Hotline: 0968133153
Tin tức hoạt động được Trung tâm cập nhật liên tục
Mỹ về ở trọ ở xóm tôi một thời gian. Cái tạng trung niên ham văn vẻ, chữ nghĩa của anh có vẻ hơi lạc hậu so với lớp đồng tuế láng giềng. Anh thường tìm đến tôi để chia sẻ những ý tưởng, những dự cảm vui vầy nhỏ nhoi của mình.
Tôi đặc biệt chú ý đến câu chuyện Mỹ định viết về chính nhà chủ cho anh thuê nhà, một câu chuyện bi hài kề sát nhà tôi mà tôi không biết.
*
* *
Căn nhà ông bà Lam, phía ngoài cùng dựng mấy pho tượng Phật được đắp bởi thứ duy mỹ chủ quan, trừ gương mặt hao hao giống Phật ra còn cứ như là vũ nữ.
Có những người, khi còn dư đủ năng lực thường mặc sức làm việc, bon chen, làm hại người khác nhưng khi về già thường lợi dụng một kẽ hở lớn nhất của Đức Phật là Ngài không biết nói nên ngài chưa đuổi thẳng ai ra khỏi tầm nhìn của ngài.
Bởi vậy nên ông bà Lam nhà tiếp thu cái lợi thế đó rất tự tin, cạo phắt đầu nhẵn thín, tuần đôi lần thắp nhang gật gù, tụng niệm. Dưới trướng ngài là dăm bà sồn sồn sau khi đã gây gổ với đời cho đã, nay có dịp được nghe những cái vô vi, linh diệu mà họ không thể hiểu nhưng cũng thấy hay hay thì tâm đắc lắm và, tại đây, những khát vọng thực như tài lộc, hiển vinh được cả chủ lẫn khách thật thà bày tỏ lên đấng cao siêu.
Một lần, khi đám con công đệ tử đang rạp mình cúi lạy như bổ củi thì một trung niên quắc thước bước vào, anh ta chỉ vào mặt lũ hủ đạo: “cút ngay, cút ngay !, đám mượn đạo tạo đời này… khẩn trương lên không tao đổ xăng đốt hết bây giờ…”.
Anh ta lướt cái nhìn nảy lửa vào mẹ: “Bà nữa, bà đừng tính xuống tóc, có cái đầu trọc lốc là dạy ai cũng được đâu!”.
Không khí uy nghi giả tạo thoáng cái biến mất chỉ còn tiếng nói gấp gáp của ông già: “gọi… gọi 113 ngay…”.
Anh trung niên trầm tĩnh: “Hình như ông không có cái trò gì hơn là gọi công an, ông nghĩ công an người ta suốt ngày ngồi không để chờ ông một tháng dăm lần gọi đến để dẹp con cái!?”.
Mỹ hơi ngạc nhiên, anh mới đến làm khách trọ ở đây dăm bữa. Mới một lần nghe đã ớn mà “một tháng dăm lần” nghe sao đặng?.
Sau cái bi kịch ấy năm ngày, một thanh niên còm nhom, dáng vẻ bơ phờ của người thất tình bỗng tả sung hữu đột, vừa chửi thậm tệ đấng sinh thành vừa đá văng những pho tượng từa tựa vũ nữ bằng xi măng kia ùm xuống cái ao đen đúa ngay dưới chân ngài.
Nghe trong mớ âm thanh hỗn độn do anh ta vừa xả ấy, Mỹ cảm nhận được một điều : hai ông bà hay giảng Phật pháp kia vừa thực hiện một âm mưu khủng khiếp: họ dụ đàn con đứa nào cần bao nhiều tiền, vàng lập nghiệp thì viết rõ yêu cầu vào trang giấy, sẽ cấp cho một lần. Đàn con tưởng bở làm theo và sau đó, bà Lam trình công an phường về “vụ tống tiền có bằng chứng “của lũ con.
Đám con khốn đốn về trò bẩn ấy. Đó là lúc vùng này sắp giải tỏa trắng và ông bà Lam sắp có tiền.
Mỹ quyết tìm cho ra lẽ.
Một lần anh giả vờ mộ đạo, đến nghe giao giảng thì thấy từ giọng trầm ấm của ông già toát ra những điều rất thực. Không thể nghi ngờ được gì từ cái giọng êm êm, trôi chảy của ông Lam. Ông khuyên bảo con người phải biết giới hạn mình trong những khát vọng vô biên của vật chất, phải cầu mong sự an lành cho tất thảy chúng nhân nhưng chỉ sau đó hai giờ, anh lại xác tín được một sự thực: chính ông bà già này đã góp phần giết chết con gái mình bằng việc, xúi nó tranh thủ chôm tiền của anh con rể mới khờ khạo về cho mẹ cách nay hơn mươi năm. Phát hiện thấy bị bội phản, anh chồng kia đã táng chết vợ mà bà già không dám lên tiếng kiện cáo bênh vực con gái mình, đành đem con về chôn ngay đầu nhà và nuôi đứa nhỏ mồ côi oan.
