Hotline: 0968133153
Tin tức hoạt động được Trung tâm cập nhật liên tục
Truyện ngắn của Nguyễn Huy Cường.
Trần Đại tợp một ngụm rượu Napoléon, ngả người ra ghế nệm, trong đầu thoáng một tâm trạng mới có vẻ như một triết lý “khi người ta giàu có, thật giàu có, người ta mới hiểu hết ý nghĩa của sự sống”.
Mới vài năm trước đây nghĩa là vào lúc chưa có một tỷ nào cả, “ngài” đã thua một thằng oắt con chưa đầy hai mươi lăm tuổi, nghe đâu là con một ông “trùm” gì đó ngoài Hà Nội vào. Cuộc thua thắng ấy vừa ngồ ngộ nhưng cũng khá đau. Câu hỏi thật đơn giản nhưng phần thưởng cho một cuộc đua mà những người đua toàn tỷ phú thì không đơn giản chút nào, người thắng cuộc sẽ được thưởng một chiếc chuyến du lịch Mỹ 9 ngày.
Để trả lời câu hỏi: “Hiện nay thành phố ta loại bếp nào là hiện đại, là tiện dụng và vạn năng nhất?” khi người ra đề vừa dứt lời, Đại đã muốn dạy cho những người có mặt một bài học về sự hiểu biết không tồi của một người sắp là tỷ phú. Tiếng giải đáp của Đại chắc nịch, chủ quan “Bếp Viba”.
Nhiều tiếng xì xào thán phục, sau đó vài ý kiến khác cũng được nêu lên, người thì nói bếp ga, có người có đầu óc khôi hài thì nói nhanh, tiện nhất là ăn… tái!
Cuối cùng thằng oắt nhìn các đại gia, cái nhìn thị thường, giọng nhấm thẳng “thì ra các ngài đây mới là tỷ phú tiền ta, xin thưa bếp hiện đại nhất, vạn năng nhất lúc này là bếp-điện-thoại!” thằng bé thắng trận đi rồi, các đại gia buồn lắm, riêng Đại, ông ta lý giải sự thua cuộc của mình có nguồn gốc từ sự chưa giàu thật!.
*
* *
Và Đại bắt đầu làm giàu, và rồi Đại giàu lên nhanh thật. Người không hiểu cái sự giàu của Đại thì lắc đầu thán phục, người hiểu lơ mơ thì có tính ganh ghét, người hiểu rõ quá trình giàu lên của Đại thì giật mình kinh sợ.
Không kinh sợ sao được!
Hồi ấy, Nửa năm trước Đại đã phải bán từ cái đầu máy DVD của con đến mớ nữ trang của vợ cộng với tất cả những gì của mình, kể cả thế chấp tài sản để làm những việc mà ít ai dám làm. Số là trước đó vài năm, một cụm công nghiệp ở phía nam Hà Nội tung ra thị trường vài tỷ trái phiếu, mục đích là để huy động vốn nhàn rỗi trong dân để xây dựng và phát triển. Sau khi phát hành, một phần lớn trái phiếu bị ế ẩm vì thực sự được coi là “tiền nhàn rỗi” trong nhân dân, công nhân rất ít, hai nữa là vào cái thời mở đài là nghe dư âm của Nguyễn Văn Mười Hai, Tanimex, giở trang báo là thấy Những kiểu làm ăn kiểu “sinh đại lợi” , bật ti vi là thấy Dự án ma nên những người khôn ngoan thì cũng không mặn mà với thứ trái phiếu kia, họ sợ một ngày nào đó ti vi loan tin ông chủ thực sự của cụm công nghiệp kia vào tù thì mớ trái phiếu của họ bỗng trở thành phiếu... trái.
