Hotline: 0968133153
Tin tức hoạt động được Trung tâm cập nhật liên tục
Mỗi người thường có một cơ duyên nào đó để đến với nghề, có những người khi tiếp cận với một nghề rồi vì nhiều lí do đã rời bỏ nó, quay qua làm nhiều nghề khác chán chê rồi cũng trở lại với nghề cũ. Có vị tuổi đã ngoài thất tuần, vốn là Sếp lớn ngành Truyền hình, về hưu dăm bảy năm rồi nhưng khi nhà nước đã cho ông nghỉ, bảo đảm cuộc sống cho ông nhưng chính ông cũng không “tha” mình, cuối cùng lại kham vào nghề, lại dính vào nghiệp như một niềm vui lớn.
Đó chính là “Duyên nghiệp”.
Có cái nghiệp dễ dàng đem lại vinh quang, tiền bạc cho “nghiệp chủ”. Nhưng cũng có cái “nghiệp” mang lại sự nghiệt ngã cho người theo đuổi nó.
Với Chủ nhiệm chương trình CNN này thì, duyên nghiệp có cả hai ý nghĩa.
Câu chuyện thứ nhất.
Vào cuối những năm tám mươi, khi ấy đời sống kinh tế cực kỳ khó khăn, dân viết báo chạy tứ tán ra các mảng khác kiếm ăn. Có người sách máy ảnh đi chụp đám cưới, có người đi làm thư ký giám đốc.v.v... nhưng Huy Cường lại say mê, đắm đuối với một tờ báo “vô danh tiểu tốt” lúc bấy giờ là tờ Hoa Học Trò.
Mươi truyện ngắn và hơn bốn năm chục bài thơ, dăm chục bài khác trong năm năm in trên tuần báo này được viết trong khi đời sống cơ cực, thóc cao gạo kém, lần từng bữa nhưng đã đem lại cho tác giả một niềm vui, một lẽ sống tuyệt vời.
Thứ nhất là từ Ban biên tập. Các anh Nguyễn Phong Doanh, Đoàn Công Huynh, Lệ Bình, Phạm Công Luận, Lê Luynh đã dành cho tác giả những tình cảm, sự quan tâm rất tốt và cao quý nhất là những sự chia sẻ về quan điểm.
Dù bài vở thể hiện bằng thể loại văn nghệ như truyện, thơ, tiểu phẩm nhưng ngay từ lúc đó, nó hướng rất “nét” vào việc nâng tầm cho các em, tất cả bài viết đều hướng vào việc hoàn thiện tâm hồn, nhân cách cho các em.
Nội dung tập thơ “Nắng dây thì” sẽ lần lượt được đăng tải nơi đây để dành cho tuổi mới lớn sẽ nói lên điều đó.
Thứ hai, tác giả nhận được sự đồng cảm sâu sắc, niềm hứng khởi trong trẻo của bạn đọc nhỏ tuổi, có nhiều em không biết tác giả là một trung niên, đã có tới… bốn đứa con, gửi thư đến xưng hô mình với tớ ngon lành. Hồi ấy, chưa có internet, thư từ gửi theo địa chỉ tòa soạn hoặc theo địa chỉ tác giả ghi dưới cuối bài viết. Khổ thân bác Bình Thuần, mỗi ngày vượt gần bốn cây số đường đồi, đạp xe vào xóm nghèo đưa cho tác giả một tập thư.
Nhân gửi thông điệp này, tác giả trình bày tại đây mục THƠ- SÁNG TÁC một chùm ba bài thơ hồi ấy, trân trọng tặng các em cháu hôm nay, hy vọng nếu có sự đồng cảm, nó sẽ góp vào hành trang của các em một chút gì đó vui vui…
Thế là, với niềm vui, với nỗi Đam mê, tôi cứ cày vào cái Nghiệp không danh, không lợi này cho đến hôm nay.
Nói Duyên Nghiệp, những kỷ niệm nho nhỏ nhưng không thể quên lại ùa về. Tháng 5 năm 1972, khi hành quân từ Vĩnh Tường - Vĩnh Phú sang Thái Nguyên, đến làng Kim Xá ven sông đáy, tiểu đội bộ binh nghỉ giải lao ở một cái điếm canh đê, bên một gốc cây lớn.
Dưới tán cây có một nhóm trẻ con chơi, chúng đang lúi húi quanh một trò gì đó có vẻ rất lí thú và rất bí mật.
Lát sau, một em có vẻ là thủ lĩnh tách ra khỏi lũ trẻ, em gặp tôi, ghé miệng sát tai tôi nói nhỏ, rất nhỏ vẻ nghiêm trọng, em bé nói rằng: các em vừa làm đám ma cho một con Thủ rìu, (một con vật họ châu chấu) vừa “hy sinh” khi chiến đấu với một con khác. Trò chơi vừa tinh nghịch, vừa có một ý nghĩa gì đó rất đáng suy tư.