Câu hỏi “tại sao” cứ vởn vơ trong đầu Mỹ, tại sao những con người thậm ác lại giao giảng rất truyền cảm về cái sự lành, lại dạy dỗ thành công được những người theo mình tâm niệm?. Đám người ác bá như vậy thì cứ ác luôn thể đi, lại bày vẽ ra chuyện thờ phượng, tụng niệm làm gì cho mệt thì anh mới hiểu ra một điều không bình thường.
Thì ra, năm xưa, khi khởi kiện một người tranh chấp đất với mình, bà Lam đã tìm được một chỗ dựa là một bà mộ đạo, là chị ruột của một nhà chức trách lớn của thành phố, bà về tranh thủ kiếm vài bao xi măng trắng tạo ra cái kinh đô con con của sự sùng tín xạo xượng này để tiếp bà kia, tranh thủ sự ủng hộ của nhà chức trách.
Có điều, sau khi quen biết nhau, bà chị gái ông cấp quyền kia phát hiện ra một điều không bình thường là: một gia đình có hàng nửa mẫu đất đô thị, bán đi mua lại, sinh lợi hàng nhiều tỷ đồng mà tất cả 8 người con, không ai được gả bán, cưới hỏi, không ai có nhà, không ai có sự nghiệp, hiện vẫn ở nhà thuê và có những người con, ở cách cha mẹ nửa cây số, không bao giờ về nhìn mặt mẹ thì không thể gần gũi đức Phật chí nghiêm, chí tôn được.
Có lần, một người con ruột chậm trả vài ngày món tiền mượn mẹ để mua ngói lợp nhà,vừa tụng kinh xong, bà sang vừa Đ.má (là cụm từ bà rất hay quen dùng ngoài lúc lễ Phật) vừa dùng cây chọc vỡ tan nhiều viên ngói cho hả. Chiều đó, mưa tuôn xối xả vào cái lỗ thủng nhân nghĩa do con người quái gở kia gây ra.
Trong suốt thời gian trọ ở đây, Mỹ khốn khổ nhất là lúc phải chứng kiến cảnh người đàn bà già nhưng cứ khoẻ mạnh văm văm như trâu, to kềnh càng, phong thái như du côn thứ thiệt,cặp mắt gian giảo như lưu manh vừa “Đ.má” xong lại lầm rầm khấn nguyện gì đó bên khối bê tông có hình người.
Dần dà, Mỹ còn biết: Cái hình hài có hơi hướm giống đực với cái cổ dày lằn lên những mỡ và giọng nói đặc quánh, gẳn gỏi, cái đầu trọc tếu lỗ chỗ sẹo nhì nhằng là bởi bị người chị gái nện cho toé máu ngày xưa vì tội cướp chồng của chị, tiếng nói bà luôn chắc đanh đách như từ tít trong cổ họng bằng đá phát ra, bà vừa tất tả khoe một loạt tin vui mà những người hiểu biết nghe thấy tức cho trời, về sự ưu ái lạ lùng của đấng cao xanh: Bà ta được lãnh vài tỉ bạc đền bù trên khu đất lẽ ra của người khác và hôm nay, một người con rơi của ông coi rất sang cả, lịch lãm từ Mỹ về, chiếc xe hơi trị giá gần hai tỷ đưa anh ta đến lúc chín giờ.
Cuộc hỗn chiến giữa cái thiện, cái ác cứ rai rẳng, quyết liệt diễn ra.
Dù câu chuyện của anh ta có phần li kỳ, mô tả lại sự ra đời của anh từ một cuộc mây mưa của mẹ anh với ông nhà đây từ ba mươi bốn năm về trước, dù ông Lam đã quên hẳn rồi nhưng gương mặt anh ta giải thích rất nhanh mọi việc: Anh ta giống ông già như đúc. Anh là thượng khách được ưu ái của căn nhà hắc ám này, căn nhà chưa bao giờ cha mẹ cho con cái trưởng thành ngủ ở bên trong.
Khi khách khứa ra về gần hết, anh ta cho cha mẹ biết chủ trương về nước đầu tư làm ăn, lấy vợ và ngỏ ý nhờ cha mẹ lo dùm việc tác thành.
Câu chuyện của anh có nhắc đến dự cảm báo hiếu cho cha sau từng ấy năm lưu lạc bằng việc anh mua cho ông bà Lam một biệt thự vừa vừa trong nội thành. Vài hôm sau anh ta gửi mẹ cất dùm một mớ tiền bạc, giấy tờ nằng nặng trong cái túi da. Căn nhà ông Lam hôm nay như có phép thánh, cứ lung linh những niềm vui có thực sau những năm tháng ê chề, căng thẳng của bon chen, lọc lừa và phản trắc.
Cuộc hội ngộ vui vầy được hai hôm thì anh ra đi, hẹn một vài ngày quay lại.