Nhưng, bộ sậu của cụm công nghiệp kia cũng không vừa, họ cạy cục rồi cũng tìm ra lối thoát, đó là biện pháp nhờ mấy nhà máy lớn cùng bộ chủ quản… tiêu thụ dùm “trái phiếu”. Sau khi được hưởng vài phầm trăm, các ông chủ phương nam năng động ra phết, họ có một phương cách tuyệt vời. Nếu “bán” thì không ai mua, nhưng chia ra ép vào… lương tháng coi như một hành động chia sẻ khó khăn với đồng nghiệp phía bắc thì ai cũng phải nhận người dăm trăm, người một triệu… vài năm trôi đi, những người công nhân nghèo khó đang bất đắc dĩ giữ những tấm trái phiếu kia đang lơ mơ không hiểu đây là tiền để dành hay thành cái gì đó bỗng dưng có một ông thần hiện ra…
Qua một đường dây, Đại mua lại trái phiếu bằng tiền tươi thóc thật, đàng hoàng. Những người nghèo chỉ cần có vậy, họ vui vẻ bán hết mặc dù chỉ thu được số tiền bằng non nửa giá trị của tấm phiếu. Gom xong rồi, bằng một quan hệ ma quái, Đại đem ém nó vào một ngân hàng thế chấp rồi đem tiền mặt ra xài!
Khi nhìn chồng và tay lái xe lễ mễ khiêng một bao tải tiền về rồi đổ ra nền nhà với câu nói đầy uy quyền và nhẹ tênh: “em mua vàng hay đô đê gì đó mà cất đi xài, tùy”. Đêm đó cô vợ già nằm bên chồng với cảm giác như được hưởng đêm tân hôn thứ hai, nàng ngồi ngắm nhìn gương mặt dầy bản lĩnh, phảng phất một thần thái bí ẩn rồi hôn lấy hôn để, giọng thì thầm “em sẽ thưởng cho anh cái này!”.
Đại khẽ nhắm mắt rùng mình tưởng tượng ra cái… “phần thưởng” của vợ. Nếu tối nay không mắc bận ở nhà để lập kế hoạch xử lí và bảo quản gần nửa tỷ bạc lợi nhuận kia thì giờ này ông đã phải tim cách tự “thưởng” cho mình ở một cái thiên đường nho nhỏ bằng thế lực của một kẻ còn tỷ dắt lưng mà vợ không biết. Còn bây giờ cũng phải nhắm mắt nhắm mũi mà “hưởng” cái phần thưởng từ cái cơ thể trung niên nóng bức và bắt đầu rã rượi kia.
Nhưng Đại đã hiểu nhầm, nghe Nhung, vợ ông nói xong, Đại ngồi phắt dậy. Một khoái cảm điên cuồng xâm chiếm toàn bộ thân thể Đại “thời của mình đã đến”, Đại tự nhủ thầm sau khi hiểu nhanh giá trị của cái phần thưởng lớn hơn cả ngàn cô gái mà Đại có thể dùng tiền mua được.
Ông nội Nhung để lại cho hậu thế bốn người con và bốn đàn cháu và hai mẫu đất. Sau khi ông nội chết bố vợ Đại là con trai tiếp tục sử dụng mảnh đất này, khi bố vợ Đại qua đời, mấy chị em Nhung tiếp tục ở đây, mặc dù gọi là ở nhưng thực chất họ chỉ ở hết vài trăm mét vuông, còn một diện tích bao la, bấy lâu để cho cỏ mọc, bởi những người con cháu của các chị họ khác bằng vai với Nhung, người thì đi công nhân viên chức, người thì thêm mặt bằng mé lộ tiện buôn bán.
Vào những năm tháng này, khuôn đất hai chục ngàn mét vuông bỗng cụ cựa, cỏ cũng không mọc yên được nữa. Bắt đầu từ một buổi sang người ta thấy gần mảnh đất hiện lên một tấm biển lớn bằng cả cái sân, trên nền sơn xanh là tấm bản đồ sở tại màu vàng, được chú thích là vùng đô thị mới!
Những ông chủ bà chủ ở đâu đó ngồi trên xe du lịch lui lui tới tới, những mảnh dất bên cạnh đã được sang nhượng. Miếng đất của gia tộc nhà Nhung bỗng dưng có giá xem xém trăm tỷ bạc.
Đúng lúc ấy hội đồng thân tộc họp lại phân chia. Theo biên bản phân chia có sự chứng kiến của chính quyền địa phương và chữ kí của các đại diện, mỗi chi được chia năm ngàn mét vuông.