Vài phút sau chúng tôi lại ra đi. Dù mang nặng, đi bộ nhưng lòng tôi vui vui. Tôi cứ thắc mắc hoài tại sao trong sáu anh bộ đội, các em lại chọn mình tôi để trao gửi niềm vui và sự “bí mật” kia? Vui lắm thay!.
Đến hôm nay, lại dẹp bỏ bao nhiêu sự nghiệp khác, để “cày” vào cái “nghiệp” này với bao nhiêu tốn kém (tiền website, tiền net, thời gian, mặt bằng, chi phí kết nối, máy tính, tổ chức thực hiện) thì có vẻ như là cái duyên, cái nghiệp và cả cái nghiệt ngã, cái phức tạp nó quàng chặt lấy cổ mình và các đồng sự rồi.
Nếu nói nghề “Cha truyền” với tôi thì phải là nghệ Thợ mộc. Vào những năm bảy mươi, làng Phương Xá huyện Cẩm Khê – Phú Thọ quê tôi phải có hơn một trăm tay thợ tài hoa, trong đó có cha tôi Nhưng với nghiệp Tư vấn cho tuổi trưởng thành mà tôi theo đuổi này thì hình ảnh về người cha đã khuất của mình và những bề trên kính yêu của tôi là những hình ảnh không dễ phai mờ.
Hồi ấy, khoảng năm 1965, cha tôi đi làm thợ mộc trên mạn Yên Bái. Mỗi chuyến đi thường là một tháng, hai tháng mới về.
Đầu năm học cũng là dịp sắp đi làm ăn xa, bố tôi đưa cho tôi năm chục đồng để chuẩn bị cho năm học mới khi ông không có ở nhà, mẹ thì mới đẻ em bé. Số tiền này có lẽ tương đương với khoảng một triệu bây giờ.
Với tôi, không gì sướng hơn được cầm và tự định đoạt số tiền lớn như vậy với một đứa trẻ mười hai tuổi.
Tôi tiêu pha văng mạng, chỉ vài hôm là hết. Số tiền dùng cho việc học tập chỉ vào khoảng một phần ba.
Một tháng sau cha tôi về thăm nhà vài ngày. Hôm trước khi đi ông nói tôi trình bày cho ông rõ những khoản chi kia.
Tôi hoảng hồn kê đại ra một loạt thứ, trong đó nặng nhất là tiền mua sách.
Lúc đó là thời chiến, sách rất hiếm, mỗi em học sinh chỉ được mua một vài quyển. Dăm em phải nương nhờ nhau mới có đủ một bộ. Một bộ sách 10 quyển có giá lối hơn ba chục đồng.
Bí quá tôi liệt kê cho mình đủ cả bộ sách để hợp thức số tiền lớn kia.
Tối đó cha tôi đề nghị tôi tập trung hết bộ sách lại để ông coi.
Đêm đó tôi luồn lỏi khắp xóm mượn cho đủ một bộ sách về mai trình diện.
Sáng hôm sau cha tôi kiểm tra số sách xong, chuẩn bị lên đường đi làm ăn tiếp, tôi thấy nhẹ cả người.
Ra đến bến đò ở ngay cổng, cha tôi nói khẽ với tôi:
- Này con, từ nay con đừng để mấy thằng bạn học ghi hết tên nó vào sách vở của con nữa nhé!
Con đò từ từ ra giữa sông Hồng. Tôi chết lặng đứng đó và cảm nhận hết sức nặng, áp lực từ câu nói kia. Thì ra, không cái gì qua mặt được ông. Từ đó, nghề… nói dối cha thuyên giảm dần.
Lớn thêm chút, một đận tôi đi tập nghề thợ với cha. Công việc thì làm thợ mộc nhưng tâm trí của một cậu thanh niên mới lớn thì lại “thiên” về những món khác như mấy cô gái làng hay thập thò đến chơi hay mấy tập tiểu thuyết mang theo.
Cứ sau bữa ăn trưa, buông đũa buông bát là tôi tranh thủ kiếm một chỗ mát mẻ nằm kềnh ra, ngốn ngấu món “Ruồi trâu” hay “Thép đã tôi thế đấy” hết buổi nghỉ trưa.
Với nghề thợ, một người mới vào nghề, được gọi là “Phó nhỏ” thì không được phép thảnh thơi như vậy.
Nhận thấy con mình như vậy, cha tôi đã dùng một diệu kế để “cải tạo” tôi rất nhẹ nhàng.
