Chúng tôi đi bách bộ chầm chậm cùng nhau quanh quanh khu chợ Hòa Bình. Trong khi đi, tôi cứ bị ám ảnh hoài về những dãy tủ kính bày toàn vàng là vàng trên đường Nhiêu Tâm, quận 5. Tôi có cảm giác không rõ ràng về thứ hàng hóa này, tôi cứ luôn thắc mắc: trong kia, có bao nhiêu vàng thật và bao nhiêu vàng giả?
Tôi kể lại câu chuyện không buồn, không vui trên đây. Nghe xong, Thành vẫn giữ thái độ bình tâm muôn thủa của anh. Khi về nhà, rót cho tôi li trà xong, anh thủng thỉnh:
- Tôi quả quyết với ông, không có người bạn trai nào tin cô ấy đến mức trao cho cô ấy một đống vàng như thế, nhưng…
Thành bỏ lửng câu nói ở sau chữ “nhưng”.
- Nhưng thế nào?
Tôi háo hức chờ ý kiến của “nhà triết học” Nguyễn Thành như cách gọi của bạn bè hai chục năm về trước.
Thành thủng thẳng đáp: Nhưng, nếu có người cho thì cô ấy sẽ…nhận!
Trong khoảnh khắc ấy, tôi thấy gương mặt bạn tôi già đi. Ngoài trới lúc này đang chuyển mưa, cửa sổ tối rầm lại và trên nền trời, thỉnh thoảng bị rạch bằng những vệt rạn vỡ vĩ đại kèm theo tiếng sấm nặng nề, dài rằng rặc.
Tôi vốn mau mồm mau miệng mà lúc này, không biết nói gì cả. Không biết nói gì với người đàn ông trầm mặc này cả, càng không thể vô duyên hối thúc anh lấy vợ như những lần khác.
Tôi chào Thành ra về. Thành tiễn tôi xuống cầu thang và đưa cho tôi một cuộn băng catsete đã cũ và nói bằng chất giọng hơi khàn, nặng nề.
- Vài năm trước một hôm vừa sửa máy xong, đang thử thâu cái băng này thì nhà có khách. Mình giữ ý đi uống café, khi về, máy đã thu xong một cuộc nói chuyện của Hồng Anh với khách. Ông đem về nghe thử.
Tôi về nhà háo hức cho cuộn băng vào máy.
Không có một bản tình ca nào vang lên cả.
Căn phòng tôi ở đang ồn lên bởi nội dung cuộn băng. Nó giống y hệt buổi cãi vã nhau giữa Hồng Anh và vợ chồng ông khách người Hoa mà tôi chứng kiến.
Vàng.
Thật.
Giả.
Thề thốt.
Lúc ấy, Hồng Anh cũng đem cả Chúa, Phật và mạng sống của chồng, của hai đứa con vô tội ra thề về sự thật của mấy chục cây vàng vừa trao đổi. có điều, giọng nói của người khách trong băng không phải cái giọng lơ lớ của người Hoa như hôm tôi thấy mà là một chất giọng Nam bộ chính công. Bà khách khóc rất nhiều.
Thời gian vẫn lặng lẽ trôi đi. Câu chuyện nặng nề kia cũng mờ dần tuy nhiên, sau sự kiện đó, hình như thằng nào trong chúng tôi cũng có cảm giác ngại gặp nhau. Điều dễ hiểu là gặp nhau không có chuyện gì để nói, chả lẽ lại nói về chuyện giàu có của Hồng Anh và chuyện muộn vợ của Thành.
Hơn thế nữa, phần tôi, tôi cũng không muốn đến đó, để phải chứng kiến gương mặt trầm buồn, mái tóc càng ngày càng bạc của Thành, một người bạn quý của tôi.
Câu chuyện này, chỉ đến đây là hết. Nhưng hôm nay, đưa vào tập sách này, thật vui vẻ đưa thêm một đoạn “thời sự” hầu bạn đọc.
Năm 2007, vào tuổi hơn năm mươi, Thành đã lấy vợ. Mối nhân duyên của anh khá êm ấm và hạnh phúc. Một người bạn cũ trong chúng tôi, thấu hiểu Thành và… nể Thành, đã gả con gái cho Thành.
Khi gặp vợ chồng Thành trên một chuyến bay, tôi hỏi đùa: khi lấy vợ, tuổi đã chớm già, anh có còn kén chọn kỹ như xưa nữa không?
Thành cười, mắt sáng lên: có chứ!.
Tôi hỏi “tiêu chuẩn” của anh khi kén vợ là gì. Anh chỉ cười.
Khi sắp chia tay, tôi xin số điện thoại của vợ Thành, để về nhà cho vợ tôi gọi điện, chúc mừng thì em gái cười cười, cô không dùng điện thoại di động, mặc dù, lúc ấy là năm 2009.
Tôi ngạc nhiên, trách Thành, sao không trang bị cho vợ một cái máy, có đáng là bao?.
Cô vợ trẻ cướp lời, nói rất vui:
- Anh ơi, tiêu chuẩn của anh Thành khi kén vợ là thế đấy, anh chọn một cô gái không biết dùng điện thoại di động. Cho nên, em dễ dàng “thắng cuộc” bởi em không phải cạnh tranh với ai, cả lớp trung cấp kế toán của em, có mình em không dùng “di động”.
Thành cười, cái cười hào sảng, thoải mái của người vừa thắng một ván cờ tướng.
Việt Trì tháng rét 2010.
Nguyễn Huy Cường.