Đêm hôm ấy vợ Đại trằn trọc không ngủ được, mình giàu lên thì sướng lắm, nhưng những người ở đâu đâu nay bỗng giàu lên, mà lại giàu hơn mình thì ức lắm (chả là chi nhà Nhung ông bà có tới bảy người con) sau vài ngày lồng lộn, tới lui chạy chọt, Nhung tìm tới một tay thầy bói giỏi ở miệt Củ Chi, ông già này phán, nửa ra vẻ bói toán, nửa ra vẻ mánh mung sau khi nhận từ tay Nhung vài trăm tiền lễ: “thứ nhất, cô đừng nói gì với chồng, chồng cô là một người không bình thường, sẽ gây ra chuyện xấu, anh chàng này chẳng làm được cơm cháo gì đâu, thứ hai là cô về đâm đơn thưa kiện cả họ rồi đến đây tôi sẽ chỉ cho những việc làm về sau, bây giờ phải tạo nên cái gọi là “tranh chấp” ách việc chia bơi lại, rồi tính…”
Nhung tỏ ý không hiểu, ông già ghé tai nói nhỏ: “cô biết chuyện đất đai nhà cửa ở thành phố này cùng một lúc tồn tại gần bốn trăm văn bản, cái nào cũng có giá trị cả, nên người ta muốn xử theo cái nào cũng đúng cả!. Hơn nữa hiện nay ở các cấp quyền, bên cạnh các vị cán bộ chính trực, thường vẫn có một loại quan chỉ đợi có vậy, có sự tranh chấp để… cô hiểu chưa?!
Mắt Nhung sáng lên! Hay lắm, tuyệt vời lắm! Nhưng lấy đâu ra tiền? Thì chiều nay, Đại đem một bao bố tiền về, đổ ra đầy nhà…
Tay làm dịch vụ nói với Đại: “đừng sợ nghe anh, người chúng ta sắp gặp là một thượng cấp đã về hưu nhưng thế lực thật của ông ta rất lớn, ông ta vẫn chi phối phần nào các xếp ở cơ quan cũ vả lại việc… lại quả này, thông qua người thứ ba tạo nên sự yên tâm cho mọi phía, mà ở đời này nếu ai đó được ăn mà lại kín đáo, an toàn thì không thằng nào từ chối cả, đừng sợ”.
Được bồi dưỡng như vậy mà khi ngồi trước các vị đại quan về hưu, Đại vẫn có cái gì sợ sợ, cặp lông mày Bao Công kia, thần thái oai phong kia chẳng lẽ lai dám nhận quả để đổi trắng thay đen hay sao? Tay “dịch vụ” mở lời ngọt ngào, lễ độ và phân tích kỹ nội tình rồi ướm hỏi ý kiến vị quan.
Vị đại ca này nhếch môi “anh có biết phía bên kia người ta đã đặt bao nhiêu không? Một-phần-ba” ngôn ngữ ngài sắc lẹm, chuẩn xác và gọn như phát súng.
Đại bất giác đứng dậy. Một phép toán dễ hơn mười lần cú làm trái phiếu bữa trước chạy qua đầu Đại, về sau Đại cũng không hiểu bởi đâu mà mình đàng hoàng đến vậy khi làm một công việc không đàng hoàng “thưa quan bác trăm sự nhờ bác, em cũng chơi một phần ba số đất va cộng thêm mười ngàn!”.
Nói rồi, như để quý ông kia khỏi hiểu nhầm giá trị của cái mười ngàn, Đại lễ phép, nhanh nhẹn mở bịch lấy mười sấp tiền Hoa Kỳ “phần này em xin gửi bác trước!”, quý ông kia đứng phắt dậy không đỡ nắm đôla mà ôm chầm lấy Đại lắc lắc “chú khá lắm, ta sẽ nối vòng tay lớn!” ba ngày sau các đương sự nhận được một quyết định có nội dung công nhận quyền lợi thửa đất của gia tộc nay thuộc về vợ chồng Nhung là đúng luật.
Và, với ba bốn tháng trời, vợ chồng ông Đại từ một viên chức thường thường bậc trung, vợ con phải làm thêm đủ thứ nghề để kiếm sống, bỗng dưng có vài chục tỷ bạc. Nếu ở một người nào đó, tự dưng có quá nhiều tiền, thường bị mất phương hướng, nhưng với Đại ông cảm thấy mình khôn ngoan ra. Việc đầu tiên là ông bỏ tiền ra mua lấy cái mình cần nhất.