Nửa tháng sau, vẫn bặt vô âm tín thì bà Lam sốt ruột. Bà chờ lúc nhà vắng, kín đáo mở cánh tủ bí mật âm trong tường, nơi cất dùm anh con riêng của chồng mớ tiền tây thì bà há hốc mồm, ngã ra bất tỉnh sau khi nhận thấy: toàn bộ vài tỷ tiền bạc đền bù đất đai của bà cũng mất sạch. Hộc tủ trống trơn.
* * *
Một tháng sau bà Lam mới hồi dần trong bệnh viện nhưng chứng rối loạn mạch máu não đã làm một tay, một chân bà tê dại, cái miệng méo xệch. Lớp mỡ dày trên gáy hao đi, Những cái sẹo lớn trên đầu như nhỏ lại, nom bà giống những người già hơn, không còn cái dáng nhâng nhố,côn đồ, cái giọng luôn chói tai gắt gỏng nữa.
Khi tỉnh hẳn, bà Lam được biết rằng: trong những ngày bà gặp nạn, một điều kỳ diệu đã xảy ra: Những đứa con bất trị của bà luôn ở bên bà, chúng chăm sóc bà như người mẹ hiền thục nhất trên đời. Như chúng đã quên đi, quên hẳn những trái ngang, những điều thương luân bại lý mà ông bà Lam đã gây ra.
Tôi nghe xong câu chuyện rồi nói với Mỹ: cái kết này có hậu lắm, tròn chặn lắm nhưng hơi khó tin. Việc bà già hết khả năng ác độc nay hiền lại thì dễ chấp nhận nhưng việc đàn con, vốn đã bị bà mẹ rằn cho trồi lên xập xuống, bật ra khỏi cả tấm sổ hộ khẩu của gia đình, luôn tìm “113” để sửa trị như là thú vui mà nay nhận được sự ưu ái này thì hơi … lạ.
Mỹ châm một điếu thuốc thơm: Có lẽ trong những lần ông Lam giao giảng đạo pháp cho những người khác, dù tâm địa ông thực độc ác nhưng điều ông giao giảng lại là ý Phật, tốt lành, từ bi và bác ái nên bề trên cho ông bà ta một chút phúc lộc: Anh con trai về từ Mỹ rất thông minh và rộng lượng. Anh chỉ mất năm ngày tìm gặp hết anh chị em và hiểu được đấng sinh thành của mình là ai.
Anh hiểu cách sống phi luân của cha anh, của bà Lam đã làm nên một điều tai hại khủng khiếp: nó tạo ra một đại gia đình bất hạnh, luôn sống trong lọc lừa, phản trắc, luôn nghi ngờ và hiềm khích nhau. Điều này sẽ di căn đến những thế hệ sau là nỗi đau lòng khôn siết của anh về dòng dõi của mình ở quê xứ.
Anh đã dùng kiến thức của một kỹ sư tin học để thực hiện một âm mưu tốt lành, xoá bỏ bi kịch trên.
Anh để vào túi tiền của mình một chiếc điện thoại có chuông rất lớn rồi gửi bà Lam cất dùm. Một tối, lựa cho vào nước uống của cha mẹ một liều thuốc ngủ nhẹ xong, nửa đêm anh đã gọi vào số máy trong túi tiền và đã phát hiện ra kho tiền bí mật của bà Lam rồi ãm sạch.
Trong một liên lạc bí mật, anh đã gửi cho các anh chị em cùng cha khác mẹ của anh mỗi người vài trăm triệu sinh nhai. Số còn lại anh cam kết giữ dùm họ nhưng ra điều kiện: Chỉ trả cho họ khi họ chăm sóc cha mẹ thật chu đáo và chăm sóc, yêu thương lẫn nhau như bao gia đình khác. Đàn con ông Lam hiểu được thiện ý của người anh lớn và vô cùng biết ơn người anh em cùng cha khác mẹ về những chia sẻ kinh tế cho họ và đang làm theo cam kết ấy.
Mỹ cho biết, Bà Lam sau khi biết toàn bộ sự thực, thỉnh thoảng bà lấm lét khóc vụng rồi kín đáo cười vụng rất hiền, thứ nụ cười chưa bao giờ nở trên môi bà trong suốt hơn năm chục năm nay, kể từ ngày bà cướp ông khỏi tay người em gái.
Nguyễn Huy Cường
Trên đây là Truyện ngắn “Cuộc hỗn chiến” của Nguyễn Huy Cường. Cốt truyện là một câu chuyện có thật xảy ra gần công viên phần mềm Quang Trung TP Hồ Chí Minh.
Điều đọng lại đau đáu là việc, trước khi tất cả các mâu thuẫn được giải tỏa bởi người anh cùng cha khác mẹ từ Mỹ về, hầu như tất cả đàn con bà Lam đều có vấn đề.
Trong chúng, hầu như không có khái niệm về tình mẫu tử, không có khái niệm về tổ ấm, ruột rà, máu mủ.
Cái lỗi ấy, không phải do các anh chị này gây ra mà nó nảy nở từ ngay trong cách sống của cha mẹ.
Một bài học đắt giá cho bất cứ bậc phụ huynh nào.