Hotline: 0968133153
Tin tức hoạt động được Trung tâm cập nhật liên tục
Số báo trước, tác giả bài viết đã đưa ra những ví dụ tưởng như rất nhỏ nhoi để đưa ra luận điểm: Muốn có 10 tỷ USD dễ hay khó. Những thông tin trong số báo này tiếp tục là những ví dụ để đưa ra câu trả lời đảo ngược mệnh đề: “Làm thế nào để không mất 10 tỷ USD?”.
4 - Chủ trương công nghiệp hóa là một vận động khách quan rất đúng đắn để mau chóng đưa đất nước ra khỏi nghèo nàn, lạc hậu nhưng nó cũng đòi hỏi tính đồng bộ , thúc đẩy các địa hạt khác cùng tiến tới.
Do đó, từ thời cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt còn đương chức, ông đã khuyến cáo không nên dùng đất có vị trí, chất lượng tốt để làm khu công nghiệp. Mười lăm năm sau, hầu như về cơ bản, ta đã làm… ngược lại.
Tại trục đường quốc lộ số 1, số 2, số 5 ở kế cận thủ đô Hà Nội hay vùng 100 km kế cận TP HCM, hầu như 100% khu công nghiệp tiến chiếm những mảnh đất đẹp nhất của kinh tế nông nghiệp để làm khu công nghiệp theo hướng càng gần đường càng tốt, càng gần đô thị càng tốt.
Nhiều vùng nông nghiệp điển hình, vùng vành đai xanh của thành phố, vùng dân cư ổn định như vùng Bàu Xéo thuộc Đồng Nai, Củ Chi, Trảng Bàng ở hướng Tây bắc Sài Gòn hoặc bám lộ tuyến Hà Nội Việt Trì, Hà Nội Hải Dương đã biến thành khu công nghiệp.
Có thể lấy một hình ảnh điển hình là: Chỉ cách khu công nghiệp Bàu Xéo huyện Trảng Bom tỉnh Đồng Nai hoặc khu công nghiệp Bình Xuyên tỉnh Vĩnh Phúc khoảng 15 km là những vùng đất bán sơn địa, cằn cỗi khó phát triển nông nghiệp nhưng rất phù hợp để làm công nghiệp. Tại đó, kể cả khi làm một con đường đại lộ rộng 40 m nối với quốc lộ vào thì vẫn bảo đảm được các nhân tố về nhiều mặt, vẫn hấp dẫn nhà đầu tư như thường.
Đối với những nhà đầu tư chân chính, họ vượt trùng khơi sang đây được thì việc vượt thêm mươi km vào bản doanh mới không có gì khó khăn cả. Trong lúc đó, nửa ngàn hécta cao su cao sản, mỗi năm cho thu tại chỗ hàng trăm tỷ đồng không phải hi sinh tức tưởi (như ở Bàu Xéo) hoặc hàng trăm tỷ đồng trên những cánh đồng vốn đã đạt chỉ tiêu “CLB 50 triệu/ha” như nhiều vùng ở Vĩnh Yên, Hải Dương vẫn yên tâm phát triển.
Cần nói rõ, một trong những giá trị căn bản hàng đầu của đất đai là vị trí. Những khu đất cận đô thị, sát trục lộ tự thân nó đã có giá trị lớn, nhiều khi lớn hơn giá trị thu được từ thuế của KCN, nó là một dạng siêu tiềm năng để tạo điểm bùng phát cho kinh tế đất nước năm, mười năm nữa.
Việc hình thành các KCN sát lộ kiểu hiện nay, để “tiếp thị” bằng trực giác là một tư duy sơ giản, thiếu chiều sâu và cái giá phải trả về ách tắc giao thông, ô nhiễm môi trường… Và đó là chưa kể những khu công nghiệp bỏ hoang hóa, những bờ xôi ruộng mật bị bê tông rồi bỏ đó thiệt hại đến chừng nào?