Mười năm trước Đại bỏ vùng quê sông nước lên Sài Gòn làm ăn, để lại một cục nợ nần và quá khứ nhạt tếch, nhạt đến mức mười năm Đạt không dám về quê, có lẽ cũng bởi vậy quê Đại người ta cũng quên luôn Đại hoặc có nhớ cũng chỉ là anh chàng bất tài xa xứ mà thôi. Cho nên dịp này Đại cùng vợ con với dăm chục triệu bạc “lẻ” ngồi trên xe con bóng loáng về thăm quê xứ.
Vài ba ngày trôi qua, thăm thú lễ lạt xong, lúc vợ chồng Đại sắp trở lại thành phố thì chú Chanh, em kế Đại mở lời trong một tiệc trà vui vẻ.
“Nhân có vợ chồng bác Đại cùng bác Lộc về quê, em muốn bàn chung với các bác các cô điều này… mẹ chúng ta đã già, bà đã trải qua bao nhiêu vất vả khổ hạnh để nuôi được chúng ta, nay danh ai phận ấy, bác Đại, bác Lộc ở xa nay em trộm nghĩ chúng ta giúp giùm lập cho cụ cái sổ tiết kiệm phòng khi…
Đại thoáng bực mình, thằng cha này láu cá thật, chúng nó có cái cóc khô gì mà đóng với góp, ngay cả tiệc tùng đám xá lần này, cũng một mình mình lo hết, thấy mình có máu mặt, nó nghĩ cách moi móc mình đây…
“Nhất trí!-Đại dằn giọng-chú Chanh vậy mà hiếu thảo, bây giờ thế này, trong anh em minh đây ai cho mẹ nhiều nhất, tôi sẽ cho gấp đôi!”
Ông Lộc từ nãy ngồi hút thuốc nay lên tiếng, giọng hơi lạc đi: “ thế này chú Đại ạ, nếu chú định thi thách xem ai hơn ai kém thì vế thành phố mà thi, hơn thiên hạ được mới khá, còn việc này thì xin lỗi chú, chú Chanh nói là có thiện chí nên làm. Mẹ già rồi, sớm nắng chiều mưa, chúng ta làm được điều gì cũng là an ủi cụ. Còn điều này tôi cũng xin nói thật chú đừng giận, dù có gấp ba hay gấp sáu lần ai đó nhưng không thể gọi là “cho” mẹ được đâu, suốt đời mình chúng ta làm một việc “trả” cũng không xong đâu chú ạ!”.
Mặc dù thua keo ấy, nhưng khi chia tay Đại nói nhỏ, đanh thép vói anh Lộc “người tha hương như tôi không biết được anh có hơn ai hay không nhưng tôi thì không kém ai, nếu muốn mời anh lên thành phố mà coi đừng khoáy móc!”.
- Chú đã nói tôi cũng xin trả lời “tôi không hơn ai bởi một là tôi bất tài, hai là với tôi, thứ giàu sang kiểu chú, chỉ như một giấc phù vân! Tôi vẫn nuôi các cháu chú ăn học tốt, không phải cầu cạnh ai!”.
- Tôi cũng không cầu cạnh ai kể cả anh! Đại bốp chát.
Bà cụ ngồi ngay trên cỗ phản tre, ngao ngán thở dài “thôi các con ơi máu trên nhỏ máu dưới, tranh cạnh mà làm gì…”.
Trần Đại ngấp một ngụm rượu nữa nhưng kỳ thật, cái thứ rượu hơn một triệu bạc một chai cũng có lúc nhạt tếch. Nhớ lần đầu Đại đến mua rượu ở cái shop cao cấp đầu phố, khi biết Đại mua về uống, cô hàng rượu xinh đẹp tròn mắt thán phục, Đại như say rồi mà bây giờ, Đại có cảm giac nó đã nhạt.
Mà không cứ gì rượu, những chuyến du lịch ngắn ngày ở Hồng Kông, Nhật, Singapore hay những chuyến thăm danh lam thắng cảnh trong nước rồi những độ hoan lạc trong đày ải ngọt ngào của tửu sắc, cũng dần dần nhạt tếch. Những niềm vui mạnh mẽ, ma quái nào đó có lẽ ẩn chứa đằng sau… Ờ phải rồi, nghĩ đến đây Đại liền nhổm người, vài tháng hay la nửa năm nữa Trần Đại không phải là một tỷ phú tiền ta nữa mà sẽ là tỷ phú thực sự với số vốn hàng ngàn triệu, sẽ sống cuộc sống tận cùng của hưởng thụ, để không bao giờ ngớ ngẩn chịu thua thằng oắt con như bữa trước đến mức không biết được cái điều đơn giản đến vậy: điện thoại là cái bếp vạn năng.
