Hotline: 0968133153
Tin tức hoạt động được Trung tâm cập nhật liên tục
12 giờ 35 phút ngày 5 tháng 12 năm 2010 một cuộc điện thoại từ Sứ quán Việt Nam tại Malayxia về cho phóng viên Tamnhin.net. Đầu dây bên kia là tiếng nói thảng thốt của một cô gái gốc Cà Mau đang trú nhờ tại Sứ quán.
15 giờ ngày 7 tháng giêng năm 2011 Phóng viên Tamnhin.net đón nạn nhân của một vụ buôn người về tới Tân Sơn Nhất. Cuộc giải cứu “nhỏ” chấm dứt nhưng còn đó những vấn đề lớn. Nguyễn Thị Thậm sinh năm 1981 là con một gia đình có mười người con, cô là đứa con kề út. Trong buổi tiếp xúc đầu tiên tại sân bay Quốc tế Tân Sơn Nhất, sau khi nghe Thậm mô tả quãng đời truân chuyên xứ người từ ngày 10/9 đến nay, phóng viên nhân xét: "hoàn cảnh em cũng hơi giống Thúy Kiều…" Thậm trợn mắt hỏi “Thế các chú có cứu được chị Kiều về đợt này không ạ!?" Tôi buồn cười : “có, chị ấy đi làm bên công ty của anh Kim Trọng rồi…!”. Thậm lại quay sang gạ : “Vậy chú làm ơn xin cho con sang làm với chú Kim Trọng với, nhà con nghèo lắm!”
Điều kiện tiếp cận thông tin hạn chế sẽ rất dễ bị dụ dỗ bởi những tên cò
Hồi tháng 9/2010, Thậm và cháu ruột rời nhà cửa, quê hương lên Sài Gòn để sang Đài Loan. Nhưng khi ông môi giới tên là Hà đưa đi đổi tiền thì thấy đổi toàn tiền Malayxia đã ngờ ngợ. Vào ăn uống trong một nhà hàng khá sang và vắng, người tên U. bắt nộp 5000 tiền Malayxia( tương đương với hơn 30 triệu VN) nhưng nói phải đưa lén lút, đừng để ai biết. Hai giờ chiều, máy bay bốc hai cô cháu bay vù sang …Malayxia. Đến sân bay Kuala Lumpur người đàn ông kia đưa điện thoại cho Thậm nghe. Một giọng đàn bà nói Thậm hãy giao hết tiền bạc, điện thoại cho chồng chị ta chính là người đi cùng từ Việt Nam sang. Từ đây, Thậm mất hoàn toàn liên lạc với gia đình, Tổ quốc. Cuộc “tình” của Ôsin Sang đến nơi, Thậm vào ở trong một gia đình người Hoa. Sáng dọn hàng, phục dịch ở nhà một bà bán đồ mã từ 5 giờ sáng đến 7 giờ. Sau đó ra chợ, làm một lèo đến mười giờ đêm mới về. Chừng nửa tháng sau người ta đưa “chú rể” đến, chẳng biết “chàng” bao nhiêu tuổi nhưng coi bộ già hơn ông nội ở nhà, vốn liếng của chàng, phần dễ thấy là …bốn cái răng mất đoàn kết, mỗi cái đứng một nơi. Đương nhiên là Thậm từ chối vì sai “hợp đồng”. Tôi hỏi hợp đồng nào thì Thậm nói khi sắp đi, ở nhà hàng trên sát chợ Lớn Thậm phải ký vào một bản hợp đồng. Nội dung đại thể là họ sẽ gả Thậm cho một người từ 35 đến 40 tuổi. Phía Thậm, nếu không lấy, nếu bỏ về trước một tháng thì phải bồi thường ba ngàn đồng Malayxia, trong hai tháng thì 2000, ba tháng thì 1000 … Tôi hỏi hợp đồng đâu thì Thậm cho biết chỉ có một bản và ông U giữ.(!?) Lần thứ hai, họ lại ép Thậm lấy một ông 59 tuổi, ông này nhiều răng hơn ông kia chút ít nhưng già hơn, Thậm không chịu!. Thế là một trận đánh thừa sống thiếu chết xảy ra. Thậm bị nhốt kín vài ngày không ăn uống gì. Thậm bị đè xuống chích một thứ thuốc gì đó vào tay, người nóng rực lên rồi ngủ lịm đi. Khi tỉnh dậy thấy trên mình không có quần. Tìm hoài thấy quần trong xó , vừa mặc vào thì bị một cú đạp đập dập mũi vào cánh cửa sắt. Những bác sỹ từ tâm. Khi được hỏi nguyện vọng của cô muốn làm gì sau khi bình phục, thăng bằng trở lại, Thậm một mực muốn …quay lại bệnh viện để làm “lì xì” cho nơi đã cứu cô kia một năm, không lấy lương để trả nghĩa cho họ đã cứu giúp. Khổ nỗi, ngôn ngữ bất đồng. Cô chỉ còn cách viết sẵn một mảnh giấy (đầy lỗi chính tả ) thủ trong người để “nói chuyện” với một bác sỹ biết đọc chữ Việt nguyên văn: “ br Sifi Halimat ul Saadiah – em rất biết ơn đốc tờ nhiều lắm nhưng o (không - PV) biết nói da (ra -PV) mà nói Anh văn cũng không ….”. Phần đầu chắc là tên vị bác sỹ.
Mảnh giấy dùng để "giao tiếp" với bác sĩ.