Mỗi khi tôi cùng cuốn sách lăn kềnh ra tấm liếp đầu lán sau bữa ăn, Cha tôi nhờ ông cụ Long Thoại, hơn 70 tuổi là người lớn tuổi nhất đám thợ, ông cụ là nghệ nhân chuyên vẽ những chữ đại tự, Hoành phi câu đối, thượng lương trong nhà. Cụ là bậc khả kính, là người được người khác phải phục vụ. Cha tôi nhờ cụ lấy cái tăm, cái khăn lau tay và li nước trà nóng tiến lại chỗ tôi nằm: “Mời cậu ạ!”.
Tôi chết điếng người và từ từ hiểu ra vấn đề.
Còn hàng tá chuyện như thế nữa đã xảy ra suốt thời niên thiếu của mình, một thằng bất trị với người cha cực kỳ tinh tế, mẫn cảm nhưng vì cơm áo, không thể gần sát con được. Những câu chuyện này dần dần sẽ được bộc lộ nơi đây hầu bạn đọc nhưng viết vài dòng về cha mình lúc này, âu cũng như là tự xác nhận, với “nghề” này, có vẻ như với tôi, nó là “nghề cha truyền” theo đúng nghĩa đen của từ này.
Có lần, khi đã có vợ con rồi, tôi hỏi ông về những “bí quyết” kể trên. Cha tôi đã kể nhiều về ông nội tôi, người đã khuất từ lâu.
Hồi đó, nhà ông nội tôi thuộc diện “có của ăn của để” nên bọn trộm hay nhòm ngó.
Thời ấy, tài sản có thể trộm được thị thường chỉ có đám gà vịt nhốt ngoài vườn.
Khuya hôm ấy, một tên trộm đến.
Trời sáng trăng xuông nhàn nhạt.
Hắn chưa hành sự ngay mà nhẹ nhàng đi chân trần dọc hiên quanh nhà quan sát, nghe ngóng cho chắc ăn.
Đợi cho tên trộm đi một lượt, khi hắn quay lại ông nội tôi thò qua kẽ tấm liếp một con dáo nhọn (là một loại dao lớn, mũi nhọn thường dùng cho chiến binh khi xưa) thò ra chừng ba mươi phân, quay đằng lưng lại. Ngọn dáo thép chỉ vừa đủ vướng vào người tên trộm, không gây sát thương.
Tên trộm đi đến đó thì thấy vướng vào đùi trên, hắn thò tay xuống sờ thử thì ông nội tôi từ từ rút ngọn dáo vào nhà.
Tên trộm ngẩn người một thoáng rồi biến mất.
Từ đó không bao giờ bén mảng đến nhà này với mưu mô gì nữa.
Trong một bài thuyết trình về xử thế tôi đã đưa hình ảnh này ra và 2/3 học viên đã dễ dàng nhận ra “thông điệp” của cái lưng con dáo kia nhiều tác dụng đến như thế nào. Nó làm cho tên trộm sợ đến như thế nào, nể phục như thế nào và biết ơn chủ ngọn dáo như thế nào.
Nó còn là yếu tố “bền vững” theo cách nói hiện nay. Hơn hẳn mọi biện pháp quyết liệt khác.
Hôm nay, khách hàng của mình, khi trao đổi thường vò đầu bức xúc “Không hiểu vì sao thằng con trời đánh của tôi nó như vậy” và tỏ ra bất lực trước những “ca” như vậy.
Họ đâu có biết rằng, vị chuyên gia đang ngồi đây, để chia sẻ với họ không phải một nhà khoa học lừng danh, học hàm học vị láng bóng đầy người mà anh ta vốn cũng là “thằng bất trị” khi xưa, có khi còn bất trị hơn con cái họ bây giờ.
Vấn đề là mỗi người đã làm gì, làm thế nào trước những vấn đề đó. Có ai đã làm được những việc như cuộc kiểm kê sách vở hoặc nhờ một cụ ông cao lão lấy tăm, bưng nước cho con mình như câu chuyện kể trên hay không.
Chương trình CNN đang tiến vào trọng tâm, khi công việc chưa quá cấp tập, xin được trao gửi câu chuyện riêng của chủ sự hôm nay, để vừa là tri ân mười hai ngàn lượt người đã đến thăm trong mười ngày qua, vừa là lời khẳng định, từ cái tâm của mình, từ bề dày kinh nghiệm thiết nghĩ không trường sở nào dạy được như vài câu chuyện hôm nay, chúng ta sẽ dễ gần gũi, chia sẻ với nhau và sẽ chia sẻ được nhiều điều với nhau hơn.
Tất cả cùng hướng tới một xã hội “nhân hòa” thật sự, thưa Quý bạn.
Nguyễn Huy Cường.