Bất giác Đại đưa tay với chiếc điên thoại di động bấm số gọi về quê, từ đầu dây bên kia, tiếng Thành ấm áp, tự tin “anh Đại yên tâm, em mới cho các ngành chức năng và bạn hàng khảo sát giá trị thửa đất anh đầu tư, họ định giá sơ bộ khoảng bảy chục tỷ, nếu trừ mười phần trăm cho các dịch vụ vẫn còn trên sáu chục tỷ!”.
“Thôi được, rất tốt, chú nói bên B tạm ứng năm chục triệu xài đỡ, coi như anh thưởng nhưng nên nhớ rằng toàn bộ gia sản, kể cả tòa nhà anh đang ở, cỗ xe anh đang đi cũng kí thác tất vào món ấy đấy, Thành nhé”.
“OK, thằng em này, anh biết rồi là một chuyên viên hàng đầu về địa ốc với kiến thức trên đại học, xin đem đầu bảo vệ quyền lợi cho đại ca!”.
Ba bốn ngày sau, vừa kết thúc chuyến đi nghỉ mát ở Đà Lạt về, Đại sửng sốt đọc bức fax của anh Lộc. mảnh giấy khá dài, phất phơ như một dải khăn tang, run rẩy bên máy Fax.
“Chú Đại quý mến, đầu thư tôi mong muốn chú bỏ qua chuyện cãi lộn bữa trước, mặc dù trong quá khứ có nhiều điểm không được hài lòng với chú nay biết chú đang gặp khó khăn lớn mà nhà mình mới có tin vui, tôi vẫn quyết định tin cho chú biết.
Số là thế này, cậu Hưng nhà mình mất tích từ đợt vượt biên hồi nào, nay vẫn còn sống và định cư bên Tây Đức, cậu mới gửi về cho mẹ năm ngàn đô, mỗi anh em chúng ta ba ngàn đô, biết tin chú rủi ro anh em chúng tôi quyết định nhịn tiêu bớt mỗi người hai ngàn đô, mẹ cũng ủng hộ chú ba ngàn đô tổng cộng là chú có chục ngàn đô, tôi biết chú là người giỏi, có thể từ đây lại noi nóc đi lên được, mong chú sớm về nhận!”.
Tự nhiên Đại thèm chửi tục “mẹ kiếp, trò gì đây, chục ngàn đô, rủi ro, khó khăn, chắc chúng nó định chọc ngoáy, khiêu khích gì mình đây!” Đại cầm máy điện thoại bấm số gọi Lộc “vâng Đại đây, tôi xin nói ngắn gon để cho anh rõ: tôi, Đại, dù trong bất cứ hoàn cảnh nào cũng không xin bất cứ đồng nào của ai, kể cả của cậu Hưng, tôi cũng nói cho anh rõ: tôi giàu hơn cậu Hưng rất nhiều”.
Không đợi nghe tiếng đáp lại, Đại dằn tay cúp máy cái cụp. Đại ngả người ra ghế, bật ti vi, bật máy điều hòa nhiệt độ, ông muốn kỹ thuật cao cấp sẽ giúp ông xua đi những cảm giác khó chịu vừa qua.
Đúng lúc ấy, trên ti vi, anh chàng phát thanh viên có gương mặt từng trải, đĩnh đạc loan tin trên một bài phóng sự… “như tin đã đưa, ngày…tháng… năm… trên bờ sông Tiền thuộc địa phận Phú Vinh, một dải đất dài hơn ba trăm thước sâu vào bờ năm chục thước gồm gần cả trăm hộ dân, một ngôi đình đã lở xuống sông, đây là vùng đất được tỉnh và các nhà đầu tư chuẩn bị xây dựng một trung tâm du lịch-du thuyền hấp dẫn, vụ lở đất này là một tai nạn lớn và là một hiểm họa của vùng dất ven sông…”.