Tìm hiểu kỹ động cơ này thì thấy rằng, đêm đó bị đánh quá đau cô la rầm trời đất. Tay U là người có thế lực, đem cô lên đồn cảnh sát, nói là sẽ bỏ tù. Tại đồn cảnh sát cô vừa tuyệt vọng, vừa sợ hãi đã hành động như điên dại và họ nghĩ cô bị điên nên ném cô vào nhà thương điên. Tại đây, những y, bác sỹ giỏi nghề và có tâm dễ dàng phát hiện ra cô không điên nhưng trên mình đầy thương tích, phần hạ vị máu ra dầm dề. Họ hỏi han rồi tận tình cứu chữa. Một tuần sau, bọn kia đến đón cô về. Lại dọa dẫm, lại ép gả, lại khổ sai. Thậm không chịu, một mực đòi đưa đến Đại sứ quán Việt Nam. U lấy chiếc xe, trước khi đi hua nòng súng col quay vào mặt Thậm “coi chừng nghe!” Bốn tên ngồi kèm bốn phía, họ đưa Thậm đến Sứ quán. Tại đó, họ giỏi ngoại ngữ, thường xuyên phải đến đây làm thủ tục kết hôn cho gái Việt lấy chồng nên có vẻ họ quen lắm, nói chuyện tự nhiên, ào ạt . Phần Thậm, chả nói được gì, nói cũng không có ai nghe. Đành lên xe trở về nhà U. Rồi bi kịch lại tiếp diễn và lần này Thậm quyết định vào bệnh viện trú ngụ đến cùng để tìm cách về nước. Tại đây, những bác sỹ tốt bụng đã cưu mang cô. Có bà rất thương cô, khi cô đau quá khó ăn uống, bà đã hát giải khuây cho cô nghe. Vốn liếng học hỏi ít, Thậm chỉ ghi được tên bà rất đại để vào một mặt giấy nhỏ, tính sau có dịp đền ơn. Sau đó cô tự tìm đến Sứ quán và kể rõ sự tình cho cán bộ nghe. Phiền nỗi, điện thoại, hộ chiếu của cô vẫn trong tay U. Nếu gọi, thậm rất dễ bị bắt trở lại. Trong cơn bấn bách đó, cô nhớ hồi tháng năm đã tình cờ quen tôi khi tôi về Cà Mau viết về dịp tỉnh địa đầu này được UNESO công nhận là khu Dự trữ sinh quyển thế giới. Cô nhớ số điện thoại tôi cho và gọi từ máy của Sứ quán. Sau khi nhận biết tình thế đó, các nhà báo đã liên lạc với Đại sứ quán ta tại Malayxia đề nghị giúp đỡ. Bằng sự mẫn cảm nghề nghiệp và nhận thức rõ sự nguy hiểm của số phận hai cô gái đáng thương, các nhà báo đã đề nghị Đại sứ quán làm những gì có có thể để cứu giúp và đưa họ trở về càng sớm càng tốt. Đáp lại nhiệt tình của các nhà báo, Đại sứ quán đã triệu tập U để thu hồi Hộ chiếu, điện thoại cho Thậm và cô bạn cùng cảnh ngộ. Sau 35 giờ đồng hồ kể từ lúc gọi máy cho phóng viên Tamnhin.net, các cô đã trở về đất mẹ.
Hộ chiếu và vé máy bay của nạn nhân
Những điều đau đáu Miền Tây Nam bộ đất rộng, người thưa. Mặt bằng dân trí còn nhiều hạn chế. Dân số cơ học tăng cao. Nhóm bà mẹ trẻ dưới 50 tuổi có 4 con trở lên chiếm tỷ trọng trên 50% trong tổng số người cùng độ tuổi. Lác đác, có những bà có tới 7-9 đứa con. Vốn liếng, công nghệ, công nghiệp chưa phủ đều lên khu này nên một bộ phận thanh niên không có nghề nghiệp vững chắc, khó có cơ hội tiếp cận. Trong khi đó, bọn buôn người luôn rình rập, rủ rê và lừa gạt bằng cách đưa ra viễn cảnh tươi đẹp khi lấy chồng “ngoại” để “câu” các em. Đến khi cầm tấm vé máy bay, nộp một khoản tiền, ngoại ngữ không biết, địa lý mù tịt rời quê mẹ đến một xứ sở lạ lùng các cô hoàn toàn bị cô lập và mất tự chủ, không có bất cứ cái gì để tự bảo vệ mình. Một bộ phận nhỏ kiếm được tấm chồng gọi là tạm được thì cũng sống cuộc sống như câu lưu, như tù hãm. Họ ít được ra ngoài vì thường sang đến nơi họ bị thu hộ chiếu ngay, nếu không giấy tờ, lớ ngớ là bị bỏ tù ngay theo pháp luật Malayxia. Một số bị bán vào những lò mãi dâm. Có lẽ đã đến lúc, nếu chấp nhận tình trạng cho công dân tự do kết hôn với người các nước khác thì phải có những biện pháp song hành như buộc họ phải học qua những chương trình trang bị kiến thức luật pháp nước họ đến. Học các biện pháp tự bảo vệ mình. Về phía các cơ quan quản lý nhà nước, phải thiết lập được những cơ chế liên lạc, kiểm tra, giám sát khi cần thiết với công dân mình trên đất nước người ta để tránh cho những công dân trẻ tuổi khỏi những cảnh thương tâm như nói trên. Bài đã đăng trên báo Tamnhin.net. (Tên tuổi, địa chỉ một số nhân vật trong bài đã được thay đổi )
Bài và ảnh: Nguyễn Huy Cường