Nếu gom những thất thiệt kiểu này trên quy mô toàn quốc, ngoài những mất mát về môi trường, về cấu trúc cảnh quan, về giá trị tự thân của vị trí đất ra, thiệt hại trực tiếp từ thất thu ở những vùng nông nghiệp tiềm năng, đang phát triển trong khung thời gian gần như vĩnh viễn thì khó mà thống kê nổi!
5 - Cuối cùng, ta xét đến vấn đề lương lao động và tiền thuê mặt bằng.
Khoảng năm 1995-2005, khi tốc độ công nghiệp hóa bắt đầu phát triển ở Việt Nam, có vẻ như ta rất dễ dãi, xông xênh trong việc xác định mức lương cơ bản cho công nhân Việt Nam. Trước năm 2005, nhiều xí nghiệp liên doanh hãy còn trả cho công nhân Việt Nam lương tháng cỡ dưới 70 USD.
Tiền thuê mặt bằng cũng vậy, hình như đã có một chủ ý dùng giá trị tiền công chi cho nhân công thấp và hạ đến mức không thể thấp hơn tiền từ giá trị sử dụng đất cho các công ty nước ngoài để mời gọi đầu tư. Cho nên, trên thực tế đã có những hình ảnh bi hài: tiền thuê mặt bằng cho một công xưởng rộng cả hecta chỉ bằng tiền… ăn của ông Tổng giám đốc Công ty bên chính quốc. (Hiện nay một số nơi đã có điều chỉnh với những hợp đồng mới cao gấp 4 lần trước đây, họ vẫn vào).
Tiền lương công nhân thì thấp hơn 3 lần tiền lương cùng ngạch cùng nghề của công nhân bên Philippin và Malaysia, nơi cùng khu vực, chỉ cách ta hai giờ bay. Tại đây, “nội lực” của ta biến thành… ngoại tệ tồn lại trong túi ông chủ nước ngoài khi họ không phải chi.
Có người nói: Phải như vậy mới thu hút đầu tư mạnh từ ngoại quốc được.
Xin thưa, đó chỉ là lý luận sơ giản của người chưa ra biển lớn.
Nước Việt Nam này, có hàng loạt nhân tố thu hút đầu tư khác về vị trí, bờ biển, tài nguyên v.v…
Phải vận đến mồ hôi nhân công rẻ mạt là hạ sách và làm tiêu biến không biết bao nhiêu tỷ USD mà ta có thể được hưởng. Bằng chứng là từ dăm năm nay, bởi nhiều yếu tố cọ xát, mức lương cho công nhân trong các công ty liên doanh bình quân đã cao hơn trước năm 2005 nhiều lần, giá thuê mặt bằng cũng đã cao lên vài lần nhưng tốc độ đầu tư vào Việt Nam vẫn không hề giảm!
Làm thế nào để không mất 10 tỷ USD?
Nhìn lại 05 ví dụ thì:
Mất do thủ tục hành chính rườm rà, lạc hậu có.
Mất do năng lực công nghiệp (ở đây là năng lực vận tải) bị kiềm chế có.
Mất do cấu trúc thời gian đào tạo trong giáo dục dài dòng , có.
Mất do thiếu hiểu biết, thiếu mẫn cảm trong việc “đọc” các đối tác, trong đàm phán thương mại, ngoại giao, có.
Mất do thiếu khả năng định dạng năng lực vĩ mô của xã hội nên hy sinh (giá công nhân, giá thuê đất rẻ) có.
Và những cách làm này cho chúng ta một câu trả lời lạnh như thép: Để làm mất 10 tỷ USD dễ vô cùng…
Bao giờ? Bao giờ ta lập được một biểu đồ ghi biên độ cụ thể trong những đồng tiền được đầu tư vào Việt Nam và những phân vạch thật rõ ràng từng góc từng phần để thể hiện đâu là đồng tiền hữu dụng, đâu là số tiền đã mất, sắp mất do những chuyện nho nhỏ như đã từng ví dụ?
Nguyễn Huy Cường - Bài đã đăng trên báo Tiền Phong