Trong ti vi ống kính phóng viên hướng vào một dòng nước đục ngầu giận dữ vần vũ, đang xoáy mạnh vào chân bờ đào ngoáy, như muốn kéo sập nốt cả một phần thị xã xinh đẹp, trù phú nơi Đại đã đổ bao nhiêu tiền của đầu tư vào đó.
Đại có cảm giác như mảnh đất, ngôi nhà nơi mình đang đứng cũng ngả nghiêng, chao đảo, muốn sập xuống, trong giây phút ấy, Đại sực nhớ lời anh Lộc, hình như anh ấy nói đúng… một giấc phù vân… một giấc phù vân vừa đi qua.
Ba ngày trôi đi. Đại cứ có cảm giác như người rơi mà chưa đến đất. Tất cả thành quả của vợ chồng Đại dành được từ vụ mua cổ phiếu cho đến cú kiện cáo thắng cả họ nhà vợ nay biến đâu hết. Ngôi nhà Đại đang ở cũng là của ngân hàng vì đã cầm thế rồi.
Hai ngày nay, vợ chồng đại hầu như không nói với nhau mấy lời, kể cả cái TV trên tường cũng tắt lịm, chẳng ai còn bụng dạ nào mà coi nữa. Căn nhà lạnh như nhà ma.
Bỗng nhiên, chiếc Nokia trên tay réo chuông, nhìn qua số máy, đại bỗng vui vui, con trai từ Nhật Bản gọi về.
Chào ba, ba mẹ khỏe không… rồi chưa đợi ba trả lời, nó lắp bắp nói tiếp- Thưa ba… kinh khủng thật, không biết ba biết chưa… tất cả chìm trong nước hết rồiii…
Đại nghiến răng “Mẹ kiếp, lại thằng đểu nào gọi điện báo cho thằng con đang du học bên Nhật biết thảm cảnh nhà Đại, thằng bé bị khủng bố, giọng nó như người hết hồn…”.
Đại hét lớn vào máy, cố tạo một uy lực “con yên tâm đi, mọi việc sẽ đâu vào đấy, cứ học tập cho tốt…” “ba ơi…”tiếng thằng bé càng hoảng loạn, gần như vô lễ “ba chẳng hiểu gì cả, ngôi trường con học, cả quận con ở bị sóng thần san phẳng rồi, ba mở TV lên coi…”.
Đại quăng cái điện thoại vào sofa, vớ vội cái “rờ-móc” bấm lấy bấm để.
Trên màn hình, một bức tường nước cao đến hàng chục mét, ào đến như một con thủy quái, cuốn phăng bao nhiêu nhà cửa, lâu đài. Trên dòng nước đục ngầu đó, bao nhiêu là du thuyền, xe cộ, máy bay cùng rác rưởi xà bần xô bồ hỗn độn đổ ào về phía biển sau khi cào sạch trơn cả một vùng cư dân trù phú.
Trong phút chốc, Đại quên luôn cả nửa hecta đất vừa bị nhận xuống sông Cửu Long, ông luýnh quýnh bấm máy gọi anh Lộc.
“anh ơi… anh thương em… vâng ạ, dạ… anh cho em vay đỡ ít tiền, em phải tìm cách giải thoát cho cháu Phú từ Nhật về… dạ, cảm ơn anh…”.
Trên TV, cô phát thanh viên lại thông báo về một dư chấn mới!
Nguyễn Huy Cường.
Trên đây là truyện ngắn khi đăng báo Văn Nghệ TP Hồ Chí Minh có tên “Giấc Phù vân”.
Một đại ý lớn bật lên là khi cam go với sự nghèo khó thì con người ta dễ có sự thăng bằng trong cuộc sống. Nhưng khi giầu sang, nhất là giầu xổi, người ta rất dễ bị mất thăng bằng trong cuộc sống.
Trong trường hợp đó, để nhìn nhận mọi việc chuẩn xác hơn, để tâm thái vững vàng hơn, nên kéo tâm hồn về “số mo” như trường hợp ông Trần Đại trong truyện ngắn này.
Chắc mai ngày, khi lấy lại được thăng bằng rồi, hy vọng ông Trần Đại sẽ biết ơn trận song thần từ Nhật Bản. Con song khủng khiếp ấy giúp ông trưởng thành hơn.
Xin chia sẻ cùng bạn đọc.
Nguyễn Huy Cường